2014-01-12 21:38:49

Chiếu phim „Hà Nội-Warszawa” ở đại học Almamer.

Bộ phim được chiếu chiều 12-01-2014. Khá đông khán giả Ba Lan, Việt Nam đã đến xem và giao lưu với đạo diễn.

Chỉ với 27 phút, với một không gian là một vùng rừng núi, một đoạn đường, một khoảng chợ trời Sân vận động 10 năm, một căn phòng trong một trại tạm giam và với thời gian thật ngắn, một lượng diễn viên ít ỏi nhưng bộ phim đã phác họa một cách sắc xảo đoạn đời đắng cay của một số người Việt vượt biên sang Ba Lan. Các diễn viên trong phim toàn là diễn viên nghiệp dư, kể cả diễn viên chính Mai Thu Hà ( vai Mai Anh).

Mai Anh, nhân vật chính trong phim cùng một toán người Việt vượt biên sang Ba Lan. Đoàn người đã vượt qua biên giới nhưng bị bỏ lại giữa đường. Mai Anh đến Warszawa để tìm người yêu tên Vong ( hay Vọng?). Cô đã phải chịu nhiều vất vả, bị hãm hiếp. Khi bị bỏ lại, cô tách khỏi đoàn để đi tiếp. Dọc đường cô được hai người Ba Lan cho đi nhờ xe. Trên xe, mượn điện thoại của người Ba Lan cô bàng hoàng khi người yêu của cô thông báo đã bị bắt. Tạm biệt những người Ba Lan tốt bụng, cô xuống xe đi tiếp và khi thấy xe công an cô đã tự nguyện lên xe để được vào trại tạm giam. Tại đây cô vỡ òa xung sướng khi gặp được người yêu của mình. Tuy nhiên, sau cái ôm thật chặt, anh Vọng đã khước từ sự nhìn nhận của cô bạn gái chỉ đơn giản là vì bây giờ anh không phải tên là Vọng, anh đã mang tên họ của một người khác

Những phận đời nhỏ nhoi làm người xem xót xa, rơi lệ.

Hình ảnh của chợ Sân vận động ngày nào được tái hiện: Những quầy bán hàng ngoài trời, những bàn cờ tướng rôm rả, những anh cửu vạn lúc nào cũng nói thật to „Uwaga”, những cuộc vây ráp, kiểm tra giấy tờ tùy thân của biên phòng, rồi những người Ba Lan tốt bụng sẵn sàng cho đi nhờ xe, cho chiếc khăn quàng chống rét.

Bộ phim  Hà Nội - Warszawa của đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz đã được công chiếu cách đây 5 năm. Phim đã được chiếu ở một số rạp và phát trên truyền hình. Bộ phim đã đoạt 2 giải thưởng ở Liên hoan phim Ba Lan lần thứ 34, năm 2009 ( Một giải Đặc biệt của Ban giám khảo cho phim và một giải Danh dự cho diễn viên chính, cô Mai Thu Hà vốn là sinh viên nghành báo chí Đại học Tổng hợp Vác-sa-va.) . Năm 2010 đoạt giải thưởng phim ngắn trong Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 được tổ chức ở Estonia.

Sau khi phim kết thúc, đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz đã có buổi giao lưu với những người đến xem, Anh Ngô Hoàng Minh làm phiên dịch. Khán giả đã có nhiều câu hỏi cũng như những chia sẻ, cảm nghĩ của mình khi xem bộ phim này. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao nội dung, nghệ thuật của bộ phim. Chị Thu Nga, một trong những nhân vật trong phim cũng chia sẻ cùng khán giả về quá trình vất vả khi đi làm phim. Trong bầu không khí cởi mở, thân tình, đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz đã trả lời những câu hỏi của khán giả và trình bày những điểm chính khi tiến hành làm bộ phim này.

Bộ phim đã phản ảnh một phần nhỏ trong cuộc sống của Cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan. Một số khán giải mong đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz và những người làm phim khác trong tương lai sẽ có thêm nhiều tác phẩm phản ánh những phần khác trong những hoạt động phong phú của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan.


Giao lưu với đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz ( Áo trắng)

Chị Thu Nga, một nhân vật trong phim chia sẻ về quá trình làm phim.

Chụp ảnh lưu niệm với đạo diễn.

Buổi chiếu phim và giao lưu này là một phần trong chương trình hoạt động văn hóa năm 2014 của Viiện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Almamer – Warszawa.

Warszawa 12-01-2014

              TT

Sửa lần cuối 2019-01-12 08:13:21
  • Người Lính Già Người Lính Già Bộ phim có bố cục ngắn gọn nhưng nhiều đoạn rất cảm động, phải công nhận là đạo diễn thể hiện có tài năng thực sự, chính vì thế mà đã đạt nhiều giải thưởng ở Châu Âu. Rất cảm ơn đạo diễn đã đưa những hình ảnh sinh động về những con người Việt Nam vượt biên khốn khổ, nhưng không thể so sánh với những " thuyền nhân" có nhiều gian nan gấp nhiều lần. Nhưng là người Việt Nam khi xem phim này có mấy cảnh, mà hình như đạo diễn cố tình thể hiện không được hay về người Việt. Trước hết là tên cuả nhân vật Lâm Vong, khi xem phim sẽ nghe rõ khi cô gái nhận ra người yêu của mình nên súc động mà kêu lên, cho thấy cái tên rất hiếm thấy đặt tên của ngươì Viêṭ vì Vong có nghiã là âm hồn hay là ma. Hơn nữa Lâm có nghiã là rừng, vậy Lâm Vong có nghiã là "con ma rừng", thử hỏi tại sao đaọ diễn lại nghe ai đặt tên cho nhân vật này, mà anh bạn tôi là người đã tốt nghiệp đaị hoc̣ ở Balan (BL quay) trong từ điển Việt Nam Balan không có từ vong đứng riêng,hơn nữa trong chữ cái của Balan rất hãn hữu dùng chữ cái V, vậy chắc khi sử dụng cái tên Lâm Vong đạo diễn đã có một ý đồ gì đó không tiện nói ra trước những khán gỉa Việt Nam chăng? Còn nhân vật phụ nam giới trong đoàn vượt biên thì tôi cũng chưa hiểu hết ý của đạo diễn, khi anh ta nhắm mắt và bịt tai khi nghe thấy tiếng kêu của cô gái bị thằng lái xe hãm hiếp ngay bên cạnh thùng xe tải, nếu đạo diễn dùng hình ảnh khác, ví dụ trợn mắt lên, nắm chặt hai tay, nhưng phải dằn mình xuống thể hiện sự bất lực, mới thể hiện được tính cách đàn ông cuả anh ta. Còn nữa cảnh anh ta đổi bao thuốc lá lấy gói kẹo sôcôla laị ngồi ăn một mình trước con mắt thèm thuồng của mọi người trong đó có cháu bé với con mắt thèm thuồng mà hắn không thèm đếm xỉa đến. Ý định của đạo diễn ở đây muốn thể hiện là người đàn ông Việt Nam hèn nhát và ti tiện vậy sao? Còn một thiếu xót của đạo diễn chưa đưa ra được đó là: từ đâu, tại sao hay vì lý do gì mà có những con người khốn khổ đó bằng mọi cách phải vượt biên đi nước khác để mưu sinh?, Điều này đạo diễn có nói là trước đây người Balan cũng tìm đường sang các nước láng giềng để kiếm sống tương tự. Vậy ai đã xem và hãy giải thích giúp ý nghĩ như vậy của tôi có gì sai và chưa công bằng với đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz? 2014-01-12 23:56:37

Bình luận

Bình luận qua Facebook