2014-04-13 13:29:30

Phật giáo Ba Lan và cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan

Ở Ba Lan có khá nhiều người theo đạo Phật, chủ yếu đó là những người theo thuyết Zen và theo hướng Phật giáo Tây Tạng. Nói chung, để hoạt động chính thức, các Hội Tôn giáo ở Ba Lan đã được đăng ký ở Bộ Nội vụ, nhưng điều đó không có nghĩa là Ba Lan luôn muốn kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo của người dân. Gần đây, có một số người dân Ba Lan muốn đăng ký Hội theo Nhà thờ Con quỷ Spagetti Bay ( Flying Spaghetti Monster, tiếng Tây Ban Nha Fluganta Spagetmonstro), những đã bị chính quyền từ chối, cũng có thể là Nhà nước muốn tránh những chuyện có tính chất nhạo báng người (theo đạo) khác, hiện đang có những chuyện kiện cáo, mà giới truyền thông Ba Lan cũng đã quan tâm đưa tin.

Nguồn gốc nền Phật giáo ở Ba Lan được bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, khi có khá nhiều người dân Ba Lan ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu thêm về nền văn hóa và tôn giáo của Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng và Hàn Quốc. Từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, nhiều nhóm phái và tổ chức đã được thành lập, nhưng sau năm 1989, nền Phật giáo được phát triển mạnh mẽ hơn nhiều, khi Ba Lan có được một nền tự do dân chủ thực sự.

Ước tính có khoảng 5000 người Ba Lan theo đạo Phật và vài chục nghìn người yêu thích đạo Phật. Wikipedia tiếng Ba Lan cũng có nhắc tới cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan, bởi vì phía Ba Lan biết là người Việt thường tự coi mình là một dân tộc có liên quan đến Phật giáo (tôn thờ các phong tục tập quán theo đạo này), nhưng người Việt Nam chưa có một tổ chức tôn giáo nào được đăng ký chính thức và họ cũng không chịu hòa đồng (hội nhập) với người Ba Lan theo đạo Phật. Cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan chưa tìm hiểu nguồn tiền trợ cấp và những sự giúp đỡ khác của chính quyền Ba Lan.

Ở Ba Lan có gần hai chục hội những người theo đạo Phật:

- Hội Phật giáo Con đường Kim cương Dòng Karma Kaguu

- Trường Zen Kwan Um tại Ba Lan

- Cộng đồng Phật giáo Zen Kannon

- Hội Phật giáo Kazeon

- Hội Phật giáo Truyền thống Karma Kamtsang

- Hội Phật giáo Zen Bodhidharma

- Những người bạn Cộng đồng Phật giáo Phương Tây.

Ngôi chùa ở Damków, Ba Lan.

Trong số hai mươi hội lớn nhỏ, có 8 hội đã tụ tập trong Liên minh Phật giáo Ba Lan.

Về các cơ sở hạ tầng, Hội Phật giáo Con đường Kim cương Dòng Karma Kaguu có một ngôi chùa nhỏ và công viên ở Kuchary (Drobin), rộng 6,5 ha (Phật giáo dòng Tây Tạng). Ngoài ra, vào năm 1994 Hội Phật giáo Truyền thống Karma Kamtsang cũng đã mua một mảnh đất nông nghiệp cùng một gian nhà nhỏ ở Grabnik (Jaktorów), cách Vác-sa-va khoảng 40 km. Năm 1998 họ đã có bản thiết kế và năm 2005 đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng ở đây. Từ năm 2009 một Trung tâm Tu nguyện Ba năm Benchen Drubde Osal Ling của Châu Âu tại Ba Lan đã được thành lập trong khu vực tôn giáo này. Nhiệm vụ của Trung tâm này là làm các công việc quảng bá văn hóa và những sáng tác của Phật giáo, tổ chức các cuộc triển lãm, các buổi gặp mặt, giảng đạo và các hội nghị. Cũng cần phải nhắc đến Hội Phật giáo Khordong, khi họ đã có một ngôi chùa ở Darnków.

Cộng đồng người Việt Nam hiện nay ở Ba Lan đang có hai ngôi chùa. Chùa Thiên Phúc ở Raszyn và chùa Nhân Hòa ở Łazy. Cả hai ngôi chùa này đều nằm ở ngoại ô Thủ đô Vác-sa-va. Trước đây người Ba Lan còn biết về chùa Thiên Việt ở cạnh Sân vận động Mười năm (cũ) trong quận Praga ở Vác-sa-va. Rất tiếc là sau những biến động lịch sử của cộng đồng người Việt ở đây (nhiều khi không có gì đáng tự hào và cũng đã có những thông tin hay lời nói không cần thiết xuất hiện trong các mạng cộng đồng), hiện nay không có ngôi chùa nào mang tên Thiên Việt.

Theo ý kiến của tác giả, cộng đồng người Việt ở Vác-sa-va nói chung và cộng đồng những người yêu đạo Phật nói riêng, muốn hoạt động trong lĩnh vực khác nhau về lâu dài, cũng dần dần phải đi vào khuôn khổ pháp luật của Ba Lan. Tất nhiên là ở Ba Lan luôn có tự do tín ngưỡng, nhưng khi đã có thành lập những tổ chức lớn, có liên quan đến tài chính, đến tài sản (bất động sản), mọi công việc khác (quyên góp tiền, công việc chi tiêu, công việc vận hành, quản lý, thu lệ phí, bán vé tham quan, du lịch, tổ chức các hội nghị, các trường học quảng bá võ nghệ v.v...) mà cũng liên quan đến tài chính, đều phải được giải quyết một cách minh bạch, có tổng kết, tránh phiền phức về lâu dài. Bởi vì là khi có xuất hiện những ý kiến trái chiều (những mục đích khác nhau), có thể sẽ xuất hiện những đơn từ kiện cáo, những thắc mắc, khi đó các cơ quan chức năng của Ba Lan sẽ buộc phải vào cuộc (điều tra hay tìm hiểu kỹ lưỡng).

Về luật pháp, chỉ cần có 15 người là có thể đăng ký ở Tòa án một hiệp hội nào đó, nhưng hiệp hội nào cũng phải có điều lệ, có những nguyên tắc và các mục đích hoạt động cụ thể, mang tính chất lâu dài, vậy không thể tùy tiện được. Khi xin giấy phép và khi xây dựng bất động sản, phải tuân thủ các nguyên tắc pháp luật hiện hành của Ba Lan, chứ không thể thay đổi tên chủ một cách tùy tiện. Các tổ chức hay các công ty kinh doanh, khi có những hợp đồng liên quan tài chính (chuyển nhượng bất động sản), đều phải có Văn bản công chứng, có những lệ phí (thuế má) theo đúng pháp luật. Cũng có thể là một đơn vị (tổ chức) có thể đứng tên là chủ nhân của bất động sản (Trung tâm Văn hóa), còn người quản lý, đơn vị vận hành (Chùa) sẽ là một tổ chức khác, nhưng mọi chi thu đều phải minh bạch.

Bộ Văn hóa và Di sản Quốc gia Ba Lan năm nào cũng có những khoản kinh phí trợ giúp cho các hoạt động văn hóa, nhưng mặc dù Ba Lan được coi là một quốc gia có nhiều người theo đạo (chủ yếu Công giáo), Bộ ngành này không cung cấp kinh phí cho các hoạt động tôn giáo nào đó cụ thể, để tránh những thắc mắc, những sự thiên vị, vì phải bình đẳng trong vấn đề tín ngưỡng. Do vậy các đơn vị các hiệp hội có thể viết đơn xin Bộ trợ cấp một khoản tiền nào đó cho công việc phát triển cơ sở hạ tầng, thí dụ như xây dựng các Trung tâm Văn hóa. Bộ không được phép cung cấp tiền cho hoạt động (lễ nghi) chỉ có tính chất tín ngưỡng.

Rất tiếc là các khoản tiền chi phí cho các hoạt động văn hóa trong năm 2014 của Bộ Văn hóa và Di sản Quốc gia Ba Lan đã được khép kín, vì có quá nhiều các tổ chức đã nộp đơn xin trước. Do vậy, nếu cộng đồng người Việt ở Ba Lan muốn Bộ này trợ giúp thì phải nhanh chóng viết đơn từ trước tháng 11 của mỗi năm, xin khoản tiền grant có trong năm tới. Ba Lan có thể cung cấp tài chính để Trung tâm Văn hóa của người Việt tại Ba Lan có thể mở mang, xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng tiếp theo, với mục đích hoạt động với cương vị là một Trung tâm Văn hóa nói chung, chứ không chỉ của một dòng phái tín ngưỡng cụ thể nào đó.

Hy vọng cộng đồng người Việt ở Ba Lan luôn đoàn kết, cùng chung sức hợp tác với những người Ba Lan thân thiện, để phát triển nền Phật giáo ở Ba Lan nói riêng cũng như các hoạt động văn hóa khác nói chung, để tất cả chúng ta có thể sinh sống lâu dài trong một xã hội lành mạnh.

Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2014-04-13 11:33:58
  • ban ddoc QV ban ddoc QV Hay rất rõ ràng khi chúng ta muốn lập hội hè gì thì cũng phải minh bạch,công khai và cân nhắc cho thật kĩ trước khi làm để tránh đi những phiền toái về sau. Về luật pháp, chỉ cần có 15 người là có thể đăng ký ở Tòa án một hiệp hội nào đó, nhưng hiệp hội nào cũng phải có điều lệ, có những nguyên tắc và các mục đích hoạt động cụ thể, mang tính chất lâu dài, vậy không thể tùy tiện được. Khi xin giấy phép và khi xây dựng bất động sản, phải tuân thủ các nguyên tắc pháp luật hiện hành của Ba Lan, chứ không thể thay đổi tên chủ một cách tùy tiện. Các tổ chức hay các công ty kinh doanh, khi có những hợp đồng liên quan tài chính (chuyển nhượng bất động sản), đều phải có Văn bản công chứng, có những lệ phí (thuế má) theo đúng pháp luật. Cũng có thể là một đơn vị (tổ chức) có thể đứng tên là chủ nhân của bất động sản (Trung tâm Văn hóa), còn người quản lý, đơn vị vận hành (Chùa) sẽ là một tổ chức khác, nhưng mọi chi thu đều phải minh bạch. 2014-04-14 08:09:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook