2014-11-04 06:34:32

Về vụ xung đột ở khu chợ Marywilska ngày 3-11-2014.

Công an, bảo vệ và bà con trước văn phòng Trung tâm Marywilska.

Ngày 03.11.2014 trong mạng xã hội có một số ảnh và thông tin đưa ra là có công dân Việt Nam bị những người bảo vệ Khu chợ Marywilska đánh đập, gây thương tích và phải đi cấp cứu, PV Quê Việt lập tức vào khu chợ có đông người Việt bán hàng này để tìm hiểu tình hình và nếu có thể thì giúp bà con đồng hương một số công việc trong các thủ tục cần thiết.

Thoạt đầu, cứ tưởng vụ việc rất trầm trọng, vì tại khu chợ đó vẫn đang còn rất nhiều người Việt Nam có tâm trạng bức xúc, có một số người truyền đạt lại là không chỉ ngày hôm nay, mà người Việt thường xuyên bị những người bảo vệ bắt nạt tại khu chợ này.

Quả thật, tại khu cửa ra vào Văn phòng Ban quản trị vẫn có vài người bảo vệ đang đứng canh gác, một số công dân Việt Nam vẫn đang tụ tập trước cửa Văn phòng, nhưng không ai được vào bên trong để chất vấn hay nói chuyện với Ban giám đốc.

Sau khi tìm hiểu tình hình, hỏi chuyện bà con về những sự việc đã xảy ra, PV Quê Việt khuyên bà con hãy bình tĩnh, để cùng tìm ra phương hướng giải quyết, nếu có nạn nhân, cần bảo đảm có sự chăm sóc y tế, nếu có thủ phạm hành hung, cần phải đưa ra tòa án xét xử thích đáng, bởi vì Ba Lan là một quốc gia dân chủ, nếu ai vi phạm quyền bất khả xâm phạm của người khác, mà lại gây ra bất kỳ thương tích nào đối với nạn nhân, thì người đó chắc chắn sẽ bị pháp luật xét xử, không có Ban giám đốc nào, đội bảo vệ nào, hay thậm chí cảnh sát nào có thể che đậy, bao dung.

PV Quê Việt bày tỏ ý định muốn gặp Ban giám đốc (quản lý khu chợ), thoạt đầu họ từ chối, nói là công an đã có mặt tại hiện trường, đã thu thập thông tin và các bằng chứng của sự việc, đã làm hết tất cả những công việc cần thiết, nếu ai muốn tìm hiểu thêm thông tin hay thông báo về vụ tội phạm, cần phải đến Đồn công an Khu vực gần khu chợ để giải quyết. Sau lời để nghị và giải thích là nguyện vọng của bà con đang bán hàng ở chợ là muốn được nói chuyện với Ban giám đốc, chỉ một mình PV Quê Việt được vào gặp Ban giám đốc.

Gíam đốc Khu chợ là một bà Ba Lan, nhìn thoạt đầu nom có vẻ kiên nghị, nhưng sau đó sẵn sàng nói chuyện khá niềm nở. Bà cho biết là rất tiếc đã có chuyện không hay xảy ra ở khu chợ do bà quản lý và mọi chuyện đã được cơ quan chức năng (cảnh sát) can thiệp.

Theo lời kể của bà Giám đốc, nguyên nhân của sự việc là có một bạn trẻ người Việt đã nhiều lần vi phạm nội qui khu chợ, đã bị nhắc nhở mà không rút kinh nghiệm, vậy bà buộc phải ra 1 nghị quyết phạt hành chính cô này ở mức 1000 zloty. Tất nhiên, theo nội qui và thủ tục hành chính, người bị phạt luôn có quyền khiếu nại, do đó cô gái Việt bị phạt cũng đã đến Văn phòng Ban quản trị để làm công việc đó (giải thích nguyên nhân bị phạt). Rất tiếc là đã có xảy ra  to tiếng, ông Giám đốc Kỹ thuật (cấp dưới của bà Giám đốc) và một vài nhân viên bảo vệ cũng đã có mặt trong Văn phòng Ban quản trị.

Rồi bà Giám đốc tường thuật lại là cô gái Việt đã có những hành vi quá bức xúc, cùng đi với cô gái là chồng của cô ấy và một thanh niên Việt Nam. Lời qua tiếng lại, người ra người vào, cô gái Việt đã ngã lăn ra sàn nhà, cũng không biết có ai ngáng hay xô đẩy hay không. Công an đã lấy lời khai của các nhân chứng, đã niêm phong các băng video của các máy camera để kiểm tra và xác minh thực tế.

Rồi tại khu vực có đám đông người Việt, đã có xảy ra xô sát giữa cảnh sát và những người Việt khác, có người bị xịt hơi cay, có một cảnh sát bị cào xây xước ở cổ. Một cô gái Việt khác có thể sẽ bị công an truy tố về tội chống người thi hành công vụ.

Khi biết số đông người Việt đang rất bức xúc, bà Giám đốc đã cho ông Giám đốc Kỹ thuật nghỉ việc sớm trong ngày hôm nay, để cho không khí ở Khu chợ bớt căng thẳng.

Đó là ý kiến của phía Ba Lan.

Về phía bà con Việt Nam, PV Quê Việt có hỏi ai là người làm chứng sự việc từ đầu đến cuối. Hóa ra là chỉ có chồng cô gái Việt và cậu thanh niên trẻ là biết được mọi chuyện. Mọi người quyết định lên Đồn cảnh sát khai báo về vụ việc là có người Ba Lan đánh người Việt và hậu quả là phải đi cấp cứu.

Tại đồn công an, nhóm người Việt (trong đó có nạn nhân và các nhân chứng) được thông báo là có vụ án hình sự đã đang được tiến hành. Tất cả những người liên quan sẽ nhận được giấy triệu tập của công an để hẹn ngày giờ để khai báo, để hỏi cung vào những thời hạn khác. Nếu nạn nhân yêu cầu, có thể đến bác sỹ tòa án lấy giấy chứng nhận có xét nghiệm về các thương tích cơ thể (có ngưỡng mức độ quan trọng là phải nằm viện trên hay dưới 7 ngày). Cùng giấy chứng nhận đó, tại mọi thời điểm, nạn nhân có thể yêu cầu khởi tố, kiện trong 1 vụ án dân sự khác nữa, yêu cầu thủ phạm bồi thường thiệt hại. Tất nhiên là nếu chứng minh được ai là thủ phạm gây ra thương tích cơ thể.

Theo nhận xét của PV Quê Việt, khi có người cần có sự trợ giúp y tế, vì thấy đang nằm dưới sàn nhà, bà Giám đốc đã gọi ngay xe cấp cứu, vậy đó là hành động đúng trách nhiệm. Chuyện ra quyết định phạt 1000 zloty của khu chợ, PV Quê Việt chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân, vậy không thể đưa ra kết luận ai đúng ai sai, vì Khu chợ có Nội quy riêng, các chủ hàng đã ký kết hợp đồng với Khu chợ, đã được đọc và tìm hiểu kỹ các nguyên tắc nói chung. Khi đã cho ra 1 quyết định hành chính, rất khó bỗng nhiên xóa bỏ quyết định đó, mà phải có những nguyên nhân đúng lý lẽ. PV Quê Việt chỉ có thể giúp người bị nhận phiếu phạt viết 1 lá đơn khiếu nại, xin giảm mức phạt, khi tình hình kinh tế đang khó khăn. Rất khó có khả năng là Ban quản trị luôn luôn có thể tùy tiện ra quyết định phạt đối với mọi cá nhân, trái với nội qui của Khu chợ hay luật pháp nói chung.

Không bàn về các vụ việc khác đã xảy ra trước đây ở Khu chợ này, mà đã gây ra sự căng thẳng trong quan hệ „chủ chợ- người thuê quầy”, chỉ nói về sự việc ngày hôm nay, nếu có sự đánh người thật sự, thì ắt hẳn phải có rất nhiều nhân chứng, kể cả người Ba Lan lẫn người Việt. Cũng có hiện tượng bao che nhau, nhưng thường là người Ba Lan khi bị cảnh sát dạy bảo nguyên tắc pháp lý là cần phải có trách nhiệm với lời khai của mình, nói chung đa số các nhân chứng sẽ khai báo hết. Do vậy, nếu nhân viên Khu chợ đánh người, vụ việc trước sau cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng. Nếu ai có bằng chứng, cảnh sát có nhiệm vụ thu thập bằng chứng ngay, qua các bức ảnh chụp hay những lởi khai tường thuật sự việc xảy ra.

Đi sâu hơn một chút, bàn về chuyện đấu tranh giữa những người thuê quầy và Ban quản trị Khu chợ: Thời buổi kinh tế thị trường, cả hai bên cần có nhau, thuận mua vừa bán (thuê quầy), các bên thường cùng phải quan tâm đến lợi ích của nhau để cùng tồn tại lâu dài, nếu không mọi chuyện sẽ tan vỡ sớm, khi thường xuyên có xảy ra các xung đột. Do vậy có lẽ Ban quản trị cũng muốn bà con người Việt yên ổn làm ăn lâu dài, để mang lại lợi ích cho họ và cho Ba Lan, chứ ít ai muốn gây ra mâu thuẫn. Nếu có những cá nhân trong đội ngũ bảo vệ có những cư xử vượt quá thẩm quyền, sai luật pháp, người đó không những sẽ bị đuổi việc ngay, mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi sai trái của mình đối với người Việt nói riêng và đối với các khách hàng Ba Lan nói chung.

Để có thể làm ăn lâu dài, không bị đối xử bất công, những chủ quầy nên cử ra một Ban đại diện, hoạt động kiểu như tổ chức Công đoàn, luôn có thể nói chuyện hay đấu tranh với Ban quản trị Khu chợ, bàn về chuyện giảm tiền thuê, bàn về chuyện có nhân viên bảo vệ vi phạm pháp luật, chứ khó mà yêu cầu các hội đoàn người Việt khác đứng ra can thiệp, vì một lẽ thường tình là họ không có mặt ở đó, không nắm bắt được tình hình hay các vấn đề xảy ra tại Khu chợ, nếu có tiếp diễn.

PV Quê Việt cũng nhận được thông tin là Ban quản trị Khu chợ sẽ cố gắng hết sức mình, luôn tìm cách giải quyết các vấn đề sao cho thật ổn thỏa, tránh mọi xung đột giữa người Việt và người Ba Lan, để chứng minh là cộng đồng người Việt cũng đã hội nhập, đang cùng làm ăn tốt với dân bản xứ, không để xảy ra hiện tượng phân biệt chủng tộc. Đó là ý nguyện chung của toàn Liên minh Châu Âu, mà CH Ba Lan là một thành viên.

Tóm lại, sau vự việc này người Ba Lan cũng đã thấy là người Việt khá đoàn kết, biết cương quyết đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình, do vậy người ta cũng biết rút kinh nghiệm, tránh không để xảy ra những xung đột không cần thiết, vì ai cũng muốn yên ổn làm ăn.

Về phía người Việt, cũng không nên quá bức xúc, không nên để xảy ra những hành vi phạm pháp khác, mà hãy tin tưởng là Ba Lan đang cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ, không có hiện tượng bao che hay mua chuộc. Cảnh sát sẽ luôn có nhiệm vụ sát sao quản lý khu chợ này, nếu có xảy ra xung đột mới, thủ phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự ngay lập tức.

Cũng may là trong vụ việc này đã không xảy ra xung đột lớn, không có nạn nhân nhiều thương tích và hy vọng là sẽ không có chuyện gì xảy ra thêm (không có chuyện oán thù), để bà con yên ổn làm ăn, đặc biệt là trong thời buổi ngành thương mại ngày càng khó khăn hơn.


Ngô Hoàng Minh ( Ảnh minh họa: Fb Hoang Chien Thangmai).

Sửa lần cuối 2014-11-04 08:36:59
  • Thủy Tiên Thủy Tiên Xem ý kiến của nhân vật chính : Ngày hôm nay em cũng chính thức nói với mọi ng về vấn để ngày hôm qua xảy ra tại chợ mảywillska 44 để mọi ng nghe được thông tin chính xác nhé : 12h trưa hôm qua 3-11-2014 em có nhờ 1 ng phiên dịch lên phòng giám đốc để kiến nghị sự việc em bị phạt 1000zl tội lấn chiếm sang nhà hàng xóm . Lên đó bà giám đôc nói là xử phạt theo đúng quy định . Em có trình bày là trước khi bảo vệ xuống dẹp em có bày lấn sang bên hàng xóm 20cm mà đã hỏi ý kiến nó . Khi bảo vệ xuống nhắc nhở em cũng đa nói rất rõ là tại sao hàng xóm nhà toi no ko phàn nàn về việc này mà sao các ông cứ bắt bẻ tôi . Sự việc đỉnh điểm đến lúc 4h chiều cách đây 3 hôm bảo vệ lại đi dẹp , em nói rõ là bjo cũng muộn rồi sáng mai tôi sẽ dẹp đúng vào vị trí . Thế mà đùng cái sáng sớm 3-11 mấy ông trên biro xuống đưa giấy phạt 1000zl cho em . Sự việc em trình bày trên bà giám đốc thì bà ấy có nói là tôi có camera quay lại bà vẫn lấn chiếm sang đát hàng xóm 20cm . Em hỏi bà ấy có thể cho tôi xem camera đc ko? Nếu đúng tôi sẽ chịu phạt vì thưc sự ngay khi bảo vệ đi nhắc lần cuối em đã kê ngay về vị trí nhà mình . Bà giám đốc ko đồng ý cho em xem bằng chứng bà ta nói . Em nhờ ng dịch lại là : bà phat toi thì phải có bằng chứng rõ ràng , chúng tôi đóng tiền trưng hàng tháng cho bà bà ko được tuỳ tiện phạt tôi . Bà ta nói là " Tôi Thích Thế " . Em ức chế đến tận cổ với cái thái độ và câu trả lời của bà ấy em liền gọi điện cho mấy ng hàng xóm chứng kiến sự việc ngày hôm đó lên và bà ta đuổi em ra ngoài nói là em ko phải chủ quầy bà ta ko làm việc với em . Đến khi em đi ra cửa vì quá bức xúc với sự việc em đã đóng mạnh cái cửa hành lang thì 1 ông nhân viên biro đi sau kéo em lại thì em hất tay ông ta ra , sau đó ông ta dùng chân ngáng chân em và dùng tay quật em ngã xuống sàn . Khi đó ng phiên dịch chạy từ pong bà giám đốc ra nhìn thấy em đang nằm ngã dưới sàn thì chạy ra gọi mọi ng vào giúp đỡ . Bảo vệ chợ đóng tất cả các cửa ko cho 1 ai vào trong và cũng không giúp đỡ xem em có làm sao ko? Đến khi em bị tụt huyết áp e có nói với ng bảo vệ đứng cạnh đó là ông giúp tôi gọi bác sĩ tôi có vấn đề rồi thì ng bảo vệ đó có nói lại với bà giám đốc đứng ngay gần đó . E có nghe bà ta nói loáng thoáng là nó chỉ làm trò , nói nó đi về nhà mà nằm ... Đến khi em bắt buộc phải nói là toi đang mang thai thì họ mới gọi xe cứu thương giúp em và cho chồng em vào . Khi chồng e vào trong hỏi e có sao ko và định đưa e về quầy thì bà thư kí giám đốc nói chen vào : hình như nó ko có gto , phải chờ công an đến giải quyết . Thực sự với mọi ng là em bị nó quật ngã xuống cũng đau nhưng chưa đến nỗi phải đi nhà thương , tụt huyết áp thì ngồi 1 lúc sẽ hồi lại nhưng tại ba thư kí nói vậy nên em nghĩ phải chờ bằng được cả công an cả cứu thương đến để nó biết là đừng bao giờ nghĩ ng VN mình sợ công an , rồi để nó lấy vấn đề giấy tờ ra doạ nạt . Sự việc sau đó khi công an đến đều được mọi người chứng kiến ko cần em phải kể ra nữa . Sự việc lần này xảy ra chỉ như giọt nước tràn ly khi mọi bức xúc của cồng đồng mình bị dồn nén trong thời gian dài với cái cách xử lý của ban giám đốc chợ . Và em cũng xin cam kết sự việc e kể ở trên hoàn toàn ko có nửa lời gian dối . Còn mọi ng đòn đoán là khi vào phòng giám đốc e chửi bới là ko đúng sự thật . Chắc chắn ko có 1 từ kurwa nào được phát ra ra chứ đừng nói là chửi đến nỗi ngta đánh mình. Còn về vấn về mình sai bị phạt em ko có gì phàn nàn nếu như nó đúng với pháp luật . 2014-11-04 21:45:38
  • Cánh Bèo Cánh Bèo Tôi sợ người bị phạt có thể nghe nhầm vì chị nói phải nhờ phiên dịch nhưng lại khảng định được bà giám đốc nói thế này, cô thư ký nói thế kia. 2014-11-04 23:42:39
  • Thành Long Thành Long to Cánh Bèo: nhờ phiên dịch là để trình bày mọi việc cho rõ, như việc anh đi bệnh viện hoặc đến những nơi làm thủ tục hành chính vậy. Chứ 1 vài câu đơn giản thì làm gì ko nghe được, ko giao tiếp được tiếng balan mà kiếm được tiền trên đất họ ah! anh Cánh Bèo nói phải nghĩ chứ! 2014-11-05 22:07:40
  • Cánh Bèo Cánh Bèo Gửi anh Thành Long: Chính vì không phải là người thông minh, biết rộng như anh nên tôi chỉ dám đặt câu trong dạng nghi vấn thôi với hy vọng tìm ra sự thật đừng để có sự hiểu lầm đáng tiếc dẫn đến chỗ căng thẳng thêm. Còn anh chỉ thoáng qua là anh nhìn được tường tận sự việc và kết luận được mọi thứ. Xin "cám ơn" anh đã chỉ ra sự suy nghĩ nông cạn của tôi, nếu không muốn nói là ngu dốt. Tôi viết lại vài dòng và sẽ không tranh luận gì thêm nữa. 2014-11-10 23:22:52

Bình luận

Bình luận qua Facebook