2014-11-14 09:46:15

DỰ THẢO ĐIỀU LỆ SỬA ĐỔI HỘI NGƯỜI VIỆT NAM YÊU KÍNH ĐẠO PHẬT TẠI BA LAN

Hình ảnh đẹp về Đức Phật (ảnh có tính chất minh họa - nguồn: internet)

Lời nói đầu


Đạo Phật đã truyền bá vào Việt Nam từ hơn 2 000 năm nay. Giáo lý trong sáng mầu nhiệm của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã thấm đẫm trong tâm hồn người Việt góp phần tạo nên nếp sống văn hóa, đạo đức, và tâm linh truyền thống. Cho nên, dù sống ở đâu người Việt Nam vẫn luôn nhìn nhận Đạo Phật như là một tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Cùng với sự ra đời của ngôi chùa Thiên Việt cạnh Sân vận động 10 năm vào tháng 12/2004 ; xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của Cộng đồng Người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại CH. Ba Lan, trong đó Phật tử và những người yêu kính Đạo Phật chiếm đa số nên từ tháng 07/2005 với sự cấp phép của Tòa án Ba Lan, hội người VN yêu kính ĐP đã ra đời tại Warszawa.

Trong 10 năm qua, vừa là một tổ chức thành viên của Cộng đồng, đồng thời là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, Hội đã đảm nhiệm vai trò tập hợp các Phật tử và bà con yêu kính Đạo Phật hướng về Đạo Pháp, hướng về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh của người Việt.

Từ khi ngôi chùa Thiên Việt bị giải thể, Hội cũng là nòng cốt trong việc vận động các Phật tử và bà con Cộng đồng, phối hợp với Hội NVN tại Ba Lan và các Hội đoàn khác chung tay góp sức mua đất và xây dựng nên ngôi chùa mới mang tên Nhân Hòa-mái nhà tâm linh chung của toàn thể Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, đáp ứng tâm nguyện đã từ rất lâu của bà con.

Đến nay, chùa Nhân Hòa đã xây xong phần thô, đang được hoàn thiện nội thất và dự kiến sẽ trở thành tâm điểm của một Trung tâm văn hóa-tâm linh của người Việt tại Ba Lan. Trước sự phát triển đi lên, nhu cầu củng cố nâng cao và mở rộng hoạt động của Hội đã trở nên cần thiết để thay đổi về chất, không chỉ cho mục đích tâm linh mà còn cho cả sự hội nhập văn hóa vào xã hội sở tại với các thế hệ nối tiếp.

Là một tổ chức Phật giáo, Hội hoạt động với tiêu chí tự nguyện hướng theo Đạo Pháp, không có thiên hướng chính trị, không mang tính kinh doanh lợi nhuận.

Bản dự thảo điều lệ sửa đổi dưới đây dựa chủ yếu vào Điều lệ của Hội bằng tiếng Ba Lan đã được Tòa án Ba Lan ghi nhận và cấp phép đồng thời cập nhật tình hình thực tế hiện tại sau 10 năm hoạt động.



CHƯƠNG I

TÊN TỔ CHỨC – TRỤ SỞ


Điều 1: Tên của Tổ chức :

Hội Người Việt Nam yêu kính Đạo Phật tại Ba Lan

Viết tắt: Hội NVNYKĐPTBL

Tiếng Ba Lan là: Stowarzyszenie Wietnamskich Miłośników Buddyzmu w Polsce.

Tiếng Anh là:The Association of Vietnameses loving Buddhism in Poland.


Điều 2: Trụ sở của Hội : Chùa Nhân Hòa,

Ul. Przyszłości 21A, 05-552 ŁAZY, LESZNOWOLA-WARSZAWA.


CHƯƠNG II

MỤC ĐÍCH – PHƯƠNG CHÂM HOẠT ĐỘNG-THÀNH VIÊN


Điều 3- Mục đích:

a) Tập hợp những người theo Đạo Phật trong tinh thần Lục hòa của Phật giáo cùng nhau học hỏi, tu tập theo lời Đức Phật dạy, đi theo chánh Pháp dưới sự dẫn dắt của các Tu sỹ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam

b)Quảng bá Văn hóa Việt nam nói chung cũng như Văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, trên cơ sở đó hội nhập sâu vào xã hội Ba Lan.


Điều 4- Phương châm hoạt động bao gồm:

a)Đoàn kết tất cả các Phật tử và bà con yêu kính Đạo Phật trong Cộng đồng, chú trọng tới thế hệ trẻ để cùng nhau hướng về cội nguồn đất nước, giữ gìn bản sắc Văn hóa Việt trong đó có Văn hóa Phật giáo Việt Nam.

b)Kết nối, giao lưu hòa đồng với các tổ chức Phật giáo người Ba Lan trên cơ sở đó hội nhập sâu vào đất nước sở tại,

c)Tôn trọng và tuân thủ Pháp luật nước sở tại


Điều 5: Thành viên của Hội gồm những cư sĩ Phật tử và những người yêu kính Đạo Phật không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc, quốc tịch, tự nguyện tham gia hoạt động và chấp hành Bản Điều lệ này.


Điều 6: Thành viên của Hội có quyền được bầu cử, quyền đề cử và ứng cử vào cơ chế điều hành của Hội, có quyền thảo luận và biểu quyết về những hoạt động của Hội trong các kỳ họp, Hội nghị hay Đại hội toàn thể.

CHƯƠNG III

HỆ THỐNG TỔ CHỨC, TƯ CÁCH PHÁP NHÂN


Điều 7: Hệ thống tổ chức hành chính của Hội tại BL gồm:

- Đại hội toàn thể

- Hội đồng Cố vấn

  • Hội đồng Điều hành

  • Các Chi hội địa phương.


Điều 8:

Đại hội toàn thể là hình thức tổ chức cao nhất của Hội giữa 2 nhiệm kì.


Điều 9: Hội đồng Cố vấn do Thầy Trụ trì chùa Nhân Hòa làm Chủ tịch, là vị Thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đạo hạnh, có đủ trình độ và năng lực để định hướng cho Hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của Đạo Phật, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, phù hợp với luật pháp sở tại, đồng thời hướng dẫn Phật tử và những người theo Đạo học hỏi, tu tập đúng chính pháp.

Chủ tịch HĐCV có quyền hạn sắp xếp Quý Thầy thành viên.

Điều 10: Hội đồng Cố vấn có nhiệm vụ chứng minh các cuộc họp, Hội nghị, Đại hội toàn thể, hướng dẫn các hoạt động của Hội về mặt Đạo Pháp, chỉ đạo các hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trực thuộc Hội. HĐ Cố vấn có trách nhiệm đề xuất bổ nhiệm nhân sự trụ trì các cơ sở thờ tự đó sau khi đã thống nhất với Thường trực Hội đồng điều hành.


Điều 11: Hội đồng Cố vấn sẽ tại vị không có kỳ hạn. Nếu có sự thay đổi, phải do Hội đồng Điều hành đề xuất và Đại hội toàn thể sẽ xem xét ra quyết định sau cùng.


Điều 12: Hội đồng Điều hành là cấp quản lý cao nhất của Hội giữa hai kỳ Đại hội. Hội đồng Điều hành có nhiệm vụ triệu tập Đại hội toàn thể, quyết định về các văn kiện Đại hội, suy cử Ban Thường trực, soạn thảo quy chế hoạt động, ấn định chương trình hoạt động hàng năm của Hội theo đúng Nghị quyết Đại hội, đôn đốc kiểm soát và thực hiện chương trình đã ấn định.


Điều 13: Thành viên Hội đồng Điều hành được Ban thường trực Hội đồng Điều hành tiền nhiệm giới thiệu cùng với những giới thiệu đề cử tại Đại hội và được Đại hội tín nhiệm bầu chọn. Số lượng thành viên do Đại hội quyết định. Thành viên Hội đồng Điều hành có thể bị bãi nhiệm nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng Điều hành biểu quyết thông qua.


Điều 14: Ban Thường trực Hội đồng điều hành thay mặt Hội đồng Điều hành điều phối các hoạt động của Hội , thực hiện các Nghị quyết của Đại hội và Hội nghị Hội đồng Điều hành. Ban Thường trực Hội đồng điều hành hoạt động theo quy chế có đệ trình Hội đồng Cố vấn chuẩn y.


Điều 15: Ban Thường trực có nhiệm vụ cơ cấu nhân sự các Ban của Hội đồng Điều hành, đề xuất việc bổ sung hoặc bãi nhiệm thành viên các Ban, quyết định các vấn đề về chia tách, sáp nhập, thành lập mới các Chi hội địa phương và các cơ sở tín ngưỡng tu tập để đệ trình Hội đồng điều hành thông qua và Hội đồng Cố vấn chuẩn y.


Điều 16: Thành phần nhân sự Ban Thường trực có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tch, Tổng Thư ký và Ủy viên kiểm tra.


Điều 17: Các Ban chuyên môn của Hội gồm có:

1) Ban Nghi lễ- hộ niệm và Tổ chức Tu học, có chức năng trợ giúp Quý Thầy trong các Lễ hội; tổ chức Khóa lễ, các buổi hộ niệm, các buổi Giảng Pháp và Tu học, lo hương đăng và chuẩn bị kinh sách.

2) ban Đối ngoại-Lễ tân, có nhiệm vụ thay mặt Hội trong các liên hệ hành chính với Chính quyền và các Tổ chức khác của Ba Lan, với Cơ quan đại diện Nhà nước và các Tổ chức Cộng đồng, với TƯ Giáo hội và các Đoàn trong nước; tiếp đón các Đoàn khách tham quan du lịch (kể cả Chư Tăng Ni) và chịu trách nhiệm tiếp Tân trong các Lễ hội được tổ chức tại chùa .

3) Ban Tài chính-Từ thiện, có nhiệm vụ quản lý Quỹ Công đức của chùa, ghi chép và kế toán thu chi phục vụ cho các hoạt động của Chùa và Hội.

4) Ban Kiến thiết-Tôn tạo, phụ trách việc bảo tồn và bảo quản tài sản của Chùa; kiến nghị tu sửa và tôn tạo khi cần thiết; sắp xếp quản lý kho tàng, kiểm kê tài sản hàng năm.

5) Ban hậu cần-ẩm thực, phụ trách chăm sóc sinh hoạt hàng ngày của Quý Thầy; lo ẩm thực trong các Lễ hội, các Khóa lễ và những dịp sinh hoạt có đông Phật tử và bà con tham gia; sắp xếp và quản lý bếp của chùa.

6) Ban văn hóa - thông tin, có chức năng thông báo và cập nhật kịp thời các chương trình Phật sự hàng tháng, đặc biệt là thông tin quảng bá rộng rãi các dịp Lễ hội lớn tới bà con Cộng đồng trên FB của chùa Nhân Hòa và Cổng thông tin điện tử Cộng đồng, đồng thời bằng tờ rơi, tờ dán. Ngoài ra còn có trách nhiệm tập hợp và lưu trữ các thông tin và hình ảnh cho Hội.

7) Ban thanh tra-hòa giải có trách nhiệm theo dõi giám sát các hoạt động của Hội, phát hiện và đề xuất với Thường trực Hội đồng ĐH những vấn đề cần thiết phải xử lý kịp thời, trong đó có vấn đề hòa giải nếu có. Ban này cũng định kì kiểm tra tài chính của Hội.

8) Ban thanh thiếu niên Phật tử do một thanh niên Phật tử đảm trách có nhiệm vụ tập hợp và khuyến khích thanh thiếu niên tới chùa tham gia các hoạt động hướng Phật, phối hợp tổ chức vui chơi trong các dịp trại hè về nguồn, Ngày thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu…


Trưởng ban của mỗi ban phải là ủy viên HĐ Điều hành. Trưởng Ban sẽ chọn thêm các thành viên vào Ban của mình, số lượng thành viên trong các ban chuyên môn do Ban Thường trực HĐĐH thông qua và ra quyết đnh công nhận.


Điều 18: Nhiệm kỳ của Hội đồng Điều hành là năm năm. Khi chưa hết nhiệm kỳ, nếu có chức vị trong Ban Thường trực bị khuyết thì Ban Thường trực cử người trong Ban Thường trực kiêm nhiệm và phải báo cáo với Hội đồng Điều hành trong kỳ họp gần nhất để Hội đồng Điều hành chọn người bổ sung.


Điều 19: Chủ tịch là người chịu trách nhiệm chính, thay mặt Hội đồng Điều hành trong các mối quan hệ pháp lý về đối nội cũng như đối ngoại. Phó Chủ tịch thường trực là người thay thế khi Chủ tịch vắng mặt.


Điều 20: Mỗi tỉnh, thành phố có Phật tử hoặc những người Việt Nam yêu mến Đạo Phật có thể thành lập một Chi hội của Hội. Ban Điều hành Chi hội có ít nhất là 5 thành viên do Hội nghị cơ sở bầu ra và Ban thường trực Hội đồng Điều hành ra quyết định bổ nhiệm. Thường trực ban điều hành Chi hội gồm một Trưởng ban, một Phó ban, một Thư ký, một ủy viên Thủ quỹ và một ủy viên Kiểm soát.


Điều 21: Mỗi tỉnh, thành phố có khả năng, điều kiện tạo được chùa, hoặc Niệm Phật đường thì Ban Điều hành Chi hội có trách nhiệm đứng ra tổ chức thành lập, báo cáo về Ban Thường trực Hội đồng Điều hành để tiến hành các thủ tục cho việc hình thành cơ sở.

Điều 22: Về mặt pháp luật, tư cách Pháp nhân của Hội là do quyết định cho phép của Tòa án Ba Lan. Hội có nghĩa vụ tuân thủ đúng những qui định của luật pháp Ba Lan đối với hoạt động của một tổ chức tôn giáo.



CHƯƠNG IV

ĐẠI HỘI, HỘI NGHỊ


Điều 23: Đại hội toàn thể của Hội được tổ chức 5 năm một lần do Ban thường trực Hội đồng Điều hành triệu tập để:

a/ Tổng kết công tác của Hội trong nhiệm kỳ qua;

b/ Ấn định chương trình hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới;

c/ Bầu Hội đồng Điều hành nhiệm kỳ mới;

d/ Sửa đổi Điều lệ (nếu cần ) và thông qua sửa đổi Điều lệ .


Điều 24: Thành viên tham gia Đại hội gồm: HĐ Cố vấn, HĐ Điều hành và Ban điều hành các Chi hội địa phương, Quý Phật tử và bà con kính mến Đạo Phật quan tâm và gắn bó với Hội. Có thể có các đại biểu thuộc các vùng chưa có tổ chức Chi hội nếu được Chi hội Người VN tại địa phương đó giới thiệu, và các đại biểu do Ban Thường trực chỉ định để đáp ứng các nhu cầu cần thiết cho sự phát triển Hội.

Kết quả của Đại hội hợp lệ khi có quá bán số thành viên tham dự bỏ phiếu ( hoặc biểu quyết ) tán thành.


Điều 25: Hội nghị thường kỳ của Hội đồng Điều hành do Ban Thường trực triệu tập 6 tháng 1 kỳ để:


- Kiểm điểm công tác trong thời gian qua, căn cứ nghị quyết Đại hội, thảo luận và ấn định chương trình hoạt động cho thời gian tới,

- Thảo luận và ấn định những vấn đề về tổ chức và nhân sự của Hội nếu có,

- Thành phần Hội nghị có Chủ tịch HĐ Cố vấn (hoặc Quý Thầy đại diện) và Hội đồng Điều hành.


Điều 26: Trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng Điều hành có thể triệu tập Hội nghị bất thường nếu Ban Thường trực biểu quyết hoặc quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Điều hành đề nghị. Thành phần Hội nghị như đã quy định ở điều 26.


CHƯƠNG V

KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT


Điều 27: Thành viên của Hội có nhiều đóng góp trong công tác Phật sự của Hội , bảo tồn, phát triển văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc sẽ được Hội đề nghị tuyên dương công đức thông qua Hội đồng Cố vấn.

Thành viên của Hội có những hành động làm phương hại đến uy tín, tinh thần hòa hợp và những quyền lợi hợp pháp của Hội, tùy từng trường hợp sẽ được xem xét và có những hình thức kỷ luật.


Điều 28: Việc tuyên dương công đức hoặc kỷ luật đối với thành viên của Hội do Ban Điều hành các Chi hội địa phương trình và Hội đồng Điều hành quyết định. Đối với các thành viên trong Ban Điều hành các Chi hội, thành viên các Ban chuyên môn thì do Ban Thường trực quyết định. Đối với các thành viên trong Hội Đồng Điều hành do Hội đồng Điều hành biểu quyết với 2/3 số phiếu.



CHƯƠNG VI

TÀI CHÍNH – TÀI SẢN


Điều 29: Tài chính, tài sản của Hội do do Tăng, ni, Phật tử, bà con yêu kính Đạo Phật cúng dường, hoặc do Hội tự vận động hợp pháp.


CHƯƠNG VII

SỬA ĐỔI ĐIÊU LỆ


Điều 30: Điều lệ của Hội là văn bản tối trọng, chỉ có Đại hội toàn thể mới có quyền sửa đổi, và phải được quá bán tổng số thành viên tham gia Đại hội biểu quyết. Dự án sửa đổi Điều lệ Hội do Hội đồng Điều hành soạn thảo trình Đại hội.


Điều 31: Điều lệ này có Lời nói đầu, 7 chương và 31 điều, đã được Đại hội

lần thứ hai của Hội NVN yêu kính ĐP tại Ba Lan biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ sau Đại hội.


Warszawa, ngày … tháng 11 năm 2014 TM. Đoàn thư ký. T/M. Đoàn chủ tịch Đại hội


ĐIỀU LỆ

HỘI NGƯỜI VN TẠI BL YÊU KÍNH ĐP


Lời nói đầu


CHƯƠNG I

TÊN HỘI – TRỤ SỞ ( Điều 1-2)



CHƯƠNG II

MỤC ĐÍCH – PHƯƠNG CHÂM HOẠT ĐỘNG-THÀNH VIÊN ( Điều 3-6)



CHƯƠNG III

HỆ THỐNG TỔ CHỨC, TƯ CÁCH PHÁP NHÂN ( Điều 7-22)


CHƯƠNG IV

ĐẠI HỘI, HỘI NGHỊ (Điều 23-26)


CHƯƠNG V

KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT ( Điều 27-28)


CHƯƠNG VI

TÀI CHÍNH – TÀI SẢN (Điều 29)



CHƯƠNG VII

SỬA ĐỔI ĐIÊU LỆ ( Điều 30-31)

Sửa lần cuối 2014-11-14 13:17:28
  • ĐNH ĐNH nhiệm vụ của HDCV là ... MINH CHỨNG...., hay là chứng minh ? 2014-11-26 23:40:21

Bình luận

Bình luận qua Facebook