2015-03-08 07:36:46

Cảm nghĩ về Đại lễ Thượng Nguyên- 17 tháng giêng Ất Mùi tại chùa Nhân Hòa.


    Đại lễ Thượng Nguyên thường được tổ chức vào rằm tháng giêng hàng năm. Ngày này còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Chùa Nhân Hoà ở Ba Lan tổ chức muộn hơn vào ngày 17 tháng giêng. Có lẽ cùng chờ vào dịp"thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Mà đúng như vậy, đại lễ đã diễn ra trong bầu không khí ấm cúng, trang nghiêm, có sự kết hợp hài hoà của đất trời và lòng người xa xứ kính yêu đạo Phật. 

    Thời tiết không quá lạnh, không có gió và cũng chẳng có mưa. Bầu trời trong sáng của tiết xuân, đâu đây đã có những cây bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. Cũng là chiều thứ 7, rất thuận lợi cho bà con sau giờ làm việc có thể vào chùa dự lễ. Một sự may mắn của lễ hội là có sự chủ trì, tham gia của các thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bay sang hành lễ. Dù rằng suốt từ mồng 8 Tết, các khoá lễ vẫn thường diễn ra vào các buổi chiều sau giờ làm việc với mục đích đầu năm mới âm lịch dâng sớ cầu an cho bà con xa xứ.  

     Đến với Chùa trên đất khách,  hầu như bà con đều thấy có những đồng cảm trong nhau. Bao bộn bề lo toan vất vả của năm cũ. Bao chuyện không vui, những xui xẻo trong làm ăn, những nỗi niềm đau đáu nhớ quê hương. Họ có thể quỳ trước bàn thờ Phật, nơi từ đáy lòng họ gửi gắm, cầu xin sự an lành cho gia đình mình và gia quyến. Phút tâm linh nơi cửa Phật, chính là sợi dây vô hình làm mọi người xích lại gần nhau hơn, thân thiện với nhau hơn.  

     Đi Chùa ở miền xa xứ không ồn ào, xô bồ như quê nhà. Bà con vào ngôi Chùa mới của mình trong tâm trạng thoải mái và nhận ra rằng nơi đây thật gần gũi, như mái nhà chung, như thấy hơi ấm của Tổ tiên ông bà, của các đấng cao siêu vẫn hàng ngày giơ tay che chở. Đấy là nét riêng, không có cảnh chen lấn, tranh nhau lễ vái, thi nhau đốt hương vàng và nhồi nhét tiền vào các nơi không cho phép. Cốt cách của đi lễ chùa là cầu an. Cầu cho Quốc thái, dân an. Nước có hùng mạnh, dân mới an lành!  

      Cũng với mục đích đấy, lễ Thượng Nguyên năm nay, lần đầu tiên được tổ chức trọng thể, trang nghiêm ở chùa mới. Các Phật tử tích cực đã chuẩn bị chu đáo từ các khâu trang trí, bàn ghế, chỗ ngồi cho hàng trăm người. Khu nhà bếp những  đồ cúng chay được bà con tự làm mang đến bày biện đẹp mắt và phong phú. Nhìn vào các món chay cũng biết tấm lòng các Phật tử rất quý giá. Họ góp phần quan trọng cho những ban thờ thêm linh thiêng khi các vị Bồ Tát hiển linh chứng giám. Trong buổi lễ, ngoài những lời thuyết giáo dạy bảo của Đại đức Thích Chí Đắc từ Việt Nam sang, còn có các màn trình diễn văn nghệ của các Phật tử và các cháu bé. Những diễn viên không chuyên, nhưng cũng làm say đắm lòng người. Trong sự trang nghiêm nơi cửa Phật, có phảng phất cuộc sống hàng ngày. Chính nhờ vậy giữa Đạo và Đời thật gần gũi nhưng không kém linh thiêng.  

     Vẫn biết rằng, tâm linh là tuỳ từng bản thân của mọi người. Ai cũng vậy, ngoài thờ cúng Gia tiên của mình, hầu như câu đầu tiên khi khấn đều có câu:" Nam Mô A Di Đà Phật!". Vậy chẳng phải Phật luôn ở trong lòng chúng ta hay sao? Cho dù ta không có thói quen đi lễ chùa. Ta không có bàn thờ Phật trong nhà. Nhưng ta không phủ nhận là mình hoàn toàn không có đức tin. Chỉ là ta không biết bản thân mình đang loay hoay nơi bể khổ. Với những tham, thâm, si... bể khổ của những toan tính cuộc sống cơm áo gạo tiền! 

     Cũng không nên mê tín đến độ sao nhãng cuộc sống hàng ngày. Không phải cứ lo lễ bái, đi hết chùa nọ đến chùa kia. Sắm sanh nhiều vàng mã, xì xụp khấn vái cầu lạy vinh hoa, phú quý. Trong khi tâm địa luôn tính toán bon chen, mưu mô xảo quyệt. Cho dù có đạt được mục đích của mình, nhưng chắc chắn tâm không bao giờ thanh thản. Để đến phút lâm chung lại muốn niệm"A Di Đà", mong về cõi Phật! 

    Qua Đại lễ Thượng Nguyên, hình như sau khi nghe thầy giảng về lời hay ý tốt mà kinh Phật răn dạy. Điều cuối cùng rất ý nghĩa chính là lời khuyên:"Hãy Thở và Cười". Thở là biểu thị cho sức khoẻ, cho sự sống. Thở tự nhiên bằng chính bản thân mình khi sáng sớm, khi tầm trưa và khi chiều về. Đừng thở"bằng ống thở" chỉ dành cho kẻ sắp đi xa!!! Cười là biểu thị cho sự vui tươi, hoan hỉ. Khi mình vui lòng với chính mình, khi mình tìm thấy niềm vui từ chính bản thân mình và những người xung quanh, mình sẽ có những nụ cười. Cười khi sáng sớm ban mai vừa thức dậy, cười khi buổi trưa và cười khi buổi chiều tà.... Hãy Thở và Cười cho chính bản thân mình và cho tất thảy mọi người.  

     Niềm vui, sức khoẻ chính là bài học mỗi lần ta bước chân ra khỏi chùa và đi vào cuộc sống nơi chốn nhân gian.

  

      Vacsava- 07/3/2015 

    

     Nguyễn Mai Lê

Sửa lần cuối 2015-03-08 06:36:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook