2015-05-27 13:38:25

Trở lại Łódź

         

Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Łódź, 63 năm ngày thành lập khoa tiếng Ba Lan cho người nước ngoài và sau chuyển thành Trung Tâm Tiếng Ba Lan cho người nước ngoài ( Studium Jezyka Polskiego –SJP), chúng tôi những cựu LHS từ nhiều nước trên thế giới, đủ các thế hệ, có người tóc  bạc phơ đã về SJP dự buổi gặp mặt thân mật. Niềm vui thật lớn, có cả những xúc động đến trào nước mắt của thầy và trò gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Trở lại Łódź mà lại trùng vào dịp như thế này thật là quả một cơ hội hiếm hoi. Có quá nhiều ngạc nhiên đối với ai đã lâu „lãng quên” thành phố dệt với những kỷ niệm xa xôi một thời, vì Łódź có nhiều thay đổi về kiến trúc, hạ tầng giao thông. Đặc biệt „thành phố” Đại học Tổng hợp Łódź được mở rộng nhiều lần với những tòa nhà đẹp, hiện đại dành cho các ngành khoa học mới.... đã thay thế cho những khu đất trống trước đây là nhà cấp 4, bãi đỗ xe, vườn cây ăn quả... Chúng tôi được đón tiếp tại một cơ sở mới khang trang của SJP, trước đây ở Kopcińskiego 16/18 nay là trụ sở khoa Triết.

                Nhiều thế hệ thầy cô giáo và học sinh của SJP    

Những gương mặt quen thuộc của Trung Tâm còn lại không nhiều, số đã đi xa, số về hưu, phần đông đội ngũ cán bộ quản lý mới còn trẻ, nhưng ai nấy vẫn cảm thấy có gì gần gũi, thân quen qua sự đón tiếp nồng ấm, thân mật như người người thân trở về làm cho không khí buổi gặp mặt trở nên tự nhiên. Dù chỉ có một năm học tiếng Ba Lan tại đây, nhưng những cảm nhận có được từ những ngày đầu tiên đặt chân trên đất Ba Lan đã in đậm trong tâm trí: một đất nước thanh bình, hiền hòa, người dân Ba Lan nhân ái, quý trọng con người, tử tế và độ lượng. Ba Lan đã chăm sóc học sinh nước ngoài ăn, ở, học hành, bảo vệ sức khỏe thật chu đáo khi biết họ xa quê hương, sang sống ở một đất nước khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ (riêng Việt Nam càng được ưu ái vì đất nước qua chiến tranh, còn nghèo nàn và lạc hậu).   

Trong buổi gặp mặt, ông Roman Tarnowski Giám đốc Trung tâm nói: „Tôi xin chào đón tất cả mọi người từ cựu lãnh đạo, giáo viên đến những người vừa mới đến làm việc tại trường, những khách mời trở về SJP từ Âu, Á, Phi Mỹ La Tinh, nhờ có họ, chúng ta có buổi gặp mặt thân mật hôm nay. Các bạn luôn ở trong trái tim của thành phố Łódź”. Khoa tiếng Ba Lan ra đời trong những điều kiện ban đầu vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị học tập, còn ngày nay điều kiện học tập, ăn ở đã hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại, trở thành địa chỉ tin cậy cho việc đào tạo, trao đổi khoa học. 63 năm tồn tại, SJP đã đào tạo tiếng Ba Lan cho 22.000 học sinh, trong số đó người châu Á chiếm tới 46% (chắc có đến trên dưới 3000 người Việt Nam đã học ở SJP). Năm cao nhất số học sinh đạt 600 người (1980). Nhắc lại những kỷ niệm của học sinh nước ngoài học tập tại SJP, một cựu giáo viên phụ trách các nhóm học sinh Trung Đông, Việt Nam kể lại những câu chuyện vui,   làm cho cả hội trường vang lên những tiếng cười vui vẻ. Có học sinh học bài thì lười, kiến thức phổ thông thì yếu, riêng nói tiếng Ba Lan lại rất giỏi, là do nhanh chóng có bạn gái người Ba Lan „kèm cặp” (ý nói gái Ba Lan đẹp, dễ làm quen). Anh sinh viên Việt Nam có cái tên là Huy (rất nhiều người Việt mình có tên này), chúng ta gọi nhau bằng cái tên ấy rất bình thường tuy vậy khi đọc nó lên bằng tiếng Ba Lan thì lại rất giống một từ mà người ta tránh nói đến vì mang ý nghĩa tục tĩu . Những tiểu phẩm hài hước của học sinh nước ngoài học tiếng Ba Lan được dàn dựng lại bởi các cháu học sinh đang học tiếng Ba Lan làm cho ai nấy được sống lại giai đoạn trẻ trung, hồn nhiên của mình. Xung quanh câu chuyện thời gian học tiếng, có cựu NCS  VN những năm cuối 80 nói thật rằng họ „lười học” tới mức đi từ sáng sớm tới tận đêm mới về phòng ở, chẳng mấy khi có mặt trên lớp. Khi cô giáo nói với một người: anh học tiếng Ba Lan kém lắm, anh ta chẳng ngần ngại nói một cách vô tư „tak” (vâng) (đó là thời kỳ đất nước khó khăn, học không còn là mục tiêu duy nhất, còn thêm trách nhiệm kiếm tiền lo giúp gia đình). Hiện tại, số ít, học tiếng Ba Lan còn là vì muốn giữ viza. Trong buổi giao lưu, có cựu học sinh lại kể về những thành công trong sự nghiệp của mình (giáo sư người Đức nói về toán học, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thái nói về dịch thuật văn học Ba Lan, kỹ sư người Su Đăng, người Syria nói về chuyên môn), nhưng ai nấy đều bày tỏ sự cám ơn chân thành đối với SJP về những ngày đầu đặt chân ở Ba Lan). Đoàn cựu LHS Việt Nam đến Łódź lần này có số lượng đông hơn cả. Do được chuẩn bị tốt mọi mặt, đoàn Việt Nam để lại ấn tượng đặc biệt chân thành và tình nghĩa.

                LHS Việt Nam  tặng bức tranh “Hạ Long – Cud Natury Świata”  

Chúng tôi cũng được các cô giáo đã từng dạy học sinh Việt Nam dẫn đi thăm lại nơi ăn, học trước đây của mình, được nhớ lại con đường đất đi bộ đến lớp học, nhớ ô cửa sổ ký túc xá nam nhìn sang ký túc xá nữ. Bà giáo Barbara Machejko - thực sự là một người chị, người mẹ, không chỉ dạy dỗ, chăm sóc các thế hệ học sinh Việt Nam qua nhiều năm mà còn gắn bó, am hiểu khá sâu nhiều sinh hoạt văn hóa, tập quán của người Việt. Ở tuổi 80 bà vẫn say sưa nói về Việt Nam, dành tình cảm đặc biệt, thật hiếm có của một người Ba Lan cho LHS Việt Nam. Bà Elzbieta Sajeńczuk, bà Lucyna Wawrzyńczak, các bà đã từng sang Việt Nam giảng dạy (có bà đến 6 năm), bà Maria Mączyńska vô cùng cảm động khi gặp lại chị Xuân - sinh viên của mình  sau gần 50 năm, bà Teresa Sikorska tay bắt mặt mừng khi gặp lại anh Nguyễn Hữu Viêm sau nhiều năm chưa một lần gặp lại. Tất  cả các bà giáo nay đã nghỉ hưu, nhưng lần này dù già yếu vẫn cùng chúng tôi rong ruổi suốt nhiều giờ tại Łódź. Không sao nói hết được những tình cảm thày trò qua cái bắt tay, cái ôm chặt đầy tình nghĩa.

                          Liên hoan giữa thầy trò và các thế hệ LHS về thăm SJP

 Bữa cơm gặp mặt tại Łódź giữa thầy và trò, giữa các thế hệ học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam, đặc biệt lại có sự đồng hành của nhiều phu nhân của các LHS (người lâu nhất là vừa tròn 50 năm) là một kỷ niệm đẹp, bổ ích. Chuyến đi đã đem lại niềm vui cho mọi người, thành công về nhiều mặt, đây là chuyến trở về nơi chúng ta bắt đầu học cách ăn, nói kiểu Ba Lan đầu tiên và mong sẽ không phải là chuyến cuối cùng. Như đã viết trong lời cám ơn: chúng tôi luôn trở về và sẽ thường xuyên trở về nơi ấy với những ký ức đẹp nhất.

Xin cám ơn Ban tổ chức và lời mời của SJP.

 Nguyễn Xuân Nhung

Sửa lần cuối 2015-05-27 11:45:44
  • Nam Việt Nam Việt "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" - một truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa của ông cha ta đáng được giữ vững và phát huy. Dù ở đâu, lúc nào biết trọng cái "chữ" vẫn làm cho con người tự tin hơn, dễ dàng vượt qua khó khăn tạm thời vươn tới tương lai để đạt vinh quang. 2015-05-28 17:18:32
  • le Minh Nguyen le Minh Nguyen Cô giáo nguòi Ba lan Barbara Machejko yêu quý các hoc trò Viêt nam nhú con mình, böi vì cùng cånh , nguòi cha thân sinh ra bà đã bi tra tâń đêń chêt tąi trąi tù Oświęcim, nòi đây hàng triêu nguòi bi Phát xit Đúć thiêu sôńg.Thòi gian hoc tiêńg Ba lan, chúng tôi có dip đi tham quan, đã cùng cô giáo Balan Barbara Machejko đąt nhúñg bông hoa nöi đây, đê túóňg niêm nhuñg chíêń sý hy sinh cho tô quôć. Mãi mãi bíêt ón ràng mình có cuôc sôńg ngày hôm nay. 2015-05-29 08:49:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook