2015-09-06 17:44:55

Hội Đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan – đến hẹn lại về

Đã qua một năm kể từ ngày tuyên bố thành lập, hội Đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan đã được nhiều bà con coi như mái nhà chung của mình.

Đất Kinh Bắc có từ thủa người Việt bắt đầu khai sinh, lập địa. Cái tên Kinh Bắc cũng đã tồn tại hàng trăm năm nay. Theo một tư liệu lịch sử, địa danh Kinh Bắc xuất hiện lần đầu vào năm Canh Tuất (1490) khi vua Lê Thánh Tông cho xác định lại bản đồ cả nước thành 13 xứ. Tới thời vua Gia Long, Kinh Bắc vẫn được gọi là Xứ, thuộc Bắc thành Tổng trấn. Xứ Kinh Bắc xưa có 4 phủ, 20 huyện bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần của Hà Nội ngày nay như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, một phần của Hưng Yên như Văn Giang, Văn Lâm và huyện Hữu Lũng của Lạng Sơn. Trong thời kì Pháp thuộc, đất Kinh Bắc bị chia về nhiều tỉnh nhưng chủ yếu vẫn là phần đất của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Thời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sát nhập thành tỉnh Hà Bắc (tháng 10/1962) bao gồm 2 thị xã và 16 huyện (Gia Lương, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Quế Dương, Sơn Động, Tân Yên, Thuận Thành, TiênDu, Từ Sơn,Việt Yên, Võ Giàng, Yên Dũng, Yên Phong, Yên Thế). Đến năm 1996 tỉnh Hà Bắc lại tách ra thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, lấy sông Cầu làm biên giới.

Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, vùng Kinh Bắc đã có một nền văn hóa phát triển và mang nhiều nét đặc trưng. Những làng nghề truyền thống cùng với nghề nông đã tôi luyện người dân Kinh Bắc thành những con người cần cù, thông minh cùng với dân tộc Việt Nam viết nên những trang sử hào hùng của đất nước trong mọi thời đại. Người dân Kinh Bắc luôn tự hào với những người anh hùng đi ra từ mảnh đất quê hương mình như vua Lí Thái Tổ hay cụ Đề Thám. Lớp con cháu ngày nay còn được thừa hưởng một kho tàng văn hóa do ông cha để lại trong đó nổi bật nhất là hát Quan họ. Những làng quê hai bên bờ sông Cầu, nơi nuôi dưỡng các liền anh, liền chị của Bắc Giang và Bắc Ninh đã trở thành cái nôi của lối hát có một không hai này trên thế giới. Bởi vậy, dù 2 vùng đất Bắc-Bắc có lúc phải tách ra do yêu cầu của từng thời kì nhưng người dân Kinh Bắc vẫn luôn coi nhau như người một nhà. Các liền anh, liền chị chỉ tạm chia tay nhau sau mùa lễ hội, trở về với cuộc sống mưu sinh. Để rồi cả thời gian dài sau đó họ sống trong cảnh tương tư, lúc nào cũng đau đáu mong ngày gặp lại.

„Người ơi, người ở đừng về,

Người về em mấy khóc thầm, hai bên vạt áo ướt đầm như mưa.

Người về em vẫn trông theo, trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi.

Người về em dặn mấy lời, yêu em xin chớ đứng ngồi với ai.”

Những câu ca giã bạn lúc nào cũng làm người nghe chìm đắm trong cảm xúc nhớ thương, làm cho mọi chuyển động của đất trời như phải ngưng lại. Cứ như thế, năm này qua năm khác, tình yêu của người Quan họ như con tằm nhả kén, để cho cuộc sống ươm tơ, dệt thành những dải lụa vàng óng ả. Những tấm lụa ấy là một nền văn hóa đầy lãng mạn nhưng đằm thắm và vời vợi tính nhân văn.

Người Kinh Bắc tại Ba Lan thừa hưởng những tinh hoa văn hóa của cha ông đã và đang khơi dậy tình thương yêu, đoàn kết nơi xứ người. Họ đã cùng nhau lập hội với suy nghĩ tạo một sân chơi chung, để có điều kiện chia sẻ những tâm tư nguyện vọng, những niềm vui và nỗi buồn. Cuộc sống mưu sinh tuy vất vả đã không ngăn cản họ đến với nhau và tham gia nhiều hoạt động có ích cho con cháu và cộng đồng. Đó là những cảm giác chung sau lần gặp mặt lần thứ 2, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 năm 2015.

Tuy vậy, sân chơi chung vẫn chưa thu hút được tất cả bà con quê hương Kinh Bắc. Có thể do những yếu tố chủ quan của mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng yếu tố khách quan vẫn là những yếu tố quyết định. Hội đồng hương vẫn chưa có được những hoạt động phong phú nhằm kết nối tất cả mọi người. Đến nay những hoạt động chung chỉ mới là con số nhỏ như quan tâm đến hiếu hỷ, quan tâm đến các cháu khi năm học kết thúc… Ban chấp hành hội tuy đông người nhưng hoạt động chưa đều tay, chỉ làm việc một cách thụ động và chưa có sáng tạo. Mặc dù là dân của vùng quê Quan họ nhưng chúng ta vẫn chưa có một sân chơi văn nghệ. Tất cả những yếu kém đó đòi hỏi mỗi thành viên của hội phải suy nghĩ, cùng nhau chung sức, chung lòng để khắc phục. Để mỗi năm, đến hẹn lại về, những người con quê hương Kinh Bắc sẽ tụ tập đông hơn, vui hơn năm trước.

Nhân dịp này, Ban chấp hành Hội đồng hương Kinh Bắc xin thay mặt tất cả bà con cám ơn sự ủng hộ nhiệt tình của cơ quan đại diện nhà nước và các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Chúng tôi cũng xin bày tỏ lời cám ơn chân thành về sự ủng hộ vật chất, tiền bạc của bà con cô bác (có danh sách kèm theo) và nhà hàng Vân Bỉnh.

Hội đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan kính mời bà con, cô bác và những người yêu mến quê hương Kinh Bắc tham dự cuộc thi vẽ Biểu tượng (Logo) cho Hội. Biểu tượng „Hội đồng hương Kinh Bắc” tham gia dự thi cần thỏa mãn những yêu cầu về nghệ thuật, phản ánh được những nét tiêu biểu của vùng quê Kinh Bắc và gửi về BCH hội trước ngày 1/01/2016 (tham khảo nội dung và quy chế cuộc thi tại trang Facebook „Hội đồng hương Kinh Bắc”).

Đào Công Ngoạn

(Chủ tịch Hội đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan)

Danh sách các tập thể và cá nhân ủng hộ quỹ hội ngày 15/08/2015

1. Ủng hộ 500 zl: Anh chị Sơn-Lan, Thành -Nhàn, anh Khoai.

2. Ủng hộ 450 zl: Anh Tân

3. Ủng hộ 300 zl: Hội phụ nữ VN tại Ba Lan, Tập thể 6 anh chi đến từ Na-Uy, anh chị Khương-Loan, Thành-Thuyên, Khởi-Hà, Ngũ-Thơi.

4. Ủng hộ 250 zl: Anh chị Thọ-Chín.

5. Ủng hộ 200 zl: Anh chị Lý-Vân, Phong-Hà, Chiến-Hạnh, Bảy-Lan, Tiến-Ngoan, Quang-Nga, Thành-Lan, Mạnh-Dung, Phố Thúy, Tài-Hằng, Tuấn-Hoàng Anh, Khơi-Son, Lâm-Hậu, ông Vị, bà Thái.

6. Ủng hộ 150 zl: Anh chị Khơi-Bẩy, Khoa-Dung.

7. Ủng hộ 100 zl: Anh chị Toàn-Thu, Dũng-Nam, Hùng-Diệp Anh, Chiến-Hải, Thao-Thu, Tiến-Nguyệt, Rào-Ân, chị Triều, chị Yên, chị Huệ, anh Ca.

8. Ủng hộ 50 zl: Anh chị Hội-Lệ, Hiền-lương, Hảo-Thu, Giang-Hiền, Đông-Phan, Học-Dung, chị Yến.


Sửa lần cuối 2015-09-06 15:50:06
  • Ban chấp hành Hội đồng hương Kinh Bắc Ban chấp hành Hội đồng hương Kinh Bắc Do sơ suất trong khi thống kê số tiền tài trợ của các tập thể và cá nhân trong ngày gặp mặt 15/08/2015, chúng tôi đã có sai sót như sau: - Chị Yến đã tài trợ cho Hội ĐH Kinh Bắc số tiền là 200 zł chứ không phải là 50 zł như đã ghi ở trên. Ban chấp hành Hội Đồng hương Kinh Bắc xin thành thật xin lỗi chị Yến và mong được chị thông cảm. 2015-10-28 20:48:38

Bình luận

Bình luận qua Facebook