2015-11-22 18:36:59

Chặng đường 5 năm của Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại đại học ALMAMER

Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Almamer Warszawa được thành lập vào ngày 13 tháng 11 năm 2010 đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ trong những hoạt động kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Ba Lan và Việt Nam. Ý tưởng thành lập Viện đã được giáo sư hiệu trưởng Janusz Merski và cựu đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hoằng chia sẻ và quyết tâm thực hiện.

Những hoạt động của Viện là nhằm quảng bá văn hóa và khoa học Việt Nam tại Ba Lan nói riêng và trong Liên minh châu Âu nói chung.

Kể từ khi thành lập, Viện KH&VH Việt Nam đã có những hoạt động nhằm giới thiệu những nét Văn hóa Việt Nam. Mở đầu là „Ngày Văn hóa Việt Nam” nhân dịp Viện khai trương. Chương trình bao gồm: Hội thảo về người Việt Nam tại Ba Lan do các chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam trình bày, trình diễn các tiết mục ca múa nhạc Việt Nam do các nghệ sỹ cộng đồng Việt Nam và đội múa „Sen Trắng” của đạo diễn Thu Lộc thực hiện, Biểu diễn võ thuật Việt Nam do các CLB võ thuật Việt Nam trình diễn, Liên hoan ẩm thực Việt Nam do các nhà hàng Việt Nam tại Warszawa tài trợ.

Liên hoan ẩm thực Việt Nam.

Tiếp theo, vào ngày 4 tháng 9 năm 2012 Viện đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh với đề tài: „Việt Nam điểm hẹn của Thế giới”. Đoàn đại biểu do thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với lãnh đạo trường Almamer và Viện KH&VH Việt Nam. Trong những ngày này, người dân Ba Lan, đặc biệt là những sinh viên và giáo viên trong trường đã được chiêm ngưỡng những nét đẹp về con người và phong cảnh đất nước Việt nam qua gần 200 bức ảnh.

Ngày 12/11/2012, Viện Khoa học và Văn Hóa Việt Nam phối hợp với khoa „Đại học cho những người lớn tuổi” (Uniwersytet Trzeciego wieku) trường Almamer tổ chức buổi giới thiệu 2 tập truyện dài của bà Lệ Tân Sitek, một phụ nữ Việt Nam đã từng du học và sinh sống trên đất nước Ba Lan. Hai tập truyện với tiêu đề: „Sama na drodze” (Một mình trên đường) và „Na rozdrożu” (Nơi ngã ba đường) đã khắc họa chân dung và thể hiện được tâm tư tình cảm của một người con gái Việt đã học tập và sống nhiều năm ở Ba Lan, một phần nào giúp cho bạn bè hiểu được người Việt và văn hóa Việt Nam.

Ngày 19/11/2013, nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, Viện KH&VH Việt Nam đã tổ chức buổi lễ kỉ niệm và gặp gỡ giao lưu cho những người đã và đang làm công tác giảng dạy và đào tạo trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan tại khuôn viên của trường ĐH Almamer. Các cán bộ giảng dạy của trường Almamer rất phấn khởi khi cùng được tôn vinh và gặp gỡ với các nhà giáo Việt Nam.

Năm 2013, Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam đã vinh dự được đón bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son đến thăm. Nhân dịp chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Ba Lan, đoàn đại biểu do thứ trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã đến thăm trường và Viện, chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã gửi tặng quà lưu niệm cho Viện. Qua đó, các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã đánh gia cao các đóng góp của Viện KH&VH Việt Nam trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Ba Lan.

Ngày 12/1/2014, Viện KH&VH Việt Nam đã tổ chức buổi chiếu phim „Hà Nội – Warszawa” của đạo diễn người Ba Lan Katarzyna Klimkiewicz, một bộ phim có nội dung liên quan đến cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Sau buổi chiếu phim đã có cuộc thảo luận sôi nổi và trò chuyện với đạo diễn xung quanh ý nghĩa của bộ phim.

Ngày 23 tháng 2 năm 2014,Viện cùng với nhà Văn hóa xã Józefów, huyện Otwocki, tỉnh Mazowieckie (địa điểm cách Warszawa 25 km) tổ chức ngày Văn hóa Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, nhà hàng Vân Bỉnh, Võ đường Vĩnh Xuân tại Warszawa và ca sỹ Hồng Hoa, ngày văn hóa Việt Nam tại đây đã diễn ra rất sôi động và ấn tượng, góp phần quảng bá cho văn hóa Việt Nam giầu bản sắc và độc đáo.

Ngày 2 tháng 3 năm 2014, Viện phối hợp với Viện Bảo tàng lịch sử Do Thái tại Ba Lan tổ chức tọa đàm về người Việt tại Ba Lan (ông Ngô Hoàng Minh đại diện cho Viện trong Ban tổ chức). Cuộc tọa đàm nằm trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ với chủ đề „Warszawa đa văn hóa” đã có các báo cáo và những tham luận về truyền thống văn hóa Việt Nam và sự hòa nhập của người Việt trong xã hội Ba Lan.

Ngày 6/5/2014, Viện phối hợp với Đại sứ quán và các tổ chức cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức tọa đàm nhân dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đại sứ Phạm Kiến Thiết, đại biểu hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Ba Lan cùng với 3 khách mời Ba Lan đã phát biểu và đọc tham luận. Cuộc tọa đàm đã được cán bộ và sinh viên nhà trường Almamer đánh giá cao.

Ngày 3/7/2014, Viện đã tổ chức hội thảo về Biển Đông với sự tham gia của các giáo sư các trường đại học và cán bộ nghiên cứu lâu năm của Ba Lan. Hội thảo đã nhận được sự giúp đỡ về tài chính của các tổ chức hội đoàn người Việt tại Ba Lan. Tại đây đã có 8 báo cáo đề cập đến các vấn đề về chủ quyền và đặc trưng kiến tạo địa lí của các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa của Việt Nam.

Quang cảnh một buổi Hội thảo.

Ngày 21/11/2014, Viện tham gia hội nghị khoa học về đề tài „Tuyển dụng lao động đối với người nhập cư/dân tộc thiểu số tại Ba Lan trong các năm 2011-2013, những ảnh hưởng của tình trạng di trú và nhập cư đến thị trường lao động” do „IBC GROUP Central Europe Holding Spółka Akcyjna” tổ chức tại khách sạn Radisson Blu Sobieski, Warszawa (ông Đào Công Ngoạn với tư cách đại diện cho Viện KH&VH Việt Nam tại ĐH Almamer tham gia).

Ngày 2/12/2014, Viện KH&VH Việt Nam đã tổ chức hội thảo với đề tài „Kinh tế Việt Nam và quan hệ hữu nghị Ba-Việt „. Hội thảo là một trong những hoạt động kỉ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan của Viện. Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học, các nhà báo Ba Lan đã trình bày 6 báo cáo đề cập đến quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế của hai nước trong suốt 65 năm. Các báo cáo cũng đã đề cập đến sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam và so sánh phát triển kinh tế Việt Nam với các nước trong khu vực.

Theo GS Hiệu trưởng Merski, Viện KH&VH Việt Nam được lập ra với mục đích là để cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có thêm một địa điểm quảng bá những truyền thống và bản sắc văn hóa của mình ngay giữa thủ đô Ba Lan. Chính vì vậy, ngay từ đầu Hội đồng chương trình của Viện đã có những thành viên người Việt Nam và đại diện các tổ chức hội đoàn người Việt Nam tham gia. Có 2 cá nhân trực tiếp tham gia là TS Lã Đức Trung – đảm nhiệm cương vị Phó CT hội đồng chương trình và TS Đào Công Ngoạn – đảm nhiệm cương vị người được Hiệu trưởng ủy nhiệm toàn quyền để điều khiển các hoạt động của Viện.

Năm học 2013-2014, nhiều thành viên đại diện cho các tổ chức cộng đồng người Việt tại Ba Lan như: TS Đào Duy Tiến; TS Bùi Đăng Hiền, ông Ngô Hoàng Minh, bà Bùi Thu Hòa, bà Mạc Việt Hồng, Bà Nguyễn Thi Hồng Hạnh …cũng đã tham gia cùng tổ chức các sự kiện và xây dựng chương trình hoạt động của Viện.

Điều đặc biệt là những người Việt Nam và Ba Lan tham gia công việc trực tiếp hoặc gián tiếp tại Viện Khoa học & Văn hóa Việt Nam đều là những tình nguyện viên (không được nhà trường hỗ trợ gì về tài chính).

Ban lãnh đạo nhà trường Đại học Almamer và Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam xin bày tỏ lời cảm ơn tới các tổ chức và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ cho các hoạt động của Viện. Rất mong được cộng đồng người Việt Nam tại Ba lan tham gia vào các hoạt động, góp ý cho chương trình và tiếp tục hỗ trợ để Viện KH&VH Việt Nam ngày càng phát huy tốt hơn những khả năng của mình.

Xuân Nguyên

Sửa lần cuối 2015-11-22 17:36:59

Bình luận

Bình luận qua Facebook