2016-09-14 09:26:07

Anh Nguyễn Quang Thạch giao lưu với Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan.

Chiều tối ngày 13-9-2016, anh Nguyễn Quanh Thạch, người vừa sang Pari nhận giải thưởng phổ biến tri thức mang tên King Sejong của UNESCO năm nay đã có cuộc giao lưu với Cộng đồng người Việt tại Waraszawa. Nhiều bà con, trong đó có một số nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động Cộng đồng đã đến dự buổi giao lưu.

Tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Quang Thạch đã trình bầy quá trình thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn trong gần 20 năm qua của mình cũng như những dự kiến hoạt động của anh trong thời gian tới.

Nhiều bà con tại Warszawa đã tham dự buổi giao lưu.

Anh rất vinh dự đã được nhận giải thưởng của UNESCO và đây là phần thưởng dành cho tất cả những người trong thời gian qua đã đồng hành cùng anh mang sách đến các vùng miền của tổ quốc, góp phần phổ biến tri thức đến các em học sinh. Số tiền 20 000 đô của giải thưởng anh sẽ tiếp tục dùng cho chương trình Sách hóa nông thôn.

Anh Thạch đánh giá cao sự đóng góp của Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan vào chương trình sách hóa nông thôn của anh. Trong thời gian qua , người Việt tại Ba Lan đã tham gia lập được khoảng 300 tủ sách cho các trường ở đảo Lý Sơn và một số tỉnh khác, mang lại lợi ích cho khoảng 10 000 học sinh.

( 2015: mua khoảng 13.500 đầu sách, xin, kêu gọi thêm được khoảng 7.000 nữa, lập thư viện, tủ sách ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, Lai Châu, Thanh Hóa, Sơn La, Hà Tĩnh. Tổng cộng: 116 điểm (Tủ sách trên thực tế là nhiều hơn, vì một số điểm nhiều sách còn phân ra làm các tủ nhỏ), bình quân 175 đầu sách/điểm, riêng tiền mặt quyên được là 240 triệu vnd.

2016: đã mua tổng cộng đến tháng 9 khoảng 9.000 đầu sách, xin và kêu gọi khoảng 4.000, lập ở Lào Cai, Phú Thọ, Sài Gòn, Thái Bình, Nam Đinh, các tỉnh Tây Nguyên: Dak Lak, Gia Lai, Lâm Đồng và Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Số tủ sách chưa thống kê. Số tiền mặt đã quyên được: khoảng 200 triệu vnd.

Sắp tới, Tủ sách đang khảo sát để lập ở Quảng Bình - Quảng Trị - Quảng Ngãi.

"Tủ sách" nằm trong chương trình Sách hóa Nông thôn, chuyên về các vùng sâu, vùng xa, khó khăn và khó có thể kêu gọi phụ huynh đóng góp.

FB Phan Chau Thành).

Những người tham dự buổi giao lưu đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong việc lập các tủ sách dòng họ, tủ sách nhà trường. Ông Hà Duyên Minh đã kể về Tủ sách dòng họ Hà do các con ông khởi xướng từ việc tham gia chương trình Sách hóa nông thôn của anh Thạch. Với số lượng 200 đầu sách ban đầu, sau 2 năm, tủ sách dòng họ đã có trên 6000 cuốn. Không chỉ những người trong dòng họ Hà mà cả những người ở địa phương, thậm chí cả những người ở các huyện khác cũng đến đọc và mượn sách.

Chị Phương Mai, tiến sĩ đang sinh sống tại Hà Lan kể về sách đã làm thay đổi cuộc đời của mình như thế nào. Sách đã giúp chị vươn lên, vượt qua hoàn cảnh nghèo khó để trưởng thành.

Cuối buổi giao lưu, Ban tổ chức đã tặng anh món quà chúc mừng sinh nhật. Chúc anh tiếp tục đạt nhiều thành quả trên con đường phổ biến tri thức đến với mọi người. Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan tiếp tục đồng hành cùng anh trong công việc nhân văn này.

Trước khi đến dự buổi giao lưu, anh Thạch đã gặp và trao đổi với một số học sinh Ba Lan. Anh cho biết : Học sinh Ba Lan đọc khá nhiều sách, hiểu rộng, tự tin và có tính sáng tạo. Giáo trình chỉ là một phần trong các sách mà học sinh đã và đang đọc

15-9 anh sẽ sang CHLB Đức để truyền bá chương trình Sách hóa nông thôn. 


QV

Sửa lần cuối 2016-09-14 07:27:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook