2016-11-23 22:10:07

Tấn thảm kịch của một gia đình Việt Nam

Người dịch: Nguyễn Văn Thái

Nguồn:http://wawalove.pl/Dramat-wietnamskiej-rodziny-Nekani-sa-codziennie-a24685

Ảnh: Diệp và Dũng trong căn hộ ở phố Anielewicz.

„Họ bị hành hạ mỗi ngày”

Bắt đầu bằng những tin nhắn. „Bọn da vàng bẩn thỉu, chúng mày hãy cút về Việt Nam, tao sẽ báo Biên phòng đến bắt chúng mày”. Sau đó bọn đầu gấu kéo đến. – Một trong số họ đã kề dao vào yêt hầu chồng tôi – Một phụ nữ Việt Nam 35 tuổi, tên là Diệp, đã sống ở Warszawa 15 năm, kể lại.

Gia đình Việt Nam sống ở căn hộ số 30a phố Anielewicz bị hành hạ từ tháng 8 năm nay. Họ bị khiêu khích, xịt hơi cay, đe dọa bằng lựu đạn, đốt ở một vài chỗ trong căn hộ. Từ ngày 10 tháng 11 đúng ra họ bị hành hạ hàng ngày. Mặc dù thế họ không muốn chuyển đi.

Diệp và Dũng là những người nhỏ bé. Họ nói tiếng Ba Lan kém. Khi họ mất bình tĩnh thì nói lại càng tồi hơn. Họ có 2 con trai, đứa đầu 13 tuổi, học sinh trường tiểu học ở thủ đô. Cậu bé đã giúp đỡ cho cuộc chuyện trò khi cha mẹ thiếu vốn từ.

Chúng tôi ngồi trong một căn hộ nhỏ tối tăm ở Muranow Warszawa. Ngồi cạnh những ngọn nến, bởi đã 3 tuần nay những người Việt Nam trẻ tuổi này sống không có điện. Họ thậm chí không có đồng hồ đo điện. Chủ nhà đã cắt điện của họ . Lò sưởi vẫn có, bởi đó là của thành phố. Chốc chốc trong căn hộ lại lóe sáng, khi ai đó bật đèn ở lối ra vào ngoài hành lang. Lúc bấy giờ Dũng tỏ ra căng thẳng và nhìn xem “ họ “ có đến không. Căn hộ không có cửa ra vào. Ngày 10 tháng 11 lúc 6.30 sáng ba người đàn ông đã vào và dùng cưa máy tháo cửa mang đi.

Hãy thu dọn đồ đạc của chúng mày và cút khỏi đây”

Các công dân Việt Nam bắt đầu đến Ba Lan vào những năm 80, vì các nguyên nhân chính trị và không chỉ có vậy. Tôn Vân Anh từ Trung tâm Đa văn hóa Praga nói rằng một trong những nguyên nhân chính là người Ba Lan được người Việt Nam coi là tuyệt vời. – Trước hết họ là người hiếu khách, có lòng vị tha và nhiệt tình. – cô nói với WAWALOVE.Pl. Được hỏi về số lượng, cô ta cho rằng riêng ở thủ đô đã có khoảng 20 ngàn người Việt Nam. Trong các bệnh viện Warszawa đã có hàng ngàn trẻ em Việt Nam chào đời. Một số đứa, những trẻ em lớn tuổi đã không nói tiếng của cha mẹ chúng, một bộ phận trong chúng chưa bao giờ về đất nước của ông bà chúng.

Đó là những người thầm lặng, bình tĩnh. Họ không phô trương nền văn hóa của họ. Họ làm việc nặng nhọc và như mỗi người chúng ta cố gắng sống xứng đáng. Diệp và Dũng cũng đang sống ở thủ đô. Cả hai làm việc trong ngành ẩm thực. Con cái họ (sinh ra ở bệnh viện trên phố Żelazna) đều đi học. Gia đình sống tương đối đầy đủ cho đến khi Dũng bị mất việc làm. Họ không có tiền để trả tiền thuê nhà. Đó là số tiền 2,5 ngàn zł. Họ đã báo cho chủ nhà là họ rơi vào tình trạng khó khăn. Họ cam kết tháng 8 sẽ thanh toán tiền thuê nhà. Song chủ nhà đòi ngay tức khắc họ phải chuyển khỏi căn hộ. Các chủ hộ có quyền đòi lại căn hộ khi không nhận được tiền thuê, song phải tuân thủ những quá trình bắt buộc. Họ đã chọn phương pháp khác. “Hãy thu dọn đồ đạc của chúng mày và cút khỏi đây” Diệp đã nhận được tin nhắn với nội dung như vậy.

Họ không có chỗ nào để chuyển đi. Những người chủ nhà với sự hộ tống của cảnh sát đã đến và mang toàn bộ đồ đạc của họ vất ra ngoài hành lang. Ngay lập tức họ thay ổ khóa cửa. Bỗng nhiên đôi vợ chồng không có nơi nào trú ngụ. Một láng giềng đã giúp đỡ gia đình. Ông ta báo cho các thành việc của Tổ chức giúp đỡ những người thuê nhà Syrena biết về việc đuổi nhà đó. Các thành viên đến ngay nơi xảy ra sự việc. Họ đã thay lại ổ khóa và dẫn những người Việt Nam đang còn hoảng sợ trở lại căn hộ. Những người hoạt động bảo vệ người thuê nhà khẳng định là việc đuổi nhà này không hợp pháp, nó diễn ra không được thông báo trước và không có bản án của tòa án. Tình hình của những người thuê nhà này cũng đã được báo cho các cán bộ của Trung tâm Trợ giúp Xã hội. Họ cũng đưa đơn tố cáo là cảnh sát đã hộ tống chủ nhà đến đuổi nhà. Họ cũng thông báo cho các cơ quan truyền thông, trên báo chí đã xuất hiện những bài báo viết về sự việc này. Những người cho thuê nhà đã rút lui.

Biết cách đe dọa

Thay cho việc lập tài khoản để thanh toán, các chủ nhà đã nhận tiền mặt trao tay của những người Việt Nam thuê nhà, không có bất kì giấy tờ biên nhận nào. Diệp và Dũng khẳng định rằng đã xảy ra trường hợp là một trong các chủ nhà bỗng nhiên thông báo là chưa nhận được tiền và họ đòi trả ngay. Những người Việt Nam cương quyết không chịu thanh toán và đòi phải có số tài khoản ngân hàng để họ trả, họ muốn có biên nhận về việc thanh toán. Lúc đó lại bắt đầu các vụ khiêu khích và những lời đe dọa rằng gia đình này sẽ bị trục xuất khỏi Ba Lan.

Theo những xác minh của “Wyborcza” đã đăng trong tháng 8 thì một trong những chủ nhà của ngôi nhà, người đã gửi những tin nhắn bẩn thỉu có tính phân biệt chủng tộc cho những người Việt Nam là người làm việc trong tổ chức phi chính phủ, có nhiệm vụ giúp đỡ chính những người ngoại quốc. Bà ta còn là thành viên của Hội đồng quản trị Quỹ phát triển “Ngoài biên giới”, phụ trách vấn đề đồng hóa người ngoại quốc ở Ba Lan. Bà ta biết đe dọa như thế nào bởi bà biết các quy định luật pháp. Ksenia Naranovich, thuộc Quỹ “Ngoài biên giới” lúc đó đã giải thích với “Wyborcza” rằng về toàn bộ sự việc thì các đại diện của Quỹ chỉ được biết thông qua các nhà hoạt động bảo vệ người thuê nhà. – Đó là những việc làm đáng hổ thẹn, vì có lẽ bà ta đã lợi dụng những hiểu biết về chuyên môn của mình về quy chế đối với người nước ngoài để dọa nạt họ. Chúng tôi đã tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ những người Việt Nam. Bà ta nói vào tháng 8 vừa qua. Được WAWALOVE. PL hỏi sự giúp đỡ đó thể hiện như thến nào, bà trả lời là chúng tôi hứa sẽ giúp đỡ về các thủ tục pháp lí, giúp giải quyết các vấn đề với chính quyền hoặc giúp phiên dịch. Gia đình Việt Nam đã không sử dụng sự giúp đỡ đó. Vấn đề lắng xuống.

Cứ 2 – 3 tiếng họ lại xịt hơi cay một lần”

Xin chào, Cháu là con trai mẹ Diệp và cháu viết tin này vì chủ nhà đã tháo cửa ra vào và mỗi ngày lại xịt hơi cay vào nhà, mẹ cháu bị bỏng ở tay”. Ngày 12/11 cậu bé 13 tuổi, con trai gia đình Việt Nam gửi tin nhắn với nội dung trên cho một thành viên của nhóm Syrena, người quen của gia đình. Bắt đầu từ ngày 10/11 gia đình Việt Nam bị hành hạ hàng ngày. “Bọn da vàng hãy cút khỏi Ba Lan, con đĩ Việt Nam”. Khi đi ngang cạnh ngôi nhà, Diệp thường nghe những lời đó từ miệng bọn người mà cô hoàn toàn không quen biết đứng ở lối ra vào ngôi nhà nói. Ba tuần trước đây người ta cắt điện trong căn hộ, còn một ngày trước Lễ Độc Lập họ tháo cửa ra vào căn hộ mang đi. – Tôi sợ hãi trước hết vì lũ trẻ, sợ có chuyện gì đó xảy ra với chúng. Do đó chúng đã sống ở chỗ người thân. Một phần đồ đạc tôi đã mang đi để ở chỗ người quen. Khi Dũng nói về trẻ con, anh ta bắt đầu khóc. Anh ngừng cuộc nói chuyện và đi đến cửa sổ để trấn tĩnh lại.

Việc tìm một căn hộ mới không phải dễ dàng. Trước hết họ phải thuê một cách hợp pháp, điều đó không phải bất kì chủ nhà nào cũng ưng thuận. Ở giai đoạn mùa thu này ở Warszawa xuất hiện hàng ngàn sinh viên mới tìm thuê nhà. Cũng còn có khó khăn thứ ba nữa, đó là không phải ai cũng muốn cho người Việt Nam thuê nhà ở.

Diệp, nói tiếng Ba Lan khá hơn chồng, kể rằng buổi sáng và tối nay có người đã thò tay qua lỗ hổng ở cửa tạm thời của căn hộ và xịt bừa hơi cay vào nhà. Trên tường nhà ở hành lang nhìn rõ các vết bẩn bốc mùi rất khó chịu. Ngày 11/11, ngày Độc Lập cứ 2 – 3 tiếng đồng hồ họ lại xịt hơi cay vào nhà. Hôm sau cũng như vậy. Dũng chỉ cho tôi những vết bẩn trên tường. Chủ nhật 13/11 có hai đứa du côn lẻn vào căn hộ. Theo Diệp kể, chúng dọa sẽ bắt cóc cô và đưa đi khỏi đây. Cuối cùng thì chuyện đó không xảy ra, song bọn gây gổ đã xịt hơi cay vào gia đình và khi ra khỏi nhà họ còn bật lửa đe dọa. Cô chỉ cho chúng tôi dấu vết trên chiếc tủ đứng đặt ở hành lang. Diệp bổ sung là họ còn huơ huơ quả lựu đạn ra trước mắt để dọa. Sau khi bọn chúng rút đi, Diệp và Dũng đã báo cảnh sát.

Chúng ta đang nói về chuyên không đâu”

Trong vụ việc bày có hai cuộc điều tra – Bà Marta Sulowska thuộc đồn cảnh sát phố Wolska nói với WawaLove.pl – Cuộc điều tra thứ nhất liên quan đến những lời đe dọa đáng bị trừng phạt, nhưng cuộc điều tra đó đã ngưng lại vì không có bằng chứng. Cuộc điều tra thứ hai đang được tiến hành và liên quan đến việc hủy hoại tài sản. Bà Sulowska nhấn mạnh là bà biết rất rõ địa chỉ đó. – Cảnh sát đã nhiều lần có mặt tại phố Anielewicz. – Với các công dân này đang có một vấn đề nhất định. Các cảnh sát đã nhiều lần giải thích với họ là họ cần phải làm gì, làm thế nào để trình báo về việc phạm tội. Nhiều lần cảnh sát khu vực đến đó, chính cảnh sát này đã biết những người Việt Nam kia và nhiều lần khuyên họ phải chính thức khởi kiện. Ngoài ra sự việc không chỉ có một phía, bởi với những người Việt Nam cũng có những lời cáo buộc họ. – Các cáo buộc về chuyện gì? – tôi hỏi – thí dụ về việc họ làm ồn trong đêm, rằng nhiều người khác nhau đến chỗ họ. Ông biết đấy, ông nhà báo ạ, người ta sợ những người lạ – bà Sulowska trả lời. Bà cũng nhấn mạnh rằng không có những lá đơn chính thức gửi lên cảnh sát thì các nhân viên cảnh sát đành phải bó tay.

Các nhân viên cảnh sát làm sao giải quyết được vụ việc đó. Chúng ta tạm thời đang nói về chuyện không đâu. Bà đại diện cảnh sát nói.

Tôi hỏi Diệp và Dũng. – Trước đó chúng tôi đã đến cả Wilcza lẫn các đồn cảnh sát khác, nhưng sau khi chứng kiến các nhân viên cảnh sát đối xứ với chúng tôi, chúng tôi đã thôi không đến đó nữa. – Diệp lắp bắp nói bằng tiếng Ba Lan. – Khi họ được mời tới căn hộ, họ đã có cách cư xử rất thô lỗ. Tôi đang khóc, đã bị xịt hơi cay, mắt lồi cả ra, còn ông ta thì quát tôi, dọa rằng nếu ngay sau đó không trình ra giấy tờ thì sẽ bị phạt 500 zł. Chúng tôi không tin họ, qua các tháng ngày đó họ đã tỏ ra là họ hoàn toàn không quan tâm đến chúng tôi. Cùng với các thành viên nhóm bảo vệ người thuê nhà, chúng tôi đã đưa đơn khiếu nại về họ. – Ngoài ra, vào tháng 8, khi một số báo chí viết về vụ việc, chủ nhà đã xuống nước, vì vậy chúng tôi cũng bỏ qua. Các thành viên nhóm bảo về người thuê nhà có mặt lúc mời cảnh sát tới kể lại rằng một trong những cảnh sát (họ nhớ cả biển số hiệu) đã phản ứng về việc ngược đãi những người Việt Nam bằng câu nói: ” Ở địa vị tôi thì tôi cũng làm như vậy”.

Những hành vi đáng ngạc nhiên của cảnh sát không thể giải thích bằng việc họ thiếu hiểu biết hoặc không có phận sự.

Một thành viên nhóm bảo vệ người thuê nhà nói với WawaLove.pl là những hoạt động từ trước đến nay của cảnh sát khiến người ta nghi ngờ là họ không muốn dính líu vào vụ việc. Theo ông ta thì các nhân viên cảnh sát đã nhiều lần không thực hiện nhiệm vụ của mình, không làm gì để xác định những kẻ gây rối (thậm chí những kẻ đó có mặt bên cạnh cảnh sát và được những người thuê nhà chỉ rõ). Ông ta đưa ra ví dụ cụ thể: Khi những người thuê nhà gọi đến, sau vụ việc chủ nhà cùng ba người gây rối vừa lẻn vào nhà và tấn công những người thuê nhà, thì các nhân viên cảnh sát đến nơi không quan tâm đến vấn đề mà người ta gọi tới, tức là việc xông vào nhà, đánh đập người thuê, ngược lại họ chỉ quan tâm đến chuyện quyền sở hữu ngôi nhà, giấy tờ thuê nhà, tức là những vấn đề thuộc thẩm quyền của người phụ trách bất động sản của tòa án, chứ không phải của cảnh sát.

Tôi có gửi tin nhắn đến cảnh sát với đề nghị giải thích. “Chúng tôi đang thu thập thông tin về vấn đề này. Cuối tuần này hoặc chậm nhất là thứ 2 tuần sau chúng tôi sẽ trả lời ông”.

Chờ cuộc tấn công tiếp

Thảm họa của gia đình Việt Nam bắt đầu diễn ra từ tháng 8. Cả bà Marta Sulowska của Cảnh sát Wolska lẫn bà Ksenia Naranovich của Quỹ “Ngoài Biên giới” khi nói chuyện với tôi đều đặt ra một câu hỏi “tại sao, khi nghe những lời xúc phạm đến họ như vậy mà gia đình không rời bỏ căn hộ đã thuê”. Tôi cũng hỏi như vậy với Diệp và Dũng. Tại sao họ không bỏ chạy khi nghe “đồ da vàng hãy cút đi”. Họ trả lời là đã liên tục nghe những lời nói đó. Ở bất cứ chỗ nào cũng nghe như vậy. Vì thế những lời nói đó không để lại cho họ ấn tượng gì.

Bị truy đuổi, không biết cách di chuyển trong một rừng những quy chế liên tục thay đổi, kém tiếng Ba Lan và không được sự giúp đỡ của mọi người, Diệp và Dũng chỉ còn biết chờ đợi vào những đợt tấn công tiếp theo. Họ nghĩ rằng họ không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của cảnh sát và tòa án. Họ cũng không còn niềm tin vào các tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những người nước ngoài. Họ làm sao mà tin được khi từ miệng một trong những người của tổ chức đó, tổ chức giúp đỡ người nước ngoài, lại nghe được rằng họ là ‘Bọn da vàng, hãy cút về Việt Nam”./.

Sửa lần cuối 2016-11-24 08:29:30
  • Tuyết Minh Tuyết Minh Từ Đức theo dõi vụ này qua 1 tờ báo mạng (Người Việt.de) tôi cũng thấy ái ngại cho đồng hương ở Ba Lan. Đọc tin tức biết từ 2015 khi Chính phủ Ba Lan chỉ còn dựa trên 1 Đảng bảo thủ dân tộc và theo quan điểm từ Đức họ cho đó là 1 chính phủ thiên hữu thì dễ hiểu không khí chính trị Ba Lan đối với người nước ngoài sẽ ngột ngạt hơn trước, chứ nếu nói rộng hơn, ví dụ về mặt nhà nước pháp quyền thì Nữ Thủ tướng nước này tháng 3 năm nay cũng có những phát biểu, bước đi không phù hợp nhà nước pháp quyền ở Châu Âu (hay ít nhất theo quan điểm Đức), khi muốn giới hạn quyền hành Tòa án Hiến pháp hay coi thường tòa án này, trong khi bình thường ai cũng hiểu quyền tư pháp là 1 trụ cột chính của Nhà nước pháp quyền. Và từ Nhà nước đã có biểu hiện như vậy, thì cấp dưới công an, tòa án có hành xử không theo luật, thậm chí cả tổ chức giúp đỡ người nước ngoài chứa chấp cả những cá nhân chống người nước ngoài thì cũng không có gì khó hiểu. Vì gia đình quyết tâm ở lại, không nghe theo lời khuyên của cảnh sát …, thì lúc này tôi cảm giác gia đình không nghe theo là vì họ cũng chẳng tin nếu nghe lời khuyên đó thì cuộc sống họ có tốt hơn hay không? Tuy vậy kéo dài 1 cuộc sống quá tồi tệ là điều không nên, ít nhất cho đứa trẻ. Vì thế ngoài việc tổ chức người Việt ở Ba Lan nên quan tâm những trường hợp thế này, thì nên chăng thông qua bạn bè, tổ chức biết tiếng gia đình hãy đặt vấn đề cần tư vấn, giúp đỡ thêm từ những tổ chức khác như Nhà thờ (tư vấn) hoặc kể cả Đảng phái (cánh tả!?). Tôi nói điều này vì đọc thấy Đảng cầm quyền dựa khá nhiều vào những nguyên tắc của Đạo Thiên chúa. Khi nghe những lời khuyên hợp lý, hợp tình tôi tin có hướng sáng sủa hơn thì gia đình Diệp-Dũng bình thường cũng phải nghe theo, vì tôi không tin ai lại thích sống trong „thảm kịch“ như thế này! 2016-11-28 16:55:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook