2017-01-01 00:30:11

Người Nghệ ở Ba Lan

Đội bóng đá Sông Lam tại Ba Lan năm 2016

Không biết tự bao giờ người Xứ Nghệ cứ cố ra đi, khi mỏi trở về hoặc gặp đâu “đất lành” thì đậu lại. Cho dù phải “ra Bắc, vào Nam” hay sang tận Châu Âu xa xôi, giá lạnh. Tại Ba Lan, trong số hơn 30 ngàn người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập thì người Nghệ Tĩnh chiếm hơn phân nửa.

Người Nghệ An, Hà Tĩnh tại Ba Lan chủ yếu kinh doanh hàng may mặc hoặc các nhà hàng ẩm thực Việt. Cũng có những người làm công việc khác nhưng không nhiều. Đáng mừng là ở đâu người Nghệ cũng phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc và hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt là đối với đồng hương của mình.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Người Việt tại Ba Lan, kiêm Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh cho biết: “Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan được thành lập từ ngày 04.11.2001, đến nay đã có trên 16 năm hoạt động. Mặc dù số lượng hội viên rất đông nhưng mọi người không muốn tách riêng làm hai hội Nghệ An và Hà Tĩnh, cứ cho rằng người Nghệ cùng là dân sông Lam, chung một nếp văn hóa, một làn điệu dân ca nên sinh hoạt cùng nhau cho đầm ấm”.

Trên các lĩnh vực hoạt động khác, người xứ Nghệ tại Ba Lan cũng có những đóng góp ý nghĩa, nhiều cá nhân tiêu biểu như: Nhà thơ Lâm Quang Mỹ (quê Cửa Hội)- thành viên Hội nhà văn Ba Lan, Chủ tịch CLB thơ Việt; hay, ba chị em ca sỹ nổi tiếng trong cộng đồng, quê ở Vinh, gồm Minh Tâm (từng là giáo viên thanh nhạc), Kim Khuê (từng là diễn viên ở Đoàn cải lương Nghệ Tĩnh) và Lệ Huyền (từng ở Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh). Vào những dịp giao lưu gặp gỡ, ngoài đặc trưng văn hóa xứ Nghệ thì những làn điệu dân ca, ví giặm được cất lên như những sợi dây vô hình kết chặt tâm tình người xa xứ. Một người con xứ Nghệ khác có nhiều đóng góp cho cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan là ông Lê Xuân Lâm, quê ở huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ông Lâm từng là giảng viên Trường ĐH. Mỏ địa chất, sang thực tập sinh rồi ở lại. Ông hiện là tổng biên tập báo điện tử Queviet.pl của Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Ông đã nhiều năm tần tảo với sự nghiệp “gieo” tiếng mẹ đẻ và nhen nhóm văn hóa Việt cho các thế hệ con em của kiều bào tại Ba Lan. Hiện nay, ông là Hiệu trưởng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, kiêm Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Lang tại Vác-sa-va. Ông Lâm còn là một trong những người tiên phong thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ Lê Quý Đôn dành cho giới trí thức Việt tại Ba Lan, hay CLB. Thơ Việt,…

Trong các hoạt động phong trào chung, người Nghệ Tĩnh đều luôn tham gia hăng hái. Anh Đặng Hồng Sơn, Chủ tịch câu lạc bộ thanh niên Nghệ Tĩnh tại Ba lan cho biết “Không chỉ tại Vác-sa-va mà cả ở các thành phố lớn khác như Lodz, Wroclaw,…, người Nghệ mình cũng luôn nhiệt tình với tập thể. Giải bóng đá phong trào do Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức đã diễn ra 12 lần, đội bóng Sông Lam tham gia đầy đủ và đã 9 lần giành ngôi vô địch, hai lần giải nhì, chỉ duy nhất một lần về giải phong cách”.

Ông Trịnh Quân, Bí thư thứ Ba phụ trách Văn hóa – Báo chí, Ủy viên Ban công tác cộng đồng thuộc ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan đánh giá “Trong những năm qua, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh luôn là một trong những tổ chức hội đoàn đi đầu về các phong trào văn nghệ, thể thao và quảng bá  văn hóa của người Việt Nam tại Ba Lan, đồng thời, có nhiều hoạt động thiện nguyện và đóng góp ý nghĩa hướng về quê hương, đất nước. Các chương trình tích cực có thể kể đến như Cơm có thịt, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, quyên góp xây nhà chống lũ, nhà tình nghĩa , đã xây dựng hàng chục tủ sách theo chương trình sách hóa nông thôn cho các trường học tại địa phương trong năm 2016,… Đặc biệt là với số lượng thành viên đông đảo, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh cũng là nhân tố then chốt, góp phần tích cực trong việc gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Hội cũng thường xuyên tổ chức các giải bóng đá, giao lưu thể thao trong cộng đồng và mang những làn điệu dân ca, câu hò, điệu ví quảng bá tới bạn bè Ba Lan trong các chương trình giao lưu giữa kiều bào ta với người bản xứ”.

Với quê hương xứ Nghệ, kiều bào luôn đau đáu sắt son, càng đi xa càng dạt dào, thắm lại. Hầu hết con em ra đi từ nông thôn nên ai cũng hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của quê mình. Đó cũng là một lý do mà lượng kiều hối gửi về xứ Nghệ luôn đứng đầu cả nước, trong đó có phần không nhỏ từ kiều bào Ba Lan. Kiều hối đã góp phần tích cực và trực tiếp thay đổi diện mạo tại nhiều vùng quê nghèo nông thôn Nghệ Tĩnh.

Tết đến, Xuân về là thời điểm nhiều kiều bào háo hức trở về quê hương sum họp và dâng nén hương thơm lên tổ tiên. Tuy nhiên, cũng nhiều người vì điều kiện, hoàn cảnh không thể về được. Rất mừng là mấy năm gần đây, Đảng bộ, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa như tổ chức gặp mặt hoặc thể hiện sự quan tâm đến kiều bào thông qua các chương trình truyền thông trong dịp Tết. Đó chính là nguồn động viên vô giá, là ngọn lửa hồng giúp sưởi ấm cõi lòng những người con xứ Nghệ xa quê. 

Nguyễn Thức Tuấn

Một vài hình ảnh hoạt động của HĐH Nghệ Tĩnh tại Ba Lan

Ông Phạm Kiến Thiết, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, phát biểu chúc mừng Đại hội Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan nhiệm kỳ 2015-2020


Một tiết mục văn nghệ của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan


Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan, tặng hoa ca sĩ Kim Khuê trong buổi Lễ Kỷ niệm ngày Quốc phòng toàn dân 22.12.2016

Sửa lần cuối 2016-12-31 23:32:12

Bình luận

Bình luận qua Facebook