2017-01-16 20:43:05

Về bài báo „Dấu ấn Câu lạc bộ Lê Quý Đôn tại Ba Lan giai đoạn 2009-2016”

     Ngày 8/1/2017 Báo Điện tử Quê Việt (queviet.pl) đã đăng bài „Dấu ấn Câu lạc bộ Lê Quý Đôn tại Ba Lan giai đoạn 2009-2016” của hai cựu thành viên Câu Lạc Bộ Lê Quý Đôn là TS Đào Duy Tiến và GS Nguyễn Ngọc Thành.

    Trước tiên, Ban chấp hành (BCH) CLB Lê Quý Đôn xin cám ơn TS Đào Duy Tiến và GS Nguyễn Ngọc Thành đã có đóng góp to lớn cho CLB trong thời gian 2009-2016 và hy vọng sẽ được cộng tác với hai ông để cùng góp phần phát triển cộng đồng trong tương lai.

     Chúng tôi đã đọc kỹ bài báo và có một số ý kiến sau đây:

1. Bổ sung đóng góp của CLB và các thành viên

Vì hai ông không còn là thành viên CLB LQĐ nên bài này không phải là bản tổng kết đã được CLB thông qua mà là bài riêng của hai ông. 

Trong bài viết của hai ông còn thiếu nhiều đóng góp quan trọng của CLB và của các thành viên. Để đảm bảo tính khách quan và công bằng cho các thành viên CLB chúng tôi thấy có trách nhiệm bổ sung thêm một số dữ liệu  chưa được nêu trong bài báo trên.

Hội thảo Sinh viên Việt Nam tại Ba Lan lần thứ nhất (Krakow, 24-25 tháng 9, 2016) 

Một trong những thành tích nổi bật trong năm 2016 là chúng tôi đã tổ chức Hội thảo Sinh viên Việt Nam toàn Ba Lan tại Krakow vào tháng 9/2016. Hội thảo này mở ra một hướng mới liên kết các trí tức trẻ ở Ba Lan và đóng góp đáng kể vào sự trưởng thành của CLB thông qua việc tăng số sinh viên, nghiên cứu sinh (NCS) tham gia CLB.   

Tháng 4/2016, sự kiện ngày Văn hóa Việt nam và Triển lãm tranh về chủ quyền biển đảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp tại Đại học Tổng hợp Łódź, gây được tiếng vang lớn không chỉ với người Việt ở trong và ngoài nước mà còn trên các phương tiện truyền thông Ba Lan. Sự thành công của chương trình này có công đóng góp rất lớn của các thành viên CLB Lê Quý Đôn như Trần Quốc Quân, Lê Xuân Lâm, Trần Anh Tuấn, Mai Văn Hải.

Năm 2016, nhân dịp 50 năm thành lập Trường, GS Nguyễn Đình Châu được ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội vinh danh vì những đóng góp to lớn cho hợp tác khoa học giữa VN và Ba Lan. 

ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội vinh danh GS Nguyễn Đình Châu (trái).

Năm 2016 GS Trần Vĩnh Hùng nhận được đề tài NCN (Narodowe Centrum Nauki, Ba Lan) gần 2 triệu zł và đây là thành tích đáng khâm phục.

Cùng với các GS đã được nhắc trong bài báo như GS Trần Vĩnh Hùng, GS Nguyễn Anh Linh, GS Nguyễn Đình Châu, và GS Cao Long Vân, GS Mai Xuân Lý cũng xin được các học bổng và hướng dẫn nhiều NCS Việt Nam, hợp tác nghiên cứu với các trường ĐH, trung tâm khoa học ở VN.

GS Mai Xuân Lý là một trong những thành viên sáng lập ra Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán Tp Hồ Chí Minh và đã tham gia tổ chức 3 Hội nghị quốc tế về khoa học và công nghệ tính toán ở Tp Hồ Chí Minh vào các năm 2011, 2014 và 2016.

 GS Trần Vĩnh Hùng, từ năm 2009 đến nay, đã tham dự trên dưới 10 hội thảo quốc tế về KH vật liệu và Vật lí  tổ chức tại Việt Nam, với kinh nghiệm của mình GS tham gia hoạt động trong ban cố vấn hoặc chủ trì buổi hội thảo. Trong những lần thăm Quê hương, GS đều giành thời gian để chia sẽ kiến  thức với đồng nghiệp ở Việt Nam qua các buổi biểu ở nhiều viện và trường ĐH.

GS Trần Vĩnh Hùng cùng con gái (trái) và đồng nghiệp tại hội thảo  quốc tế tổ chức tại Hà Nội năm 2016.

TSKH Nguyễn Thị Bích Lộc,GS ĐHTH Zielona Gora, hợp tác tích cực với Việt Nam về công nghệ sinh học. Cùng với TSKH Nguyễn Hữu Viêm, GS Lộc còn có nhiều đóng góp khác đặc biệt là phát triển báo mạng của CLB.

GS Lộc (áo trắng) trao đổi với các đồng nghiệp tại Tp Hồ Chí Minh.

Các anh chị Lê Xuân Lâm, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Việt Triều, Trịnh Hoài Nam, Nguyễn Hữu Viêm, Tống Thu Hương ... đã đóng góp nhiều cho CLB nói riêng cũng như cộng đồng nói chung.           

2. Nhận định bi quan về tương lai CLB của hai tác giả

Trong đoạn kết của bài báo đã nêu, các tác giả cho rằng thời kỳ 2009-2016 CLB LQĐ đã đạt được những thành tựu đáng tự hào nhưng „Các nội dung sinh hoạt của CLB LQĐ hiện nay chỉ bó hẹp trong một phạm vi không lớn  và nếu không mở rộng hơn nữa mục  đích hoạt động thì sự phát huy nội lực của người trí thức đóng góp cho cộng đồng và xã hội dần dần lặng lẽ trôi đi theo thời gian, sẽ dần dần làm cho người trí thức chịu an phận trước sự phát triển mạnh mẽ của các xã hội văn minh trên thế giới.”  (phần chữ nghiêng là trích dẫn từ bài báo đã nêu). Chúng tôi thấy nhận định về tương lai CLB của TS Đào Duy Tiến và GS Nguyễn Ngọc Thành quá bi quan và không có cơ sở. Bởi vì nếu giai đoạn 2009-2016 chúng tôi đã đạt được những thành tích lớn như vậy thì tại sao trong tương lai chúng tôi lại sẽ không đóng góp gì đáng kể và mọi thành viên sẽ an phận trước sự phát triển của xã hội. Trong hai phần tiếp theo chúng tôi nêu lên vài chi tiết về tiềm năng của CLB và kế hoạch sắp tới, với kỳ vọng CLB sẽ đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới.

3. Tiềm năng của CLB. Hiện tại số thành viên chưa đông nhưng chất lượng cao. Về khoa học kỹ thuật chúng tôi có 3 GS cấp nhà nước, 6 TSKH là GS công tác ở các trường và viện uy tín của của BL, nhiều TS, ThS, NCS tài năng. Thước đo năng lực của nhà KH là số lượt trích dẫn và chỉ số Hirsch (H-index). Theo cơ sở dữ liệu của Web of Science (ISI), một số thành viên CLB có chỉ số KH cao, đặc biệt vài người có số lượt trích dẫn (không tính tự trích dẫn) vượt mốc 1000 lần, hoặc H-index xấp xỉ 30. Đây là thành tích mà nhiều người làm KH mơ ước.

Về Văn học, Nghệ thuật chúng ta có 3 Hội viên Hội Nhà Văn VN (TSKH Nguyễn Văn Thái, GS Nguyễn Chí Thuật và TS nhà thơ Lâm Quang Mỹ) và một số người khác có những sáng tác văn học đáng kể. Một số thành viên CLB là  đại diện tích cực của các hội đoàn khác tại BL. Ngoài ra, CLB còn được thừa nhận và ủng hộ của tất cả các hội đoàn trong cộng đồng và Đại sứ quán.

Thành viên CLB gồm nhiều lứa tuổi bao gồm các bậc lão thành. Điểm chung của họ là hoạt động tích cực thông qua các buổi giao lưu, hội thảo KH. Thành viên lớn tuổi truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ, ít kinh nghiệm hơn nhưng tràn đầy sức sống, ham hiểu biết và sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng. 

Tóm lại, chúng tôi có đội ngũ đủ năng lực  để thực hiện được những mục tiêu CLB đặt ra. Tuy nhiên, nếu chúng tôi phát triển thêm hội viên thì hoạt động sẽ rộng và sâu hơn.

4. Kế hoạch sắp tới

 Mục tiêu lâu dài của CLB là phát triển mạng lưới thành viên đông đảo hơn và thực hiện mục đích chính như nâng cao tri thức cộng đồng, hỗ trợ lớp trẻ trong việc định hướng ngành nghề cũng như nghiên cứu, góp phần vào sự phát triển khoa học, công nghệ, văn hóa xã hội ở nước sở tại, Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu… Kế hoạch hoạt động năm 2017 đã được đặt ra trong  buổi Tọa Đàm Cuối Năm của CLB tổ chức vào cuối năm ngoái: Tổ chức đêm thơ cho TS Lâm Quang Mỹ và GS Nguyễn Chí Thuật, tổ chức Hội thảo sinh viên châu Âu, tổ chức một hội nghị chuyên ngành, truyền bá những vấn đề nóng cho cộng đồng như nền Công nghiệp 4.0 và Tọa đàm cuối năm.

Cuối cùng, chúng tôi đã bổ sung những đóng góp quan trọng của các thành viên mà các tác giả không nhắc tới trong bài báo trên. Năm 2016 là năm CLB gặt hái được nhiều thành công trong đó có việc tăng số lượng các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động hữu ích. Khác với nhận định của TS Đào Duy Tiến và GS Nguyễn Ngọc Thành, chúng tôi tin rằng CLB sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới vì chúng tôi có tiềm năng, có kế hoạt hoạt động rõ ràng, thích hợp với mức ngân sách cho phép và đặc biệt được sự cổ vũ của các hội đoàn khác. Dĩ nhiên trong quá trình phát triển chúng tôi cũng không tránh khỏi những thiếu sót nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục với tinh thần cầu thị cũng như mong đợi những đóng góp mang tính xây dựng của mọi người. Đến một ngày nào đó khi lực lượng đủ lớn, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc chuyển CLB thành một Hội chính thức để đóng góp nhiều hơn nữa không những cho một cộng đồng người Việt đáng sống ở Ba Lan mà còn cho đất Việt của chúng ta.

Warszawa, 15 tháng 1 năm 2017

BCH CLB LÊ QUÝ ĐÔN TẠI BA LAN

Sửa lần cuối 2017-01-19 15:20:31

Bình luận

Bình luận qua Facebook