2017-11-13 12:13:11

Một buổi tọa đàm bổ ích và lý thú.

Diễn giả Ewa Grabowska và phiên dịch Ngô Hoàng Minh (ảnh: FB Võ Văn Long)

Chiều 12/11/2017, tại nhà Văn hóa quận Raszyn, Vac-sa-va có cuộc tọa đàm về đề tài: “MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA VN VÀ SỰ HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI BA LAN”.

Các diễn giả là ba phụ nữ người châu Âu (Ba Lan và Hy Lạp), yêu thích văn hóa Việt:

- Thạc sĩ Ewa Grabowska (Ba Lan), ngành tâm lý học, hiện đang là nghiên cứu sinh tại ĐHTH Vác-sa-va.

- Tiến sĩ Marina Marouda (Hy Lạp), ngành nhân học, làm việc tại đại học Sussex (Anh), Marina chuyên nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.

- Tiến sĩ Grazyna Szymanska (Ba Lan), làm việc tại Viện xã hội học, ĐHTH Vác-sa-va.

   Đông đảo người Việt đã đến tham dự buổi tọa đàm.

-Ths Ewa trao đổi về đề tài: Giá trị truyền thống gia đình của người Việt trong quá trình hội nhập vào xã hội Ba Lan. Nghiên cứu ở VN cho thấy sự gắn kết gia đình, thứ bậc, trách nhiệm, thờ phụng tổ tiên... là những điều rất sâu sắc, nhiều khi là áp lực đối với mỗi người Việt. Cô đưa ra câu người VN thường nói: “Sống vì mồ vì mả, không vì cả bát cơm” làm cả hội trường vỗ tay... Cô nói, cũng vì quan niệm đó, người Việt khi có tiền thì lo xây mồ mả ông bà thật to, đẹp... Khi hội nhập vào xã hội Ba Lan cũng vấp phải những khó khăn: con cái ít gắn kết gia đình hơn; bình đẳng hơn là phục tùng thứ bậc; ý thức trách nhiệm giảm bớt; ít quan tâm thờ phụng tổ tiên, không coi đó là quá quan trọng; giới trẻ muốn thoát ra khỏi áp lực trách nhiệm, nếp sống gia đình truyền thống... Giới trẻ ít quan tâm quá khứ, chú ý vào hiện tại và hướng đến tương lại; Trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, người Việt, người Ba Lan... Giới trẻ chú ý vào quan hệ bạn bè và với người Ba Lan nhiều hơn... Cô cũng đưa ra một số khuyến nghị để người Việt quan tâm, hội nhập tốt hơn và nhất là tạo điều kiện cho lớp trẻ hội nhập thành công....

- TS Marina báo cáo một số nét trong Luận án TS đã bảo vệ thành công: Truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt tại Huế, Việt Nam. Văn hóa tâm linh và nghi thức thờ cúng người đã chết, đối với dân ta thì rất tự nhiên, nhưng với “Tây” thì đó là những phát hiện mới lạ, thú vị, nhiều ý nghĩa nhân văn... Tiếp theo cô trao đổi về đề tài nghiên ứu mới: Người Việt ở Đông Âu và quá trình hội nhập. Thấy cô toàn khen: Người Việt năng động, thích nghi tốt, hội nhập thành công, tổ chức sinh hoạt cộng đồng tốt, con cái học hành tốt, giữ được những truyền thống, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội sở tại...

- TS Grazyna có báo cáo nghiên cứu xã hội học thú vị: “Người Việt trong mắt người Ba Lan”. Kết quả nghiên cứu định lượng: Đồ thị cho thấy đường màu xanh “Thiện cảm” diễn ra từ năm 2000 đến 2017, có lên xuống chập chờn, nhưng có chiều hướng đi lên, nhất là năm 2016 – 2017; đường “ít thiện cảm” cũng lên xuống tương ứng với đường xanh, nhưng ở tỉ lệ % cao hơn, đặc biệt năm 2005 cao vọt lên, sau vụ đài báo phát hiện, đưa tin “Người Việt giết thịt chó, mèo”... Cũng sau vụ đó hàng loạt nhà hàng ăn VN phá sản! Những nghiên cứu định tính bằng phỏng vấn cho thấy, người Ba Lan có những nhận xét tốt về người Việt: Cần cù, chịu khó lao động, mau cải thiện cuộc sống; Con cái học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn; người Việt sống thân thiện, hòa nhã, không đe dọa gì xã hội Ba Lan (như khủng bố, chẳng hạn)... Nhưng người Việt có nhược điểm: Quá mài làm ăn và sống co cụm, chưa chủ động tích cực hòa nhập vào xã hội Ba Lan (như học tiếng, tham gia sinh hoạt chung...); Ở các cửa hàng buôn bán, thiếu kỷ luật, trật tự, vệ sinh; nhiều người Việt còn lách luật, trốn thuế... Tóm lại thế hệ 1, hội nhập còn hạn chế, nhưng thế hệ 2 sinh ra tại Ba Lan thì hội nhập tốt, nhưng làm sao giữ được bản sắc van hóa Việt...

- Các diễn giả trả lời nhiều câu hỏi, chia sẻ vui vẻ, thoải mái. Được mời phát biểu, tôi có trao đổi mấy ý: Cảm ơn ba cô đã yêu mến Việt Nam, say sưa nghiên cứu Văn hóa Việt. Mỗi con người sống trong xã hội có vô vàn mối quan hệ, tưu trung lại có 4 mối quan hệ chính: quan hệ huyết thống, quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa. Quan hệ huyết thống với người Việt vô cùng sâu nặng; như họ Mạc tôi, hàng triệu người thay tên, đổi họ hơn 400 năm, những vẫn tha thiết tìm về cội nguồn tổ tiên, anh em dòng tộc... Quan hệ văn hóa cũng vô cùng bền vững, sâu sắc. Ngày nay ta không được đối lập các nền văn hóa, mà trong quá trình tiếp biến, tích hợp phải văn hóa, phải giúp cho con người trở nên đa dạng văn hóa, làm phong phú bản thân, trở thành công dân toàn cầu, đa văn hóa, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt, không lẫn với ai. Còn mối quan hệ kinh tế có sức chi phối mạnh, nhưng cũng không bền vững; quan hệ chính trị thì nay vua này, mai vua khác; nay đảng này, mai đảng khác...có gì đâu. Ta có một tấm gương về là Cụ Hồ, sống ở đâu cũng hội nhập tốt, trở thành con người đa văn hóa mà vẫn giữ được cốt cách văn hóa Việt. Nhìn chung, các chị đi vào nghiên cứu văn hóa gia đình, dòng tộc, thờ cúng tổ tiên và văn hóa trong quá trình hội nhập là rất trúng vấn đề.

-Việc nghiên cứu định tính của chị Grazyna nên nghiên cứu định lượng bằng xác định những tiêu chí của mức độ hội nhập: 1. chưa hội nhập được; 2. Thích ứng tồn tại được (cân bằng tâm lý); 3. Hòa nhập được (hội nhập văn hóa); 4. Chủ động, sáng tạo (có những đóng góp mới cho phát triển xã hội sở tại về kinh tế, khoa học- công nghệ; văn hóa- nghệ thuật; chính trị- xã hội). Như vậy có thể xác định tỉ lệ % số người hội nhập ở các mức độ khác nhau... Một buổi sinh hoạt rất bổ ích và lý thú với người Việt tại Ba Lan và khích lệ thêm lòng say mê của các nhà nghiên cứu.

Chụp anh kỷ niệm (Ảnh: FB Võ Văn Long)

13/11/2017
 Mạc Văn Trang

Sửa lần cuối 2017-11-13 11:13:20

Bình luận

Bình luận qua Facebook