2018-04-25 06:32:12

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh tế Việt Nam – Ba Lan

Ngày 21/4/2018 tại Warszawa, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đã tổ chức hội thảo về tình hình kinh tế Việt Nam, những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thảo luận các biện pháp phát triển đầu tư và kinh doanh trong thời gian tới. Tham dự Hội thảo có Đại sứ Vũ Đăng Dũng, ông Nguyễn Thành Hải, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp, ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vùng Wolka Kosowska, ông Hoàng Xuân Khang, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Ba Lan – châu Á cùng đông đảo lãnh đạo các trung tâm thương mại, doanh nghiệp.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, trong đó điểm nổi bật là việc luồng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, chỉ riêng năm 2017 đã thu hút được 36 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng lợi thế sản xuất từ thị trường Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa sang Ba Lan với thuế suất ưu đãi. EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU, là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Việt Nam có thặng dư thương mại với EU khoảng 31,8 tỷ USD. Tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 12,7% năm 2017.

Liên quan việc EU phạt “thẻ vàng” với hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) của Việt Nam, thời gian qua Việt Nam đã gấp rút triển khai 3 nhóm giải pháp: (i) Hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định quốc tế, trong đó Luật Thuỷ sản sửa đổi đã đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU. (ii) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và ngư dân, chấm dứt dần tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp trên biển và có chế tài xử phạt nghiêm khắc. (iii) Tăng cường công tác thông tin, đào tạo cho chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung chống đánh bắt bất hợp pháp, báo cáo không theo quy định là như thế nào trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn EU chia sẻ kinh nghiệm của các nước, trong đó có Ba Lan, về xây dựng cơ sở pháp lý và thực thi các quy định về IUU; cung cấp các khóa đào tạo, chuyên gia kỹ thuật chống khai thác IUU; sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn EV FTA để gia tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, tạo thêm động lực cho việc thực thi quy định của EU về IUU tại Việt Nam.

Về định hướng phát triển tại trung tâm Wolka Kosowska thời gian tới, các đại biểu đều cho rằng bên cạnh việc chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ tài chính đối với chính quyền Ba Lan, bà con cần tiếp tục đổi mới phương thức kinh doanh trên cơ sở chương trình “Hành động Wolka” sao cho phù hợp hơn để tiếp tục tồn tại, phát triển. Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp đã nêu một số gợi ý về việc đưa Wolka thành trung tâm kinh doanh, dịch vụ bán lẻ, du lịch nội địa, khám phá văn hóa, ẩm thực châu Á tại Ba Lan. Các doanh nghiệp cũng cần tính toán mở rộng hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong lĩnh vực thực phẩm hay đại diện cho các công ty xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhất là đón đầu cơ hội của Hiệp định EVFTA sắp tới.

Warszawa 25-04-2018

Tin và ảnh từ Hội doang nghiệp

Sửa lần cuối 2018-04-25 04:01:53

Bình luận

Bình luận qua Facebook