2019-04-01 14:21:56

Cộng đồng Việt Nam và truyền thông Ba Lan,

Trong cuộc đời của mỗi cá nhân, một gia đình nào đó hay cả xã hội, không chỉ vấn đề kinh tế và sức khỏe luôn được quan tâm nhiều nhất, mà người ta cũng luôn có nhu cầu truy cập các thông tin (truyền thông) trong cuộc sống, nhiều khi cả những chuyện riêng tư, do vậy gần đây các mạng xã hội phát triển rất nhanh. Lẽ thường tình là nhiều người muốn được người khác để ý đến những nét đẹp hay những điểm mạnh của mình. Người ta thường ví là truyền thông là "quyền lực thứ tư" trong xã hội (ngoài tam quyền là ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp ) nếu phân lập được rõ ràng thì đó là điều quá tốt cho một xã hội, tức là có quyền hành rất lớn trong sự phát triển của từng xã hội.

Mà khi truyền thông đề cập tới chúng ta, lẽ hiển nhiên là ai cũng muốn họ nhấn mạnh những khía cạnh tích cực của mình. Rất tiếc là nhiều khi người ta cho là những chuyện tích cực là điều bình thường trong xã hội, mà người ta thường hay chú trọng về những khuyết điểm của nhóm người hay khía cạnh cuộc sống nào đó. Có ý kiến cho rằng đưa những thông tin tiêu cực như vậy thì (tờ) báo chí hay (kênh) TV đó mới „ăn khách”, tức là có được sự chú ý của độc giả/khán giả.

Nói về cá nhân tôi, nhiều người đã biết là tôi từng được Việt Nam cử đi du học ở Ba Lan, nhưng trong cuộc sống của mình đã có bước ngoặt lớn, tức là đã lập gia đình và quyết định sinh sống ở quốc gia (được cho là cũng khá thân thiện) này. Rồi cộng đồng người Việt ở đây cũng ngày một đông hơn. Biết ơn Ba Lan đã cưu mang mình, cách đây vài năm tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt, để cùng giúp nhau trong quá trình hội nhập (khi còn một số người Việt chưa thông thạo ngôn ngữ Ba Lan). Vậy tất nhiên là tôi cũng muốn truyền thông Ba Lan có những bài viết báo chí hay là những chương trình TV về cộng đồng, với nội dung phán ảnh những điều tích cực của người Việt nói chung và của cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng.

Tôi còn nhớ có lần có một cô nhà báo Ba Lan muốn viết bài về cộng đồng, tôi cũng hý hửng đi gặp cô ấy trong một nhà hàng và có buổi nói chuyện trao đổi. Tưởng rằng cô ta sẽ viết theo ý mình, nhấn mạnh những nét mạnh của cộng đồng, nào là người Việt chịu khó tích cực làm ăn, trẻ em con cái của người Việt chăm chỉ học hành và có nhiều thành tích trong nhà trường. Nào là văn hóa và ẩm thực Việt rất đặc sắc và phong phú. Rồi thì người Việt hiền lành, không hề có tư tưởng khủng bố gì, tất nhiên là tội phạm người Việt cũng có, nhưng tỷ lệ là rất nhỏ so với con số chung của xã hội Ba Lan, nhất là khi quốc gia này đang còn trong quá trình chuyển đổi chế độ và nền kinh tế. Vân vân và vân vân...

Nào ngờ là cô nhà báo kia chỉ muốn xoáy vào những điểm mà cô ta cần có. Thấy bảo đã có người Việt khác cung cấp cho cô ta những thông tin mang tính chất bôi nhọ cộng đồng. Muốn đưa ra thông điệp với độc giả Ba Lan là cộng đồng người Việt có những hội đoàn hoạt động mang tính chất ma phi a, đa số dân Việt hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, dưới sự chỉ đạo của chính quyền độc tài của quốc gia xuất xứ, mà tôi là cánh tay phải đắc lực của các hội đoàn này. Người Ba Lan nên bức xúc khi Châu Âu cung cấp nguồn kinh phí cho những hoạt động cộng đồng như vậy.

Thú thực, lúc đầu tôi cũng bị sốc. Trong cộng đồng đã có người đưa ra ý kiến là người ta thích đả kích cộng đồng người Việt và chính quyền Việt Nam (trong khi Cộng hòa Ba Lan vẫn có quan hệ ngoại giao bình thường, thậm chí khá tốt) là vì họ muốn được nổi tiếng, muốn có thành tích, để dễ dàng được cấp quốc tịch Ba Lan. Tôi thì không đồng quan điểm như vậy, vì khi sinh sống ở xã hội dân chủ thì phải chịu khó chấp nhận những ý kiến và quan điểm trái chiều. Vậy là tôi không ngại ngùng hay muốn xa lánh cộng đồng người Việt ở Ba Lan, vẫn luôn coi mình là một thành viên (tích cực hay không thì tùy bà con đánh giá). Tức là dám làm thì dám chịu. Chẳng ngại ngùng gì, thậm chí nếu có thể bạn bè người Ba Lan nào đó sẽ hiểu lầm về những hoạt động của tôi với cộng đồng người Việt.

Wólka Kosowska nhìn từ trên cao ( ảnh Internet)

Dần dần thì có lẽ người dân bản xứ cũng công nhận là cộng đồng người Việt ở Ba Lan không hề mang lại những nguy hiểm gì lớn cho xã hội này. Các tổ chức cộng đồng không hề có những hoạt động nào vi phạm vào pháp luật (hay là vào Hiến pháp) của Ba Lan. Việc một số người Việt có những quan hệ mật thiết với Cơ quan đại diện ngoại giao của đất nước mình thì đó cũng chỉ là những quan hệ mang tính chất cá nhân, không hề có mưu hay chương trình đồ quảng bá tư tưởng cấm đoán nào. Ngược lại, người Việt luôn tích cự học hỏi để hội nhập và còn mang lại sự phong phú cho xã hội đa văn hóa ở Ba Lan. Chính quyền Thủ đô Vác-sa-va vẫn đánh giá tốt về cộng đồng, muốn có đồng tổ chức và tham gia những dự án mang tính chất quảng bá văn hóa và ẩm thực Việt. Trong khi ở Ba Lan có xu thế thận trọng với người dân nhập cư, với những nền văn hóa và tôn giáo khác (khó xin được giấy phép xây dựng nhà thờ của mình), thì người Việt vẫn yên bình xây dựng được hai ngôi chùa khá khang trang. Hy vọng dần dần sẽ có nhiều người Ba Lan cùng quan tâm đến tôn giáo châu Á này.
Ngoài những hoạt động do các tổ chức cộng đồng đứng ra phụ trách, còn xuất hiện khá nhiều các nhóm khác, nhất là các bạn trẻ, đã và đang cùng đứng ra tổ chức những buổi hội thảo hay những hoạt động, nhằm tăng cường nâng cao ý thức cho người dân gốc Việt ở Ba Lan. Một số bạn khác còn tích cực cùng người Ba Lan tham gia các hoạt động từ thiện ở quốc gia này. Tất nhiên, mọi nỗ lực của mỗi cá nhân hay của cả cộng đồng dần dần sẽ được các chính quyền và người dân bản xứ đánh giá đúng đắn.

Tuy nhiên, mặt yếu kém của cộng đồng có lẽ là mảng quan hệ với báo chí còn đang quá hạn chế. Gần đây, người ta đã bắt đầu viết về những mặt tích cực của người dân gốc Việt, nhưng họ luôn mong chờ những thông tin mang tính chất „giật gân”, nói chung có tính chất tiêu cực. Cả cộng đồng đã có thời kỳ mạnh dạn lên tiếng phản đối cơ quan Biên phòng và một số báo chí Ba Lan, khi họ đã đưa ra thông tin không chính xác là người Việt bán thịt chó (thực ra là họ tìm thấy thịt dê trong một cửa hàng nhỏ) vào các nhà hàng Việt ở Ba Lan. Chưa thấy có cơ quan nào xin lỗi hay nhận lỗi là đã đưa tin sơ xuất, những có lẽ họ đã thận trọng hơn trong vấn đề đưa thông tin.

Tất nhiên là trong một cộng đồng với số lượng hơn hai mươi ngàn người, vẫn còn một số vấn đề tiêu cực. Có vẻ người Việt vẫn quá ham muốn làm giàu thật nhanh, mặc dù khả năng của mình cũng có hạn. Ở quốc gia dân chủ, quyền công dân (cá nhân) rất cao, vậy bạn muốn thịt gà như thế nào thì tùy bạn, tất nhiên là không được hành hạ động vật, vì đó là phạm luật, bạn có rửa kỹ hay không kỹ thì người ta không quan tâm, vì bạn là người tiêu thụ thực phẩm đó. Thậm chí, khi người ta theo dõi, thấy bạn mang thịt gà ra khỏi nhà bạn, nếu bạn chỉ mang cho tặng một vài người bạn hay người nhà của mình, thì người ta cũng chưa quan tâm. Nhưng khi bạn đưa thực phẩm này vào nhà hàng hay cửa hàng, thì lúc đó người ta sẽ tìm mọi cách tạo thành một vấn đề lớn. Và đó thật sự là vấn đề của cả xã hội. Bởi vì là khi đó sẽ có nhiều người sử dụng nguồn hàng này, trong đó có thể có khách hàng là người Ba Lan. Ngoài ra, khi sản xuất với số lượng hàng lớn, bạn phải quan tâm vấn đề xử lý rác thải và môi trường. Tức là phải chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức, tham gia thi nhận bằng cấp hay chứng chỉ, để có thể làm những công việc hợp pháp. Mà thậm chí người Việt đang sinh sống ở Ba Lan cũng phải cư xử như người dân bản xứ, để giữ gìn sức khỏe cộng đồng.

Nhìn lại bản thân, chúng ta cũng luôn luôn phải tự xem lại trong mỗi hành động của mình, khi chọn Châu Âu là đất sinh sống lâu dài của mình. Có bạn trẻ đã đi làm thêm ở nhà hàng Việt, phát hiện ra là nhà hàng đó chưa đủ tiêu chuẩn vệ sinh Châu Âu, nhưng có lẽ do tính cả nể của người Việt, bạn ấy đã dám mạnh dạn góp ý với chủ nhà hàng hay chưa, hay là chỉ tặc lưỡi bỏ qua? Đấy là chưa nói đến chuyện đi „vạch áo cho người xem lưng”, tức là „chỉ điểm” hay là thông báo với Sanepid (cơ quan dịch tễ Ba Lan) để họ đến kiểm tra và viết phiếu phạt, thậm chí có thể ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của nhà hàng hay quán bar.

Xem tranh luận trong các nhóm cộng đồng, có một số bạn trẻ đã mạnh dạn phát biểu, nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến „người họ Tây cũng có nhiều vấn đề bỏ xừ”. Đúng là chả có xã hội nào hoàn hảo, nhưng chúng ta cứ „tặc lưỡi bỏ qua” như vậy thì có đúng tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội hiện đại (thời 4.0, nhiều người Việt thích nhắc đến khái niệm này) hay chưa?
Tóm lại, để truyền thông Ba Lan thường xuyên đưa ra những chuyện tích cực của cộng đồng, tất cả chúng ta cần phải luôn luôn cố gắng nhiều hơn nữa.

Mặt khác, nếu một số người mà vẫn tự hào là có quan hệ tốt với giới nhà báo Ba Lan muốn có thiện ý chỉ đưa ra những thông tin tích cực về cộng đồng thì hình ảnh người Việt trong con mắt dân Ba Lan có lẽ dần dần sẽ được cải thiện rõ rệt.

Warszawa ngày 31/3/2019

Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2019-04-01 12:37:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook