2019-04-16 02:16:39

Nỗi đau cháy nhà thờ Đức Bà Paris và sự cảnh tỉnh đối với chúng ta.


Nước và lửa vẫn luôn là những thảm họa có thể rình rập con người ở bất cứ một nơi đâu. Lúc tôi viết những dòng này những ngọn lửa đang chiếm lấy nhà thờ Đức Bà giữa thủ đô nước Pháp. Chia buồn với Paris, chia buồn với nhân loại. Tin mới nhận được, những người lính cứu hỏa đã cứu được cấu trúc của nhà thờ Đức Bà. Ngọn lửa đã được chế ngự.
Năm 2009, 5h36' sáng khi tín hiệu cháy ở EACC được báo tới lính cứu hỏa thì 7 phút sau xe cứu hỏa đầu tiên đã có mặt ở hiện trường. Việc họ làm ngay lúc đó là kiểm tra hiện trường, bảo đảm không có người ở trong khu vực đám cháy, đồng thời gọi cứu viện. Những xe cứu hỏa tiếp theo đến sau 30 phút. Chỉ có thể cứu được những bức tường lửa, ngăn thành công không cho lửa liếm sang những khu kho tàng khác. 8000 m2, gần 100 box bị cháy trụi, thiệt hại cho bà con không biết bao nhiêu tiền của. May mắn duy nhất là không ai thiệt hại về sức khỏe và tính mạng. Chúng tôi có mặt nhanh nhất có thể từ nhà sau khi nhận được điện thoại, nửa tiếng sau khi phát cháy. Cùng với những tình nguyện viên giữ những vòi phun nước hạ nhiệt cho những bức tường ngăn cách giữa các hala, tới tận chiều tối, chẳng cảm thấy mệt mỏi. Những ngày sau đó là những ngày liên tục giúp đỡ các nạn nhân tìm cứu vớt tài sản, tiền bạc. Nhìn những gương mặt lặng lẽ, cam chịu, chúng tôi hiểu, nhưng phía trước còn việc để làm. Nhớ lại tôi thấy cảm giác của những người Nhật bản trước nổi đau mất mát, nước mắt chảy vào bên trong, mạnh mẽ đi tiếp.
Năm 2011, lại cháy ở Wólka Kosowska. Lần này kho đã được bán cho những người Do Thái ngoài sự quản lý của mình. Vẫn là bàn con mình bị cháy hàng. Đứng nhìn và không thể làm gì, tự nhiên thấy tay chân bủn rủn, khác hẳn với trước đây, khi mình có thể làm, và phải làm một điều gì đó. Sức tàn phá của lửa thật khủng khiếp. Còn những vụ cháy tiếp theo nữa, có vụ nhỏ thì cứu được. Thổ, Tàu, Việt chẳng trừ một ai. Sức tàn phá của lửa thật khủng khiếp. Nhưng miệng lưỡi phá cũng không hề nhỏ. Báo chí hùa vào cho rằng đó là do mẫu thuẫn băng đảng, hay là chủ động đốt để lấy tiền bảo hiểm.
Nhiều năm sau đó rất khó mua bảo hiểm cho các kho ở Wólka Kosowska. Thực tế tất cả các vụ cháy đều được công tố điều tra, nguyên nhân chính đều là do chập điện. Hàng ngàn người sử dụng, ý thức khác nhau. Nhưng chỉ cần một trong số mọi người vô ý, hay ý thức kém, dùng đồ chất lượng thấp, hay để vật dễ cháy ở cạnh ổ điện, hoặc vất đè hàng lên ổ cắm gây chập điện. Giá mà hồi đó giống như bây giờ, mình viết thông cáo báo chí, chắc cũng ngăn được những suy luận mang tính moi móc câu view của các báo Ba Lan với nhiều định kiến với cộng đồng mình.
Phát triển quá nóng ở Wólka vào những năm cuối thập niên đầu của thiên niên kỷ đã dẫn đến các cơ quan phòng cháy chữa cháy trong khu vực không theo kịp về đội ngũ cũng như trang thiết bị và quy trình. Họ không đủ sức để cứu những kho rộng hàng chục ngàn mét vuông. Chúng tôi tìm thấy giải pháp. Đó là công tắc hai nút bấm ở bên ngoài mỗi quầy, khi cửa buổi chiều đã được đóng xuống, bảo vệ có trách nhiệm đi tuần và tắt nguồn điện toàn quầy những box đã đóng cửa hoàn toàn. Giải pháp đơn giản, nhưng hiệu quả. Tiến bộ xuất phát từ nỗi đau. Lại nghĩ tới cộng đồng. Không phải chúng ta sống trong một chung cư nghĩa đen, nhưng lại là một chung cư trừu tượng, chung một mái nhà là mấy chữ Người Việt Nam. Mỗi người, mỗi công ty như một căn hộ. Một sơ suất nhỏ, có thể là một đám cháy. Khi đó không chỉ cháy nhà chúng ta, box của chúng ta, mà đám cháy có thể lan sang bên cạnh. Chẳng phải không ít hơn một lần đã có những đám cháy như thế?
Ý thức của mỗi người có thể giúp cho tất cả. Nên chăng cần phải kiểm soát lẫn nhau? Một sáng kiến nho nhỏ nào đó lại có thể là giải pháp hiệu quả? Chẳng lẽ ta sẽ đợi cháy rồi mới lo phòng chữa?
Kinh nghiệm có thể rút ra không phải từ những nỗi đau của bản thân.
Giá trị linh thiêng như nhà thờ Đức Bà đang bị cháy, có thể đó là lời cảnh tỉnh?

Trần 
Trọng Hùng
Sửa lần cuối 2019-04-16 00:18:15

Bình luận

Bình luận qua Facebook