2019-06-30 23:55:40

Chủ tịch Hội - những người nhiệt huyết với hoạt động cộng đồng

Hướng tới Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và Đại hội lần thứ IV - Hội người Việt Nam tại Ba Lan

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội (1999-2019). Một sự kiện lịch sử của cộng đồng, một chặng đường đủ dài để người Việt Nam chúng ta nhìn lại mình: chúng ta đã sinh sống như thế nào trong nhiều năm ở xứ sở trời Âu.

Đất nước Ba Lan thanh bình, người dân Ba Lan tốt bụng đã đùm bọc khoảng 3 vạn người Việt Nam 4 thế hệ từ một nước châu Á xa xôi hàng vạn dặm đến sinh sống. Nghĩ lại nếu có 1vạn người từ một nước khác nghèo đói đến Việt Nam kiếm sống, câu chuyện chắc sẽ khác nhiều? Ba Lan là một nước dân chủ, luôn đứng đầu trong các cuộc đấu tranh đòi công bằng xã hội và quyền sống cho con người. Người Việt Nam ở Ba Lan (đứng thứ 3 về số lượng) là một trong số nhiều dân tộc nước ngoài khác được hưởng lợi từ chính sách nhân đạo của nhà nước Ba Lan dù đảng cầm quyền và chính phủ thay đổi ở các thời kỳ khác nhau.

Người Việt Nam tại Ba Lan phần đông đến từ các tỉnh, thành miền Bắc có đặc điểm chung là "cần cù, chăm chỉ", "dễ bảo", rất nhiều người được đào tạo, học hành tử tế, có nhiều quan hệ quen biết, ràng buộc nhau, lại tập trung sinh sống chủ yếu ở thủ đô nên tạo nhiều thuận lợi cho mọi sinh hoạt: kinh doanh, văn hoá, thể thao, hiếu, hỉ.... Những cách biệt về ngôn ngữ, văn hoá, thói quen, tập quán gây cản trở đáng kể cho việc hội nhập nhanh, sâu rộng với xã hội sở tại. Nhìn chung với quá trình gần 30 năm đã qua, có thể khẳng định rằng: "người Việt Nam - dân ngụ cư đã thích nghi và phát triển tốt" ở xứ sở Ba Lan, không gây nên "mâu thuẫn xã hội" với người bản xứ có dân số gần 90 % là theo đạo Thiên Chúa.

Để hội nhập được với xã hội sở tại, mỗi người sống ở gia đình, nơi kinh doanh, nơi học tập, công tác phải biết tự thay đổi mình, phải biết cách tự tôn dân tộc, phải chấp hành luật pháp, tôn trọng văn hoá, phong tục của người Ba Lan. Mỗi cộng đồng ít hay nhiều muốn có tiếng nói chính thức với xã hội, chính quyền, truyền thông nơi sở tại không thể không có một tổ chức đại diện cho mình. Vì thế Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, mà tiền thân là Hội Người Việt Nam "Đoàn kết và Hữu Nghị" đã xứng đáng với vai trò của nó. Không thể kể hết những việc làm tốt, có nhiều ý nghĩa mà Hội đã đóng góp cho bà con người Việt ở Ba Lan trong vòng 20 năm qua. Cũng không thể nói "thiếu hội chúng tôi vẫn sống đàng hòang".

Để thực thi nhiều công việc của Hội phải kể đến công sức đóng góp "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng" của tất cả những thành viên BCH của Hội các khoá, những đóng góp của các hội đoàn khác và nhiều cá nhân "tốt bụng" của cộng đồng. Nhưng vai trò của các "tư lệnh" - 2 chủ tịch Hội thực sự xứng đáng là trụ cột được trao phó trong cac hoạt động chung thời gian qua. Đó là cựu chủ tịch Nguyễn Văn Thái và đương kim chủ tịch Lê Thiết Hùng.

TSKH Nguyễn Văn Thái - Nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan

Ông Nguyễn Văn Thái - một LHS xuất sắc khoá học 1964-1970 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ 1982 và luận án tiến sĩ khoa học 1989 tại Bách khoa Warszawa. Ông được cử sang làm cộng tác viên khoa học ở Ba Lan từ 1987. Là người tích cực hoạt động xã hội từ thời sinh viên (uỷ viên BCH Hội sinh viên quốc tế toàn Ba Lan). Khi Hội NVN tại Ba Lan "Đoàn kết và Hữu Nghị" được thành lập ông đã được bầu làm chủ tịch Hội liên tiếp 2 nhiệm kỳ đầu tiên, và là phó chủ tịch Hội những nhiệm kỳ tiếp theo cho đến tận bây giờ. Cái khó của người làm công tác xã hội ở Ba Lan là hoạt động tự nguyện.Trách nhiệm trong công việc hoàn hoàn do ý thức của mỗi người. Phân công công việc chỉ là tương đối, nếu người khác không làm, hoặc làm không đầy đủ thì "trăm dâu đổ một đầu tằm", không xử phạt được ai. Khó nhất là vấn đề tài chính, mỗi lần có công việc gì đều phải có tiền, thiếu kinh phí thì rất khó đạt như mong muốn, làm không tốt thì "dư luận xã hội" đánh giá. Muốn có tiền thì phải tự đi quyên góp. Có thể nói, 30 năm nay hầu như ông Nguyễn Văn Thái đã dành "hầu hết thời gian" của mình cho hoạt động xã hội. Ông gác lại sự nghiệp "khoa học, làm giầu" để dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội mà không được trả một đồng lương. Đó là những hoạt động lễ tết, những ngày văn hoá Việt Nam, các sự kiện, các buổi gặp gỡ với chính quyền Ba Lan, tiếp các đoàn Việt Nam sang Ba Lan, các buổi sinh hoạt văn nghệ, thể thao, lúc đi dạy học (tiếng Việt, tiếng Ba Lan), lúc chấm thi thơ, văn cho cộng đồng, lúc đi làm công tác từ thiện, hiếu hỉ ...Chắc ông là người thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, ngoài nước bằng tiếng Ba Lan, tiếng Việt.

Ông Nguyễn Văn Thái còn là một nhà thơ, dịch giả - là hội viên Hội Nhà Văn Việt nam. Ông đã cho xuất bản những tác phẩm dịch của các nhà văn nổi tiếng Ba Lan sang tiếng Việt: chuyện thơ dài "Chàng Tadeusz" (Mickiewicz – nhà thơ lớn của Ba Lan). "Kỳ nghỉ hè với nhà văn" (Grabowski), tác phẩm kinh điển "Nông dân" của (Reymont – giải Nobel thứ 2 ở BL ), "Hania", "Trên sa mạc và trong rừng thẳm" (Sienkiewicz) và nhiều chuyện chọn lọc cho thiếu nhi. Ông cũng cho xuất bản tập thơ riêng của mình "Một đời thương".
Ông Nguyễn Văn Thái còn là Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam suốt 3 kỳ đại hội. Hội Người VN tại Ba Lan may mắn, tự hào có người đại diện của mình được trực tiếp phản ảnh những nguyện vọng, tâm tư với lãnh đạo ở trong nước.

Thật khó tìm được một vị chủ tịch cộng đồng lại tận tâm với hoạt động xã hội đa dạng, phong phú ở Ba Lan như ông Nguyễn Văn Thái. Trời phú cho ông "giầu chữ T", trong đó có chữ tài nhờ đó ông đã thành công trong khoa học, trong công việc, có gia đình hạnh phúc và có nhiều đóng góp cho phong trào cộng đồng. Huân chương giành cho ông chính là sự tín nhiệm cao của người Việt nam tại Ba Lan.

Ông Lê Thiết Hùng - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan phát biểu trong buổi 
Lễ KN 20 năm thành lập báo Quê Việt

Ông Lê Thiết Hùng - vị chủ tịch những nhiệm kỳ tiếp theo và cho đến tận hôm nay. Ông là LHS khoá (1970-1975) tại Wrocław. Sau khi tốt nhiệp đại học ở Ba Lan, ông được phân về làm cán bộ giảng dạy ở đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 1990 ông quay lại Ba Lan làm TTS. Một trong những sáng lập viên Hội Việt Nam tại Ba Lan " Đoàn kết và Hữu nghi", ông tham gia BCH từ khoá đầu tiên. Một vị chủ tịch "miệng nói tay làm" không từ chối bất cứ việc gì. Ai ốm đau, chửa đẻ, ai bị tai nạn, nhà nào bị cướp, ai bị công an bắt với nhũng lý do khác nhau lúc sáng sớm, có khi đêm khuya, có khi ở xa hàng trăm cây số, mùa hè nóng bức, mùa đông băng tuyết......đều gọi đến chủ tịch nhờ giúp đỡ. Có điều ông luôn sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều biện pháp (ngoại giao, quen biết, phiên dịch...). Có thể nói không có đám tang nào của cộng đồng lại không có sự đóng góp thiết thực của ông (lúc vào bệnh viện xin giấy chứng thực, liên hệ với công ty an táng để sắp xếp thời gian, bàn với thân nhân làm các thủ tục tang lễ, có trường hợp làm giấy tờ để đưa hài cốt về Việt Nam....). Vất vả nhất là việc đưa hài cốt những người Việt chết đã lâu về Việt Nam phải qua nhiều thủ tục. Có lần ông ở Việt Nam đã thân chinh ra tận cửa khẩu Việt Nam thuyết minh sự việc thì người nhà mới sớm nhận được hài cốt kịp thời làm thủ tục ở quê. Đóng góp đáng ghi nhận nhất là việc chủ tịch Lê Thiết Hùng làm trưởng ban xây dựng chùa Nhân Hoà. Chùa Nhân Hoà hiện nay khang trang, gọn gàng mấy ai nhớ hết những khó khăn ban đầu từ việc tìm đất xây chùa, lên thiết kế, kêu gọi quyên góp, trước hết nội bộ trong cộng đồng VN tại Ba Lan đến việc xin tài trợ ở trong nước, kể cả ngoài nước... Sự kiên trì trong công việc, sự khéo léo trong thuyết phục, sự tận tâm với hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đã giúp việc xây chùa diễn ra "thuận buồm xuôi gió".

Ông Lê Thiết Hùng có đến 3 nhiệm kỳ trên cượng vị chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan. Ông còn là uỷ viên BCH Hội người Viêt Nam ở châu Âu. Dù bận rộn chuyện mưu sinh "cơm áo gạo tiền" như bao người con xa xứ, chuyện con cháu làm ăn, học hành "những khi sóng gió", ông Lê Thiết Hùng thực sự là người " đầy tớ" của bà con người Việt Nam tại Ba Lan.

Bất kể ai có nhiệt huyết với công việc cộng đồng, đã giám nhận làm "dâu trăm họ" không thể làm vừa lòng mọi người, không tránh khỏi có những sai lầm, thiếu sót. Với ý thức xây dựng cộng đồng vững mạnh, với động cơ trong sáng, đóng góp ít hay nhiều đều quý, chắc chắn sẽ nhận được sự thông cảm, chia sẻ, ủng hộ của đai bộ phận bà con cộng đồng.

Chúc mừng lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội NVN tại Ba Lan, hy vọng đại hội nhiệm kỳ tới sẽ bầu ra BCH mới trẻ trung, năng động, tận tâm, tận tuỵ, sẵn sàng "thổi tù và hàng tổng" để bà con người Việt Nam sinh sống tại Ba Lan ngày càng có cuộc sống tốt hơn về mọi mặt.

Warszawa, 6/2019

Nguyễn Xuân Nhung 

Sửa lần cuối 2019-07-02 08:21:20

Bình luận

Bình luận qua Facebook