2014-09-26 03:48:49

Tâm huyết của một phụ nữ trí thức Việt ở nước ngoài

Câu chuyện của bà Phạm Huệ Anh đơn giản, nhưng đó chính là tâm huyết của một người phụ nữ Việt sau hơn 40 năm sống ở nước ngoài vẫn đau đáu một lòng với quê hương.

Bà Phạm Huệ Anh

Chúng tôi có dịp gặp gỡ với bà Phạm Huệ Anh tại Hội nghị phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội hồi tháng 11 năm ngoái. Mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” được cắt ngắn gọn gàng, đơn giản và bộ trang phục với các họa tiết thổ cẩm đặc sắc là những điểm nổi bật ở bà Huệ Anh – chuyên viên của Viện nghiên cứu quốc gia Brook Haven, Long Island, New York, Hoa Kỳ. Câu chuyện của bà Huệ Anh đơn giản, nhưng đó chính là tâm huyết của một người phụ nữ Việt sau hơn 40 năm sống ở nước ngoài vẫn đau đáu một lòng với quê hương. 

Những năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều nước đang tiến nhanh vào kỷ nguyên thông tin, trong đó cơ cấu sản xuất và nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa vào việc nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ. Hiểu sâu sắc điều đó, với vị trí của mình là một chuyên viên lâu năm của Brook Haven, bà Huệ Anh chia sẻ, đây chính là cơ hội để bà hỗ trợ sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam với các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia. Theo bà, Hoa Kỳ là nước có nền khoa học công nghệ rất phát triển, nếu chúng ta có thể phát triển hợp tác được với Hoa Kỳ thì sẽ rất tốt. Là một phụ nữ trí thức, bà ao ước được đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong tiến trình phát triển của quê hương. Bà tâm sự: Tôi mong phụ nữ cũng nên dùng sức mạnh của mình để tạo cơ hội, vươn tới hợp tác với ngoại quốc để mình tiến tới, phát triển khoa học công nghệ của nước mình. Tôi thấy các chị em bên Hoa Kỳ rất có tâm, nhiệt thành, muốn giúp đỡ, nhưng dù sao chúng tôi cũng như những con chim lẻ loi thôi, cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và các lãnh đạo ở Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn được là cây cầu, chắp nối cho các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ.

Brook Haven là một trong những Viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ, nghiên cứu về vật lý, sinh vật, hóa học, y khoa, khoa học môi trường và năng lượng, khoa học nano cùng nhiều ngành khoa học khác. Tại đây có hàng nghìn nhà khoa học, tiến sỹ và sinh viên nước ngoài đã và đang nghiên cứu, hợp tác với các nhà khoa học Hoa Kỳ. Bà Huệ Anh cho biết, tháng 5 năm 2013, đã có 1 đoàn khoa học và công nghệ Việt Nam đến thăm Viện. Thêm vào đó, đầu năm 2010, cũng có một phái đoàn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam do bà giới thiệu cũng đến Viện để tìm hiểu cơ hội hợp tác về khoa học và công nghệ. “Như vậy là đã có điều kiện ban đầu, Viện đã biết Việt Nam ta rồi, vậy tại sao chúng ta không đến đó để làm chung với các nhà khoa học Hoa Kỳ để chúng ta học hỏi, mang những điều đó về giúp nước nhà? Nếu các giáo sư hay sinh viên ở đây muốn được sang đó trao đổi về khoa học thì cũng thuận lợi vì họ đã biết Việt Nam rồi, có thể làm đề xuất để sau đó 2 bên hỗ trợ nhau được”, bà Huệ Anh tha thiết.

Câu chuyện của bà Huệ Anh tuy không mới, nhưng cũng mở ra một hướng hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa Việt Nam với một cường quốc lớn mạnh như Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, bà cũng quan tâm nhiều đến việc góp phần phổ biến văn hóa Việt Nam ra thế giới – một kênh quan trọng để xây dựng tình hữu nghị quốc tế. Trong cộng đồng 2 triệu dân của Hạt Sufolk, New York, mọi người đánh giá cao sự tham gia của bà Phạm Huệ Anh với tư cách là thành viên Ban cố vấn về cộng đồng người Mỹ gốc Á. Hàng năm, vào ngày hội Tháng di sản người Mỹ gốc Á của Sufolk, những hình ảnh và nét văn hóa truyền thống của Việt Nam được giới thiệu sinh động, hấp dẫn. Và đặc biệt, lá cờ đỏ sao vàng của nước CHXHCN Việt Nam tung bay trong ngày hội đã trở nên quen thuộc với cư dân Hạt Sufolk cũng như những du khách tham quan. Truyền thống Việt cũng được bà gìn giữ ngay trong gia đình nhỏ của mình. Bà Huệ Anh tự hào chia sẻ: Những người tôi biết và gia đình của tôi đều vẫn thuần túy lắm. Tuy 2 con của tôi là người Việt sống ở Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn theo nền nếp giáo huấn của các cụ ngày xưa, đi thưa về gửi. Bây giờ các cháu đã có vợ con rồi nhưng trong gia đình vẫn giữ nề nếp trên dưới như truyền thống. Mình có giữ được nét văn hóa Việt Nam thì người ngoại quốc mới quý phục mình.

Bà Huệ Anh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Huệ Anh tâm sự, ở hạt Sufolk không có nhiều người Việt Nam, nhưng rất may bà luôn được Đại sứ quán và Phái đoàn thương trực Việt Nam tại Liên hợp quốc giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác cộng đồng. “Một người vì mọi người – mọi người vì một người”, tất cả sẽ góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam giữa một đất nước đa sắc tộc.

Theo Bảo Trang (QueHuongOnline.vn)


Sửa lần cuối 2014-09-26 01:45:15

Bình luận

Bình luận qua Facebook