2014-02-25 11:22:28

Nguy cơ con người bị đần độn vì truyền thông kỹ thuật số


Đó là lời cảnh báo của nhà khoa học người Đức, giáo sư  Manfred Spitzer. Ông là chuyên gia tâm thần học và sinh học thần kinh, giáo sư thỉnh giảng Đại học Harvard, tác giả của những cuốn sách và chương trình phổ biến tri thức về sinh học thần kinh và giáo dục thần kinh. Ông dẫn chương trình Gaist & Gehirn (Trí tuệ và bộ óc) trên đài truyền hình Đức. Gần đây ông xuất bản cuốn “Digitale demenz” (Đần độn do kỹ thuật số), trở thành sách bán chạy ở Đức năm ngoái và đã được dịch ra tiếng Ba Lan.

 

Trước hết là nguy cơ đối với trẻ em

Trong các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của các phương tiện truyền dẫn kỹ thuật số, giáo sư Manfred Spitzer đặc biệt đi sâu tìm hiểu về ảnh hưởng của chúng đến trẻ em. Xuất phát điểm mục đích nghiên cứu của ông là khái niệm “đần độn do kỹ thuật số” mà các bác sĩ Hàn Quốc đã nêu ra khi họ liên tiếp được thanh thiếu niên nước mình đặt những câu hỏi về ảnh hưởng của loại hình thông tin hiện đại của thế giới. Các bác sĩ Hàn Quốc đã quan sát được rằng ở trẻ em từ 6 tuổi có sự gia tăng các trường hợp trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung đầu óc và nhiều vấn đề khác. Tất cả những biểu hiện nêu trên đều do sự lạm dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số. Nhưng trong cuốn sách mới xuất bản của mình, giáo sư Manfred Spitzer đi xa hơn các bác sĩ Hàn Quốc khi ông mở rộng khái niệm đần độn vì ông nói về sự xuống cấp tinh thần và trí tuệ.

 

Người lớn cũng không phải là ngoại lệ

 

Ông khẳng định rằng năng lực trí tuệ của con người khi về già suy giảm như thế nào, ở một mức độ khá lớn phụ thuộc vào chuyện chúng ta đã có một tuổi thơ và tuổi trẻ như thế nào. Nếu sự thuần thục về trí tuệ của chúng ta không ở mức cao và trong cuộc đời chúng ta tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin kỹ thuật số thì quá trình xuống cấp sẽ bắt đầu sớm hơn. Nói một cách ngắn gọn: người nào ở thời thơ ấu tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin kỹ thuật số, khi về già quá trình này sẽ chuyển biến một cách nhanh chóng với hậu quả nặng nề hơn.

Manfred Spitzer không phủ nhận là mỗi người chúng ta, trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày, đều sử dụng ít nhiều các phương tiện thông tin kỹ thuật số. Chính ông, với tư cách bác sĩ và nhà khoa học, cũng sử dụng máy tính và Internet trong khi làm việc. Đó là điều bắt buộc. Nhờ các phương tiện thông tin kỹ thuật số, công việc của ông không ngừng tiến lên phía trước, kiến thức của ông mỗi ngày một sâu rộng.  Nhưng ông nhấn mạnh: chúng ta làm như vậy với một điều kiện: trước khi tìm kiếm thông tin trên Internet, chúng ta đã có những hiểu biết cơ bản.

 

Nói chung mặt trái là rất lớn

 

Theo ông, lạm dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số sẽ dẫn đến nghiện máy tính, suy giảm năng lực ngôn ngữ, gặp những khó khăn về các vấn đề xã hội, mất tập trung đầu óc, mất ngủ. Tuy nhiên ông không đặt vấn đề loại trừ hoàn toàn việc sử dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số mà chỉ nhấn mạnh những nguy cơ và tác động phụ của việc sử dụng phương tiện này. Đề tài cuốn sách của ông là những tác hại mà các phương tiện thông tin kỹ thuật số đem lại cho người sử dụng, nhất là cho thanh thiếu niên. Chẳng hạn học qua máy tính dẫn đến kết quả học tập tồi hơn hoặc học được những thứ không đáng học, trong đó có bạo lực. Sự sẵn sàng sử dụng bạo lực trong số những người trẻ tuổi, chủ yếu là đàn ông thường xuyên ngồi trước màn hình máy vi tính, có tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với những người không làm việc này.

Jaron Lanier, tác giả cuốn sách You Are Not a Gadget và là một trong số những người sáng tạo ra khái niệm thế giới ảo, đã có những tuyên bố rất tiêu cực về mạng Internet. Tác giả khẳng định nó hạn chế tự do cá nhân của con người, còn con người, với danh nghĩa những người sử dụng, tự hạ thấp mình xuống thành những con rối. Lanier cảnh báo nghiêm khắc tác hại của việc lạm dụng Internet.

 

Đã là trẻ em - hạn chế tối đa

 

Phân tích cụ thể tác hại của các phương tiện thông tin kỹ thuật số đến trẻ em, ông Manfred Spitzer khẳng định chắc chắn rằng trẻ em càng nhỏ tuổi thì việc sử dụng các phương tiện này càng gây tác hại lớn hơn đến sự phát triển của chúng. Điều này đặc biệt liên quan đến các em nhỏ trong độ tuổi từ một năm rưỡi đến 2 năm, lứa tuổi mà các công trình khoa học đã chứng minh là không thể học được bất cứ điều gì qua màn hình hay âm thanh. Bởi vì đối với chúng, quan trọng hơn cả là chuyện làm quen với thế giới xung quanh thông qua các giác quan – thị giác, thính giác, xúc giác, để chúng học cách liên hệ trực tiếp với mọi người chứ không chỉ thông qua màn hình hay âm thanh qua loa.

Tiếp theo, liên quan đến trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng trẻ em ở lứa tuổi này càng ngồi trước màn hình lâu bao nhiêu thì kết quả học tập sau này càng kém bấy nhiêu và các vấn đề như tập trung đầu óc và tích lũy năng lực ngôn ngữ cũng tồi tệ hơn nhiều.

Trong trường hợp trẻ em lứa tuổi phổ thông cơ sở, kết quả các công trình nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng ở thời điểm khi chúng nhận được món quà là bộ điều khiển trò chơi điện tử thì cũng chính là lúc chúng nhận được kết quả học tập các môn kém hơn và chúng gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập. Những kết quả tương tự có thể quan sát được ở lớp thiếu niên lớn tuổi hơn. Mỗi một cậu thiếu niên trên tuổi phổ thông cơ sở một khi đã sở hữu máy vi tính thì đều không học hành tốt hơn trước, ngược lại – kết quả học tập của cậu ta tồi tệ hơn nhiều. Điều này cũng đã được các công trình nghiên cứu có tên PISA khẳng định sau khi nghiên cứu 250 ngàn thiếu niên ở độ tuổi 15 bằng những phương pháp đặc biệt. Theo con số thống kê của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức, ở nước này,  số người nghiện máy vi tính và Internet là nửa triệu. Phần lớn những người trong số này ở độ tuổi từ 25 đến 30.

 

Độ tuổi an toàn ở người lớn – trên 30

Nếu có câu hỏi về giới hạn tuổi an toàn của người sử dụng máy vi tính, có thể mạnh dạn trả lời, trên cơ sở kết quả các công trình nghiên cứu đáng tin cậy, rằng đó là độ tuổi ngoài 30. Tất nhiên không phải tất cả những người làm việc trong một ngành nghề có sử dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số đều lớn tiếng tuyên bố rằng mình sẽ bị đần độn do kỹ thuật số. Phương tiện này có thể so sánh với các loại tân dược, khi sử dụng chúng, bên cạnh hiệu quả trị bệnh, bao giờ chúng mang theo mình những nguy cơ và gây ra các tác dụng phụ bất lợi.

Ông Manfred Spitzer không đồng ý hoàn toàn với quan điểm cho rằng hiện nay lớp trẻ giỏi giang hơn cha mẹ chúng nhiều. Bởi vì thực chất cái gọi là hiểu biết của lớp trẻ không lớn hơn, chúng không làm chủ được các lĩnh vực khác ngoài một lĩnh vực nào đó chúng quan tâm, chúng không biết tìm kiếm các thông tin một cách hiệu quả như người lớn. Nói đơn giản là chúng làm khác người lớn, nhưng thường làm một cách hời hợt. Lớp trẻ trẻ không biết cách cài đặt chương trình tốt như người lớn. Những lời khẳng định về chuyện “hậu sinh khả úy” còn ít nhiều mang tính võ đoán, chưa có những chứng minh khoa học xác thực.

Cũng có những nhà xã hội học khẳng định rằng chúng ta đang tham dự vào một nền văn hóa trong đó lớp già phải học tập nhiều ở lớp trẻ. Quan điểm này cũng không đúng. Trong thực tế lớp trẻ thậm chí không biết họ có thể chỉ ra được cái gì cho lớp già, họ có thể dạy lớp già những gì. Ngược lại lớp già vẫn là bậc thầy của lớp trẻ. Lớp trẻ cần phải đào sâu suy nghĩ để tìm ra lời đáp cho những câu hỏi mình đặt ra. Quan hệ giữa lớp già và lớp trẻ trong chuyện này giống như leo núi. Khả năng leo lên tới cùng không ai giống ai, nhưng không thể có chuyện người này cõng người kia lên đến đỉnh. Mỗi người cần tự mình cố gắng làm việc này. Hiện nay có vẻ như thế hệ trẻ đang gặp vấn đề với thế giới mình đang sống một khi họ chú trọng đến chuyện làm cái gì cũng muốn dễ dàng nhất, tiện nghi nhất.

Giáo sư Manfred Spitzer cho rằng những ai đã làm bố làm mẹ, hàng ngày tiếp xúc, nuôi dạy con, người đó biết hơn ai hết tác hại của việc sử dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số đối với thanh thiếu niên. Ông nói: “Không biết ai đã mua chuộc một số nhà khoa học để họ đưa ra các luận điểm khác. Ai là nhà khoa học thực thụ, người đó biết chắc chắn rằng lời khẳng định về ảnh hưởng tích cực của các phương tiện thông tin kỹ thuật số đối với thanh thiếu niên là không thể có thật”.

 

Cái giá phải trả đã có thể lường trước

 

Tất nhiên không thể đồng nhất các trò chơi bắn nhau với Internet. Cần phải tách bạch truyền hình, các trò chơi điện tử, máy vi tính hay máy tính bảng. Nhưng khẳng định rằng các phương tiện thông tin kỹ thuật số có tác dụng cân bằng khả năng của những người ở những khu vực khác nhau là lời khẳng định không có cơ sở. Một số công nghiên cứu đã chứng minh được rằng thanh thiếu niên thành phố, xuất thân từ các gia đình có học, khi sử dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số, sẽ sử dụng hiệu quả hơn bọn trẻ thuộc các thành phố thị trấn tỉnh lẻ, những thanh thiếu niên bị phân biệt đối xử về mặt xã hội. Thực ra có một hiện tượng phổ biến là những thanh thiếu niên đã được ưu tiên nhiều sẽ ngày càng được ưu tiên hơn.

Trên cơ sở những số liệu đang có trong tay, cần phải khẳng định rằng cái giá phải trả trong tương lai cho việc lạm dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số sẽ vô cùng lớn – cả về mặt tài chính. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở châu Âu thậm chí không gây thiệt hại nặng nề bằng sự xuống cấp trí tuệ sẽ diễn ra do hậu quả của việc lạm dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số.

Chúng ta cần nhớ rằng cái gì sử dụng quá mức cũng là một loại thuốc độc hại. Theo những con số thôgs kê mới nhất, thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12 đến 16, thường xuyên ngồi trước màn hình để sử dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số trung bình 7 giờ rưỡi một ngày. Tất nhiên việc lạm dụng này sẽ dẫn đến những hậu quả cụ thể, vì vậy chúng ta phải cân nhắc xem nên làm thế nào để giảm bớt lượng thời gian này.

Một trong những vấn đề phải làm sáng tỏ và không cần đưa ra bàn cãi là: các phương tiện thông tin kỹ thuật số không có lý do gì để tìm kiếm khách hàng trong các trường mẫu giáo và phổ thông cơ sở. Đối với trẻ em ở lứa tuổi này,  các loại phương tiện thông tin kỹ thuật số chỉ tác động độc hại đến chúng mà thôi. Ở bậc giáo dục trung cấp, cũng chưa có gì chỉ ra được ảnh hưởng tích cực của các phương tiện thông tin kỹ thuật số, có chăng thì cũng phải chờ đến những năm cuối của phổ thông trung học hay những năm đại học. Song không nên quên rằng việc sinh viên sử dụng tính đa chức năng của các phương tiện thông tin kỹ thuật số cũng gây ra những hiệu quả tiêu cực. Vì vậy mỗi cá nhân phải cân nhắc xem cái gì gây tác hại cho mình và cần phòng ngừa ra sao.

Nhà khoa học Đức nêu trên bày tỏ quan điểm rất rõ ràng là phải làm sao để nền văn hóa chung của chúng ta cũng như bộ óc của chúng ta không trở thành nạn nhân của các công ty, tập đoàn lớn. Tương lai trí tuệ của chúng ta không thể là vật dâng hiến cho các tổng công ty toàn cầu đầy quyền lực hoạt động trong ngành công nghệ kỹ thuật số và nằm trong số các công ty, tập đoàn giàu có nhất thế giới. Chúng ta biết hơn ai hết cái gì tốt đối với chúng ta và với con cái chúng ta, cho nên chúng ta không được tự cho phép mình trở thành vật thí nghiệm. Các công ty, tập đoàn chỉ quan quan tâm đến lợi nhuận, lợi nhuận mỗi ngày một cao. Nếu cần phải kể tên cụ thể, có thể nói ngay: Apple, Google, Microsoft, Facebook đều gây tác hại cho con em chúng ta và cho nền văn hóa chung của chúng ta, bởi vì các công ty này kiếm tiền trên lưng con em chúng ta. Những người làm cha làm mẹ, khi có ý thức một chút, sẽ không cho phép điều này xảy ra.

Nói một cách ngắn gọn: Người lớn có thể sử dụng các phương tiện thông tin kỹ thuật số có mức độ, nhưng trong trường hợp trẻ nhỏ và thiếu niên – khước từ hoàn toàn vẫn là tốt nhất.

 

Nguyễn chí Thuật

    (Theo Gazeta Wyborcza)


Sửa lần cuối 2014-02-25 10:19:59
  • lịch lịch tôi thích bài viết này . cảm ơn đã upload 2014-06-18 14:02:14

Bình luận

Bình luận qua Facebook