2016-04-10 11:48:15

Thức ăn và thuốc


Bạn ốm và phải uống thuốc? Khi đó hãy đọc xem nên ăn uống ra sao để thuốc có tác dụng vì một số thực phẩm có thể làm yếu hay thay đổi tác dụng của thuốc.

Vài năm trước người ta đã nêu trường hợp bệnh nhân dùng thuốc glicozit tim (có tác động chính làm tăng co bóp cơ tim), nhưng đọc quảng cáo và tự ăn sáng hàng ngày theo thực đơn của người cần có thêm chất xơ (owsianka z otrębami). Đột nhiên người này phát hiện ra là loại thuốc trước nay vẫn có tác dụng thì giờ không, và bệnh nhân này hay bị loạn nhịp tim và mắc các bệnh khác về tim. Hóa ra là chất xơ có trong thức ăn sáng nói trên làm cản trở việc hấp thụ thuốc.

Những năm gần đây người ta chú ý nhiều đến vai trò của thực phẩm đến tác dụng của thuốc. Người ta đã chứng minh được các ảnh hưởng của thức ăn tới việc hấp thụ, chuyển hóa và thải thuốc ra khỏi cơ thể. Một vài tương tác giữa thức ăn và thuốc có thể gây ra rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp đột ngột và cả bị ngất nữa.

Tác dụng của thuốc phụ thuộc vào các yếu tố gì?

Người ta đã chứng minh được tác dụng của thuốc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết, là việc giải phóng nhanh các hoạt chất từ thuốc viên hay thuốc nang, vào việc hấp thụ, chuyển vận, phân phối và đào thải ra khỏi cơ thể cũng như quá trình hấp thụ thuốc của cơ thể. Như vậy các quá trình sinh hóa xảy ra trong cơ thể đóng một vai trò hết sức quan trọng. Phạm vi và độ nhanh chậm của các quá trình đó quyết định đến hoạt tính của thuốc và hiệu quả của nó.

Hầu hết các thành phần trong thức ăn hàng ngày của chúng ta (chất đạm, chất béo, chất xơ, muối khoáng, các vitamin, cafein, tiramin…) có thể làm thay đổi mỗi một giai đoạn kể trên của thuốc. Cũng có một mối quan hệ ngược: nhiều thứ thuốc dùng lâu có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và làm tình trạng sức khỏe xấu đi.

Uống thuốc khi no hay khi đói?

Các loại thuốc khó hấp thụ ví dụ một số loại kháng sinh (ampicilin, erytromicin, phần lớn các tetraxilin) thường uống trước khi ăn. Aspirin và các thuốc khác thuộc nhóm chống viêm và đau lại nên uống sau khi ăn để tránh hại màng dạ dày. Hiện nay người ta đã cải tiến dùng một loại màng bảo vệ các thuốc loại này và nó chỉ tan khi thuốc vào đến ruột. Một số thuốc hấp thụ tốt cùng với thức ăn như coenzym Q, vitamin A hay D. Nếu ta muốn chúng hấp thụ nhanh nên uống chúng khi ăn với các thức ăn nhiều chất béo. Cũng có các nhóm thuốc khác như prozac hay ranigast, chúng có thể uống vào bất cứ lúc nào.

Uống thuốc bằng nước gì?

Các bác sỹ khuyên chỉ uống thuốc bằng nước. Trước đây người ta không để ý đến điều này và bệnh nhân đã uống thuốc bằng nước chè, cà phê hay nước quả… Nay người ta đã thấy các loại nước vừa nêu có ảnh hưởng không tốt, làm yếu tác dụng của thuốc hay có khi còn gây tác dụng ngược, gây ra các hiệu ứng phụ nguy hiểm.

Loại nước nguy hiểm nhất cho uống thuốc là nước quả bưởi. Các thí nghiệm với bệnh nhân uống thuốc chứa felodipin (thuốc hạ huyết áp) cho thấy nồng độ thuốc khi đó trong máu cao gấp 3 lần những người uống thuốc này bằng nước thường hay nước cam. Còn xuất hiện thêm khi đó các hiệu ứng phụ như da mẩn đỏ và rất đau đầu. Các hiện tượng tương tự cũng được khẳng định khi dùng các thuốc loại antihistamin và ciclosporin (dùng cho bệnh nhân sau khi ghép nội tạng). Nước bưởi làm tăng nồng độ một số hoạt chất chữa bệnh trong máu vì nó hãm quá trình đào thải thuốc khỏi cơ thể.

Cũng không nên uống thuốc bằng cà phê, vì có một số thuốc hãm quá trình chuyển hóa chất cafein và làm nồng độ nó tăng lên mức nguy hiểm trong máu. Chất ta-nin có trong nước chè lại cản trở quá trình tiêu thụ chất sắt trong thức ăn.

Sữa cũng có thể cản trở hấp thụ thuốc tetracilin hay thuốc chống loãng xương (axit etidron) trong ruột. Uống các thuốc có màng bảo vệ bằng sữa cũng không có lợi vì sữa có thể làm giảm dịch chua trong dạ dày đến mức là các màng này tan ngay trong dạ dày thay vì chỉ tan trong ruột và làm hại thành dạ dày.

Rượu, phó mát, đồ ngọt

Rượu kết hợp với thuốc gây nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu dùng lẫn với thuốc ngủ (luminal, reladorm), thuốc an thần (relanium, meprobamat), thuốc chống sợ hãi hay trầm cảm thì nó có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Có khi chỉ cần một lần dùng rượu uống thuốc ngủ thì người bệnh sẽ không bao giờ dậy nữa. Rượu cũng cản trở hấp thụ axit folic và vitamin B12. Các thuốc chữa bệnh tiểu đường kết hợp với rượu sẽ có tác dụng như thuốc cai nghiện Anticol với mọi hậu quả (đỏ mặt, buồn nôn, nôn hay đôi khi đau tim).

Người ta cũng biết đến ảnh hưởng của chất tiramin (có trong phó mát vàng loại ví dụ như cheddar, cá ướp, chuối chín nấu hay trong quả avocado) đến tác dụng của loại thuốc tên là inhibitory MAO (thuốc dùng hạ huyết áp trong máu). Sự kết hợp chúng gây ra nghịch lý là gây buồn ngủ, tăng huyết áp đáng kể hay chảy máu não. Chất tiramin có trong gan gia cầm, trong rượu vang đỏ và đậu (bob). Người hay mất ngủ hoặc huyết áp cao không nên ăn phó mát và các sản phẩm chứa tiramin trước khi đi ngủ.

Phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể có mang, nếu đồng thời khi đó uống kháng sinh (như penicilin), thuốc chống động kinh hay một số loại thuốc đau đầu (fiorinal, femcet).

Chất cam thảo có nhiều trong các loại bánh kẹo có thể làm giảm đáng kể lượng ka-li trong máu. Nếu bệnh nhân đang ốm, dùng loại thuốc chữa có chất mã đề (naparstnica) mà lại ăn đồ ngọt chứa cam thảo thì có thể bị các rối loạn nghiêm trọng cho tim.

Cây cỏ ban (Hypericum perforatum L.) và nhân sâm

Hiện nay có nhiều loại thực phẩm chức năng hay thuốc lá bán không cần đơn. Nếu dùng chúng đồng thời với các thuốc chữa bệnh do bác sỹ cấp có thể rất nguy hiểm. Ví dụ bệnh nhân uống thuốc chứa warfaryna (chữa bệnh chống đông máu và tắc phổi) có thể gặp các rối loạn về tim nếu dùng một lượng lớn các chất an thần chứa trong cây cỏ ban, vì loại thuốc nam cỏ ban hay dùng này hãm quá trình hấp thụ thuốc nói trên trong cơ thể.

Hàng năm, có ít nhất vài trăm người ở Ba Lan chết vì bệnh tim mà đồng thời cùng với các thuốc chống vón cục trong máu họ lại uống thêm hoạt chất lấy từ rễ cây nhân sâm (chất này cũng hãm quá trình hấp thụ chất warfaryna). Khi máu quá đặc nó có thể làm tổn thương não. Hiện trong các tài liệu y khoa có ghi nhận đến hơn 20 nghìn trường hợp như thế và hầu như cứ vài ngày lại ghi nhận các ca bệnh mới về tác động nguy hiểm này.

Vì vậy bao giờ bạn cũng phải đọc hướng dẫn sử dụng kèm theo thuốc. Chỉ uống thuốc bằng nước. Không hòa thuốc vào nước nóng, nhiệt độ cao có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Nếu thức ăn cản trở việc hấp thụ thuốc thì phải uống thuốc 1-2 giờ trước khi ăn hay 2 giờ sau khi ăn. Không bao giờ uống vitamin và muối khoáng cùng với thuốc. Không được uống thuốc nếu bạn đã uống rượu.

NHV (Theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-04-10 09:49:17

Bình luận

Bình luận qua Facebook