2016-08-16 14:50:21

Ăn chay - Sức khỏe - Môi trường

Tin đặc biệt trên các báo, đài: “NGÀY KHÔNG ĂN THỊT ĐỘNG VẬT VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE” chính thức được phát động nhân dịp Lễ Vu Lan năm nay (16/8/2016) tại TP du lịch Hội An.

Hội An là thành phố đầu tiên của VN phát động hoạt động này nhằm ủng hộ lối sống lành mạnh và ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, đồng thời mong muốn mọi người từng bước hình thành thói quen ăn uống, góp phần nâng cao sức khỏe, chống biến đổi khí hậu. Thành phố sẽ tổ chức các gian hàng ẩm thực chay với các món ăn được chế biến phong phú, độc đáo phục vụ nhân dân và du khách.

Hiện nay nhu cầu thưởng thức ẩm thực được chế biến từ thực vật thay thế các chế phẩm động vật đã và đang trở thành một xu hướng mới mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe con người và môi sinh. Vì vậy, nhiều thành phố lớn trên TG đã đưa ra quy định về “Ngày thuần chay”, “Tuần thuần chay”, “Tháng thuần chay” nhằm khắc phục những ảnh hưởng bất lợi của động vật nuôi tới môi trường.

CÁC KHUYẾN CÁO:

Tháng 8/2008, TS Rajendra Pachauri, chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ, đã lên tiếng khuyên mọi người nên ăn ít thịt để góp phần vào việc bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu. Ông đưa ra những con số rất hùng hồn là một người ăn chay trong 70 năm sẽ giảm được 100 tấn khí CO2 tung ra không trung và chỉ cần ăn chay mỗi tuần một ngày thì một người dân châu Âu có thể làm giảm đi 170 kg CO2 trong một năm.

Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO) cho biết: Chăn nuôi gia súc tạo lượng thán khí CO2 nhiều hơn 40% lượng thán khí của tất cả phương tiện giao thông toàn cầu. Khí thải từ chăn nuôi gia súc bao gồm 9% là CO2, 37% là CH4 và 65% là N2O. Chăn nuôi gia súc tại Hoa Kỳ tạo ra 86.000 tấn chất thải mỗi giây - gấp 130 lần lượng chất thải tạo ra bởi toàn bộ dân số thế giới. Nếu người Mỹ ăn 1 bữa không thịt gà/tuần thì tương đương giảm lượng khí thải của nửa triệu xe hơi ra khỏi đường. Chất độc phân động vật thải ra gấp 130 lần của con người. Ngành chăn nuôi còn thải vào các nguồn nước uống những kháng sinh, hoóc-môn tăng trọng đã được đưa vào thức ăn gia súc. Ngoài các tác động đến môi trường của phân, rác trong chăn nuôi thì các khâu giết mổ, thuộc da, các loại vi sinh vật và ký sinh trùng thải ra từ phân, rác chăn nuôi … cũng đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các kim loại nặng do súc vật thải ra sau khi ăn các thực phẩm có trộn thuốc chữa bệnh hay thuốc tăng trọng cũng có hại cho sức khỏe con người.

Trong một tài liệu của FAO năm 2004, người ta đã xác định lượng nitơ và phốt pho chảy vào biển Đông từ Việt Nam, Thái Lan và tỉnh Quảng Đông (TQ) có nguồn gốc từ việc chăn nuôi heo. Riêng đối với Việt Nam, các ô nhiễm nitơ và phốt pho từ việc nuôi heo chiếm 38 và 92% của tổng lượng trong các nguồn nước, trong khi tỷ lệ của các loại nước thải gia đình chỉ là 12 và 5%.

Bác sĩ người Pháp J. Bernard-Pellet luôn cổ súy việc ăn chay và đã từng thuyết trình nhiều nơi trên TG: “- Ăn chay làm giảm tỷ lệ tử vong (mortalité) và tỷ lệ mắc bệnh (morbilité) một cách rõ rệt. Tỷ lệ tử vong và mắc bệnh giám xuống từ 10% đến 15% đối với người ăn chay. Cải thiện sự thoải mái và mang lại cảm giác khoan khoái cho người ăn chay.Làm chậm lại hiện tượng lão hóa của các tế bào cơ thể.Làm giảm xuống từ 20% đến 50% các chứng bệnh sau đây: béo phì, các bệnh tim-mạch, huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, các bệnh về thận, sa sút trí nhớ và giảm trí thông minh (démence), sỏi thận, viêm khớp vì phong thấp, bệnh trĩ, ruột thừa (maladies diverticulaires), bệnh thoát vị của một số cơ quan (hernie)...”

Từ lâu Leonardo da Vinci đã ví von: “Chúng ta đang sống trên cái chết của các giới khác.Chúng ta là ngôi mộ sống”. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã từng nói: “Không gì có lợi cho sức khỏe con người và tăng khả năng tồn tại của đời sống trên Trái Đất bằng việc tiến dần đến một chế độ ăn chay”. Kinh tế gia Hoa Kỳ Jeremy Rifkin: “Đã từ lâu chúng ta rất cần một thảo luận toàn cầu về cách nào tốt nhất để cổ vũ một lối ăn thuần chay đa dạng, nhiều chất đạm cho nhân loại”.

Cựu phó TT Hoa Kỳ Al Gore và GĐ Viện nghiên cứu Không gian Goddard, TS. James Hansen đều viện dẫn việc loại bỏ thịt như “một điều hiệu quả nhất” chúng ta có thể làm để làm giảm lượng khí thải trên thế giới. Maneka Gandhi, nghị viên Ấn Độ: “Trừ khi chúng ta thay đổi lựa chọn thực phẩm của mình, bằng không, những nỗ lực khác sẽ đều vô hiệu, bởi vì thịt đang tàn phá hầu hết các cánh rừng, gây ô nhiễm nguồn nước và làm phát sinh dịch bệnh, tiêu hao tất cả tiền bạc của chúng ta cho chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, thuần chay là lựa chọn hàng đầu cho tất cả những ai muốn cứu Địa Cầu” 

LỢI ÍCH CỦA ĂN CHAY:

Ăn chay cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng không thua gì ăn mặn. Khoa học đã chứng minh người ăn chay có khả năng dẻo dai và sức chịu đựng tốt hơn người ăn thịt.

Nếu so sánh với lối dinh dưỡng thuần chay thì lối dinh dưỡng thịt sử dụng đất nhiều hơn 17 lần, nước nhiều hơn 14 lần và năng lượng nhiều hơn 10 lần. Lượng ngũ cốc chúng ta sản xuất đủ để nuôi sống toàn thể nhân loại, thậm chí còn dư nữa. Thế nhưng, lại có 1 tỷ người đang bị đói và 10,9 triệu trẻ em chết hàng năm – cứ 5 giây lại có một trẻ em tử vong vì đói, trong khi chúng ta có đủ thực phẩm để nuôi sống toàn bộ dân số thế giới, thậm chí còn nuôi được nhiều hơn gấp đôi số dân hiện nay. Mặt khác, có khoảng 1 tỷ người mắc bệnh béo phì và các căn bệnh khác như ung thư, tiểu đường, huyết áp cao, mạch vành, gút, đột quỵ… liên quan đến việc ăn uống quá mức hoặc tiêu thụ quá nhiều thịt.

Phải sử dụng từ 7 đến 16 kg đậu nành để tạo ra 1 kg thịt, do đó người ta đã lãng phí 90% protein, 99% hydratcacbon và 100% chất xơ là những chất cần cho sức khỏe con người. Trên thế giới, 90% đậu nành được dùng làm thức ăn gia súc. Nếu để sản xuất 1kg ngô người ta chỉ cần 900 lít nước thì muốn có 1kg thịt bò, lượng nước cần dùng lên đến 15.500 lít. Để sản xuất 1 calorie thịt bò thì mất khoảng 78 calorie năng lượng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ...), 1 calorie thịt lợn mất 35 calorrie năng lượng nhiên liệu, nhưng 1 calorie đậu nành thì chỉ cần 1 calorie năng lượng nhiên liệu.

Vậy mà chúng ta phải chia 38% lương thực của chúng ta cho gia súc ăn, 30% diện tích đất là cho gia súc, 33% ruộng đất dùng để sản xuất lương thực cho gia súc.

Một vài thực phẩm chay có tỷ lệ đạm cao (theo trọng lượng): Đậu phụ 16%, mỳ căn (chế biến từ bột mỳ) 70%, ngô 13%, gạo 8,6%, các loại đậu 10-35%, hạnh nhân, hạt bồ đào, hạt điều, hạt thông 14-30%, hạt bí đỏ, hạt vừng, hạt hướng dương… 18-24%. Tuy nhiên, các axit amin thiết yếu có thể đạt được bằng cách ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây khác.

Hai hiệp hội uy tín nhất TG là Hiệp hội Tiết chế Hoa Kỳ và Hiệp hội Y tế Anh quốc tuyên bố: “Ăn chay đáp ứng tất cả mọi nhu cầu dinh dưỡng cho người lớn cũng như trẻ nhỏ. Không sợ thiếu máu”

Thực tế đã cho thấy, người Eskimo hoàn toàn ăn thịt thì tuổi thọ trung bình của họ chỉ là 36 năm, còn người Kogi (bộ tộc ở Peru - Nam Mỹ) ăn thuần chay thì tuổi thọ trung bình của họ lên tới 100 năm.

Một cuộc khảo sát năm 2006 cho thấy Vương quốc Anh là nước có tỷ lệ số người ăn chay lớn nhất (6%) ở châu Âu. Một nghiên cứu năm 2008 của tạp chí Time: số người ăn chay tại Mỹ khoảng 7,3 triệu (3,2% dân số).

NHỮNG NƠI TRÊN TG TỔ CHỨC NGÀY ĂN CHAY:

-Tại thành phố Ghent (Bỉ), chiến dịch ăn chay đã được triển khai rầm rộ nhằm khuyến khích người dân “Mỗi tuần một ngày ăn chay” để bảo vệ môi trường và chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây là thành phố đầu tiên ở châu Âu và có lẽ là thành phố đầu tiên trên TG có cách làm mới nàyÔng Tom Balthazar, Hội viên Hội đồng thành phố cũng cho rằng: “Chúng tôi không phải là những cảnh sát cứng nhắc, bắt người dân ăn cái này cái kia, mà chỉ khuyên rằng ăn chay là rất tốt, ít nhất mỗi tuần một ngày, và nếu muốn ăn thêm nhiều ngày nữa thì xin cứ tự nhiên…” 

- Mùa thu năm 2015, MUSE California đã trở thành ngôi trường đầu tiên trên nước Mỹ phục vụ thức ăn thuần chay vào giờ ăn trưa. Các món ăn nhẹ (snack) trong ngày cho học sinh từ lớp mầm non đến lớp 12 cũng đều thuần chay.

- Ngoài ra, các TP khác như: San Francisco, Philadelphia, Los Angeles (Mỹ), Sydney, Melbourne (Úc)… cũng quy định “Ngày ăn chay hàng tuần”. Hội những người ăn chay TG thường tổ chức “Ngày thuần chay TG” (WORLD VEGAN DAY) vào ngày 1 tháng 11 hàng năm.

-Năm 2010 Chiến dịch "Ăn chay vì môi trường" đã được tổ chức để phấn đấu đạt được mục tiêu lâu dài là tạo được thói quen ăn chay cho mọi người, ít nhất 1 lần/tháng do bạn Đỗ Thị Thu Trang - Chủ nhiệm CLB GREACT Huế (sinh viên cao học chuyên ngành khoa học môi trường, chương trình cao học quốc tế Huế - Okayama) phát động dưới sự bảo trợ của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng.

NHỮNG NGHỆ SỸ ĂN CHAY:

Ngày càng có nhiều ngôi sao chọn khẩu phần rau củ quả thay vì thịt động vật.

Danh sách của Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA châu Á - Thái Bình Dương có 300 nghệ sĩ ăn chay quyến rũ nhất thế giới, trong đó có những tên quen thuộc như: Natalie Portman, Carrie Underwood, Anne Hathaway, Mike Tyson, Alyssa Milano, Leona Lewis, Hồ Quỳnh Hương, Trương Thị May, Võ Hạ Trâm, Việt Trinh, Thanh Bạch, Hà Okio và Đại Nghĩa.

Nhiều sao Hollywood lựa chọn và yêu thích chế độ ăn chay: Anne Hathaway, Maggie Q. nữ diễn viên gốc Việt, Natalie Portman, Kristen Bell, Hayden Panettiere, Carrie Underwood.

Thành viên nhóm nhạc The Beatles, Paul McCartney, cho rằng nguồn nước và diện tích đất mà ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ động vật là một trong những nguyên nhân lớn gây nên hiện tượng trái đất nóng lên. Vì thế ông kêu gọi mọi người hãy cứu lấy hành tinh xanh bằng cách KHÔNG ĂN THỊT.

Nhiều nghệ sĩ ở châu Á áp dụng chế độ ăn chay từ nhiều năm là Vương Phi,  Lý Á Bằng, Từ Hy Viên, Maggie Q… Mới đây ca sĩ Lee Hyori quyết định ăn chay trường, dù cô có thể mất hợp đồng quảng cáo với công ty thịt bò của Hàn Quốc.

NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĂN CHAY:

Nhiều lực sĩ, vận động viên là những tín đồ ăn chay trường, đồng thời là những người đấu tranh cho quyền lợi của các loài động vật.

Barny du Plesis

Barny du Plesis (lực sĩ thể hình, quán quân cuộc thi Mr Universal 2014. Alexey Voevoda (HCV Olympic bộ môn vật tay người Nga). Robert Cheeke (ăn chay từ năm 15 tuổi. Anh đã cho ra mắt cuốn sách về dinh dưỡng và thể hình từ việc ăn chay). Yolanda Presswood (bà mẹ 2 con, HLV thể hình chuyên nghiệp).


 Simi Collins

Simi Collins (một đối thủ thể hình nữ đáng gờm trên sàn đấu và là một nhà thiết kế đồ họa CrossFit mỗi khi rời sàn tập). Billy Simmonds (danh hiệu INBA Mr Natura Universe năm 2009). Jim Morris (ở tuổi 80 nhưng ông vẫn sở hữu thân hình cuồn cuộn rắn chắc cùng cơ bụng 6 múi).

Jehina Malik

Jehina Malik (ăn chay từ khi mới lọt lòng). Patrik Babournian (vô địch cử tạ 550kg). Frank Medrano (vua bộ môn thể dục mềm dẻo calisthenics). Harriet Davis (người mẫu bikini thể hình chuyên nghiệp, đồng thời là một BS y khoa thể thao kiêm GĐ y tế). James Hatchel (HLV thể hình). Michelle LeBlanc Risley (qua tuổi 49 nhưng thân hình vẫn tuyệt vời trẻ trung). Peter Burwash (vô địch quần vợt). Henry Akins (võ Jiu Jitsu). Atsuyuki Katsuyama (chạy bộ chân trần). Kara Lang (tiền đạo bóng đá nữ Canada). Fiona Oakes (chạy đường trường). Andreas Hänni (khúc côn cầu trên băng). Christine Vardaros (đua xe đạp)…

NHỮNG DANH NHÂN TRƯỜNG CHAY NỔI TIẾNG TG:

Pythagore nhà toán học lừng danh, Danh họa Léonard Da Vinci, Nhà bác học Newton, Kinh tế gia Adam Smith, Albert Einstein nhà bác học, Văn hào Nga Lev Tolstoi, Văn hào Isaac Bashivis Singer, đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nobel năm 1978, Nhà soạn nhạc Richard Wagner, Jean Jacques Rousseau triết gia và là một văn hào người Pháp, Percy Bysshe Shelley, Thomas Edison nhà phát minh số một của Hoa Kỳ và TG, ông là người phát minh ra máy hát, đèn điện...

NHỮNG ĐẠI GIA ĂN CHAY:

Steve Jobs ông trùm kinh doanh và sáng chế, một trong những người sáng lập Apple. Biz Stone đồng sáng lập Twitter. Bill Clinton cựu TT Mỹ. Cory Booker Thị trưởng thành phố Newark bang New Jersey (Mỹ). Maneka Gandhi thành viên Quốc hội Ấn Độ. Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi. Michael Eisner cựu CEO của Walt Disney. Steve Wynn vua bài bạc Las Vegas. Joi Ito CEO hãng đầu tư Neoteny, GĐ Trung tâm thực nghiệm truyền thông MIT, thành viên hội đồng quản trị Mozilla và là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới. Russell Simmons vua hip hop Mỹ. Tom Freston, cựu CEO của Viacom.

Ở Việt Nam có các doanh nhân trường chay: Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen). Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT Cty sách Thái Hà). Các đại gia ăn chay xây chùa để đời: Huỳnh Uy Dũng (Đại Nam quốc tự), Trầm Bê (9 ngôi chùa: Chùa Vàm Ray, chùa Cà Hom, chùa Ba Sát, chùa Phnô Đôn, chùa Tà Điêu…) Nguyễn Văn Trường (chùa Bái Đính).

Tất cả những người trường chay trên đây đều khỏe mạnh, vẫn thông minh, tài giỏi, vẫn làm những việc rất phi thường. Cho nên bạn không thể đổ thừa rằng ăn chay thiếu chất hay khó giao tiếp. 

Quang Lâm

Mùa Vu Lan 2016

Sửa lần cuối 2016-08-16 12:58:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook