2018-08-28 07:11:39

Gan: người quét dọn tuyệt vời, nhưng chỉ đến một mức thôi...


Thiên nhiên tỏ ra cực kỳ hào phóng khi cho con người một bộ phận cơ thể  là gan nặng đến một cân rưỡi. Mà để đảm nhiệm hơn 500 chức năng của mình, gan chỉ cần nhỏ bằng một phần tư như thế. Hiện người ta chưa biết, tại sao ta có lượng dự trữ lớn như vậy. Tuy nhiên, chính lượng dự trữ này làm con người mất cảnh giác và là nguyên nhân gốc của các vấn đề quan trọng. Ngay cả khi gan đã cực yếu, nó vẫn loại khỏi cơ thể các sản phẩm không cần thiết và các chất độc tạo ra trong quá trình trao đổi chất, các chất có thể gây hại cho cơ thể, và ta cứ tưởng là mọi thứ đang bình thường.

Gan gồm hai lá (lá bên phải to hơn) trông như một quả bóng bị ép xẹp mầu nâu xẫm. Nó có độ mềm đặc trưng do có cấu tạo của các tế bào xốp gọi tên là hepatocyt.

Cấu trúc như vậy cũng có nhược điểm: gan dòn và có thể bị rách ngay cả khi bị chấn thương tưởng như nhẹ. Do vậy khi bị bất cứ va đập nào vào bụng, ví dụ như khi xe bị đâm và mặc dù ta cảm thấy hoàn toàn bình thường, vẫn nên đi kiểm tra cẩn thận.

Không phải là khi bị rách thì gan bị hỏng ngay, và bệnh nhân sẽ chết ngay, dù rằng thực tế khi không có gan thì con người không thể sống lâu được. Phần bị dập là các phần mềm bên trong (miąższ), chứ không phải phần vỏ tạo bằng các tế bào nối bên ngoài.

Trong một chừng mực lớn, cơ quan này có thể tự phục hồi. Nhưng rách gan là nguy hiểm trực tiếp cho cuộc sống vì có nguy cơ chảy máu (máu sẽ chảy vào ổ bụng) nên cần phải can thiệp bằng phẫu thuật và hãm chảy máu.

Gan càng khỏe thì càng chống tốt các tổn thương. Có khi ngay cả các va chạm nhẹ cũng gây rách gan, nhưng nó vẫn hoạt động nình thường.

Là tuyến nội tiết thôi ư? Thế thì quá ít!

Gan không nghi ngờ gì là một tuyến nội tiết lớn nhất, đồng thời cũng là một cơ quan có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp các chất ra ngoài phạm vi của mình (đôi khi các tuyến cũng là các nhóm tế bào phân bố).

Gan tiết ra mật, chất tạo điều kiện để tiêu hóa chất béo và hấp thụ các loại vitamin A, D, E, K. Dịch a-xit của mật làm chất béo phân hủy thành các khối cầu nhỏ. Sức căng bề mặt của các hạt mỡ nhỏ khi đó giảm đi,  cho phép các men tiêu hóa ngấm vào trong mỡ và hoàn thành nhiệm vụ.

Chức năng tiết mật chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của gan. Cơ quan này là một phòng thí nghiệm làm việc cực kỳ chăm chỉ, đảm nhiệm gần 500 chức năng cơ bản. Nó là bộ phận chủ chốt của bộ máy tiêu hóa lẫn hệ tuần hoàn, tức có ảnh hưởng thực sự tới toàn bộ cơ thể.

Gan biến các thành phần của thức ăn thành năng lượng. Nó chịu trách nhiệm về tổng hợp chất đạm, điều chỉnh mức hoóc môn. Nó đảm bảo chúng ta đông máu chính xác và điều chỉnh thân nhiệt (tạo ra nhiệt). Gan dự trữ chất sắt, nhưng trước hết là chất glikogen chứa năng lượng. Vậy nó có thể điều chỉnh lượng đường, đưa đường vào máu lúc mức đường hạ.

Đặc biệt, chúng ta đánh giá gan cao vì nó có khả năng trung hòa và loại các chất thải.  Gan là bộ lọc máu không gì thay được. Máu chảy qua gan qua đường từ dạ dầy, ruột và lá lách cũng như động mạch gan của hệ tuần hoàn. Trong vòng một phút, cơ quan này cho 1,5 lít máu sạch vào vòng tuần hoàn máu.

Gan lấy ra các sản phẩm độc hại của việc trao đổi chất, trong đó có cholesterol, thuốc, các chất độc và các hoóc-môn thừa. Chẳng khác gì một nhà máy hóa chất hiện đại, gan trung hòa và loại chúng. Gan cũng hòa tan các hồng cầu đã qua sử dụng và không cần thiết nữa cùng chất tạo mầu hemoglobin trong máu và biến nó thành chất mầu của mật. Vậy không có gì lạ là nếu không có người quét dọn siêu đẳng này ta không thể sống được: sau chục tiếng đồng hồ khi chức năng này bị ngắt thì nhiều bộ phận của cơ thể bị ngộ độc và cái chết sẽ đến.

Các kẻ thù của gan

Gan có khả năng tái tạo phi thường và ít khi biểu hiện ra ngoài. Thông thường ta cảm thấy không bị „trừng trị” khi làm hại cho gan. Đó là một chiến lược tồi vì sức chịu đựng của gan cũng có giới hạn của nó. Rất dễ chăm sóc gan, vì nói chung nó không đòi hỏi gì nhiều.

Gan không thích khi ta ăn nhanh, không đều đặn và nhiều mỡ. Gan không thích rượu, cà phê pha đặc, thuốc lá, nấm và gia vị cay. Nếu ta chỉ thỉnh thoảng gây nặng cho gan thì nó tự lo được. Còn nếu bị làm mệt liên tục thì đến lúc nó phải nổi giận thực sự.

Khả năng tự phục hồi của gan không theo kịp khi bị phá nếu các chất béo có hại là thành phần chính của thức ăn (bạn hãy tìm hiểu xem nên ăn loại chất béo nào) và rượu là bạn đồng hành thường xuyên (bạn hãy thử xem mình có nghiện rượu không). Tệ nữa, nếu gan bị vi-rút tấn công (bạn hãy đọc về bệnh viêm gan do vi-rus các loại A, B, C), mà chúng ta không bắt đầu chữa kịp thời.

Đầu tiên là gan bị viêm, sau đó sẽ xuất hiện các sợi xơ đầu tiên, rồi ta bị xơ gan, do tế bào lành bị thay bằng các sợi tế bào nối. Quá trình này là quá trình không thể đảo ngược được, nhiều nhất ta chỉ có thể làm nó xảy ra chậm đi.

Khi gan bị ốm

Thường ta nghi bị mắc bệnh gan nếu sau khi ăn một bữa rất nhiều ta thấy đau phần bụng bên phải. Ta hay tự chữa bằng cách uống thuốc thảo mộc và mừng vì đã  "sửa chữa lại gan". Trong khi đó cảm giác đầy bụng hay đau nhói ở khu vực này thông thường là tín hiệu có vấn đề về mật, mà không chỉ mình gan. Mật là nơi chứa dịch mật thừa, nó đặc lại và trở nên hiệu quả hơn.

Khi ta ăn quá no hay ăn thứ gì đó "không tốt", dịch mật được tá tràng, nơi phần lớn dịch mật chảy vào đó giúp đỡ và do đó nó vẫn đảm nhiệm được công việc của mình. Mật làm việc đồng thời ra tín hiệu phản kháng. Còn gan vẫn kiên trì im lặng.

Các vấn đề nghiêm trọng của túi mật đòi hỏi phải được chữa, có khi cần cả phẫu thuật (khi ở đó hình thành các hạt lắng đọng hay được gọi là sỏi mật). Đồng thời, ngay cả khi gan "im lặng" cũng cần phải chú ý, vì hậu quả các vấn đề của gan thường nghiêm trọng hơn.

Các thống kê cho thấy là các bệnh nặng của gan chúng ta được hưởng rất „công bằng”. Cả nữ và nam đều bị, cả người già, người trung niên lẫn trẻ em. Vậy không phải bệnh xơ gan chỉ là do rượu gây ra.

Có khi một số bệnh nhân biết mình bị bệnh gan chỉ khi xơ gan đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như: rối loạn làm việc của não, bệnh tiểu đường, các vấn đề nghiêm trọng về thận, bệnh giãn tĩnh mạch thực quản (żylaki przełyku)  nguy hiểm cho tính mạng hay bệnh ung thư gan.

Chỉ có 30% người bệnh mới có các triệu chứng chứng tỏ gan có vấn đề.Các triệu chứng này không có tính chất đặc trưng và nhiều khi ngay cả bác sỹ cũng bỏ qua, ví dụ như người mệt mỏi mãn tính, đau khớp, đau bắp thịt hay da mẩn ngứa, ăn kém ngon hay buồn nôn. Đôi khi xuất hiện các biểu hiện về thần kinh (rối loạn tập trung, âu lo, nóng nẩy, trầm cảm). Thông thường thì mọi thứ xảy ra như không có gì cho đến khi bệnh đã rất nặng.

Vậy phòng bệnh ra sao? Cơ bản là phòng vi-rus (tiêm phòng, lối sống lành mạnh), bạn hãy tâm niệm cho là ngày nào cũng chân giò và bia, tối nào cũng rượu mạnh không phải là ý định hay. Việc xét nghiệm xem có gì không tốt với gan hay không trước khi điều xấu xảy ra cũng không có gì hại. Làm vào lúc còn kịp chữa.

Nên mỗi năm một lần kiểm tra các men gan trong máu và mức chất bilirubiny (một sản phẩm hình thành khi phân rã hemoglobin), hay ít nhất bao giờ cũng nên làm thêm khi bác sỹ cho bạn đi xét nghiệm máu (cũng chỉ một lần chọc ven và ta có thêm chắc chắn).

Các chuẩn khi xét nghiệm gan:

1. Các men gan:

- aminotransferaza alaninowa AlAT: dưới 40 IU/l

- aminotransferaza asparaginianowa AspAT: dưới 37 IU/l

2. Bilirubina 0,2-1,0 mg/dl (3,4-17 umol/l)

Chú ý! Trên kết quả xét nghiệm bạn có thể gặp các dải chuẩn hơi khác một tý . Các sai khác ấy là do phương pháp xét nghiệm, các chất dùng...Nhưng với các trường hợp nặng thì độ lệch chuẩn sẽ rất cao. Để có đánh giá đúng ta hãy đi gặp bác sỹ.

Ghép gan trong gia đình? OK!

Khả năng tái tạo rất lớn của gan làm nó là một bộ phận rất quý của cơ thể cho các bác sỹ ghép nội tạng. Thật sự là mới gần đây (tức 25-30 năm trước), nhiều ca ghép không thành công do nguyên nhân không chỉ là do cơ thể đào thải (dù rằng đó cũng là một nguyên nhân cho đến khi có các thuốc hiện đại chống đào thải), mà còn là việc nhiễm trùng sau khi mổ. Hiện nay thì cơ hội chữa hoàn toàn bằng ghép gan đã thật sự cao.

Việc tái tạo nhanh cũng như các dự trữ tự nhiên làm cho việc có thể chia sẻ gan không gây ra hậu quả gì lớn. Việc ghép gan giữa các người thân được tiến hành với kết quả rất tốt ở Trung tâm Sức khỏe Trẻ em (Centrum Zdrowia Dziecka)  và Bệnh viện Thực hành  (Centralny Szpital Kliniczny) trên phố Banacha ở Vác-sa-va.

QV (theo:http://zdrowie.gazeta.pl/Zdrowie/1,101580,10534091,Watroba__genialna_sprzataczka__ale_do_czasu___.html)

Sửa lần cuối 2018-08-28 04:37:16

Bình luận

Bình luận qua Facebook