2020-08-17 08:26:15

Covid-srovid hay là đại dịch

Hãy giữ khoảng cách

Từ hơn nửa năm nay, kể từ khi loài virus lạ có tên ban đầu là 2019-nCoV bay ra khỏi Vũ Hán và định cư trên 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm cho hàng trăm nghìn người bị thiệt mạng, con người trên trái đất đã thực sự trải qua một đại dịch. Mặc dù loài virus lạ này đã được các nhà nghiên cứu về vi trùng học tìm hiểu, đánh giá, phân loại và tìm cách khống chế nhưng dường như kết quả vẫn còn rất hạn chế. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới WHO thì tính đến ngày 15/08/2020 toàn thế giới đã có 21,4 triệu ca nhiễm.

Loài virus lạ nói trên nay có tên chính thức là SARS-CoV-2, tên thường gọi là Coronavirus, Virus Vũ Hán hay Covid-19.

Ngày 31 tháng 12 năm 2019  là ngày người đầu tiên được phát hiện nhiễm covid-19 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đến ngày 23 tháng 1 năm 2020 có 17 người ở Vũ Hán bị chết vì coronavirus. Toàn thế giới bắt đầu được biết đến loài virus nguy hiểm này và  khả năng lây từ người sang người của nó. Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có trên 700 nghìn người bị thiệt mạng (cứ 15 giây có một người chết vì virus này).

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố phong tỏa, cách li không cho người Vũ Hán đi ra khỏi thành phố của mình. Nhưng những cuộc chạy trốn đã đưa hàng nghìn người từ Vũ Hán ra khắp thế giới. Hãy chưa nói đến những lập luận của những người theo thuyết âm mưu nói rằng chính quyền Trung Quốc đã có chủ ý gây lây lan covid-19 ra toàn cầu. Chỉ cần nhận thấy một thực tế là coronavirus đã nguy hiểm hơn những gì mà chúng ta có thể suy đoán. Sự gia tăng số người bị nhiễm covid-19 ngày càng lớn. Nếu như những tháng trước đây trong một tháng rưỡi mới có 1 triệu người bị lây nhiễm thì nay chỉ trong có 3 ngày.

Hàng trăm công trình nghiên cứu về coronavirus đã và đang cho chúng ta đã biết gần như đầy đủ về sự nguy hiểm của loài virus này. Thí dụ như chúng có thể gây lây lan trong không khí, lây lan qua tiếp xúc đặc biệt trong không gian kín. Một người nhiễm coronavirus có thể làm cho 10 đến 20 người khác bị lây khi có tiếp xúc. Nguy hiểm nhất là người bị nhiễm coronavirus không có triệu chứng vẫn có thể làm cho người khác bị lây. Một điều nữa mà lúc đầu người ta hy vọng là vào mùa nóng coronavirus sẽ khó tồn tại và dịch bệnh sẽ được giảm đi. Nhưng cho đến nay, hy vọng đó đã hoàn hoàn bị dập tắt. Sự ảo tưởng về khả năng miễn dịch cộng đồng đã làm cho các nước châu Âu điêu đứng. Nước Anh, nước Ý đã từng có những khoảng thời gian thử nghiệm tinh thần của mình nhưng cuối cùng phải trả giá và phải chấp nhận sự thật: Không thể coi thường con virus này.

Thực ra thì do cách sống và môi trường sống mà con người ở những khu vực khác nhau trên thế giới có nhận thức khác nhau về hiểm họa. Người châu Á có tính lo xa nên rất hoan nghênh những biện pháp cách li cộng đồng. Người châu Âu, đặc biệt là Italia hay Tây Ban Nha có thói quen sinh hoạt cộng đồng thoải mái, họ không nghĩ rằng chỉ vì con virus mà phải bỏ đi những thói quen trong cuộc sống. Người Mỹ thì ngoài những quan niệm như người châu Âu lại còn những quan niệm về tự do, vui chơi, gặp gỡ. Những điều đó đã góp phần làm cho dịch bệnh lan truyền nhanh giống như rừng cháy gặp gió.

Sự phản ứng nhanh và quyết liệt của chính quyền các nước trên thế giới cũng rất khác nhau. Thí dụ như ở Mỹ, cho đến bây giờ vẫn còn tranh cãi về nhiều vấn đề mà ở những nước khác đã đồng tâm nhất trí. Những chuyện như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội tưởng chừng như những điều bắt buộc và không thể chối cãi nhưng vẫn không được nhiều người và một số chính quyền chấp nhận.

Hãy khoan nói đến những nhu cầu về phát triển kinh tế bắt buộc nhiều nước phải đưa ra các biện pháp nới lỏng các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những suy nghĩ và hành động của mình và những người xung quanh mình.

 Xin đơn cử một chuyện: Trong khi kỉ lục người nhiễm covid-19 ở Ba Lan liên tục bị phá vỡ trong những ngày đầu tháng 8 thì những người đến làm lễ tại nhà thờ ở một thành phố nhỏ vùng Podlas vẫn không đeo khẩu trang. Khi cha cố được hỏi có sợ covid không thì ông trả lời: „Wirus świrus, covid scrovid”. Một câu nói đùa ngắn nhưng đủ để chúng ta hiểu: Đừng có hỏi vớ vẩn, …rõ là thằng khùng!

Thí dụ trên nói đến những người vào nhà thờ, nhưng đó không phải là độc nhất. Có rất nhiều những cuộc tụ họp đông người ngoài trời hoặc trong không gian kín đã không được người ta tuân thủ các quy chế thời dịch bệnh. Những đám cưới, đám ma, những tiệc sinh nhật, tiệc chia tay … thường được người ta quan niệm không thể không đến. Và cả những cuộc vui chơi, gặp gỡ nhân một sự kiện gì đó tưởng như chẳng có gì bắt buộc thì người ta vẫn có cớ để tham gia. Chỉ đến khi có sự cố, nghĩa là có những người nhiễm coronavirus đã từng ở nơi đó người ta mới tá hỏa, lo lắng.

Đâu là nguyên nhân của những hành động „bình thường” như đã nói ở trên. Nhiều người cho rằng nói sợ nhưng lại không sợ. Cũng chính vì con virus quá nhỏ nên không nhìn thấy. Hay vì ta quá tin vào những người đến cùng ta, gần ta cũng là những người luôn biết lo lắng và đề phòng và rõ ràng là họ đang khỏe mạnh thế kia cơ mà. Một điều nữa cũng cần thấy là hình như người ta có cảm giác xấu hổ khi đeo khẩu trang mà không thấy những người khác đeo, xấu hổ khi phải đứng xa người khác 1,5 m để nói chuyện. Tôi đã từng tham dự một cuộc chia tay mà ai cũng nói với người khác một câu: Mình có khẩu trang nhưng thấy mọi người không đeo nên phải bỏ vào túi. Và tôi cũng đã từng tham dự một bữa tiệc đứng trong một phòng kín mà mọi người đứng sát nhau cùng ăn, cùng nói chuyện rôm rả như không hề có dịch bệnh. Cũng may mà hôm đó không có ca nhiễm nào, nếu có thì thật rắc rối.

Để kết thúc bài viết này tôi muốn trích lời của giáo sư Marcin Szulc (làm việc tại Viện tâm lí học, trường đại học Gdansk) khi trả lời phỏng vấn báo Gazeta Wyborcza : Có lẽ chúng ta đang trở lại thời điểm "cảm giác và đức tin nói với tôi mạnh hơn quan điểm và con mắt của người khôn ngoan"? (czucie i wiara silniej mówi do mnie, niż mędrca szkiełko i oko"?). Theo giáo sư, con người ta dù đang sống ở thời đại văn minh nhưng vẫn sống bằng đức tin và những ngộ nhận của mình. Người Ba Lan coi sự nguy hiểm của coronavirus như là chuyện cổ tích. Những cảnh báo của chính quyền, của vệ sinh dịch tễ, của truyền thông nhà nước dường như vẫn không nặng kí bằng những lời giao giảng của nhà thờ hay những ý nghĩ tự tin thái quá. Và hơn nữa là sĩ diện và nể nang. Chính vì vậy họ coi những lời khuyên của các chuyên gia cũng giống như những lời khuyên của những người hầu bàn.

Xuân Nguyên

Vác-sa-va, tháng 8/2020

Các tài liệu tham khảo:

https://gazetawroclawska.pl/covidsrovid-czyli-epidemia-w-kraju-w-ktorym-nie-ufa-sie-wladzy-a-opinie-na-temat-wirusa-kelnera-i-profesora-medycyny-waza-tyle/ar/c1-15114332

https://www.medonet.pl/koronawirus,co-wplywa-na-transmisje-wirusa--chory--ktory-znajduje-sie-w-niewlasciwym-miejscu-i-niewlasciwym-czasie,artykul,01375953.html

https://www.medonet.pl/koronawirus/koronawirus-w-polsce,druga-fala-pandemii-czy-druga-fala-histerii--komentarze-po-artykule-macieja-pawlickiego,artykul,85629738.html

Sửa lần cuối 2020-08-17 06:23:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook