2020-11-15 17:18:32

Chuyện thời covid (T.18): Có phải Coronavirus là kẻ sát nhân bất khả kháng?

Tôi đã nghe nói về những người trên 70 tuổi bị nhiễm coronavirus,họ bị ốm, bị sốt, nhưng chỉ điều trị ở nhà và hồi phục, trong khi đó một bác sĩ ba mươi tuổi, khỏe mạnh, là một vận động viên chạy maraton, sau khi bị COVID-19 đã phải dùng máy thở và chỉ có 30% cơ hội sống sót. Có điều gì ngạc nhiên ở đây không?

Điều gì quyết định diễn biến của COVID-19 và làm thế nào để tránh những sự cố nghiêm trọng liên quan đến bệnh này? Xin mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây của Tiến sĩ Marek Wasiluk, chuyên gia về y học chống lão hóa, người sáng lập Trung tâm Y học hiện đại Triclinium Vác-sa-va.

Tiến sĩ Marek Wasiluk

Có người đặt câu hỏi: „Làm thế nào để tránh vi-rút và bệnh tật”. Câu trả lời đương nhiên là không có. Theo tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi: "Làm thế nào để tránh bị bệnh nặng". Bởi vì tránh vi-rút là một điều cực kỳ khó khăn do "sự hoàn hảo” của loài này. Bởi vi nó được lan truyền trong không khí, là vô hình. Trong trường hợp coronavirus nó còn có thể không gây triệu chứng ở nhiều người bị nhiễm, khiến cho khả năng lây lan ngoài tầm kiểm soát.

Nhiều người còn chưa hiểu về khả năng sẽ bị ốm như thế nào sau khi nhiễm vi-rút. Theo tôi, nhiễm trùng không nhất thiết làm cho bạn bị bệnh. Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta có thể phản ứng nhanh chóng và ngăn chặn bệnh phát triển. Có người hoàn toàn có thể miễn nhiễm với cuộc tấn công của vi-rút. Có thể so sánh trường hợp này với căn nhà có khóa cửa và hệ thống báo động tốt để chống kẻ trộm đột nhập.

Trong nhiều trường hợp thì ổ khóa bị phá, Có nghĩa là vi-rút đã chui vào được cơ thể, sau đó sẽ lây lan giống như kẻ trộm đột nhập vào căn hộ. Nhưng nhiễm trùng (sự xâm nhập của kẻ trộm) không nhất thiết làm cho ta bị ốm. Hệ thống báo động đã cài đặt có thể kêu làm kẻ trộm sợ hãi vì hàng xóm quan tâm hay sẽ có người gọi cảnh sát. Trong cơ thể chúng ta, hệ thống miễn dịch đóng vai trò báo động. Nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp báo động bị hỏng, hoặc kêu nhẹ, hoặc kẻ trộm phá hủy được nó. Và sau đó hành vi trộm cắp (tức là sự phát triển của bệnh) xảy ra, Lúc này bệnh có thể ở mức nhẹ hoặc rất nặng, thậm chí kẻ trộm có thể phá hủy hoàn toàn căn hộ và phóng hỏa để phi tang. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố sẽ được đề cập dưới đây.

Những yếu tố rủi ro:

- Béo phì: Là một yếu tố nguy cơ rất cao, thật không may, điều này không được nói đến nhiều. Và đây có lẽ là những yếu tố chính dẫn đến diễn biến nặng khi bị nhiễm COVID-19 ở những người trẻ tuổi (cũng có ở người già, nhưng cơ chế phức tạp hơn và thường có nhiều yếu tố liên quan). Ta thường biết rằng béo phì có thể dẫn đến đái tháo đường và huyết áp cao. Nhưng còn nhiều người chưa biết rằng các tế bào của mô mỡ chứa nhiều thụ thể (receptor) để virus có thể gắn vào rồi xâm nhập vào bên trong và sau đó được nhân lên. Có thể ví von: Béo phì tạo điều kiện cho SARS COV-2 lây lan trong cơ thể giống như đổ thêm dầu vào lửa, do đó có thể gây suy giảm hệ miễn dịch.

- Bệnh đi kèm hay còn gọi là bệnh nền: Những người bị ung thư, những người sau khi cấy ghép nội tạng và nói chung là những người có bệnh nặng thường có nguy cơ cao trước sự tấn công của vi-rút. Nhưng nguy hiểm nhất là các bệnh tiểu đường, huyết áp và các bệnh tự miễn dịch.

Sars-Cov-2 từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong cơ thể, di chuyển qua đường hô hấp nhưng sau đó, khi được nhân lên trong phổi, nó sẽ lan ra khắp cơ thể. Trong cuộc chiến chống lại vi rút của mỗi người phụ thuộc vào việc hệ thống miễn dịch có nhanh hơn tốc độ nhân lên của vi rút hay không. Bản chất của virus là vô hại cho đến khi được xây dựng thành tế bào. Và virus xâm nhập vào những tế bào có chức năng là chìa khóa mở cánh cửa. Sau đó, chúng thiết lập lại hoạt động của tế bào này để tạo ra các bản sao của chúng. Điều tệ hại là hệ thống miễn dịch không nhìn thấy vi-rút khi nó ở trong tế bào, nó chỉ nhìn thấy đội quân vi-rút khi đã được nhân lên trong tế bào đó, thoát ra khỏi đó và tấn công những tế bào khác. Khi virus ra khỏi hệ hô hấp, chúng sẽ lưu thông theo dòng máu và tìm kiếm các vị trí (tế bào) để bám vào. Nếu chúng không tìm thấy các vị trí để bám vào thì chúng sẽ chết.

Mức độ nhạy cảm với vi rút của một người phụ thuộc vào số lượng các thụ thể, tức số lượng các tế bào phù hợp với Sars-Cov-2. Nếu ít, hệ thống miễn dịch sẽ đối phó nhanh chóng. Nếu nhiều, hệ thống miễn dịch không thể theo kịp. Có rất nhiều thụ thể trong mô mỡ, do đó người càng béo phì thì càng bị COVID-19 tấn công nhanh.

Có thể nói thực thể là cửa vào các tế bào. Chúng cần thiết để tế bào hoạt động, vì các thụ thể được sử dụng để giao tiếp với các tế bào khác và các mô lân cận, trao đổi thông tin hữu ích khác nhau. Thật không may, vi rút có khả năng đánh lừa tế bào, bám vào các thụ thể để rồi đi vào bên trong. Những người béo phì, những người bị tiểu đường và cao huyết áp có nhiều tế bào với các thụ thể tương thích với virus. Do đó, họ dễ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 và bệnh sẽ trầm trọng hơn những người khác. Mặt khác, những người mắc các bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, những người sau khi cấy ghép, có bệnh suy giảm khả năng miễn dịch hay mắc bệnh ung thư, hệ thống miễn dịch không đủ hoặc các cơ quan đã bị tổn thương, cũng dễ bị COVID-19 đè bẹp.

- Tuổi tác: Theo thống kê, người ở độ tuổi trên 65 dễ bị tử vong hơn, đó là do xác suất mắc các bệnh mãn tính hoặc bệnh nền cao hơn những người trẻ. Do đó, bệnh đi kèm là yếu tố rủi ro quan trọng hơn tuổi tác, ít nhất là cho đến khoảng 65-70 tuổi.

- Cách sống: Điều này thực sự có ý nghĩa gì? Lối sống nào có lợi cho sức khỏe?

Theo tôi, đó là tập thể dục lành mạnh (nhưng không quá sức), không căng thẳng, ăn uống đầy đủ và đều đặn, không để áp lực trong cuộc sống. Có những báo cáo khoa học cho rằng những người không ngủ đủ giấc (vì nhiều lý do khác nhau, có thể là trầm cảm, căng thẳng, làm việc quá nhiều, tiệc tùng) mắc bệnh nặng hơn, bất kể tuổi tác.

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những điều quyết định sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta thì nó không bị phụ thuộc nhiều vào bệnh viện hiện đại, thuốc hay năng lực của bác sĩ (vì yếu tố này chỉ chiếm khoảng 10%). Trong khi đó, yếu tố lối sống như ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, béo phì hay vận động chiếm 50%, ​​môi trường chúng ta sống đảm bảo khoảng 20%, còn lại 20% là do di truyền. Chính vì vậy, trong khi còn chưa tìm ra thuốc chữa bệnh hiệu quả với COVID-19 thì chúng ta hãy chọn cho mình lối sống có lợi cho sức khỏe.

Nói về cách sống, tôi muốn nêu thí dụ về việc uống rượu. Tại sao vậy?. Rượu ở bất kỳ hình thức và số lượng nào đều gây độc hại cho não (trong 2 tuần sau khi uống). Ngay cả những người uống một lượng nhỏ, nhưng thường xuyên, có độ nhạy cảm cao hơn với bệnh tật và bị suy giảm khả năng miễn dịch. Điều đáng tiếc là người ta ít nói về điều đó, khiến công chúng đồng ý với liều vi lượng thường xuyên của rượu (ví dụ, một cốc bia mỗi ngày).

Tập thể dục đều đặn là cần thiết cho hoạt động lành mạnh, nhưng không phải cố gắng quá mức, khiến cơ thể kiệt sức. Bố tôi đã 80 tuổi, đang rất sung mãn và khỏe mạnh. Ông ấy có rất nhiều bài tập thể dục thường xuyên trong suốt cuộc đời của mình. Và nếu chỉ nhìn thì không ai cho rằng ông ấy đã 80 tuổi.

- Di truyền: Về mặt thống kê, Ba Lan đang ở trong tình trạng rất tốt trên bản đồ tỷ lệ tử vong do COVID-19. Số trường hợp tử vong ở Ba Lan ít hơn 8-10 lần so với ở Hoa Kỳ hoặc Anh. Điều này bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về di truyền.

Xuân Nguyên 

(Lược dịch từ: https://www.onet.pl/styl-zycia/onetkobieta/dr-marek-wasiluk-to-nie-jest-wirus-killer-o-ile-nie-trafi-na-oslabiona-osobe/y4n4kpk,2b83378a).

Sửa lần cuối 2020-11-21 15:47:57

Bình luận

Bình luận qua Facebook