2020-12-17 16:23:58

Chuyện thời covid (T.24)

-       Ai không thể tiêm chủng COVID-19?

Tại một cuộc họp báo gần đây, giáo sư Andrzej Horban, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và chuyên gia tư vấn Quốc gia trong lĩnh vực này cho rằng “nếu có chỉ định tiêm vắc xin thì thực tế không có chống chỉ định”, trừ trường hợp sốt cấp tính cần làm rõ nguyên nhân. Mọi thứ khác không ảnh hưởng. Ông đảm bảo rằng tiêm chủng sẽ giải quyết vấn đề coronavirus, và tác dụng của chúng sẽ có thể thấy được sau sáu tuần, sau liều thứ hai.

Nếu có các bệnh khác thì có được tiêm chủng không?

Liệu những người bị ung thư, bị các bệnh huyết học có được tiêm phòng không? Một người bị viêm tuyến giáp mãn tính – bênh Hashimoto cũng có thể được tiêm phòng?

Giáo sư Zbigniew Gaciong trong một cuộc phỏng vấn cho TVN24 nói rằng không có chống chỉ định nào trong những trường hợp nêu trên, "trừ trường hợp là bị dị ứng với vật liệu sản xuất vắc xin". Ông nói thêm rằng nếu việc tiêm chủng được thực hiện với những chế phẩm được kiểm tra tốt nhất, và nếu "chúng mang vật chất di truyền của vi rút được làm đúng cách, thì các bệnh mãn tính hay tình trạng suy giảm miễn dịch không ảnh hưởng đến tiêm chủng".

Người đã bị nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh có nên tiêm phòng?

Giáo sư Gaciong trả lời rằng có lẽ là không. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “kiến thức mà chúng ta có vào lúc này không trả lời được câu hỏi liệu người đã khỏi bệnh có được miễn dịch vĩnh viễn hay không. Nó có thể giống như bệnh cúm: nên tiêm phòng theo mùa hàng năm. Chúng ta còn biết quá ít ở đây. Hiện tại, vắc-xin đang cần cho những người chưa nhiễm COVID-19, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hoặc diễn biến xấu trong trường hợp bị nhiễm virus.

Giáo sư Jarosław Drobnik, chuyên gia nội khoa, trưởng nhóm dịch tễ học tại Bệnh viện Đại học y Wrocław, đã chỉ ra hai mối nguy hiểm khi sử dụng vắc-xin COVID-19: Thứ nhất là bảo quản vắc xin không đúng cách hoặc bệnh nhân tiêm không đúng thời điểm. Tuy nhiên, có những quy tắc phải được tuân thủ và bắt buộc bảo vệ để tránh những tình huống như vậy. Thứ hai, vắc xin, giống như bất kỳ chất nào được đưa vào cơ thể, có thể gây ra phản ứng dị ứng tại chỗ. Da sẽ đỏ lên, hơi đau và nhiệt độ có thể tăng cao trong vài ngày, nhưng đây chỉ là tác dụng đánh thức hệ thống miễn dịch.

Đồng nhiễm trùng có thể được ngăn ngừa?

Tiến sĩ dược học Leszek Borkowski chỉ ra một khía cạnh nữa của việc tiêm chủng. Cụ thể, các vắc xin chống cúm hoặc chống phế cầu khuẩn (pneumokok) có thể giúp cơ thể chuẩn bị chống lại nhiễm trùng SARS-Cov-2, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Việc chủng ngừa các bệnh như cúm hoặc viêm phổi do phế cầu có tầm quan trọng đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp (...). Trong trường hợp bị nhiễm SARS-Cov-2, sẽ tốt hơn nếu bạn đã được tiêm phòng chống vi rút cúm hoặc phế cầu. Đó cũng là việc tránh các bệnh đồng nhiễm gây ra, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp nặng.

Tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em?

Bộ trưởng bộ Y tế, Adam Niedzielski cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 12 rằng chỉ một trong số các sản phẩm được cung cấp ở Ba Lan được phép tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến18 tuổi. Nói chung, việc tiêm chủng sắp tới sẽ chủ yếu dành cho người lớn, và hiện tại không có gì để tiêm phòng cho trẻ em, vì chưa có nhà sản xuất nào tiến hành nghiên cứu trên một nhóm trẻ em.

-       Tiêm chủng Coronavirus: Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm gì

Ba Lan cũng như hầu hết các nước trên thế giới coi việc tiêm chủng chống Covid-19 là tự nguyện. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nếu khi gặp các tác dụng phụ do vắc xin gây ra thì người bệnh sẽ bị bỏ rơi. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm thuộc về nhà nước. Tuy vậy, phần lớn trách nhiệm lại phụ thuộc vào các nguyên tắc hoạt động của quỹ bồi thường. Theo báo Rzeczpospolita, dự thảo luật về vấn đề này có thể sẽ được xuất trình trong những  ngày tới.

Ý kiến của nhà chức trách và các luật sư

Theo bộ trưởng bộ Y tế Adam Niedzielski, Ủy ban Châu Âu, đơn vị ký kết hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin sẽ quy định trách nhiệm dân sự cho các quốc gia thành viên đối với bất kỳ diều gì xảy ra ngoài mong muốn trong quá trình tiêm chủng. Do đó, trách nhiệm dân sự là do nhà nước đảm bảo.

Luật sư Jolanta Budzowska, người đại diện cho các bệnh nhân được bồi thường cho biết rằng, theo các điều khoản trong hợp đồng kí với các nhà sản xuất vắc xin thì nhà sản xuất không chịu trách nhiệm đối với bệnh nhân về các phản ứng phụ của vắc xin (niepożądane odczyny poszczepienne - NOP). Và trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được quy định phụ thuộc vào luật pháp của quốc gia cho phép tiêm chủng.

Luật sư Budzowska cho biết thêm, hiện nay ở Ba Lan không có điều khoản nào đảm bảo cho bệnh nhân được bồi thường do các biến chứng gây ra bởi các đối tượng điều trị, bao gồm cả rủi ro khi tiêm bắt buộc, chưa nói đến việc tiêm chủng tự nguyện. Nếu nhà nước của chúng ta là "người bảo đảm trách nhiệm dân sự", thì các quy định pháp lý trong lĩnh vực này là phù hợp nhất.

Theo Wojciech Kozłowski, cố vấn pháp lý của công ty luật Dentons, nhà sản xuất thuốc không chịu trách nhiệm về những thiệt hại do tác dụng phụ của thuốc khi không thể lường trước được các đặc tính nguy hiểm của sản phẩm, vì khoa học tại thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường không cho phép. Mặt khác, Liên minh Châu Âu hoặc Kho bạc Nhà nước Ba Lan chỉ có thể chịu trách nhiệm về những sai sót trong thủ tục tiếp nhận thuốc vào thị trường.

- Trong trường hợp xảy ra các biến chứng sau khi sử dụng thuốc, nhà sản xuất hay chính xác hơn là đơn vị tiếp thị thuốc có thể phải chịu trách nhiệm. Kho bạc Nhà nước cũng có trách nhiệm khi đồng ý với Văn phòng Đăng ký Sản phẩm Thuốc cho phép lưu hành loại thuốc đó trên thị trường - luật sư Krüger khảng định.

Đặc trách chương trình tiêm chủng của chính phủ Michał Dworczyk, cho biết chính phủ đã đồng ý thành lập quỹ. Quỹ có thể chi trả các yêu cầu bồi thường lên đến một số tiền nhất định, cùng với Ủy ban về các vấn đề y tế đẩy nhanh thủ tục. Các trường hợp khiếu nại lớn hơn hoặc tranh chấp sẽ được đưa ra tòa.

-       Báo cáo đáng lo ngại

Người Mỹ vừa trả lại vài nghìn liều vắc xin cho Pfizer. Chế phẩm sau khi giao hàng được cho là vô giá trị. Câu chuyện này chắc chắn là một lời cảnh báo cho những người khác.Tất cả chỉ vì sự cố đã xảy ra với chiếc tủ lạnh khổng lồ dùng để vận chuyển vắc-xin.

Sự việc diễn ra ở Mỹ. Các liều vắc-xin đang trên đường đến các bang Alabama và California. Chỉ huy chiến dịch Warp Speed, tướng Gustave Perny, báo cáo rằng nhiệt độ khoang lạnh bảo quản vắc-xin đã giảm từ âm 80 độ C xuống âm 92 độ C. Nguyên nhân xảy ra lỗi chưa được tìm ra.

Không biết liệu nhiệt độ giảm xuống nhiệt độ thấp hơn có ảnh hưởng đến vắc-xin hay không. Tuy nhiên, để tránh rủi ro nên gói hàng ngay lập tức được chuyển trở lại người gửi, đó là Pfizer. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cùng với nhà phân phối sẽ kiểm tra xem liệu sự thay đổi bất thường nhiệt độ có khiến vắc xin không an toàn hoặc vô dụng hay không.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/koronawirus/koronawirus-w-polsce,kto-nie-bedzie-mogl-zaszczepic-sie-na-covid-19-,artykul,62071716.html lang="EN-US">;https://www.rp.pl/Zdrowie/312159906-Szczepienia-na-koronawirusa-jaka-bedzie-odpowiedzialnosc-panstwa.html lang="EN-US">;https://www.o2.pl/informacje/to-moze-niepokoic-szczepionki-na-covid-19-zostaly-zwrocone-6587171896249120a)

Sửa lần cuối 2020-12-17 15:23:58

Bình luận

Bình luận qua Facebook