2021-03-21 12:26:31

Cách chăm sóc sức khỏe sau khi mắc COVID-19

Piotr Piotrowski, Centrum Medyczne ENEL-MED S.A., 18/03/21


Covid-19 là tên gọi của bệnh khi cơ thể bị nhiễm virus Sars-Cov-2, thường gọi là coronavirus. Nguồn lây nhiễm là từ một người khác, qua màng nước bọt khi người kia ho hay thở, nhưng cũng có thể qua tay, quần áo hay các vật khác. Bệnh có các triệu chứng giống bệnh cúm. Nó cũng có khi không có biểu hiện. Vậy ta có thể quay lại bình thường sau khi mắc COVID-19 mà không cần có trợ giúp của các bác sỹ không? Cần chăm sóc cơ thể ra sao nếu virus để lại các dấu vết có hại rất lâu sau khi khỏi?

Các triệu chứng của coronavirus Sars-Cov-2 là gì?

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là: sốt cao, người rất yếu, rất đau bắp thịt và khớp, đau hố mắt, sổ mũi, ho (thường là ho khan), đau đầu, rối loạn khứu giác và vị giác, buồn nôn hoặc bị nôn, đi ngoài. Bệnh có thể có diễn tiến nhẹ, trung bình hay nặng, biến chứng gây hại cho nhiều bộ phận cơ thể, chủ yếu là phổi, thận và tim. Khi trạng thái nặng phải điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực.

Biến chứng hậu COVID-19 có thể liên quan tới nhiều bộ phận của cơ thể

Hậu quả phổ biến nhất sau khi mắc Covid-19 là trạng thái mệt mỏi và người cảm thấy yếu kéo dài rất lâu, không phụ thuộc vào trạng thái nặng nhẹ lúc mắc bệnh. Cũng hay gặp hiện tượng hơi thở ngắn và ho mạn tính.

Một hậu quả khác kéo dài chừng 1,5-2 tháng là các triệu chứng của hệ tim mạch, ví dụ như tim đập nhanh, loạn nhịp, đau lồng ngực hay giảm sút mức chịu đựng khi cần dùng sức. Cũng có các hậu quả của hệ thần kinh như rối loạn giấc ngủ, cảm giác ớn lạnh mặc dù không có ảnh hưởng của môi trường, lẫn lộn, nhiều ý nghĩ chạy đuổi nhau trong đầu đồng thời và rối loạn cảm giác của da.

Các biểu hiện khác nữa là mờ mờ ảo ảo trong đầu dẫn tới rối loạn tập trung, rối loạn trí nhớ, khả năng học tập giảm, quên các tên gọi khác nhau trong trí nhớ.

Cũng có thể có các hiện tượng: rối loạn khứu giác và vị giác duy trì lâu, hay cảm thấy mùi vị khác với mùi vị trong thực tế, các cục máu đông trong mạch dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu quan trọng với cuộc sống hay dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi bắp cơ yếu.

Chẩn đoán sau khi mắc coronavirus

Trong chẩn doán các biến chứng sau Covid-19 thì các xét nghiệm ảnh của lồng ngực sau đây đóng vai trò rất quan trọng: chụp RTG và chụp cắt lớp (CT), điện tâm đồ EKG, ECHO của tim và hội chẩn với các bác sỹ chuyên khoa: nội, tim mạch, thần kinh và phổi. Ngoài việc chữa bằng thuốc thì việc tập phục hồi chức năng cũng rất quan trọng.

Phục hồi chức năng cho những người đã khỏi bệnh

Hiện nay ở Ba Lan và cả trên thế giới chưa có quy trình đầy đủ chữa cho các bệnh nhân có các biến chứng kéo dài. Thỉnh thoảng có các lời khuyên của các chuyên gia về cách chữa hay phục hồi chức năng ở các cơ sở y tế khác nhau. Việc phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng để rút ngắn thời gian biến chứng kéo dài, nhanh chóng đưa cơ thể quay về bình thường

Cũng đã xuất hiện các phương pháp phục hồi khứu giác (từ các bài tập thở làm giãn tế bào phổi, làm thông đường hô hấp đến việc điều trị bằng ô xy hay xông). Khi phuchj hồi chức năng thở, việc cộng tác với các điều trị viên áp dụng việc tập luyện cho các bắp thịt tham gia quá trình hô hấp cùng với các bài tập thể lực chung cũng rất quan trọng.

Hỗ trợ quan trọng về tâm lý

Hỗ trợ về tâm lý cũng là một bộ phận quan trọng của quá trình phục hồi chức năng, nó giúp những người đã khỏi bệnh nhanh chóng cảm thấy mình an toàn, bớt đi các nỗi sợ hãi và cảm giác kém tự tin hay muốn xa lánh mọi người.


Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: Zdrowie po COVID-19, czyli jak zadbać o organizm po przebyciu koronawirusa | Warszawa Nasze Miasto

Sửa lần cuối 2021-03-21 11:26:31

Bình luận

Bình luận qua Facebook