2021-04-05 10:26:42

Tình trạng phổi sau khi nhiễm COVID-19: nó ở tình trạng nào và phải chăm sóc nó ra sao?

Wprost, 03/04/21


Theo các chuyên gia, viêm phổi do loại coronavirus mới khác với các thay đổi mà ta đã biết cho đến nay.

Coronavirus tấn công vào phổi ra sao?

Toàn bộ phổi bị tấn công, mà không chỉ một phần, bệnh phát triển rất nhanh, thường dẫn đến mất khả năng thở nặng và hệ miễn dịch bị mất điều chỉnh hoàn toàn và đáng tiếc, hậu quả của nó là tử vong – một chuyên gia giải thích.

Theo ông, không nên gắn bệnh này với hiện tượng có tên là cơn bão Cytokin, tức phản ứng quá mức của hệ đề kháng, mà các bệnh nhân mắc dạng nặng nhất của COVID-19 hay gặp. Nó cũng khác với suy hô hấp nặng (ARDS) mà người ta hay gán cho nó.

Bệnh viêm phổi này rất hay đi kèm với các biến chứng lây nhiễm vi khuẩn và rất hay dẫn đến tử vong. Từ trước đến nay chúng tôi chưa gặp một số lượng bị viêm nặng như bây giờ. Thường các bệnh nhân bị phá hủy hoàn toàn phổi 100%, không có cơ hội cứu sống được nữa – giáo sư Kuna nói.

Ông nói thêm là trong bệnh viêm phổi kẽ (ảnh hưởng đến mô kẽ tức mô và không gian xung quanh phế nang, tức các túi khí của lá phổi – tiếng Ba Lan: śródmiąższowe zapalenie płuc) do virus SARS-CoV-2 gây ra dẫn tới phù phế nang, do vậy ô-xy không thể qua đó thấm vào máu nuôi cơ thể, nó làm rối loạn chức năng phổi và sau đó toàn bộ cơ thể.

Hiện để chữa bệnh người ta phải cho bệnh nhân nồng độ ô-xy cao hơn, rồi bổ sung thêm thuốc chống viêm khi điều trị bằng ô-xy. Nhưng khó khăn ở chỗ là thông thường, hậu quả để lại của bệnh viêm phổi kẽ nói trên là phổi bị xơ và không có thuốc gì để chữa nó – điều duy nhất có thể làm là chặn quá trình viêm và không cho nó bị xơ lại mà thôi.

Trong các trường hợp nặng, để giảm tải cho phổi người ta áp dụng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO, tức gọi là phổi nhân tạo, trong các trường hợp rất nặng thì cơ hội duy nhất là ghép phổi. Nhưng ta phải nói thẳng với nhau rằng đây không là phương pháp có thể áp dụng đại trà được.

Mọi bệnh nhân chữa ở viện nhất là khi đã nằm máy thở đều có nguy cơ có biến chứng nặng của hệ hô hấp.

Làm gì để phục hồi phổi?

Rất may là phổi có một khả năng diệu kỳ là có thể tự phục hồi, với điều kiện ta phải tập luyện cho nó. Nó cũng giống trường hợp bệnh teo cơ – muốn phục hồi thì ta phải tập, áp dụng thể dục cho thở, tiếng Ba Lan là kinezyterapia – giáo sư Kuna nói.

Hội những người hồi sức Ba Lan (Krajowa Izba Fizjoterapeutów - KIF) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xuất bản một tờ hướng dẫn có tên là: „Wsparcie w samodzielnej rehabilitacji po przebyciu choroby związanej z COVID-19 – Hỗ trợ bệnh nhân tự hồi sức sau khi mắc COVID-19”. Các bệnh nhân có thể đọc ở đây các chỉ dẫn và bài tập để nhanh chóng lấy lại sức sau khi mắc bệnh.

Tuy nhiên cách tốt nhất là tránh để không bị lây COVID-19 và tiêm chủng nhanh nhất có thể. Trong khi chưa đủ vác-xin cho mọi người, hãy kiên nhẫn chờ, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh gặp gỡ, chỉ liên hệ từ xa – giáo sư Piotr Kuna khuyên.

Phải làm gì khi xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp?

- Đo nồng độ bão hòa ô-xy – dùng pulsoksymetr để theo dõi thường xuyên.

- Tiếp tục chữa các bệnh mạn tính đang mắc như vẫn làm.

- Theo hướng dẫn của bác sỹ, hãy dùng các thuốc có tác dụng đã được kiểm nghiệm như các loại thuốc viên steryd với liều chỉ định, thuốc chống viêm phổi kẽ và heparyna drobnocząsteczkowa dùng đẻ phòng các biến chứng huyết khối. Ngoài ra các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho. Khi dùng bất cứ thuốc gì phải liên hệ với bác sỹ!

- Uống nhiều nước, theo dõi lượng nước uống-chất điện giải, chức năng của thận.

- Thông thoáng buồng ở.

- Hãy vận động nhẹ nhàng tùy theo sức của mình. Nên nhớ là các biến chứng đông máu- nghẽm mạch phổi là rất nguy hiểm và chỉ sau ba ngày thì nguy cơ tăng lên gấp vài lần. Ở đây tôi không muốn nói về tập luyện nặng vì việc này chẳng những không giúp gì trong có trình chữa bệnh và hồi phục mà nó còn có hại nữa. Ví dụ như khi có thể làm bạn chỉ cần nhấc chân tay lên rồi hạ xuống. Đấy chính là rèn luyện phổi đó.

- Nếu bạn thấy bệnh nặng và xuất hiện thiếu khí tăng dần lên, hãy lập tức đến bệnh viện hay gọi cấp cứu.

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: https://www.msn.com/pl-pl/zdrowie/nasze-zdrowie/p%C5%82uca-po-covid-19-w-jakim-s%C4%85-stanie-i-jak-o-nie-dba%C4%87/ar-BB1ffuzM?ocid=msedgntp


Sửa lần cuối 2021-04-05 08:26:42

Bình luận

Bình luận qua Facebook