2021-04-29 09:15:24

Chuyện thời covid (T.42): Bốn điều lầm tưởng về tiêm chủng

Có rất nhiều lầm tưởng về việc tiêm chủng COVID-19. Thực hư nó như thế nào? Các tác giả Katja Sterzik, Uta Steinwehr và Ines Eisele đã đề cập đến bốn lầm tưởng như thế  này trong DW.com

1.    Vắc xin mRNA có thay đổi DNA của con người không?

Nhiều người bị nhầm lẫn bởi sự giống nhau của các từ DNA và RNA và cả hai đều đề cập đến vật chất di truyền theo một cách nào đó. Mặc dù điều này đúng, nhưng DNA và RNA không giống nhau.

(DNA của con người được bảo vệ đặc biệt)

Nhìn sơ qua về di truyền học thì bản thiết kế của cơ thể chúng ta nằm trong DNA của chúng ta. Đối với một số virus, chẳng hạn như SARS-CoV-2, vật chất di truyền bao gồm RNA.

Nhưng con người chúng ta cũng có RNA. Nó không phải là một bản sao hoàn toàn giống hệt DNA từ nhân được sử dụng trong tế bào để tạo ra protein. Do đó, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng DNA.

Virus sử dụng cơ chế này để tái tạo trong tế bào của chúng ta. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta nhận ra "kẻ xâm lược" bởi protein Spike (gai) của nó và tạo ra các kháng thể và tế bào T để bảo vệ chống lại vi rút.

Mục đích của việc tiêm chủng là tạo ra phản ứng miễn dịch này đối với mầm bệnh mà không cần đưa toàn bộ vi rút SARS-CoV-2 vào cơ thể. Do đó, vắc-xin chỉ đưa một mảnh nhỏ của vi-rút vào cơ thể chúng ta. Sau khi tiêm chủng, nó được tích tụ trong các tế bào, cơ thể nhận ra và cơ thể trả lời, “Đây là vật lạ! Kháng thể hãy tấn công nó! "

Nhưng không có RNA nào, cả của chúng ta và của virus có thể tiếp cận nhân tế bào. Vì vậy, nó không thể đến gần vật liệu di truyền của chúng ta và trộn lẫn với nó. Một khi mRNA đã hoàn thành việc dạy tế bào, các men enzyme sẽ phá hủy mRNA để nó không còn trong cơ thể của chúng ta nữa.

Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2020, một nhóm nhà khoa học đã báo cáo trong một nghiên cứu rằng vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2 có thể đã xâm nhập vào bộ gen người nếu nó được lây nhiễm đúng cách. Điều này có thể thực hiện được thông qua enzym phiên mã ngược. Enzyme này có thể phiên mã RNA thành DNA, và DNA, đến lượt nó, có thể truy cập vào nhân tế bào. Công trình khoa học này vẫn chưa được kiểm chứng bởi các chuyên gia độc lập và đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia.

David Baltimore, một nhà virus học và từng đoạt giải Nobel về việc phát hiện ra enzyme sao chép ngược, nói với tạp chí Science rằng công trình nói trên “đặt ra nhiều câu hỏi thú vị.” Nhưng ông nhấn mạnh rằng nghiên cứu chỉ cho thấy các mảnh SARS-CoV-2 có thể đã được tích hợp , nhưng chúng không tạo thành vật chất lây nhiễm. "Đó có thể là một ngõ cụt sinh học", Baltimore đánh giá.

Trong một cuộc phỏng vấn với DW, Waldemar Kolanus, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y sinh Cơ bản LIMES tại Đại học Bonn, nghi ngờ rằng những kết quả này khi áp dụng cho việc tiêm chủng. Theo ý kiến ​​của ông, cấu trúc mRNA của vắc xin đã được cố tình thay đổi để ngăn chặn sự suy thoái tế bào ngay lập tức. Nó có lẽ hoàn toàn không trải qua quá trình sao chép ngược. Về mặt này, vắc xin mRNA an toàn hơn nhiều so với bộ gen thực của virus nếu nói về phản ứng như vậy.

Ngoài ra, tất cả vắc-xin COVID-19 đều không chứa vi-rút corona. Chúng ta sẽ không thể bị nhiễm vi-rút corona do tiêm vắc-xin. Vắc-xin COVID-19 hướng dẫn các tế bào trong cơ thể nhận ra một protein nhìn giống hệt protein ở trên bề mặt của vi-rút COVID-19. Vắc-xin COVID-19 sử dụng messenger RNA (mRNA) hoặc một loại vi-rút cảm thường vô hại đã được biến đổi để không có khả năng gây bệnh cho cơ thể. Cơ thể của chúng ta học cách phát hiện loại protein đó và tạo ra hệ miễn dịch để bảo vệ khi vi-rút COVID-19 xâm nhập vào cơ thể.

2.    Vắc xin COVID-19 và bệnh vô sinh

Theo một báo cáo khoa học, có một quá trình sau đây diễn ra trong cơ thể: Các kháng thể được tạo ra sau khi tiêm chủng không chỉ gắn vào protein Spike của coronavirus mà còn với protein tương tự Syncitin-1. Protein này đóng vai trò xây dựng nhau thai trong tử cung. Theo đó, nếu protein này bị ức chế bởi phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc xin sẽ dẫn đến vô sinh.

Markert thuộc Bệnh viện Đại học Jena nói: “Có nhiều lý do khiến lý thuyết này không thể đúng. Như ông đã nói, chẳng hạn, sự giống nhau giữa các protein là rất nhỏ, nó chỉ là 0,75 phần trăm.

Các chuyên gia đã nghiên cứu sự tương tác không mong muốn giữa các kháng thể và Syncitin-1 trong một loại thuốc được sử dụng cho bệnh đa xơ cứng. Thuốc được cho là hoạt động trên một loại protein có 81% tương tự như Syncitin. Kết quả là, ngay cả trong trường hợp này, không có tương tác đáng kể nào được quan sát thấy.

Markert cũng nhắc lại rằng không có mối liên hệ nào với vô sinh được tìm thấy ở những phụ nữ bị nhiễm bệnh trong đợt dịch SARS năm 2002/2003. Vào thời điểm đó, protein Spike gần như giống với protein SARS-CoV-2.

Hiệp hội Sinh đẻ Anh (British Fertility Society) cũng tuyên bố rằng "không có bằng chứng hoặc cơ sở lý thuyết nào để tin rằng vắc-xin COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới hoặc nam giới."

3.    Việc phát triển vắc-xin trong thời gian vừa qua có quá nhanh không?

Thông thường, có thể mất từ ​​10 đến 15 năm để phát triển và đưa ra thị trường một loại vắc xin, và trong những trường hợp đặc biệt, thậm chí còn lâu hơn. Vắc xin COVID-19 đầu tiên đã được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm sau khi đại dịch bùng phát. Do đó, có thể hiểu được, tốc độ phát triển nhanh chóng của vắc-xin thoạt nhìn gây ra hoài nghi. Tuy nhiên, có một số điều dễ hiểu cho phép thúc đẩy nhanh quá trình này.

Thứ nhất: Những kiến ​​thức có sẵn. Vắc xin dựa trên công nghệ đã được nghiên cứu hoặc thử nghiệm trước đó. Các nhà khoa học đã biết rất nhiều về các coronavirus khác gây ra SARS hoặc MERS (2012). Từ đó đến nay nghiên cứu về vắc xin vẫn tiếp tục.

Thứ hai: Lý do tài chính. Một số tiền khổng lồ đã được phân bổ cho việc phát triển vắc-xin trên khắp thế giới, điều này cho phép các nhà khoa học làm việc với các nguồn lực khác nhau, chẳng hạn như có thể tuyển nhiều nhân viên hơn hoặc tiến hành nhiều hơn số lần thử nghiệm.

Thứ ba: Thủ tục được đẩy nhanh. Mark Toshner, người từng tham gia thử nghiệm vắc-xin của AstraZeneca, nói với BBC rằng việc kiểm tra vắc-xin thường kéo dài mười năm là sai lầm. Ông nói, thời gian được dành cho việc chờ đợi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: nguồn tài chính, đủ số lượng người tham gia thử nghiệm, để được phép tiến hành nghiên cứu. Tuy nhiên, trong suốt đại dịch, thời gian là điều cốt yếu. Vì vậy, một số bước, thường diễn ra lần lượt, đôi khi được thực hiện song song. Ví dụ: phê duyệt vắc xin thường bắt đầu với cái gọi là quy trình xem xét cuốn chiếu: dữ liệu sơ bộ được phân tích trong khi nghiên cứu đang được tiến hành. Mặc dù thời gian phát triển vắc xin vừa qua đạt kỉ lục, nhưng ít nhất ở Châu Âu, họ phải vượt qua tất cả các quy trình kiểm soát nghiêm ngặt của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) để được phép có mặt trên thị trường Châu Âu.

Do đó, các thủ tục được đẩy nhanh không có nghĩa là ít thận trọng hơn và việc phát triển vắc xin đã trở thành ưu tiên tuyệt đối khi đối mặt với đại dịch toàn cầu.

4.    Những người khỏi bệnh COVID-19 có khả năng chống tái nhiễm hiệu quả hơn so với tiêm chủng không?

Thực tế là hầu hết những người bị nhiễm coronavirus và đã khỏi đều là những người bị nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng nào cả. Theo Viện Robert Koch (RKI), trong đợt nhiễm trùng đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, trong số tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus ở Đức, khoảng 80% là nhẹ và 20 phần trăm còn lại được coi là bị bệnh nặng hoặc thậm chí nghiêm trọng.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những người tương như không có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng sẽ vượt qua mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Bởi vì đã có những người trẻ và khỏe bị bệnh nặng và thậm chí tử vong.

Cũng cần phải tính đến "COVID dài", tức là các biến chứng muộn và lâu dài sau khi bị nhiễm COVID-19, chẳng hạn như mệt mỏi liên miên hoặc gặp các vấn đề về mạch máu. Hiện tượng này cũng xảy ra sau khi mắc bệnh nhẹ.

Reinhold Foerster, Phó chủ nhiệm Hiệp hội Miễn dịch học Đức cho biết vẫn chưa rõ những biến chứng này tồn tại trong bao lâu. Vì vậy, nếu ai đó thích để mình lây nhiễm hơn là để phải tiêm chủng thì có thể nói rằng họ đang chấp nhận "một rủi ro lớn".

Lý do thứ hai để nói về tiêm chủng là hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng khác với vắc xin. Nhờ vắc xin cơ thể có được biện pháp bảo vệ lâu dài chống lại nhiễm trùng. Nhà virus học Christian Drosten cho biết rằng, cho đến nay, có vẻ như nhiều kháng thể được hình thành hơn sau khi tiêm chủng và chúng tồn tại lâu hơn trong cơ thể.

Foerster cũng xác nhận điều này bằng nghiên cứu của riêng mình nhưng chưa được công bố. – Vấn đề cơ bản là số lượng và chất lượng của các kháng thể được tạo ra. Về chất lượng, đó là về mức độ kháng thể bám chặt vào protein và do đó ngăn ngừa nhiễm trùng. " - Sau hai liều tiêm Pfizer, cả hai tỷ lệ về số lượng và chất lượng kháng thể đều cao hơn so với trường hợp bị nhiễm bệnh và đã khỏi.

Quyết định tiêm chủng cũng có khía cạnh tốt cho xã hội và tạo sự đoàn kết. Điều này là do việc chủng ngừa giúp giảm sự lây lan của vi rút và do đó giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.dw.com/pl/koronawirus-cztery-mity-na-temat-szczepie%C5%84-sprawdzamy/a-57250204)

Sửa lần cuối 2021-04-29 07:34:35

Bình luận

Bình luận qua Facebook