2021-05-07 11:54:02

Hoa Lan Việt

Hôm nay, ngày 6 tháng 5 năm 2021, nhóm thiện nguyện „Hỗ trợ y, bác sĩ và các nạn nhân covid-19” đã tuyên bố kết thúc đợt 3, trợ giúp các y, bác sĩ tại các bệnh viện Ba Lan. Chiến dich ủng hộ đợt này được đặt tên là chiến dich Xuân-Hè 2021.

Vậy là đã qua đi hơn một năm, kể từ ngày chính phủ Ba Lan tuyên bố có đại dịch, những người trong nhóm Hỗ trợ đã tổ chức được 3 đợt quyên góp. Đợt đầu tiên kết thúc vào ngày 15/05/2020. Theo những thông báo của nhóm điều hành thì dịch ở Ba Lan lúc này có vẻ như đã qua đỉnh. Nhưng rồi, khi mùa thu đến, dịch bệnh lại hoành hoành. Nhóm Hỗ trợ hoạt động trở lại vào ngày 19/10/2020. Khi Vắc xin xuất hiện, mọi người kì vọng các y, bác sĩ sẽ được bớt đi gánh nặng nên Nhóm Hỗ trợ lại tuyên bố kết thúc chương trình vào ngày 24/1/2021. Nhưng làn sóng thứ 3 của  dịch bệnh mùa xuân 2021 còn làm cho đất nước của Sô-panh điêu đứng hơn. Trong năm 2020, khi làn sóng covid thứ hai dâng cao, con số ca nhiễm covid cao nhất được ghi nhận vào ngày 7/11/2020 là 27875 và số ca nhiễm trung bình tính cho một tuần là 25615 ( con số của ngày 11/11/2020). Thế nhưng, làn sóng covid thứ ba đã ghi nhận số ca nhiễm trung bình cao nhất trong tuần lên đến 28716 và kỉ lục trong một ngày là 32874 (ngày 31/03/2021). Do đó, chương trình hỗ trợ y,bác sỹ giai đoạn 3 lại tiếp tục.

Theo tổng kết của Ban điều hành nhóm, trong đợt đầu, những người hảo tâm trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã giúp đỡ các bệnh viện của Ba Lan hơn 20 nghìn xuất ăn. Đợt thứ hai hơn 10 nghìn xuất. Còn riêng trong đợt thứ 3 này, chỉ trong khoảng một tháng, nhóm Hỗ trợ đã cung cấp 1275 xuất ăn nóng. 

Theo các báo của Ba Lan đưa tin thì những xuất ăn này đã làm những người trên tuyến đầu chống dịch lúc đầu „rất ngạc nhiên”, „một số còn phân vân chưa hiểu tại sao người châu Á lại có thể nấu ăn cho họ”. Nhưng rồi, hàng ngày, những xuất ăn được đưa đến nhiều bệnh viện, đến nhiều bác sĩ, y tá thậm chí cả những người lái xe, những người làm vệ sinh trong bệnh viện. Họ đã có lời giải đáp. Và từ trái tim mình, họ nói rằng bữa ăn của người Việt Nam dành cho họ là ngon nhất trên thế giới. Nó ngon nhất bởi vì các xuất ăn khi đến tay họ vẫn còn đang nóng, ấm. Và hơn nữa, nó mang hơi ấm từ những trái tim nhân hậu của những người di cư từ miền châu Á xa xôi nhưng lại coi Ba Lan như là quê hương thứ 2 của mình – những người  muốn đứng chung chiến hào với họ trong cuộc chiến chống dịch.

Thực ra thì Cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã có những hoạt động chống covid từ trước khi Nhóm Hỗ trợ y, bác sĩ hoạt động. Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh, cộng đồng đã có Ban hỗ trợ và phòng chống Covid-19 gồm đại diện các tổ chức cộng đồng, với nòng cốt là Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Một phong trào quyên góp cho quỹ Hỗ trợ Cộng đồng đã được rất nhiều cá nhân và các công ty ủng hộ. Trên cơ sở đó, cộng đồng cùng với công ty „Vifon Việt Nam” mua và trao tặng các bệnh viện Ba Lan món quà tình nghĩa là 4.100 kit thử SARS-CoV-2.

Tiếp theo là phong trào thiện nguyện tiếp tế khẩu trang, nước kháng khuẩn, cà phê, chè cho bệnh viện, công sở. Một cái lều dã chiến cũng đã được tặng cho bệnh viện huyện Grójec để giúp chống dịch.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là các hoạt động, trong khuôn khổ của phong trào #VNJestesmyzWami (#VNChungtoidonghanhcungcacban) của các quán ăn của người Việt với sự điều hành của “Nhóm Hỗ trợ y bác sĩ phòng chống dịch Covid”.

Tôi không muốn nhắc lại những hoạt động cụ thể, những con số nói lên hiệu quả của những hoạt động này, mà chỉ muốn nói về những suy ngẫm của mình về một phong trào, mà theo tôi, đã không đi theo một lối mòn, không „hoành tráng” như người Việt xưa nay từng làm nhưng vẫn lôi cuốn được nhiều người tham gia và mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.

Tôi được biết, những xuất ăn đầu tiên thể hiện tấm lòng của người Việt Nam là từ nhà hàng PITAYA do một người „thuộc thế hệ người Việt thứ 2 tại Ba Lan” làm chủ. Sau đó nhóm Hỗ trợ có thêm chủ nhà hàng HORAPA, một người trong số những người Việt đầu tiên sang Ba Lan làm ăn, phối hợp thực hiện. Và một người nữa mà nhiều bài báo hay nhắc tới, đó là một người đã từng học.đại học ở tại Ba Lan, lấy vợ là người Ba Lan, có con là bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện ở Warszawa.

Tôi chắc chắn đây không phải là sự chọn lựa có tính toán từ trước, nhưng một điều trùng hợp đã xảy ra. Những người khởi đầu cho phong trào và hoạt động „Ban điều hành” của nhóm đã có xuất xứ hoàn hoàn khác nhau. Nhưng họ đã có những suy nghĩ giống nhau khi làm những việc thiện. Có thể vì lí do đó mà những người làm nhà hàng tham gia vào phong trào này đã thể hiện sự đa dạng. Và điều đáng chú ý nhất là những bạn trẻ, những người thuộc thế hệ thứ 2, thứ ba của người Việt đã trở thành những nhân tố tích cực nhất. Ở trên đất Ba Lan, ngành kinh doanh nhà hàng, quán bar không phải là một ngành luôn nhìn thấy tương lai. Có một số nhà hàng thành đạt, nhưng cũng có rất nhiều nhà hàng phải vất vả để tồn tại. Đó là chưa kể những thời gian mà quán ăn Việt Nam bị vùi dập với những vu cáo trên các phương tiện truyền thông của Ba Lan. 

Một điều nữa tôi muốn nói ở đây là cách làm từ thiện hoàn toàn mới. Những người „có tấm lòng nhân hậu” ban đầu hành động tự phát rồi sau mới vận động những người khác cùng tham gia (chủ yếu là những người làm quán ăn) qua Facebook. Tôi không biết Facebook của nhóm hoạt động từ ngày nào, chỉ nhớ lần đầu tôi thấy nó là ngày 20/03/2020 và tôi viêt vào chỗ Komentarz dòng chữ „ cảm kích trước tấm lòng của những nhà hàng Việt nam tại Ba Lan, trong đó có HORAPA Tajska restauracja!”. Sau đó tôi nhận được câu trả lời rất đơn giản: „Nhóm Hỗ trợ đang tổ chức chương trình, tạm thời cho đến hết dịch”. Nên nhớ là, lúc ấy, dịch mới bắt đầu. Nhưng những tin về coronavirus cho thấy cả thế giới này đang bị con virus làm cho điêu đứng và không biết khi nào hết dịch. Thật là một tuyên bố đáng nể.

Thế rồi, hàng ngày cùng với các hoạt động của phong trào #VNJesteśmyzWami, trang Facebook đều đặn đưa những thông báo về những nhà hàng, những cá nhân đã đóng góp bao nhiêu xuất ăn cho bệnh viện này, bệnh viện kia. Có một nhóm thường trực thu thập thông tin, viết ra các ghi chú và tổng kết những đợt quyên góp, ủng hộ. Ban đầu là những nhà hàng, quán bar xung phong nhận nấu các xuất ăn. Về sau có nhiều người xin được ủng hộ tiền. Ban điều hành gồm 8 người đã thay phiên nhau điều phối, làm sao để những đồng tiền đó trở thành những xuất ăn và đến với các y bác sĩ. Cũng cần nói thêm là, những người trong nhóm Hỗ trợ này có tác phong làm việc rất đặc biệt. Không có những lời kêu gọi mà chỉ đưa ra những con số rất thực mỗi ngày, thí dụ:

Ngày 29-4 . #VNJestesmyzWami
Hôm nay, chúng ta tặng 120 suất ăn nóng cho thầy thuốc chống dịch trong 7 bệnh viện.
-A- Quán A & S tặng cho thầy thuốc bệnh viện Grochowski 15 suất . Cảm ơn gia đình anh  NguyenCong HoangSang

 .-B- Nhờ có tài trợ của các nhà hảo tâm trong cộng đồng (Có danh sách đã đăng), và sự góp công sức của các quán , đã nấu 105 suất :…

Không có danh sách Ban điều hành, không mong đợi sự khen ngợi. Đây là một hoạt động mang tính tự giác với tinh thần trách nhiệm cao của từng cá nhân. Mỗi nhà hàng, mỗi con người đều coi đây là việc của mình. Khi tổng kết mỗi đợt, trên Facebook chỉ thấy một câu đơn giản: „Nhóm thiện nguyện xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các nhà hảo tâm, các quán ăn, các tình nguyện viên, đã ủng hộ tiền bạc, vật chất, công sức cũng như cổ vũ tinh thần”. Nhưng danh sách những người đóng góp (số tiền, số xuất ăn) đều được ghi đầy đủ.

Thay cho phần kết

Khi làn sóng covid lần thứ hai bắt đầu dâng cao, có người đã bảo tôi nên về Việt Nam để tránh dịch. Tôi ngần ngừ để rồi không thể vì các chuyến bay cứu trợ luôn đầy ắp. Nhưng tôi lại tự hào vì được sống trong những ngày khó khăn tại quê hương thứ hai này. Tôi được hàng ngày thấy những tấm lòng nhân ái như đã nói ở trên. Tôi tự hào về  thế hệ trẻ người Việt Nam đã tiếp bước cha anh luôn gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau nhưng vẫn không quên ơn đất nước đã và đang nuôi sống mình. Đó là chính là những yếu tố quan trọng giúp cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan tồn tại và hội  nhập.  

Có một loài hoa có cái tên rất bình dị là Lan, sống giữa đất trời, không đòi hỏi những gì cao sang nhưng vẫn mang đến cho con người và thiên nhiên những giá trị cao quí – một mùi hương dịu dàng nhưng nồng nàn khó quyên. Tôi muốn tặng cho nhóm „Hỗ trợ y, bác sĩ và các nạn nhân covid-19” cái tên „Hoa Lan Viêt” (Lan gốc Việt).

Xuân Nguyên (Warszawa tháng 5/2021)

Sửa lần cuối 2021-05-12 22:00:52

Bình luận

Bình luận qua Facebook