2021-07-05 20:15:07

Chuyện thời covid (T.48): Loại vắc xin nào bảo vệ chúng ta trước biến thể Delta?

Đã 1,5 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), coronavirus đã nhiều lần đột biến, tạo ra nhiều biến thể mới. Cho đến nay, biến thể Alpha (Anh) gây ra mối quan tâm lớn nhất. Nhưng trong thời điểm này, biến thể Delta (Ấn Độ) có vẻ nguy hiểm hơn, được coi là có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Alpha đang thống trị nhiều nơi. Nó hiện đang gây ra mối quan tâm lớn nhất ở châu Âu, bao gồm cả Ba Lan.

Vắc xin có bảo vệ chúng ta chống lại biến thể Delta không?

Nỗi sợ hãi về biến thể Delta khiến ngày càng nhiều người được tiêm chủng tự hỏi liệu họ có thể an toàn hay không. Tiến sĩ Jerzy Jaroszewicz, trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm và Gan của Đại học Y Śląsk đã nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Medexpress rằng tiêm phòng sẽ bảo vệ chúng ta chống lại hầu hết các biến thể. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu chúng ta đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 và đã qua hai tuần, thời gian cần thiết để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch sau khi tiêm chủng.

- Chúng tôi thực sự chưa có một bệnh nhân nào trong bệnh viện đã tiêm hai liều vắc-xin mà bị ốm lâm sàng. Hiệu quả tiêm chủng là rất, rất cao và chúng tôi biết điều đó cũng đúng với các biến thể Alpha và Delta. Nhưng hãy nhớ rằng sau liều tiêm đầu tiên bạn vẫn có thể bị ốm - vị chuyên gia lưu ý.

Ở những người bị suy giảm khả năng miễn dịch, có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, Tiến sĩ Jaroszewicz khuyến cáo nên giữ nguyên tắc khoảng cách trong tiếp xúc, khử trùng, đeo khẩu trang và tránh các nhóm đông người.

Pfizer và AstraZeneka có bảo vệ chúng ta trước biến thể Delta không?

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu hiệu quả của các loại vắc-xin đã có trước biến thể Delta. Tại Vương quốc Anh, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học "The Lancet" cho thấy ít nhất hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin Pfizer, khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm với biến thể Delta là 79%. (trong khi hiệu suất 92% đối với biến thể Alpha). Đối với AstraZeneka, khả năng bảo vệ là 60% (73% đối với biến thể Alfa).

Nếu nói đến nhiễm trùng có triệu chứng, hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, Pfizer đã bảo vệ được 88%. (94 phần trăm với biến thể Alfa) và AstraZeneka 67 phần trăm ( 74 phần trăm với biến thể Alfa).

Theo Tiến sĩ Jaroszewicz, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mới được tiêm một liều Pfizer hoặc AstraZeneki sẽ không thể an toàn khi tiếp xúc với biến thể Delta. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức bảo vệ chống lại nhiễm trùng (khi tiêm một liều) lần lượt là 36 và 30%. Ngược lại, những người được tiêm chủng đầy đủ không nên lo lắng về diễn biến nghiêm trọng của COVID-19 sau khi nhiễm biến thể Delta.

Moderna và biến thể Delta

Theo thông báo của Moderna, vắc-xin Moderna sẽ có hiệu quả chống lại biến thể Delta. Nhà sản xuất vắc xin đã công bố nghiên cứu chứng minh điều này. Nghiên cứu đã thử nghiệm các mẫu máu của tám người. Mức độ kháng thể trong huyết thanh của những người được tiêm vắc xin Moderna được kiểm tra một tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Sau đó, kiểm tra xem các kháng thể có thể ngăn chặn các đột biến khác nhau của vi rút hay không. Moderna nói trong một tuyên bố: "Vắc xin" tạo ra hiệu giá trung hòa chống lại tất cả các biến thể được đưa thử nghiệm.

Trong nghiên cứu, người ta xác định mức protein bảo vệ, tức là các kháng thể trung hòa, có khả năng ngăn không cho virus xâm nhập vào cơ thể. Kết quả cho thấy số lượng kháng thể ngăn cản được biến thể Delta thấp hơn 2,1 lần so với coronavirus ban đầu. Trong một kết quả khác, số lượng kháng thể ngăn được biến thể eta (còn gọi là biến thể Nigeria) thấp hơn 4,2 lần và với biến thể A.VOI.V2 được phát hiện ở Angola thấp hơn 8 lần.

Theo giải thích trên trang Bloomberg.com, mặc dù mức kháng thể trung hòa chống lại các biến thể giảm xuống, nhưng nó vẫn được coi là đủ cao để ngăn ngừa bệnh tật vì vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh tạo ra kháng thể dư thừa chống lại chủng ban đầu. Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel cho biết: “Chúng tôi cam kết khám phá các biến thể mới, tạo dữ liệu và cung cấp dữ liệu ngay khi có sẵn. Những dữ liệu mới này đang khuyến khích và củng cố niềm tin rằng vắc xin Covid-19 Moderna có thể bảo vệ trước các biến thể mới được phát hiện.

Vắc xin Johnson & Johnson với biến thể Delta

Johnson & Johnson đã đưa ra một tuyên bố về hiệu quả của vắc-xin Janssen chống lại biến thể coronavirus Delta: „Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin COVID-19 liều đơn của Janssen tạo ra hoạt động bền vững, mạnh mẽ chống lại biến thể Delta và các biến thể rất phổ biến khác của vi rút SARS-CoV-2'”.

Vắc xin Johnson & Johnson gây ra hoạt động trung hòa của các kháng thể đối với biến thể Delta lên mức thậm chí còn cao hơn so với mức được quan sát gần đây đối với biến thể Beta (B.1.351).

Còn các loại vắc xin COVID-19 khác thì sao?

Hiện tại, không có nghiên cứu cụ thể nào về hiệu quả của các vắc xin COVID-19 khác với biến thể Delta. Có một thông báo từ các nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga, nói rằng tiêm hai liều Sputnik V sẽ có hiệu quả chống lại biến thể Delta hơn bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào khác. Các nhà sản xuất thông báo rằng kết quả nghiên cứu xác nhận luận điểm này sẽ sớm được công bố quốc tế.

Mặt khác, dữ liệu đáng báo động đến từ Indonesia, nơi biến thể Delta đang thống trị. Hơn 350 bác sĩ ở quốc gia châu Á này đã nhiễm COVID-19 mặc dù đã được tiêm phòng vắc xin CoronaVac của Trung Quốc (theo Reuters). Trong số này, hàng chục người đã phải nhập viện. Dữ liệu do Nikkei Asia công bố cho thấy, ít nhất 5 bác sĩ và một y tá đã tử vong dù đã được tiêm phòng đầy đủ vắc xin.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/porozmawiajmyoszczepionce/najczestsze-pytania,ktore-szczepionki-chronia-przed-wariantem-delta---sprawdzamy-,artykul,10316662.htmlspan lang="VI">)

Sửa lần cuối 2021-07-06 08:30:50

Bình luận

Bình luận qua Facebook