2021-07-19 18:26:22

Vitamin C - tầm quan trọng và ảnh hưởng của sự thiếu hụt

Vitamin C (axit ascorbic) là một trong những hợp chất hữu cơ quan trọng nhất cần thiết cho sự phát triển của hầu hết các sinh vật sống. Vitamin C thuộc nhóm rượu polyhydroxy bão hòa. Trong trường hợp của người và một số động vật, việc bổ sung nó rất cần thiết thông qua chế độ ăn uống và cũng có thể từ thực phẩm chức năng.

Vitamin C - sự thật và huyền thoại

Trong nhiều năm sau khi phát hiện ra vitamin C, tầm quan trọng của nó vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trước khi cấu trúc hóa học được phát hiện vào những năm 30 của thế kỉ XX và dạng tinh thể của axit ascorbic được tổng hợp, vitamin C có trong các sản phẩm thực phẩm được gọi là chất chống thối (środek przeciwgnilcowy). Bệnh đa cơ quan (gnilec hoặc szkorbut) liên quan tới sự thiếu hụt vitamin C là một tai họa thực sự đối với các thủy thủ trong các chuyến đi dài trên biển. Theo kinh nghiệm, một số thực phẩm được đưa lên tàu (đặc biệt là cam quýt và dưa bắp cải) để chống lại bệnh thối và rụng răng.

Vào nửa sau của thế kỷ 20, niềm tin về việc điều trị hiệu quả cảm lạnh bằng axit ascorbic (vitamin C) nhiều khi quá đáng. Thật ra, không có mối tương quan giữa việc hấp thụ vitamin C và việc giảm nguy cơ cảm lạnh. Tuy nhiên, trong khi nhiễm bệnh, việc tiêu thụ axit ascorbic làm giảm thời gian mắc bệnh lên đến 8% ở người lớn và 14% ở trẻ em. Ngoại lệ là trường hợp của những người luyện tập hoạt động thể chất với cường độ cao trong nhiệt độ thấp (vận động viên biathlon, chạy marathon, binh lính). Trong các nhóm này, vitamin C đã giúp rút ngắn một nửa thời gian bị cảm lạnh.

Vai trò của vitamin C đối với cơ thể

Mặc dù vitamin C không phải là một loại thuốc đáng tin cậy để chống lại bệnh cúm hoặc cảm lạnh, nhưng nó là một thành phần cực kỳ quan trọng đối với cơ thể. Không nên bỏ qua việc bổ sung vitamin C ở mọi lứa tuổi, vì nó thực hiện một số chức năng bao gồm:

- Điều hòa các quá trình hấp thụ vi sinh vật gây bệnh bởi bạch cầu.

- Đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, ức chế chảy máu nướu răng.

- Là vitamin mà cơ thể cần để hình thành các mạch máu, sụn, cơ và collagen trong xương, làm chậm quá trình lão hóa da.

- Giảm huyết áp và cholesterol.

- Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

- Điều hòa sản xuất collagen (như là một loại keo dán, giữ cho tất cả các mô tế bào dính chặt vào nhau).

Ngoài ra, vitamin C tham gia trực tiếp vào quá trình tổng hợp steroid tuyến thượng thận, ảnh hưởng tích cực đến mức oxy hóa của tế bào và điều chỉnh chuyển hóa tyrosine (một loại axit amin giúp làm tăng mức độ chất dẫn truyền tế bào thần kinh, giúp điều chỉnh tâm trạng, cải thiện trí nhớ, giúp tỉnh táo đầu óc và tăng khả năng tập trung – ND). Người ta ước tính rằng một người trưởng thành cần tiêu thụ từ 45 đến 90 mg axit ascorbic trong một ngày dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc vitamin có trong thực phẩm.

Đặc tính của vitamin C - điều gì khác cần biết?

Do cấu trúc và các đặc điểm vật lý và hóa học của nó, vitamin C rất quan trọng đối với cơ thể và thực hiện nhiều chức năng. Nó được biết đến với đặc tính chống oxy hóa. Vitamin C bảo vệ cơ thể trong các bệnh tim mạch và bệnh mạch vành. Nó cũng đã được xác nhận có khả năng làm giảm mức độ của quá trình peroxy hóa lipid ( quá trình làm tăng xơ vữa động mạch), tương tự như vitamin A, E hoặc selen.

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, chống lại các gốc tự do gây tổn thương cho DNA. Nó làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh ung thư, đặc biệt là những bệnh phát triển trong dạ dày hoặc thực quản. Một chức năng cực kỳ quan trọng của vitamin C là tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, tức là protein có trong xương, răng, da, sụn, giác mạc và mô liên kết. Nhờ vitamin này, cơ thể có thể tổng hợp collagen từ các phân tử procollagen.

Các chức năng sinh học khác của vitamin C bao gồm:

- Ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, tổng hợp interferon, kích hoạt tế bào NK (Natural killer cell - một loại bạch huyết bào trong hệ miễn dịch tự nhiên).

- Tăng khả năng hấp thụ canxi và sắt.

- Giúp tổng hợp carnitine (chất bổ sung dinh dưỡng. Chất bổ sung này đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng bằng cách vận chuyển axit béo vào ty thể của tế bào).

- Tác dụng phụ trợ trong việc kiểm soát glycemia (chỉ số đường huyết thực phẩm). 

- Tổng hợp các hormone, bao gồm norepinephrine (chất dẫn truyền thần kinh).

- Tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo, steroid và một số loại thuốc.

Tác dụng của vitamin C đối với làn da

Tầm quan trọng của axit ascorbic đối với da dựa trên đặc tính chống oxy hóa của nó. Tình trạng da xấu đi chủ yếu là do quá trình lão hóa và sự suy yếu của các quá trình chịu trách nhiệm duy trì hoạt động và cấu trúc thích hợp của nó. Lão hóa da chịu ảnh hưởng của các gốc tự do ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất và làm hỏng cấu trúc của protein và lipid. Vitamin C là một chất chống oxy hóa tiêu diệt các gốc tự do và hỗ trợ các quá trình tự nhiên của da.

Dưỡng ẩm cho da và hạn chế khô da cũng có thể nhờ vào ceramides (một trong 3 loại lipid tham gia cấu tạo lớp màng trên bề mặt da) mà quá trình tổng hợp được kích thích bởi vitamin C. Các tác dụng có lợi chung của nó đối với da bao gồm cải thiện màu sắc và độ đàn hồi, làm sáng da, cũng như giảm nếp nhăn và cải thiện quá trình tái tạo. Vitamin C cũng có tác dụng chống viêm, nhờ đó nó có thể có tác dụng hữu ích đối với các triệu chứng liên quan đến các bệnh viêm da (ví dụ như bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm).

Ai cần vitamin C?

Nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này vẫn đang tiếp tục. Nhu cầu vitamin C khác nhau ở các quốc gia, với tiêu chuẩn dao động từ 30 đến 100 mg mỗi ngày. Những người cần tăng nhu cầu vitamin C là:

- Những người hút thuốc (nhu cầu ở nhóm người này cao hơn 40 mg so với những người không hút thuốc).

- Người cao tuổi.

- Những người bị tăng huyết áp động mạch.

- Người nghiện rượu.

- Người bị bệnh tiểu đường

- Phụ nữ mang thai

- Những người sống trong tình trạng căng thẳng thường xuyên.

- Những người không có lối sống lành mạnh.

- Cư dân của các thành phố lớn (do ô nhiễm phổ biến và chất độc).

- Những người dùng một số loại thuốc, bao gồm barbiturat, sulfonamid hoặc aspirin.

- Phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết bằng đường uống.

Nhu cầu vitamin C trung bình (EAR) thay đổi tùy theo giới tính và tuổi tác. Đối với dân Ba Lan: Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi, đó là 30 mg / ngày và đối với trẻ em từ 4-12 - 40 mg / ngày. Trong độ tuổi từ 13 đến 18, EAR đối với trẻ em gái là 55 mg / ngày và đối với trẻ em trai là 65 mg / ngày. Nhu cầu vitamin C ở phụ nữ trưởng thành đến 19 tuổi là 60 mg / ngày và ở nam giới trưởng thành là 70 mg / ngày.

Hấp thụ vitamin C

Vitamin C tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể và có hoạt tính sinh học cao. Ở người khỏe mạnh, nó được hấp thụ khoảng 70-80%, và quá trình này diễn ra chủ yếu ở ruột non và tá tràng. Nhiều yếu tố có thể làm giảm sự hấp thụ, bao gồm: Cung cấp vitamin C liều quá cao (trên 1 g / ngày), hút thuốc lá, dùng một số loại thuốc (ví dụ như aspirin), vấn đề về tiêu hóa, rối loạn hấp thu. Cơ thể chỉ lưu trữ vitamin C ở tuyến thượng thận, não hoặc tuyến tụy.

Ảnh hưởng của việc thiếu vitamin C

Trong trường hợp thiếu vitamin C, ngoài bệnh scorbut như nói ở trêncòn bao gồm: Vết thương kém lành, chảy máu nướu răng, đau khớp và cơ, chán ăn và suy nhược chung, loãng xương, suy yếu trạng thái tâm sinh lý, trầm cảm, tuyến giáp hoạt động quá mức, nhiễm trùng và viêm niêm mạc, giảm khả năng miễn dịch. Thiếu vitamin C mãn tính cũng thúc đẩy sự phát triển của các tổn thương ung thư và xơ vữa động mạch, cũng như làm tăng huyết áp.

Quá nhiều vitamin C

Axit ascorbic không được coi là độc hại, và cơ thể sẽ phản ứng với liều lượng quá cao bằng cách hạn chế hấp thu và bài tiết lượng dư thừa qua nước tiểu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là có thể sử dụng quá liều vitamin C. Dùng quá nhiều vitamin C có thể gây buồn nôn, tiêu chảy và phát ban. Tác dụng tiêu cực khi dùng quá nhiều là sự bài tiết oxalat và axit uric tăng lên, có thể dẫn đến sỏi thận.

Những người bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm nên đặc biệt cẩn thận về nguy cơ dùng quá liều vitamin C. Nếu dùng với liều lượng trên vài gam, sẽ có nguy cơ bị khủng hoảng hồng cầu hình liềm cấp tính.

Vitamin C và ung thư

Câu hỏi về ảnh hưởng của vitamin C đối với việc điều trị ung thư đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi trong nhiều năm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Trung tâm Y tế Đại học Kansas, sử dụng vitamin C bằng đường tiêm cùng với thuốc chống ung thư giúp tăng tốc độ tiêu diệt tế bào ung thư, và cũng làm giảm các triệu chứng khó chịu của xạ trị và hóa trị. Những hành động như vậy (theo các nhà khoa học) chỉ có thể thực hiện được nếu vitamin C được tiêm tĩnh mạch, bởi vì chỉ khi đó nó mới đến được những nơi cần nó nhanh nhất.

Các nhà nghiên cứu ở Kansas đã nghiên cứu tác động của axit ascorbic trên 27 bệnh nhân ung thư được sử dụng vitamin C liều cao chỉ để xem liệu nó có gây ra tác dụng phụ hay không. Trong khi đó, họ dung nạp hóa trị tốt hơn và ít bị buồn nôn hơn. Ngược lại, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động trực tiếp của vitamin C đối với tế bào ung thư bằng cách sử dụng ví dụ trên chuột. Qi Chen, một trợ lý giáo sư tại khoa dược và chất độc học tại Đại học Kansas, cho biết axit ascorbic có thể làm hỏng DNA của tế bào ung thư, ức chế sự phát triển của chúng và làm suy giảm sự trao đổi chất.

Theo các nhà nghiên cứu, một khía cạnh tích cực khác của vitamin C là vitamin C làm chậm quá trình di căn. Vitamin C làm tăng tính năng động của tế bào NK và tế bào lympho T và B. Tế bào NK và tế bào lympho không chỉ tiêu diệt mầm bệnh mà còn ảnh hưởng đến quá trình đào thải tế bào ung thư.

Tuy nhiên, cũng cần biết là ảnh hưởng của axit ascorbic đối với tế bào ung thư vẫn gây ra nhiều tranh cãi và không có xác nhận rõ ràng về việc vitamin C thực sự có thể ức chế sự phát triển của ung thư hay không.

Thực phẩm giàu vitamin C

Sự thiếu hụt vitamin C có thể được bổ sung từ các sản phẩm được lựa chọn trong chế độ ăn uống hàng ngày. Vitamin C được thấy trong các loại rau và trái cây, chẳng hạn như: Chanh, dâu đen, trái cam, quả kiwi, trái dứa, bưởi, củ hành, rau bina, cải bắp, súp lơ trắng, đậu xanh, dâu tây, quả mâm xôi, cà chua, atisô, khoai tây, táo, su hào. Lượng vitamin C lớn cũng thấy trong hoa hồng dại, sơ ri, nho đen, ớt đỏ, mùi tây và cải ngựa. Nên bảo quản rau và trái cây bằng cách đông lạnh, đây là hình thức bảo quản thực phẩm giàu vitamin C tốt nhất.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/zdrowie/wiadomosci,witamina-c--kwas-askorbinowy----niedobor-i-nadmiar-witaminy-c,artykul,1721541.html)

Sửa lần cuối 2021-07-19 16:26:22

Bình luận

Bình luận qua Facebook