2021-08-19 20:29:43

Có cần tiêm vắc-xin COVID-19 liều thứ ba không?

Vào ngày 18 tháng 8, Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội của chính phủ Hoa Kỳ thông báo về việc cho phép tiêm vắc-xin COVID-19 liều thứ 3, còn gọi là liều tăng cường, trên phạm vi Liên bang kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2021. Liều tăng cường sẽ được tiêm cho những người đã nhận được hai mũi tiêm vắc xin Pfizer / BioNTech hoặc Moderna, nhưng ít nhất phải qua tám tháng kể từ khi tiêm đủ 2 mũi. Vẫn chưa có quyết định như vậy đối với những người được tiêm một liều Johnson & Johnson. Theo các bác sĩ, do tình hình ngày càng có nhiều ca nhiễm biến thể Delta của SARS-CoV-2, việc tiêm vắc xin liều thứ 3 là hết sức cần thiết. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, cư dân viện dưỡng lão và người cao tuổi sẽ được tiêm đầu tiên.

Tại Israel, từ ngày 30 tháng 7, liều thứ ba của vắc-xin COVID-19 đã được tiêm cho những người trên 60 tuổi. Đây là phản ứng trước sự gia tăng số lượng ca nhiễm coronavirus trong những tuần trước đó tại quốc gia này.

Tại Hungary, từ ngày 1 tháng 8, mọi người có thể đăng ký liều tiêm tăng cường. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên làm việc này. Các nhà chức trách khuyên những người cao tuổi, bị bệnh mãn tính và suy giảm khả năng miễn dịch nên tiêm mũi thứ 3.

Ở Đức, từ tháng 9, những người đặc biệt, có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng sẽ có thể tiêm liều vắc-xin thứ ba. Các viện dưỡng lão và các cơ sở khác với những người dễ bị tổn thương do COVID-19 sẽ được chú ý. Theo quy định của nước này, liều thứ 3 nên được tiêm sớm nhất là sáu tháng sau khi kết thúc hai mũi tiêm đầu tiên.

Ngày 5/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo khả năng cho phép tiêm liều thứ ba có thể được đưa ra tại nước này vào tháng 9 tới.

Văn phòng Y tế Công cộng Thụy Điển cũng đã có thông báo vào ngày 3/8. Những người thuộc nhóm có nhiều rủi ro sẽ được tiêm mũi tăng cường.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha hiện đang xem xét sử dụng liều thứ ba của vắc-xin COVID-19.

Còn ở Ba Lan, quyết định vẫn chưa được đưa ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Adam Niedzielski đã thông báo vào ngày 5 tháng 8 rằng Hội đồng Y tế đang khuyến nghị xem xét việc tiêm liều vắc-xin thứ ba cho các nhóm người dễ bị tổn thương nhất, tức là những người bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và chưa đi đến quyết định.

Trên cổng thông tin „The Conversation” Tiến sĩ William Petri, một chuyên gia trong lĩnh vực vi sinh và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Virginia (Hoa Kỳ) đã trả lời những câu hỏi được đưa ra nhiều nhất trong các cuộc thảo luận về việc có nên tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ ba hay không. Dưới đây là 6 câu hỏi và trả lời liên quan đến tiêm chủng tăng cường:

1. Liều tăng cường của vắc-xin COVID-19 là gì?

- Đây là liều vắc-xin bổ sung được tiêm để giúp duy trì bảo vệ chống lại căn bệnh này. Liều tăng cường được sử dụng vì khả năng miễn dịch của vắc xin có thể giảm dần theo thời gian. Ví dụ, vắc-xin cúm được yêu cầu tiêm hàng năm, và vắc-xin bạch hầu và uốn ván cứ 10 năm một lần. Liều tăng cường có thể giống với liều vắc xin ban đầu. Tuy nhiên, vắc xin thường được sửa đổi để bảo vệ chống lại các biến thể vi rút mới. Đây chính xác là những gì xảy ra với vắc-xin cúm, loại vắc-xin cung cấp sự bảo vệ chống lại các biến thể mới hàng năm.

Vào ngày 9 tháng 8, Ugur Sahin, người đứng đầu hãng BioNTech, cho biết vắc-xin COVID-19 của Pfizer / BioNTech vẫn chưa cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các biến thể mới của coronavirus. Ông nói: “Có thể trong vòng sáu đến mười hai tháng tới sẽ có một biến thể yêu cầu điều chỉnh vắc-xin, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra”. Hiện tại, cách tốt nhất để đối phó với tình huống này là tiếp tục tiêm chủng với một mũi tăng cường.

2. Tôi có cần một liều tăng cường không?

- Cả hai tổ chức là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng như cơ quan Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của chính phủ đều khuyến cáo rằng nên tiêm liều thứ ba cho những người bị thiếu hụt miễn dịch nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, các tổ chức y tế liên quan sẽ chuẩn bị các khuyến nghị của họ, mỗi người nên làm quen với chúng một cách thường xuyên.

3. Tại sao liều tăng cường vẫn chưa được khuyến cáo cho tất cả mọi người?

- Khả năng miễn dịch do vắc-xin gây ra có thể không kéo dài mãi mãi, nhưng vẫn chưa rõ khi nào sẽ cần một liều tăng cường. Hiện nay, lượng tế bào sản xuất kháng thể cao đã được phát hiện trong các hạch bạch huyết của những người được tiêm vắc-xin Pfizer - ít nhất 12 tuần sau khi tiêm vắc-xin. Nguồn gốc của phản ứng kháng thể kéo dài với coronavirus cũng là từ các tế bào trong tủy xương. Điều đáng khích lệ là tất cả các vắc-xin COVID-19 được phê duyệt hiện nay đều tạo ra trí nhớ miễn dịch mạnh mẽ chống lại coronavirus. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin COVID-19 cũng có khả năng bảo vệ ngay cả với các chủng coronavirus mới.

4. Làm thế nào có thể biết nếu tôi cần một liều tăng cường?

- Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra phương pháp tốt nhất để xác định được mức miễn dịch của vắc xin. Tốt nhất là đo lực miễn dịch của các kháng thể được kích hoạt bởi vắc-xin. Chúng nhận ra protein đột biến cho phép coronavirus xâm nhập và lây nhiễm các tế bào.

Giải pháp tối ưu là xét nghiệm máu để đánh giá mức độ tổn thương của bệnh nhân. Tuy nhiên, cho đến khi các nhà khoa học chưa có một phương pháp để đánh giá khả năng miễn dịch như vậy, thì sự nhiễm trùng ở những người lớn tuổi đã được tiêm phòng là một manh mối. Những người trên 80 tuổi tạo ra ít kháng thể hơn sau khi tiêm chủng, vì vậy khả năng miễn dịch của họ có thể suy giảm nhanh hơn so với những người trẻ. Người cao tuổi cũng có khả năng là những người dễ bị tổn thương nhất với các biến thể virus mới.

5. Những ai hiện được khuyến nghị một liều tăng cường?

- Một số người bị suy giảm miễn dịch có thể cần thêm một liều vắc xin. Trong một nghiên cứu đã cho thấy 39 trong số 40 người ghép thận và 1/3 bệnh nhân lọc máu không phát triển kháng thể sau khi tiêm chủng. Một nghiên cứu khác đã xác định 20 bệnh nhân mắc bệnh thấp khớp hoặc cơ xương khớp đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch cho thấy những người này cũng không có kháng thể sau khi họ đã được tiêm chủng đầy đủ COVID-19.

Hiện tại, CDC khuyến cáo nên cân nhắc tiêm liều thứ ba cho những đối tượng sau:

- Những người đang điều trị ung thư

- Những người đã được cấy ghép nội tạng và hiện đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch

- Những người đã được cấy ghép tế bào gốc hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch trong hai năm qua

- Những người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng

- Những người bị nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc chưa được điều trị

- Người dùng liều cao corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác.

6. Tôi có phải tiêm liều vắc xin thứ ba cùng loại với vắc xin đã được tiêm trước đó không?

- Có lẽ sẽ không có khuyến nghị như vậy. Nếu đã tiêm vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna có thể tiêm liều vắc xin tăng cường thứ 3 là AstraZeneca và cho kết quả tương đương.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://konkret24.tvn24.pl/zdrowie,110/trzecia-dawka-szczepionki-na-covid-19-co-to-jest-czy-trzeba-ja-przyjac-komu-jest-zalecana,1074348.html)

Sửa lần cuối 2021-08-19 18:29:43

Bình luận

Bình luận qua Facebook