2021-12-23 01:47:36

Lây nhiễm đột phá có thể kích hoạt siêu miễn dịch với COVID-19

Vắc xin chống COVID-19 có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm, gây bệnh nghiêm trọng và hạn chế tử vong. Hầu hết những người mắc COVID-19 đều chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, do vắc xin không có hiệu quả 100% nên một số người đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể nhiễm coronavirus. Tình trạng lây nhiễm ở người đã được tiêm phòng đầy đủ được gọi là “ lây nhiễm đột phá sau tiêm vắc xin”.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (OHSU) ở Portland (Hoa Kỳ) đã kiểm tra khả năng miễn dịch ở những người bị nhiễm coronavirus sau khi đã được chủng ngừa vắc xin COVID-19 (những người bị lây nhiễm "đột phá"). Đây là một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để phân tích và tìm hiểu phản ứng miễn dịch của cơ thể khi tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2. Công trình nghiên cứu đã được xuất bản trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA).

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy sau khi bị lây nhiễm đột phá, cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch rất mạnh chống lại biến thể Delta. Theo các tác giả nghiên cứu, một phản ứng phòng thủ mạnh mẽ như vậy cũng xuất hiện để chống lại các biến thể coronavirus khác.

Tiến sĩ Fikadu Tafesse, chuyên gia về vi sinh phân tử và miễn dịch học tại Trường Y khoa OHSU, cho biết: Bạn không thể nào có được phản ứng miễn dịch tốt hơn thế này. Vắc xin rất hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại bệnh nặng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, lây nhiễm đột phá, tức là được tiêm chủng và sau đó bị nhiễm coronavirus  có khả năng kích hoạt “siêu miễn dịch”.

Theo các báo cáo, các kháng thể được xét nghiệm trong mẫu máu của những người bị nhiễm trùng đột phá đều nhiều hơn và hiệu quả hơn nhiều (trong một số trường hợp lên đến một nghìn lần) so với các kháng thể được tạo ra sau liều tiêm thứ hai vắc xin Pfizer. Điều này chủ yếu liên quan đến các globulin miễn dịch loại A (IgA).

Như vậy, có thể nói rằng, mỗi lần tiếp xúc với vi rút, người đã được tiêm chủng sẽ có phản ứng miễn dịch tăng lên với SARS-CoV-2, ngay cả trong trường hợp với các biến thể mới.

Quá trình nghiên cứu đã chỉ ra điều gì?

52 nhân viên của trường đại học Y khoa OHSU đã tham gia vào nghiên cứu. Tất cả họ đều được tiêm hai liều vắc-xin, 50 trong số đó là chế phẩm từ Pfizer. Không ai trong số 52 người này đã bị nhiễm coronavirus vi rút trước khi tiêm chủng.

Một nửa số tình nguyện viên, tức 26 người trong số này đã bị lây nhiễm COVID-19 đột phá (bị nhẹ). Trong nhóm 26 người bị nhiễm này có 10 người đã tiếp xúc với biến thể Delta, chín người với biến thể còn lại và bảy người khác không có thông tin là biến thể gì. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 38, nữ chiếm 77%. Các mẫu máu được lấy trong thời gian 28 ngày sau khi xét nghiệm PCR dương tính và 213 ngày sau khi tiêm liều thứ hai của vắc xin.

Những người còn lại (26 người), không bị lây nhiễm, được coi là nhóm đối chứng. Tất cả số này cũng đã được chủng ngừa Pfizer. Mẫu máu của những người này được lấy trong 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai.

Nghiên cứu cho thấy, ở nhóm đầu tiên, mức trung bình của kháng thể (immunoglobulin) chống SARS-CoV-2 là 2,152, trong khi ở nhóm thứ hai (nhóm đối chứng) là 668.

Ngoài ra, mức trung bình của FRNT50 (kết quả xét nghiệm định lượng mức kháng thể trung hòa vi rút) đối với biến thể Delta là 2482 ở nhóm được tiêm chủng và bị nhiễm đột phá. Còn ở nhóm những người chỉ được tiêm chủng: ở mức 243.

Giáo sư Marcel Curlin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và đồng tác giả nghiên cứu công trình nói trên cho rằng, điều này giúp chúng ta biết được khả năng kết thúc dịch bệnh. Sau khi tiêm phòng và bị nhiễm vi rút, chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn, thậm chí trước các biến thể sẽ có trong tương lai.

Hiện tại, thế giới đang đứng trước làn sóng coronavirus mới, với biến thể chính là Omikron. Khả năng miễn dịch của nó đối với vắc xin hiện đang được thử nghiệm không phải trong phòng thí nghiệm mà trong điều kiện thực tế. Tiến sĩ Tafesse cho biết thêm: Chúng tôi chưa nghiên cứu về Omicron, nhưng dựa trên nghiên cứu của mình, chúng tôi hy vọng sự lây nhiễm đột phá với biến thể này sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ như nhau ở những người được tiêm chủng. Điều này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch và góp phần dập tắt đại dịch trên toàn cầu. Nhưng việc tiêm phòng là tối quan trọng. Đây vẫn là nền tảng của khả năng bảo vệ.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/koronawirus/to-musisz-wiedziec,jak-uzyskac-superodpornosc-na-covid-19--nowe-badania-daja-odpowiedz,artykul,54039764.html)

Sửa lần cuối 2021-12-23 00:49:45

Bình luận

Bình luận qua Facebook