2022-01-11 05:06:33

COVID-19: Tại sao người được tiêm chủng vẫn bị bênh?

Hiện nay, số lượng ca nhiễm coronavirus trên khắp thế giới vẫn gia tăng. Trong số những người bị nhễm và đổ bệnh có cả những người đã được chủng ngừa COVID-19. Tại sao chuyện này xảy ra? Điều gì khiến chúng ta bị nhiễm coronavirus mặc dù đã được chủng ngừa? Dưới đây là 6 lý do tại sao một người được tiêm chủng vẫn bị nhiễm COVID-19.

1-    Vắc xin không tự bảo vệ chống lại sự lây nhiễm

Trước hết, cần biết thông tin cơ bản về cách hoạt động của vắc xin (tất cả, không chỉ là vắc xin COVID-19): Vắc xin không thể bảo vệ chúng ta để không mắc bệnh. Vai trò của nó là bảo vệ chống lại quá trình nghiêm trọng của bệnh. Tiêm phòng cũng làm giảm nguy cơ tử vong do tiếp xúc với mầm bệnh, trong trường hợp này là vi rút SARS-CoV-2.

Chúng ta có hai phản ứng của hệ thống miễn dịch - tế bào và thể dịch. Phản ứng miễn dịch của tế bào có tác dụng như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh (chẳng hạn như da và màng nhầy của cổ họng và ruột). Phản ứng này là cơ bản và không đặc hiệu. Mầm bệnh có thể tìm cách né tránh hệ thống miễn dịch này. Thể dịch chịu trách nhiệm sản xuất các kháng thể. Khi được tiêm vắc xin cơ thể chúng ta tự tạo ra một lượng kháng thể vừa đủ để chống lại các mầm bệnh khác nhau. Nhờ vắc-xin, các tế bào trí nhớ cũng được hình thành, nhưng chúng sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp bị nhiễm trùng là một vấn đề khác. Nếu virus phá vỡ cả hai tuyến phòng thủ, nó sẽ đánh bại chúng ta và chúng ta sẽ mắc bệnh.

Không có vắc xin nào có hiệu quả 100% trong việc bảo vệ chống lại bệnh tật. Vắc xin mRNA Comirnaty (Pfizer-BioNTech) đã được chứng minh là có hiệu quả 95% (trong các thử nghiệm lâm sàng) trong việc bảo vệ chống lại các triệu chứng COVID-19, vắc-xin Spikevax (Moderna) - 94,1%. Vắc-xin Vaxzevria (AstraZeneca) - 87% và trong trường hợp vắc-xin Janssen (Johnson & Johnson) là 67 phần trăm.

Do đó, việc nhiễm coronavirus trong khi đã tiêm vắc-xin không nên coi là một luận cứ khẳng định tính kém hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh.

(Bạch cầu là tế bào quan trọng của hệ miễn dịch có khả năng chống lại mầm bệnh)

2-    Mức độ kháng thể giảm dần theo thời gian

Hiệu quả của vắc-xin COVID-19 cao nhất trong những tuần đầu tiên sau khi hoàn thành việc tiêm chủng chính (hai liều) và giảm dần theo thời gian. Mức độ kháng thể được tạo ra trong cơ thể sau khi tiêm chủng thay đổi theo thời gian là điều đương nhiên. Theo các nghiên cứu gần đây, khả năng miễn dịch sau tiêm chủng vẫn cao trong khoảng sáu tháng. Đây là lý do tại sao người ta khuyến cáo nên tiêm một liều nhắc lại sau thời gian này, điều này sẽ làm tăng đáng kể mức độ kháng thể đối với SARS-CoV-2.

Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, khả năng bảo vệ chống lại coronavirus sau khi tiêm liều tăng cường Comirnaty (Pfizer) đã tăng lên đến 25 lần. Trong khi liều tăng cường là 50 mg Spikevax (Moderna) thì mức độ kháng thể tăng 37 lần so với mức trước khi tiêm chủng, và nếu là 100 mg thì mức độ kháng thể tăng lên 83 lần.

3-    Các biến thể mới của coronavirus đang xuất hiện

SARS-CoV-2 cũng giống như bất kỳ loại vi rút nào, luôn đột biến. Điều này là vì một lý do đơn giản: Vi rút luôn cố gắng tồn tại trong những điều kiện mới, luôn cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới, thay đổi trình tự gen để có thể tiếp tục tìm thêm nhiều vật chủ mới. Có thể có hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm đột biến như vậy, và các biến thể mới thường khác biệt đáng kể so với chủng ban đầu.

Trong trường hợp của coronavirus, có một số biến thể được quan tâm đặc biệt, chủ yếu vì khả năng lây nhiễm cao của chúng. Các chủng này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định là VoC (các biến thể cần quan tâm). Mỗi loại biến thể mới có thể có khả năng chống lại các loại vắc xin đã phát triển nhiều hơn, vì vậy các nhà sản xuất vắc xin của chúng phải cải tiến chúng dựa trên kiến ​​thức sẵn có về các chủng mới, để các chế phẩm có hiệu quả nhất có thể trước mỗi biến thể mới của vi rút.

4-    Khi chúng ta không tuân theo nguyên tắc DDM

Một lý do khác, nhưng phổ biến khiến chúng ta nhiễm coronavirus mặc dù đã được tiêm phòng là vì chúng ta mất cảnh giác và coi thường các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ cá nhân. Nhiều người sau khi tiêm vắc xin không quan tâm nhiều đến nguyên tắc DDM (Dystans, Dezynfekcja, Maseczka, Việt Nam còn gọi là 3K: khoảng cách, khử trùng, khẩu trang). Trước hết: không giữ khoảng cách an toàn (1,5-2 m) ở nơi đông người và trong phòng kín, nơi có mặt những người không quen biết (không rõ tình trạng tiêm chủng), không quan tâm đến vệ sinh tay và không đeo mặt nạ hoặc đeo không đúng cách.

Trong những điều kiện như vậy, khi tiếp xúc với một người bị nhiễm SARS-CoV-2, nguy cơ lây nhiễm vi rút sẽ tăng cao.

5-    Tuổi già, bệnh đi kèm, nhiễm trùng

Khả năng miễn dịch tổng thể của chúng ta suy giảm theo tuổi tác. Đây là lý do tại sao những người lớn tuổi có nhiều nguy cơ phát triển bệnh và diễn biến trầm trọng của COVID-19. Tất nhiên, việc chủng ngừa rất hiệu quả đối với họ, nhưng khả năng bảo vệ này có thể hết nhanh hơn so với những người trẻ tuổi. Theo các nghiên cứu, sau 65 tuổi, khả năng miễn dịch tổng thể của cơ thể suy giảm là do liên quan đến quá trình lão hóa của các tế bào của hệ thống miễn dịch.

Hiệu quả của hệ thống miễn dịch cũng giảm khi chúng ta mắc các bệnh đi kèm tạo gánh nặng cho cơ thể, bao gồm các bệnh đặc trưng bởi viêm mãn tính. Điều quan trọng là chúng ta cũng có thể dễ bị nhiễm trùng hơn khi chúng ta mới bị ốm, ngay cả khi đó là cảm lạnh thông thường.

6-    Hệ thống miễn dịch có những thăng trầm

Đôi khi, mặc dù đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa, tức là tiêm phòng, tránh tụ tập, giữ khoảng cách, khử trùng và che mũi và miệng ở những nơi bắt buộc, nhiễm coronavirus vẫn là không thể tránh khỏi. Điều này là do phản ứng miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng giống nhau và nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách hệ thống miễn dịch hoạt động.

Phản ứng của hệ thống miễn dịch có thể yếu hơn vì những lý do rất "bình thường", chẳng hạn như khi chúng ta sống trong tình trạng căng thẳng cao độ (căng thẳng mãn tính là căn nguyên của nhiều bệnh tật), ăn uống kém, ngủ quá ngắn hoặc không thường xuyên, và không tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào.

Tiến sĩ Michał Chudzik cũng nói về mức độ dễ bị nhiễm trùng của những người có lối sống không lành mạnh. Theo ông, tất cả các yếu tố lối sống đều có tác động rất lớn đến sức khỏe của chúng ta. SARS-CoV-2 cũng là một loại vi rút gây bệnh cho những người không khỏe mạnh. Từ lâu chúng ta đã biết cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, không căng thẳng, không làm việc nhiều, chơi thể thao. Điều gây hại chủ yếu là thiếu ngủ, làm việc vào ban đêm, đi ngủ muộn và thiếu khả năng tái tạo năng lượng.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/porozmawiajmyoszczepionce/szczepionka-na-covid-19,dlaczego-osoba-zaszczepiona-choruje-na-covid-19--oto-6-powodow,artykul,04651588.html)

 

Sửa lần cuối 2022-01-11 04:06:33

Bình luận

Bình luận qua Facebook