2022-02-08 01:01:10

Tại sao một số người không bị bệnh sau khi bị nhiễm coronavirus?

Các nhà khoa học tại Đại học Imperial College London đã tiến hành nghiên cứu khả năng gây bệnh của SARS-CoV-2. Nghiên cứu bắt đầu vào quý đầu tiên của năm 2021, với việc cố tình gây lây nhiễm cho một nhóm nhỏ tình nguyện viên (kiểu thử nghiệm này được gọi là badanie prowokacyjne - nghiên cứu khiêu khích). Do sự nguy hiểm của loại hình nghiên cứu, ủy ban đạo đức đã phải chấp thuận nó ngay từ đầu. Các nghiên cứu kiểu này đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để nghiên cứu bệnh cúm, sốt rét và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, họ thường phải đối mặt với rất nhiều ý kiến ​​tiêu cực, vì liên quan đến sự nguy hiểm mà những tình nguyện viên tham gia  phải chịu.

Quá trình nghiên cứu

Chỉ những người trẻ, khỏe mạnh, chưa bị nhiễm COVID-19 và chưa được tiêm chủng trước đó mới đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, những người tham gia phải chứng minh sức khỏe tổng thể tốt. Cuối cùng, 34 người từ 18 đến 29 tuổi đã tham gia thử nghiệm.

Đầu tiên, các tình nguyện viên được kiểm tra kháng thể kháng COVID-19 để đảm bảo rằng họ chưa tiếp xúc với coronavirus trước đó. Sau đó, một giọt có chứa một lượng nhỏ vi rút đang hoạt động được đưa vào mũi của họ. Chính xác là một biến thể của coronavirus trước biến thể Alpha (B.1.1.7) đã được sử dụng. Đột biến này được coi là dễ lây lan trong số các biến thể của SARS-CoV-2. Nồng độ vi rút trong giọt này có thể sánh với nồng độ của mầm bệnh trong một giọt được lấy từ mũi của người bị bệnh vào thời điểm nó dễ lây nhiễm nhất. Sau khi nhận vi rút, các tình nguyện viên được theo dõi cẩn thận trong hai tuần tại Bệnh viện Miễn phí Hoàng gia ở London.

Một số kết luận bước đầu của các nhà khoa học

Các triệu chứng phổ biến nhất xảy ra ở các bệnh nhân làm đối tượng nghiên cứu cũng giống như của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác: đau họng, chảy nước mũi và hắt hơi. Chỉ ít người bị sốt, trong khi ho dai dẳng là dấu hiệu của bệnh COVID-19 thì không có ai bị. Cuối cùng, trong số 34 người tham gia thì 18 người đã ngã bệnh, 16 người trong số họ có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình. 13 người bị nhiễm bệnh đã mất khứu giác, 10 người trong số họ khứu giác trở lại bình thường trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, ở ba người, rối loạn khứu giác kéo dài hơn. Một số người không phát triển bất kỳ triệu chứng nào, nhưng đường hô hấp trên của họ có nhiều vi rút như những người có triệu chứng, và tình trạng nhiễm trùng của họ cũng kéo dài. Vì không có ai trong nhóm nghiên cứu bị bệnh nặng nên kết quả chỉ được coi là đại diện cho các trường hợp COVID-19 nhẹ.

Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh, tức là thời gian từ khi tiếp xúc với vi rút cho đến khi được phát hiện trong cơ thể, là 42 giờ. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng nồng độ của vi rút tăng lên nhanh chóng sau khi ủ bệnh cho đến khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Khoảng 40 giờ sau khi tiếp xúc, vi-rút có thể được phát hiện trong cổ họng và khoảng 58 giờ trong mũi, nhưng ở mũi, vi-rút đạt nồng độ cao nhất sớm hơn.

Nồng độ vi rút cao nhất được quan sát vào ngày thứ năm sau khi nhiễm và hoạt động của nó trong mũi duy trì trong 10 ngày. Tuy nhiên, một quan sát thú vị là, bất kể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tất cả những người bị nhiễm bệnh trong nghiên cứu đều có mức độ vi rút trong cơ thể giống nhau ít nhiều. Dịch lấy từ họng và mũi của các đối tượng nghiên cứu được thu thập hai lần một ngày, và hoạt động của vi rút sau đó được đánh giá bằng xét nghiệm PCR và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Hiểu về Coronavirus

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Nature, Tiến sĩ Christopher Chiu, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà miễn dịch học tại Đại học Imperial College London, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, thừa nhận rằng mục tiêu của nhóm ông là tìm hiểu lý do tại sao rất nhiều người không bị nhiễm bệnh mặc dù đã tiếp xúc với SARS-CoV- 2. Ngoài ra, một số người tham gia được cho là không bị nhiễm vi rút vẫn có mức vi rút rất thấp trong một thời gian ngắn, cho thấy rằng hệ thống miễn dịch của họ đã tích cực chống lại nó. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, họ sẽ cố gắng giải thích tại sao điều này lại xảy ra. Những nghiên cứu trước đây cho rằng một số người được bảo vệ trước coronavirus có thể là do trước đó đã bị virus gây cảm lạnh (tức là cơ thể đã đươc tập dươt với việc chống một loại virus). Một khả năng khác là một số người có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh mà không cần phải gặp trước một tác nhân gây bệnh cụ thể hoặc vi rút có liên quan với coronavirus.

Tiến sĩ Chiu nói: “Chúng tôi hiện đang cố gắng để hiểu được những điều cơ bản về lý do tại sao mọi người được bảo vệ mặc dù họ chưa tiếp xúc với loại virus như vậy trước đây”.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.medonet.pl/koronawirus,celowo-zakazili-koronawirusem-niezaszczepionych-ludzi--nie-wszyscy-zachorowali,artykul,29957450.html)

 

Sửa lần cuối 2022-02-08 00:01:10

Bình luận

Bình luận qua Facebook