2022-02-11 01:16:12

Liệu COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu?

Mặc dù đợt dịch COVID-19 thứ năm ở Ba Lan đã dẫn đến số ca mắc kỷ lục, sự gia tăng này không kéo theo số lượng lớn về số ca nhập viện và tử vong. Hiện tại, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chính xác nào về điều này, vì số liệu thống kê số ca tử vong thường có sau dữ liệu về các ca nhiễm mới. Tuy nhiên, đây có thể được coi là tín hiệu ban đầu xác nhận độc lực thấp hơn của biến thể omicron SARS-CoV-2.

Độc lực thấp hơn này đã cho phép một số chính phủ thay đổi chính sách của họ đối với COVID-19. Theo ghi nhận của Bloomberg, hầu hết các hạn chế về dịch bệnh đã được chính quyền Đan Mạch dỡ bỏ, theo đó COVID-19 không còn là mối đe dọa nghiêm trọng.

Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, đã kêu gọi thay đổi chính sách đối với căn bệnh này, chỉ ra mối quan hệ không đồng nhất giữa số trường hợp nhập viện và tử vong với số ca mắc mới được quan sát với biến thể Omikron.

Thay đổi sang một chính sách với ít hạn chế hơn có nghĩa là xã hội phải chấp nhận việc sống chung với vi rút. Theo cách này, SARS-CoV-2 sẽ trở thành một căn bệnh “đặc hữu”, tức là được điều trị như một bệnh tự nhiên, chẳng hạn như bệnh cúm.

Căn bệnh “đặc hữu” có nghĩa là gì?

Bệnh đặc hữu, là bệnh không có nguy cơ gia tăng đột ngột, không thể kiểm soát và gây bất ngờ về số lượng các ca nhiễm trùng. Điều này không có nghĩa là căn bệnh đặc hữu không còn nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của con người. Theo ghi nhận của Bloomberg, những căn bệnh đặc hữu vẫn tồn tại trong một nhóm dân số nhất định, và trong một số trường hợp nhất định, tỷ lệ mắc bệnh thậm chí có thể tăng lên đáng kể. Vào năm 2020, bệnh lao hoặc sốt rét được nhiều quốc gia coi là bệnh đặc hữu đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu nạn nhân. Trong khi đó, để chuyển từ giai đoạn dịch bệnh (epidemia) sang giai đoạn bệnh đặc hữu (choroba endemiczna), cần phải có miễn dịch cộng đồng (khả năng kháng vi rút cao của đại đa số dân chúng), thông qua việc tiêm phòng hoặc qua tiếp xúc với vi rút trong môi trường sống.

Theo ước tính của Trevor Bedford, một chuyên gia về tiến hóa virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, trong giai đoạn chuyển thành bệnh đặc hữu ở Mỹ, COVID-19 có thể vẫn tiếp tục gây ra từ 40.000 đến 100.000 ca tử vong mỗi năm. Con số này ít hơn rất nhiều so với 900.000 nạn nhân được ghi nhận vào năm 2021, nhưng rõ ràng vẫn nhiều hơn số ca tử vong liên quan đến bệnh cúm, với số lượng từ 12 đến 52 nghìn mỗi năm.

Theo các nhà nghiên cứu, các quốc gia khác nhau có thể kết thúc đại dịch vào những thời điểm khác nhau, liên quan đến mức miễn dịch cộng đồng của họ. Theo Bloomberg, Bồ Đào Nha có thể là một ví dụ về quốc gia gần trạng thái này nhất, với 89% cư dân được tiêm phòng.

Trung Quốc cũng đáng khen về tỷ lệ tiêm chủng khá cao. Tuy nhiên, ở đây không có những dữ liệu đáng tin cậy về hiệu quả của vắc xin và chiến lược "COVID-zero" vẫn được sử dụng chứng tỏ khả năng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 ở Trung Quốc thực tế không tồn tại.

Hiện Đan Mạch đã công bố quyết định dỡ bỏ các hạn chế của mình vào ngày 1/2/2022, khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 vẫn đang tăng lên và quốc gia này là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới. Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Y tế Heunicke nói rằng sự gia tăng các ca lây nhiễm không ngăn được chính phủ dỡ bỏ các hạn chế vì mục tiêu chính của đất nước là bảo vệ người cao tuổi đã đạt được. Theo ông, coronavirus không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng” vì hầu hết tất cả người lớn từ 65 tuổi trở lên đều được tiêm phòng (94% được tiêm 3 mũi) và biến thể omicron không gây chết người như biến thể trước đó. Ngoài ra, 80% người dân Đan Mạch đã được tiêm hai mũi và 60% đã được tiêm ba mũi. Chiến dịch của Đan Mạch cho đợt thứ ba là chú trọng vào những nhóm người dễ bị tổn thương mà có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Đến nay, vẫn còn nhiều trở ngại để khôi phục thế giới khỏi đại dịch. Ví dụ, biến thể Omicron ít độc lực hơn hiện đã thay thế Delta, nhưng khi con người có được khả năng miễn dịch với Omicrons, một Delta nguy hiểm hơn có thể quay trở lại, và điều này sẽ làm trì hoãn viễn cảnh kết thúc đại dịch. Một mối đe dọa tiềm tàng khác là ở những nơi ít được tiêm chủng trên thế giới, vi rút có đủ mọi cách để đột biến. Điều này có nghĩa là các biến thể kháng vắc-xin có thể xuất hiện và điều đó có nguy cơ bùng phát trở lại dịch bệnh trên diện rộng.

Sự lây lan của biến thể Omikron đang tạo nên quá trình chuyển đổi nhận thức từ một đại dịch sang khái niệm là COVID-19 giống như bệnh cúm thông thường. Đó là một tin tốt, nhưng các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng việc dỡ bỏ nhanh chóng các biện pháp an toàn có thể là quá sớm.

Xuân Nguyên

https://businessinsider.com.pl/technologie/nauka/covid-19-zmierza-w-kierunku-choroby-endemicznej-oto-jakie-zmiany-to-oznacza/x9g3lrk)

Sửa lần cuối 2022-02-11 00:17:40

Bình luận

Bình luận qua Facebook