2013-12-28 08:12:31

Nghề chạm khắc dấu, triện ở Hà Nội


Những nghệ nhân chạm khắc tại vỉa hè Hà nội RFA



Những người Hà Nội hoài cổ vẫn còn đâu đó giữa Hà Nội với một chút tiếc nuối về một thuở tàu điện leng keng, một không gian Hà Nội chầm chậm, mặt hồ liễu rũ, lòng người thanh tân, nếp sống thanh lịch…

Những nét đẹp ấy đã tan biến cùng sương khói thời gian, thay vào đó là một Hà Nội pha tạp nhiều giọng nói, nhiều kiểu sống mới lạ và đặc biệt là nhiều hành vi ứng xử khiến cho người gốc Hà Nội phải chau mày và buồn tiếc một thời đã qua. Sự hiện hữu những người ngồi khắc con dấu, khắc triện ở phố Hàng Quạt, giữa Hà Nội Ba mươi sáu phố phường, trong một ý nghĩa nào đó, giống như ấn chứng về vẻ đẹp Hà Nội xưa.

Nét đẹp Hà Nội xưa

Ở số 6, Hàng Quạt, Hà Nội, người ta vẫn không quên hình ảnh một vị thầy giáo mắt đeo kính cận, dáng người phúc hậu, tính tình cởi mở, hòa nhã.. . ngồi cặm cụi chạm khắc từng thớ gỗ. Thầy Phạm Ngọc Toàn, nói ông là thầy giáo cũng đúng vì ông từng thế, mà bảo ông là nghệ nhân chạm khắc cũng không sai. Là chủ cửa hàng Phúc Lợi, chuyên làm khuôn bánh, khuôn oản, khuôn xôi và những con dấu, con triện.
Một không gian nhỏ, vừa đủ hai người ngồi trong một căn xếp nhỏ cũng vừa đủ treo một số khuôn bánh in, khuôn xôi, khuôn oản các loại, một thầy, một trò, trước mặt hai người là một chiếc làn đựng những con triện, con dấu bằng gỗ thị, gỗ lekima với nhiều hình ảnh sinh động như mười hai con giáp, bộ lân long qui phụng, tháp Rùa hồ Gươm, tháp Bút Hồ Gươm, Hồ Tây, những bộ truyện tranh ngộ nghĩnh dành cho tuổi đồng dao.
Anh Phạm Ngọc Toàn kể về công việc của mình:

“Năm nay chú gần 60 rồi, trước đây thì chú đi học, đi dạy học, nhưng sau đói quá, không ăn thua sau về làm cái này. Chú ngồi đây từ năm 1993, nhưng mà cái chất nghề thì đã từ bé rồi. Một ngày, ví dụ như những hình phức tạp thì cũng được 3 – 4 cái, còn những hình này có thể nhiều hơn, (hình những chiếc hoa đơn giản, hình 12 con giáp…) hình này theo thói quen rồi, chứ còn cái này mình nghĩ, nó sinh động như hai đứa đi xe máy, hai đứa chèo thuyền… thì được độ 3 – 4 cái. Nghề này là nghề gia truyền, cũng mấy đời rồi, có ông tổ nghề, ở Hà Tây cũ. Cái trò này hay lắm mà cái này vào Hội An là 150 ngàn đồng luôn!”

Ở số 6, Hàng Quạt, Hà Nội, người ta vẫn không quên hình ảnh một vị thầy giáo mắt đeo kính cận, dáng người phúc hậu, tính tình cởi mở, hòa nhã...ngồi cặm cụi chạm khắc từng thớ gỗ. Thầy Phạm Ngọc Toàn, nói ông là thầy giáo cũng đúng...mà bảo ông là nghệ nhân chạm khắc cũng không sai

Với anh Toàn, dường như công việc của anh không dừng ở ý nghĩa kiếm sống thường nhật và động cơ làm giàu bằng nghề này hoàn toàn không nặng, dường như phía sau những ngày cặm cụi gọt giũa, cắt tỉa hình thù con chữ, từng con mèo, on khỉ, on rồng… người làm công việc này đã ký thác một chút Hà Nội xưa kiêu hãnh, lãng mạn và nồng ấm trong đường nét, thớ gỗ. Có lẽ chính vì thế mà khi khắc xong giùm chúng tôi vài con dấu, thấy đẹp quá, chúng tôi có nhã ý tặng thêm anh một chút tiền uống cà phê, anh Toàn vui vẻ từ chối và nói với chúng tôi rằng niềm vui của anh nằm ở chỗ chúng tôi thấy thích, thấy quí trọng những nét tinh xảo trên con dấu, con triện chứ không phải ở khoản tiền nhiều hơn bình thường.



Các loại khuôn bánh in. RFA

Vì lẽ, một người Hà Nội đích thực rất coi trọng công lao động của người khác, nó quí như chính công sức của mình. Lấy tiền vừa đủ với công sức của mình cũng có nghĩa là biết quí trọng người khác đã lao động khổ nhọc biết nhường nào để kiếm ra đồng tiền. Và có một điều nữa là những ai biết quí trọng cái tên của mình cũng đồng nghĩa với chuyện biết quí trọng danh dự, chữ Tín và chữ Nhân của mình, đôi khi, việc tự tìm thợ khắc một con dấu để in vào uốn sách, ghi dấu khoảnh khắc và mang nó theo suốt đời có ý nghĩa hơn rất nhiều so với chuyện đạt được một địa vị nào đó, để ai đó mang con dấu đến cho mình đóng, xong việc, con dấu ấy lại vứt đi và người ta chẳng biết tìm đâu ra người đóng dấu khi nhiệm kì đã qua… Đó cũng là một triết lý vui của một người Hà Nội thâm trầm.

Lưu giữ nét xưa

Một khách du lịch tên Thời, người Đà Nẵng, cảm động chia sẻ với chúng tôi rằng khi đến phố Hàng Quạt, nhìn những khuôn bánh in lưu dấu một thuở xa xưa, thời mà kinh tế đất nước còn nghèo nàn, lạ hậu nhưng lòng người thơm thảo, sống nghĩa tình ấm áp với nhau, thời mà cuối năm, mẹ anh đi rang nếp, rang gạo, rang đậu xanh, còn gọi là đi chấy ngũ cốc, mang về xay thành bột, rồi tối đến hong bột trên mái nhà hoặc trên chiế ghế cao trước hiên để sương tháng chạp quyện vào, làm cho bột trở nên dẽo thơm, sau đó trộn với đường bát cạo mỏng, vo bột cho đủ dẽo rồi in thành từng hiếc bánh đủ các hình hài, từ đàn gà, đàn lợn cho đến nàng tiên, chú cuội…

Cơn gió thị trường cuốn xô mọi thứ, nhưng đâu đó, một chút trầm lặng, một chút thanh khiết và một hút kiêu sa của những nghệ nhân có thu nhập thấp nhưng lại có đời sống tinh thần phong phú, nhẹ nhàng và hào sản lại làm cho Hà Nội trở nên huyền nhiệm, cổ độ và thấp thoáng dấu xưa của một thiên đường đã mất

Bánh in được hong trên lửa than cho dòn, thơm và được cất kĩ trong hộp lót giấy trắng, đợi ngày cúng chạp, buổi giao thừa hoặc ngày đầu năm mới mang ra mời người già nhâm nhi uống nước trà, mời trẻ nhỏ chút quà đầu năm… Cái không khí ấy tuy đạm bạc nhưng rất đỗi hồn vía, mang mang âm hưởng của bốn mùa và lòng người, hân hoan sắc xuân nhưng cũng sâu lắng tâm hồn đất đồng khói rạ, nao nao tuổi đời và ý niệm thời gian. Dường như những cảm giác ấy đã mất hẳn trong thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thay vào đó là một thị trường xô bồ, cái Tết cũng cập rập, nhiều toan tính, mất đi sự tĩnh lặng, sâu thẳm cuối năm. Thế rồi, giữa Hà Nội hiện đại, tốc độ và hào nhoáng, bắt gặp những chiếc khuôn bánh bằng gỗ, ký ức xưa lại ùa về.

Một khách du lịch khác tên Phượng, chia sẻ với chúng tôi rằng lần nào đi Hà Nội, chị cũng cố gắng ghé lại phố Hàng Quạt để khắc một con dấu mang tên người thân hoặc bạn bè làm quà kỉ niệm. Cũng có người rất quí món quà này, cũng có người nhận vì nễ mích lòng, bởi vì trong thời kinh tế thị trường, tặng nhau một con dấu có đôi khi không được coi trọng bằng tặng một tờ vé số. Thế nhưng, dẫu sao chị cũng tin rằng những món quà tặng chứa tình cảm và sự hoài cổ của chị một ngày nào đó sẽ gợi nhắc điều gì đó về tuổi thơ đã qua của những bạn bè thân.
Đặc biệt, chị Phượng lấy làm hạnh phúc khi chị mang về tặng mẹ một chiếc khuôn bánh in có hình lân, long, qui, phụng. Mẹ của chị rất thích món quà này bởi nó gợi nhắc kỉ niệm ngày xưa cha chị đã tặng cho mẹ chị hồi mới quen nhau, món quà ấy đã bị thất lạc trong những năm gia đình chị chạy trốn, vượt biên mà không thành.

Những chiếc khuôn gỗ được chạm khắc ông phu với giá tiền xấp xỉ một trăm ngàn đồng, những con dấu mang tên chủ nhân của nó với giá chưa tới 50 ngàn đồng, giữa một Hà Nội xa hoa, số tiền kiếm được của người thợ chỉ xấp xỉ một trăm ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng mỗi ngày, trong một góc phố nhỏ, chỗ ngồi cũng nhỏ, nhưng lại chứa cái bao la của thời gian, ký ức và tâm hồn con người.

Có thể, không phải ai làm nghề khắc dấu, khắc triện và làm khuôn bánh cũng quan niệm giống như anh Toàn, bởi cơn gió thị trường cuốn xô mọi thứ, nhưng đâu đó, một chút trầm lặng, một chút thanh khiết và một hút kiêu sa của những nghệ nhân có thu nhập thấp nhưng lại có đời sống tinh thần phong phú, nhẹ nhàng và hào sản lại làm cho Hà Nội trở nên huyền nhiệm, cổ độ và thấp thoáng dấu xưa của một thiên đường đã mất!

(Theo RFA)

Sửa lần cuối 2013-12-28 07:12:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook