2014-04-09 20:23:16

Khi chúng ta biết tiếng/nói

Ai cũng hiểu là khi sống trong một xã hội hoàn toàn khác lạ, ở xa quê hương, việc thông thạo ngôn ngữ của người bản xứ thật là quan trọng. Vậy nên chúng ta mới hay gắn cho bản thân những cụm từ „những người xa xứ” hay là „sống ở đất khách quê người”. Do đó chúng ta nên tận dụng mọi khả năng, mọi sự hiểu biết, giúp đỡ nhau cùng làm tất cả mọi việc, để hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam ngày càng hiểu nhau, dễ (cùng) sống với nhau hơn, tránh những va vấp không cần thiết, nhất là khi chúng ta đang phải hội nhập với xã hội, với chính quyền và với người dân bản xứ, theo cách nhìn và mang tính chất lâu dài.

Có thể nói cũng rất may là chúng ta sống ở Ba Lan, sống cùng những người dân được đánh giá là khá hiền lành, thuần tính. Nhưng nhiều khi trong cuộc sống, trong những tiếp xúc với người dân địa phương, cũng như với chính quyền Ba Lan, ắt hẳn không tránh được những tình huống dễ gây hiểu lầm, luôn có những chuyện khó hiểu, những vấn đề gây tranh cãi và làm cho cả hai phía khá bức xúc.

Do vậy, khi biết tiếng Ba Lan, chúng ta có thể và nên luôn luôn tạo điều kiện cho người dân Ba Lan hiểu được (và chấp nhận được phần nào) các phong tục tập quán của người Việt Nam chúng ta. Bởi vì chính quyền và người dân Ba Lan khá thân thiện, khi thấy chúng ta có lý trong những vấn đề nào đó, dần dần họ cũng (phải) thông cảm và chấp nhận (những lý lẽ) chúng ta.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Ở Châu Âu, thường là người ta rất tôn trọng pháp luật. Các nhà thi hành luật (các nhân viên tòa án, ủy ban, phòng visa, cảnh sát...) thường là cứ giở những điều khoản của các bộ luật tương ứng ra mà thi hành. Do vậy nhiều khi chúng ta cứ tưởng là họ quá cứng nhắc, mà chúng ta lại muốn họ giúp và „tạo điều kiện thuận lợi” cho trường hợp của riêng mình. Miễn là để cho „mình được việc”. Điều này sẽ ngày càng khó, vì ở Ba Lan đang chống tham nhũng rất có hiệu quả, ngày càng khó có những chuyện giải quyết theo kiểu „ông/bà làm ơn giúp trường hợp của tôi, tôi sẽ không quên ơn”, có nghĩa là phần nào đó muốn tìm cách lách luật, khó mà chấp nhận được.

Bởi vì là ai cũng bình đẳng, luật pháp luôn phải được áp dụng cho mọi người dân như nhau, không tùy thuộc vào hoàn cảnh hay chức vụ hiện hành. Nếu áp dụng luật không chính xác theo điều khoản, người dân (khác) luôn có quyền thắc mắc hay thậm chí kiện cáo, bởi vì nhân quyền của ai cũng rất cao, khi đó ai xúi giục hay là ai áp dụng luật không chính xác, có thể sẽ phải chịu trách nhiệm.

Một thí dụ về sự bình đẳng là ở các phòng Hộ tịch của Ba Lan, trước đây các nhân viên Ủy ban thường áp dụng luật cho công dân Ba Lan khác so với công dân Việt Nam. Khi phụ nữ sinh con, rồi ra Ủy ban làm giấy khai sinh cho cháu bé, nếu người mẹ Ba Lan trong tình trạng hôn nhân là chưa chồng, chỉ cần đưa ra giấy khai sinh và LỜI CAM ĐOAN của mình không có chồng, bởi vì trách nhiệm lời khai (đúng sự thật) của ai cũng rất lớn. Khi đó, người cha (không phải là chồng) có thể cam đoan mình là cha đẻ và họ có quyền làm thủ tục nhận đứa con đó (ghi số liệu của cha mẹ vào giấy khai sinh của đứa bé).

Trong trường hợp khi người mẹ là công dân Việt Nam, trước đây đương sự thường là phải nộp thêm một tờ giấy chứng nhận của cơ quan xuất xứ của mình cấp, viết rõ về tình trạng hôn nhân (giấy chứng nhận chưa chồng), mà trong nhiều trường hợp, để xin được giấy chứng nhận như vậy là rất tốn kém và mất thời gian. Sau khi tác giả bài báo đưa ra những thắc mắc là tại sao lại có sự phân biệt, người ta thường trả lời là công dân Việt Nam phải có giấy chứng nhận cụ thể. Cũng có thể là trước đây đã có những sự lạm dụng, đã có những lời khai vô trách nhiệm, nhưng chính quyền Ba Lan không thể có quyền không tin lời khai của công dân Việt Nam mãi được. Sau nhiều lần đưa ra những thắc mắc, hiện nay các Ủy ban Ba Lan đã phải bỏ thông lệ này: những người mẹ Việt Nam cũng chỉ cần có giấy khai sinh và lời cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình là đủ. Rất bình đẳng, như công dân Ba Lan.

Thỉnh thoảng có xảy ra một vấn đề khác, trong chuyện đặt tên cho đứa bé. Các nhân viên Phòng Hộ tịch rất nguyên tắc, bởi vì theo luật thì cha mẹ chỉ có quyền đặt cho mỗi bé hai tên gọi. „Xin xỏ” thế nào họ cũng không „chiếu cố”. Do vậy đã có trường hợp người Việt Nam có „sáng kiến” ghép các tên Việt Nam, vậy là có cháu (thí dụ) hiện nay phải mang họ tên Tran Thanhthao Emilia. Cũng chả hay tý nào, vì chẳng ai có thể gọi được tên thứ nhất dài dòng (Thanhthao) của cháu bé, có lẽ ở trường học, bé sẽ chỉ sử dụng tên thứ hai (Emilia) kia. Có trường hợp đứa bé mang họ cha (Ba Lan), người mẹ lại „tiếc rẻ” điều gì đó, đặt tên cho con là Nowak Nguyetridung Adam. Vậy mà trước đây các nhân viên Ủy ban cũng phải chấp nhận, nhưng hiện nay đã có sự thay đổi, họ có quyền từ chối, khi thấy tên gì đó không thể chấp nhận, theo phong tục tập quán của cả Việt Nam và Ba Lan. Vậy là hiện nay không thể tùy tiện được.

Nếu biết tiếng, nếu hiểu luật, chỉ cần giải thích cho họ biết là theo tiếng Việt, Thanh Thảo có thể coi là một tên (ghi cả 2 chữ cùng vào ô thứ nhất, có dấu cách đàng hoàng), khi đó ô còn lại có thể ghi Emilia, coi tên Ba Lan là tên thứ hai. Tất nhiên không phải nhân viên Ủy ban nào cũng dễ (bị) thuyết phục, vậy cần phải từ tốn. Tran Thanh Thao Emilia, hay hơn và dễ viết so với Tran Thanhthao Emilia biết bao. Mà vẫn đúng luật, đứa bé chỉ có một họ và hai tên.

Nhưng rất tiếc là cũng đã có trường hợp, người Việt Nam „lạm dụng” chuyện mình biết tiếng Ba Lan, coi là hiểu biết nhiều, đã gây ra sự tranh cãi quá gay gắt với nhân viên Ủy ban, khi có một đương sự muốn đặt tên cho cháu bé là Thảo Nguyên. Một cái tên rất hay, nhưng chuyện xảy ra thật là không cần thiết, bởi vì là ở Ba Lan viết không có dấu, do vậy tên này dễ nhầm lẫn với họ Nguyễn phổ biến của Việt Nam, nhân viên Ba Lan không muốn chấp nhận, vậy nên tránh tên này. Tất nhiên là nếu quá thích, vẫn thuyết phục được, để có sự chấp nhận, nhưng cần phải giải thích khá nhiều và phải thật bình tĩnh (nếu không có họ Nguyễn, vì Nguyen Thanh Nguyen rất khó phân biệt đâu là tên, đâu là họ). Nhân viên Ủy ban thỉnh thoảng cũng phàn nàn với tác giả bài báo về một vài chuyện không hay của người Việt.

Có vấn đề khác là khi làm giấy khai sinh Ba Lan cho bản thân, trong thủ tục xin quốc tịch Ba Lan, người Việt Nam thường phải nộp bản gốc giấy khai sinh tiếng Việt cho Ủy ban. Theo luật Ba Lan, chỉ cần nộp bản sao, có dấu đỏ của Ủy ban Việt Nam là được coi là bản chính (oryginal). Trước đây người ta chấp nhận những tờ giấy khai sinh không đánh số, nhưng hiện nay họ đã không muốn nhận. Tất nhiên là trước đây, chuyện đánh số, hay không (thèm) đánh số, là chuyện quản lý của Việt Nam, nhưng các bạn cũng nên giải thích cho phía Ba Lan biết là đó là những giấy tờ cấp từ thời xa xưa, nhưng chả nhẽ phía Ba Lan cứ phải ghi là „theo như tờ giấy khai sinh không đánh số” của Việt Nam mãi? Nên xin bản sao có đánh số đàng hoàng. Một kinh nghiệm khá quan trọng là trong tờ giấy khai sinh Ba Lan cần ghi rõ hai mục: họ hiện hành và họ gốc, trong khi tiếng Việt không có sự phân biệt, ai cũng chỉ có một họ. Vậy nên nhờ phiên dịch ghi chú thêm vào bản dịch, hay là phải viết bản cam đoan về tình trạng thực tế về chuyện họ đang có và họ tộc là như nhau, để Ủy ban Ba Lan có cơ sở pháp lý để chấp nhận (về sự khác biệt trong các giấy tờ Việt Nam).

Hiện nay Ba Lan cũng có thể thường xuyên gửi công văn nhờ phía Việt Nam trợ giúp và hợp tác giải quyết những vấn đề pháp lý, do vậy khi làm những công việc hành chính, chúng ta phải chấp nhận là phải làm mọi công việc theo luật thật chính xác, tránh những sai sót, vì hậu quả, tức trách nhiệm pháp lý là rất lớn. Khi bị phát hiện là có những „xoay xở” trong chuyện giấy tờ, không chỉ thẻ cư trú có thể sẽ bị thu hồi, mà còn phải chịu nhận án tòa. Vậy chúng ta phải thường xuyên đường đường chính chính cứ làm theo mọi nguyên tắc của pháp luật.

Vậy là Ba Lan ngày càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con người Việt. Nếu còn tồn tại những khúc mắc, chúng ta nên nhờ đến sự giúp đỡ của... những người biết tiếng/nói.


Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2014-04-09 18:21:49
  • Tuan Dung Tuan Dung Rất cần những bài viết thiết thực như thế này ,cảm ơn tác giả Ngô Hoàng Minh về những bài vừa qua. Thiết nghĩ chúng ta muốn xây dựng một cộng đồng mạnh rồi tiến tới là một dân tộc thiểu số ở BL. Vậy mà mấy chục năm nay chúng ta rất ít đề cập đến vấn đề văn hóa hội nhập cứ hô hào nhau làm ăn kiếm tiền quyết tiến trên thương trường đến bây giờ mới nhận ra rằng cộng đồng chúng ta ở BL này có giầu nhưng không mạnh vì rất thiếu vắng văn hóa,nhận thức dẫn đến thiếu hẳn ý thức trách nhiệm trở thành lối sống - thờ ơ - vô cảm - khép kín thu mình ích kỷ. Đó cũng là hậu của sự lơ là chủ quan trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng chúng ta trong những năm qua. 2014-04-10 09:59:20
  • Minh (Phiên Dịch) Minh (Phiên Dịch) Rất cảm ơn Tuan Dung về lời động viên. Thực ra chúng ta đang sống trong một cộng đồng tự do (ở Ba Lan) thực sự. Do vậy ai cũng có thể đưa ra những chia sẻ, những ý kiến đóng góp tích cực, thậm chí cả những lời phê bình, để chúng ta cùng sửa sai. Hy vọng con cháu chúng ta sẽ được sống trong 1 môi trường tốt hơn nữa! Mời tất cả các bạn cùng nói (cùng viết) trên diễn đàn của Quê Việt! Chúc tất cả các bạn luôn gặp nhiều điều tốt lành, ngày càng ít phiền muội và bức xúc trong cuộc sống! 2014-04-12 07:51:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook