2014-04-24 06:13:41

Không biết luật (có thể) bị đi tù

Tất nhiên, không phải là cứ ai không biết luật là đều phải ngồi tù. Những người đã từng vi phạm pháp luật và có án tòa thì mới phải chịu thi hành án. Nhưng gần đây có một số người Việt Nam ở Ba Lan bỗng nhiên bị công an đến nhà hoặc đến nơi làm việc còng tay áp tải đến nhà tù một cách có thể nói là khá oan ức.

Chẳng qua là vì không hiểu kỹ về các thủ tục tố tụng hay là thủ tục thi hành án ở Ba Lan.

Thí dụ như là có một số bạn, cũng do là không biết luật, mà cũng có thể là cố ý, đã có buôn bán một số hàng hóa có gắn mác bản quyền và đã bị công an bắt giữ. Theo luật pháp Ba Lan và không chỉ ở Ba Lan, mà còn ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, có những mặt hàng theo một mẫu hay gắn một mác nào đó là không phải ai cũng có quyền sản xuất, rồi đưa vào thị trường buôn bán tùy tiện. Trên thế giới có một vài quốc gia nổi tiếng cứ sản xuất rồi đưa vào thị trường những mặt hàng mà không phải do mình đã bỏ công nghiên cứu mẫu mã, mà cứ làm hàng nhái của các công ty nổi tiếng khác.

Ở Ba Lan, khi người đại diện của một công ty chủ mác hàng nào đó sau một thời gian quan sát ở trung tâm buôn bán hay là ở chợ lẻ, thấy có ai đó bán hàng giống y hệt hàng của họ, hay là gắn mác có bản quyền của họ, là người ta luôn có quyền đề nghị công an kinh tế vào cuộc, kiểm tra giấy phép bán hàng của người kia, rồi tịch thu toàn bộ số hàng của người bán hàng bất hợp pháp. Hậu quả là không những bị mất hàng, mà người bán hàng còn nhận án hình sự. Nhưng thường là những án hình sự như vậy không cao, thường ít khi phải ngồi tù, mà chỉ bị nhận án treo và phạt một khoản tiền mặt. Thí dụ có người bị tịch thu 100 bộ quần áo trẻ em mác Hello Kitty, giá bán lẻ ngoài chợ là 30 zloty 1 bộ (giá mua 20 zloty), như vậy là số lượng hàng bị tịch thu có giá trị chỉ khoảng 2000-3000 zloty. Nhưng hãng kia lại „ăn vạ”, cho là khi ai đó đưa vào thị trường 100 bộ quần áo „rổm” như vậy thì người ta sẽ mất 100 khách hàng, tức là người ta sẽ không bán được 100 bộ quần áo sịn của mình, mà giá mỗi bộ quần áo mác sịn đó là 200 zloty, tức là hãng bị thiệt số tiến lên tới 20.000 zloty. Đó là một con số rất lớn. Do vậy họ yêu cầu trừng phạt người bán hàng nhái thật nặng.

Số lượng hàng bị tịch thu thường bị tòa tuyên án là mang đi hủy. Thậm chí không được cung cấp cho trại trẻ mồ côi, bởi vì là hãng kia cũng không muốn số hàng hóa đó được đưa đến tay bất cứ người tiêu dùng nào.

Người bán hàng nhái có thể đưa ra lý do là mình không biết về chuyện là người ta cấm không cho ai khác buôn bán loại hàng đó. Công tố viên và công an kinh tế có thể thông cảm với sự thiếu hiểu biết này, nhưng câu trả lời của họ bao giờ cũng là: khi làm ăn kinh doanh, phải tự học hỏi. Không biết luật không đồng nghĩa với việc không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, thường là người phạm tội phải nhận án phạt. Có thể là vài tháng tù treo cộng với một khoản phạt tiền mặt. Theo một điều khoản của Bộ luật Tố tụng Hình sự Ba Lan, Công tố viên và công an sau khi làm xong hồ sơ tạm giữ hàng và giữ người, phải đọc giới thiệu tội danh cho đương sự được biết. Rồi có thể thỏa thuận với nghi phạm tự nguyện nhận 1 án thấp nhất. Khi đó tòa án sẽ không triệu tập các bên ra tòa xét xử, mà khi đồng ý với thỏa thuận của các bên, sẽ cho ra 1 bản tuyên án với nội dung như thỏa thuận, rồi gửi về cho nghi phạm.

Khi đó địa chỉ liên lạc của án phạm là rất quan trọng. Các bạn nên thông báo cho tòa biết chính xác địa chỉ của mình, để tòa tống đạt được giấy thông báo hay gửi bản án. Nếu ai ở một nơi, hộ khẩu một nẻo thì cũng nên công bố sự kiện đó ra, chả có gì phải lo lắng, người ta sẽ thông cảm. Bởi vì tòa án sẽ gửi mọi công văn thư từ về nơi mà mình đã thông báo với tòa, coi như đó là địa chỉ để nhận thư của mình. Khi đó, nếu chủ nhà không báo cho mình ra bưu điện nhận thư thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng. Mỗi khi chuyển nơi sinh sống (nơi nhận thư), phải báo cho tòa biết ngay về điều này. Nếu không, tòa sẽ gửi theo địa chỉ kia, với hậu quả là tòa coi như đã tống đạt được bức thư, trong khi bức thư có thể đã quay lại tòa, nằm trong tập hồ sơ.

Có bạn đã nộp trước khoản tiền phạt chính trong vụ án như nêu trên (thường là các cơ quan điều tra tạm giữ một khoản tiền làm bảo lãnh), sau khi đã có án thỏa thuận, cứ tưởng mọi việc đã được giải quyết xong, nào ngờ đến việc là còn phải thanh toán thêm cho tòa một khoản tiền lệ phí xét xử. Thường là vài trăm zloty.

Trong các bản án phạt tiền mặt, tòa thường tính khoản tiền mặt tương đương với xuất phạt ngày. Thí dụ như số tiền phạt là 1000 zloty, tòa tuyên án phạt 50 xuất phạt ngày, tính giá trị của mỗi xuất phạt ngày là 20 zloty. Nếu bạn đã bị công an tạm giữ 1 ngày (hôm bị bắt), thì bạn chỉ còn phải nộp cho tòa 980 zloty, hoặc là nếu không có tiền thì „chỉ cần” đi ngồi tù thêm 49 ngày là hết án.

Vậy mà có bạn đã tưởng là mình nộp 1000 zloty (theo thỏa thuận) là xong việc, nào ngờ tòa còn tính thêm 240 zloty tiền lệ phí xét xử. Cũng chỉ vì chuyện thay đổi địa chỉ, không nhận được bản án, rồi tòa „bực mình” khi không đòi được tiền, đã ra lệnh cho công an còng án phạm đến nhà tù, yêu cầu ngồi „nốt” 12 ngày. Khi đó, án phạm muốn nộp tiền cũng không được, vì đã quá muộn.

Có trường hợp khác cũng chỉ vì vụ uống rượu rồi lái xe, sau đó không chịu nhận thư khi tòa triệu tập, vậy cũng bị oan là đã cố tình trốn tránh cơ quan pháp luật, khinh thường tòa án, rồi đương sự phải chịu hậu quả khá nặng.

Do vậy, các bạn nên chú ý, nhờ phiên dịch đọc rõ cho, để hiểu và nhớ thật kỹ về mọi quyền lợi và trách nhiệm của nghi phạm, nếu trót vi phạm vào một điều gì đó, dù tội đó không nghiêm trọng lắm.

Khi làm thủ tục gia hạn giấy tờ cư trú, phải thông báo cho Phòng visa biết về mọi chuyện vi phạm pháp luật của mình trong quá khứ, tránh bị coi là mình đã cố tình giấu diếm Ủy ban về tiền án của mình.

Do vậy, chúng ta cũng nên dần dần tự tìm hiểu pháp luật của quốc gia bản xứ, tranh phiền phức cho bản thân, để yên ổn sinh sống lâu dài.


Ngô Hoàng Minh.

Sửa lần cuối 2014-04-24 04:12:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook