2015-01-29 06:59:00

Cần cảnh giác với những cú lừa đảo tinh vi của người Tây

Trong mạng có một bài viết của cô gái (Đồ Long) kể về chuyện một bà chủ quán ở Việt Nam bị một người nước ngoài lừa khá tinh vi (kẻ này vào quán nói là đang cần tiền ăn và tiền thanh toán khách sạn, nhưng vì vừa bị mất cắp hết tiền, chỉ còn một chiếc điện thoại xịn, nên đưa ra cho xem và gạ bán rẻ, rồi đút vào túi, đánh tráo, sau đó bán điện thoại rổm). Điều này cho thấy là ở đâu cũng có những người xấu tính, lợi dụng sự nhẹ dạ (và lòng tham hàng rẻ?) của mọi người để làm những trò lừa đảo tinh vi.

Ở Ba Lan, người Việt làm ăn buôn bán nhiều, chắc cũng có khá nhiều kinh nghiệm, nhất là từ thời còn làm ăn ở Sân vận động 10 năm. Nhiều người cũng đã biết những trò kẻ gian giả vờ là khách hàng, lừa đổi ngoại tệ, đổi tiền lẻ, trả vờ mua gì đó rồi chờ tiền lẻ trả lại, rồi tranh thủ đánh tráo hay là ăn cắp chủ quầy hàng.

Cảnh sát Ba Lan hiện nay đang cảnh báo cho người dân Ba Lan biết về những trò lừa đảo tinh vi hơn của những nhóm tội phạm có tổ chức. Chúng không lừa đảo ở ngoài đường phố hay ngoài chợ, mà tìm hiểu điều kiện và mối quan hệ ở các gia đình người Ba Lan rồi đến tận nhà tìm cách lừa đảo. Những đối tượng dễ bị lừa nhất là các ông bà cụ già sinh sống một mình, có lương hưu ổn định, có thể có chút tài sản tích lũy, mà họ hàng con cháu ở xa. Trò lừa thường xuyên xảy ra là trò giả danh „thằng cháu”.

Nhóm tội phạm tìm được số điện thoại của ông/bà chủ nhà, có được số liệu (tên) của một người cháu. Một kẻ giả giọng đứa cháu gọi điện cho cụ già hưu trí, kể lể là đang có một sự cố, rất nguy kịch, thí dụ là đang bị tai nạn xe cộ hay là đang bị cảnh sát phạt vì vượt đèn đỏ (cần khoản tiền nhỏ), hay là đang bị nhà băng xiết nợ, đang bị bắt cóc, đang bị truy nã vì vỡ nợ, đang ở thị trường chứng khoán và cần đầu tư thêm ngay một khoản tiền, đang ở phòng công chứng để ký kết hợp đồng mua nhà, nhưng còn đang thiếu (khoản tiền lớn), vậy rất cần vay của ông/bà ít tiền để giải quyết ngay, mà bản thân cháu không tự đến lấy tiền được, nên nhờ một người bạn đến cầm tiền giúp. Thế là nhiều ông bà cụ hốt hoảng vội vàng đứa những khoản tiền khá lớn cho một kẻ không hề quen biết. Nhiều ông bà cụ sau một khoảng thời gian mới ngớ ra là thậm chí ở Ba Lan mình làm gì có đứa cháu nào, vì chúng đã đi nước ngoài hết.

Khi được công an phường (và báo chí) cảnh báo, nhiều ông bà cụ đã tỉnh táo, không để bị dễ dàng lừa đảo, tức là không đưa tiền cho kẻ lạ nữa. Nhưng hiện tại tụi lừa đảo ngay càng tinh vi hơn. Khi có kẻ đến nhà muốn nhận tiền thay cho „thằng cháu”, nếu có ông bà cụ nào chần chừ không muốn đưa (kiểu như đã hiểu ra sự việc) thì ngay lập tức 1 trong số những kẻ lừa đảo khác sẽ gọi một cú điện thoại từ xa, nói với chủ nhà là chúng tôi là nhóm cảnh sát hình sự, hiện đang theo dõi những vụ án lớn, đang theo dõi kẻ lừa đảo đó, nhưng chưa bắt được quả tang, vậy xin cụ sẵn sàng hợp tác với công an, cứ đưa cho kẻ lạ mặt khoản tiền (lớn) như hắn yêu cầu, để rồi chúng tôi sẽ tóm hắn ta ngay, số tiền (tang vật chứng) sẽ được hoàn trả ngay sau khi lập hồ sơ bắt được kẻ gian. Đồn trưởng cảnh sát chắc chắn sẽ gửi thêm cả giấy khen cho cụ, một tấm gương đáng được tuyên dương.

Ngoài ra những trò lừa đảo khác là có những nhóm tội phạm nữ giới, thường đi từng đôi đi đến nhà các cụ già, hoặc là giả vờ muốn bán những mặt hàng hóa gì đó rẻ tiền, hoặc đóng giả là nhân viên bưu điện, nhân viên hợp tác xã nhà cửa, nhân viên Trung tấp trợ cấp xã hội, hãng bảo hiểm, y tế hay nhà băng. Chúng mang theo một khoản tiền nhỏ đến đưa cho các cụ già, lấy cớ là tiền trúng thưởng hay là tiền thừa, cần hoàn lại trong chuyện thanh toán gì đó. Trong khi một kẻ yêu cầu cụ già tập trung tâm trí trong việc đọc kỹ hợp đồng hay ký giấy tờ nọ giấy tờ kia đủ các loại, kẻ thứ hai giả vờ đi toilet, tranh thủ lấy trộm tiền và nhiều đồ quý giá trong nhà. Chúng thường biết (đoán được) các cụ già cất tiền ở đâu trong nhà, hoặc là tiền lương hưu mới nhận mà cứ để trong túi, treo gần cửa ra vào. Vậy là có cụ được nhận vài chục đồng bạc mà đã bị mất đi vài ngàn.

Cuộc sống càng khó khăn, chắc sẽ có nhiều cách lừa đảo tinh vi. Hy vọng là bà con người Việt luôn cảnh giác, không bị trở thành những nạn nhân của các trò lừa đảo. Có điều cần lưu ý là theo luật Ba Lan, người mua đồ ăn cắp cũng cùng phạm tội với kẻ cắp (tội tiêu thụ hàng ăn cắp, gây thiệt hại cho người khác).


Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2015-01-29 05:59:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook