2016-09-01 09:23:19

Người hiệp sĩ khất sách

Các nhà sư đi khất thực, còn anh khất sách. Anh đã đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn để tìm hiểu văn hóa đọc của người dân, truyền cảm hứng và vận động cho chương trình Sách hóa nông thôn do anh khởi xướng từ cách đây gần 20 năm.

 Cuốn sách theo anh trong suốt hành trình xuyên Việt này là „Những tấm lòng cao cả” của Edmondo de Amicis. Hai thập kỷ trăn trở và trải qua biết bao khó nhọc, câu hỏi của anh luôn là làm sao để trẻ em nông thôn Việt Nam có sách đọc như trẻ em thành phố. Hạnh phúc lớn nhất của anh là được nhìn thấy niềm vui của các em khi đọc sách. Là người có trình độ, nhưng anh bỏ cả những công việc ổn định cho các công ty/tổ chức trong và ngoài nước để gây dựng chương trình Sách hóa nông thôn. Anh nói về các tủ sách và sự chia sẻ xã hội chân thành say sưa từ tận đáy lòng, với một tinh thần hiệp sỹ hiếm có. Những người anh ngưỡng mộ là Phan Châu Trinh, Ghandi, Mẹ Teresa. Anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người bắt tay vào làm một công việc gì đó, dù nhỏ bé, cho cộng đồng. Anh là Nguyễn Quang Thạch. 

Anh Nguyễn Quang Thạch ( Ảnh: Báo Lao động).

Giờ đây, mắt anh đã gần như không nhìn thấy gì. Anh bị bong võng mạc một mắt và mất thị lực hoàn toàn, mắt còn lại cũng rất yếu. Ước mơ duy nhất của anh là được nhìn thấy chương trình Sách hóa Nông thôn hoàn thành, trẻ em nông thôn Việt Nam có sách đọc như trẻ em ở Hà Nội hay Sài Gòn trước khi mắt anh mù hẳn! Vì sao anh làm vậy? Bởi vì theo anh, bao nhiêu đau khổ, xung đột, bất công, tàn nhẫn trong cuộc sống đều do thiếu tri thức mà ra. Vì thiếu hiểu biết mà con người không biết yêu thương, chia sẻ, không biết hướng tới những điều nhẹ nhõm, tốt đẹp, cao thượng. Và con đường gần nhất để con người hướng đến tri thức là qua những trang sách. Nhưng với hệ thống thư viện yếu kém như ở Việt Nam, trẻ em nông thôn gần như không có cơ hội tiếp xúc với sách. Từ một cú sốc khi chứng kiến sự vô cảm của một số sinh viên đối với một người bệnh, Nguyễn Quang Thạch đến với ý tưởng mang sách đến cho nhiều người. Năm 2007, sau 10 năm nghiên cứu thiết kế các mô hình thư viện, Nguyễn Quang Thạch bắt tay xây dựng những tủ sách đầu tiên, đó là những tủ sách cho chính dòng họ anh ở quê nhà.

Năm 2010, khi mô hình Tủ sách Dòng họ đã được nhiều nơi hưởng ứng và nhân rộng, anh tiếp tục xây dựng mô hình Tủ sách Phụ huynh trong các lớp học. „Tính đến tháng 6 năm 2016, với sự chung tay của hơn 100.000 thành viên xã hội gồm cha mẹ học sinh nông thôn, thầy cô giáo, người nông thôn xa quê, người Việt sinh sống ở các độ thị và nước ngoài, và người nước ngoài, phong trào đã xây dựng được trên 9.000 tủ sách qua các loại tủ sách gồm Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Lớp học, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ và Tủ sách Giáo xứ giúp hơn 400.000 người dân nông thôn,trong đó hơn 200.000 học sinh tiếp cận sách bằng học sinh con nhà khá giả của Hà Nội. Các tủ sách đã có mặt ở 27 tỉnh trong cả nước.” (1)

Theo ước tính, thông qua hệ thống thư viện, người Việt chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách một năm, trong khi đó Tủ sách Phụ huynh giúp mỗi em học sinh đọc ít nhất 10 cuốn sách một năm. Hàng trăm nghìn người đã mượn ít nhất 1 triệu lượt sách thông qua các tủ sách của chương trình Sách Hóa nông thôn.

Nhưng Sách hóa nông thôn không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích cho trẻ em nông thôn, nó còn là phương thức để lan tỏa và chia sẻ ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội, những điều không thể thiếu trong một xã hội lành mạnh, văn minh. Như Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: chỉ cần khoảng 1,2 triệu là có thể xây dựng được 1 tủ sách với khoảng 30-50 đầu sách cho một lớp học, hay một thôn xóm. 1,2 triệu! Chỉ bằng một bữa nhậu xoàng, một cái váy, một đôi giày, tóm lại là một mục chi tiêu chẳng đáng kể so với thu nhập của một người VN trung lưu ở thành phố. Thử tưởng tượng trong 30-50 cuốn sách ấy, có những cuốn biết đâu sẽ làm thay đổi hẳn số phận một con người. Ai trong chúng ta mà không có những cuốn sách yêu thích, những cuốn sách nâng đỡ ta mỗi lúc khó khăn, những cuốn sách mà với ta là vô giá? Và chúng ta có thể đem đến những điều vô giá như thế cho các em nhỏ với... một giá quá rẻ! Nếu quy ra tiền Ba Lan, thì cái giá ấy còn rẻ hơn nữa: để có một tủ sách chỉ cần chưa đầy 200 zł!

Những năm gần đây, một nhóm bạn hữu ở Ba Lan đã ủng hộ tích cực cho chương trình Sách hóa nông thôn. Sắp tới, nhân chuyến làm việc ở châu Âu, anh Nguyễn Quang Thạch đã nhận lời mời sang thăm Ba Lan và sẽ có một buổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm vào lúc 18h30 ngày 13.09 tại phòng họp của khách sạn Lord, al.Krakowska 218, 02-219 Warszawa.

Porto 30-8-2016

FB Nguyễn Thái Linh. 

 1) https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%A1ch_ho%C3%A1_n%C3%B4ng_th%C3%B4n_Vi%E1%BB%87t_Nam

Sửa lần cuối 2016-09-01 09:21:01

Bình luận

Bình luận qua Facebook