2014-03-03 05:20:30

Hội thảo „Ngày Việt Nam” ở Vác-sa-va

Vào trưa ngày 02.03.2014 tại phòng hội thảo trong Viện bảo tàng Lịch sử người Do Thái Ba Lan đã có diễn ra một cuộc hội thảo thú vị về chủ đề người Việt Nam ở Ba Lan. Cuộc hội thảo này là một trong những buổi gặp gỡ với người dân Vác-sa-va trong chương trình một loạt các cuộc gặp gỡ với những người dân tộc khác nhau đang sinh sống ở Thủ đô, trong khuôn khổ „Vác-sa-va đa dân tộc”.

Trước đó đã có những cuộc gặp mặt với những người dân tộc khác nhau, lần này Viện bảo tàng đã phối hợp với Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam của trường đại học Almamer mời người Ba Lan và người Việt Nam đến dự buổi nói chuyện.

Cô Grażyna Szymańska-Matusiewicz làm chủ tọa. Cô Grażyna Szymańska-Matusiewicz là tiến sỹ ngành xã hội học, giảng viên tại Viện Xã hội học thuộc Đại học Tổng hợp Warszawa, cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan – Á Châu về Việt Nam. Cô đã sang Việt Nam theo diện có học bổng năm 2007/2008 và đang thực hiện đề tài nghiên cứu về người Việt ở Ba Lan và người Việt từ Ba Lan về nước, cô là tác giả của nhiều công trình/ bài báo khoa học về văn hóa và cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Trong danh sách những người cùng tiến hành dẫn dắt cuộc thảo luận còn có cô Nguyễn Thái Linh, một dịch giả nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Cô đã dịch những tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan sang tiếng Việt, trong đó có thơ của W. Szymborska, các tác phẩm của R. Kapuścińskiego, L. Kołakowskiego, Z.Herberta và L. Staffa. Ngoài ra cô còn là một thành viên hoạt động tích cực trong Nhóm Quỹ nghiên cứu Biển Đông. Thành viên thứ ba trong nhóm dẫn chương trình là cô Wiktoria Górecka, cô là một nhà xã hội học đa văn hóa còn khá trẻ, nhưng đã có khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề người nhập cư Việt Nam ở Ba Lan, cô cũng đã từng sang Việt Nam nghiên cứu và hiện đang dẫn một blog viết vể ẩm thực Việt Nam. Người thứ tư trong nhóm dẫn chương trình là tác giả bài báo này.

Thời gian dự định dành cho buổi thảo luận là 2 tiếng đồng hồ, nhưng những người đến dự đã khá tích cực tham gia phát biểu ý kiến, do vậy cuộc nói chuyện được kéo dài thành hai tiếng rưỡi, khi ra về ai cũng vui vẻ và hài lòng là đã có một cuộc gặp mặt hữu ích được diễn ra và hy vọng đây chỉ là một trong những cuộc gặp mặt thường kỳ giữa người Việt Nam và Ba Lan ở Vác-sa-va. Gian phòng hội thảo bố trí cho khoảng vài chục người đến dự đã chật kín, nhưng do tính chất của buổi hội thảo là không phải tham dự tất cả các chủ đề thảo luận, vậy nên một số khách Ba Lan đã xin phép từ trước là chỉ tham gia những chủ để đầu, muốn về sớm vì có việc khác. Đa số khách đến dự buổi hội thảo là người Ba Lan, nhưng cũng có một số bà con cộng đồng người Việt đến tham dự hội thảo và muốn tích cực góp ý kiến, do vậy buổi hội thảo được diễn ra không chỉ bằng tiếng Ba Lan, mà còn có cả phiên dịch tiếng Việt.

Do là một buổi hội thảo có tính chất khoa học, là một buổi thảo luận, cho nên nó được diễn ra rất chuyên nghiệp, đúng giờ, giống như ở các trường đại học. Người dẫn chương trình đưa ra những chủ đề chính liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan, những người tham dự chia sẻ vài lời về bản thân, họ đã xuất hiện ở Ba Lan như thế nào, tại sao lại chọn Ba Lan làm Tổ quốc thứ hai của mình và đã được người Ba Lan đón nhận ra sao. Qua đó người Ba Lan đã hiểu thêm được lịch sử và cơ cấu của cộng đồng: từ thế hệ đầu tiên là những sinh viên và nghiên cứu sinh được sang Ba Lan từ những năm 70 và trước đó. Rồi đã có những người ở lại Ba Lan từ những năm 80. Sau đó có làn sóng người Việt sang Ba Lan vào những năm 90, khi Ba Lan mở cửa, còn gọi là đợt di cư vì nguyên nhân kinh tế. Tiếp theo là thế hệ 1,5, tức là con em của những người Việt sinh sống ở Ba Lan được đón sang để học và sinh sống ở Ba Lan. Và hiện nay người Việt đã có thế hệ thứ hai ở đây, tức là những cháu bé được sinh ra và lớn lên ở Ba Lan. Thế hệ này được gói là thế hệ chuối chín, bởi vì các cháu mang dòng máu Việt (da vàng), nhưng nhận thức và tư duy đã hoàn toàn giống trẻ em Ba Lan (da trắng). Một số cháu đã thành lập gia đình, do vậy, có thể là người Việt đã có thế hệ thứ ba ở Ba Lan.

Sau phần nói chuyện về lịch sử sự hình thành cộng đồng người Việt ở Ba Lan khá thú vị, các bạn Ba Lan đã chia sẻ những nhìn nhận và những quan hệ của mình với người Việt. Đa số có ý kiến cho là người Ba Lan vẫn còn những nhìn nhận tốt về người Việt. Tuy nhiên chúng ta cũng luôn cần làm cho các bạn Ba Lan hiểu thêm là hiện nay có một số người Việt khá thành đạt (rất giàu có) ở Ba Lan, bởi vì đó là một trong những con chim đầu đàn của dân tộc Việt Nam, người Ba Lan sinh sống ở các nước khác cũng luôn phải nắm bắt cơ hội, nếu có. Đó là sự hiển nhiên và quy luật. Ngòai những người thành đạt như vậy, vẫn còn có rất nhiều người Việt đang có một cuộc sống rất khó khăn, họ phải miệt mài làm việc, thời gian chăm nom con cái do vậy bị hạn chế hơn, ngoài ra tiếng Ba Lan luôn là ngôn ngữ quá khó đối với họ, do vậy có nhiều người đã không thành công và phải rời Ba Lan, quay trở lại Việt Nam tìm đường mưu sinh trong nước. Khi người Ba Lan hiểu được vấn đề này, sự ghen tỵ của họ đối với sự giàu có của người Việt ắt sẽ giảm.

Trong số khách đến dự, có ông Piotr Gadzinowski, ông đã từng là đại biểu Quốc hội Ba Lan, ông chia sẻ nhiều cảm nhận khá thú vị về mối quan hệ Việt Nam Ba Lan, về những đặc thù chung của cả hai dân tộc. Ông Đào Công Ngoạn (Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam) cũng đã có ý kiến chia sẻ.

Một người tham dự cuộc hội thảo khá thú vị khác là cô Michalina Jarmuż. Cô là thành viên của Quỹ „Thế giới trong tầm tay” và hiện đang phụ trách vấn đề giáo dục ở trường học ở Mroków, xã Lesznowola, vậy Wólka Kosowska là vấn đề khá quen thuộc đối với cô. Cô chia sẻ những cảm nhận của mình về người Việt Nam, về sự nghiệp giáo dục trẻ em đa sắc tộc ở Ba Lan. Sau cuộc trò chuyện, đặc biệt là sau ý kiến chia sẻ thêm của cô Wiktoria Górecka, chúng ta đã hiểu thêm được là con cháu của người Việt cần được chúng ta và người Ba Lan quan tâm thêm rất nhiều. Bởi vì là tuy đang có một định kiến tích cực về học sinh gốc Việt (chăm chỉ, học giỏi), nhưng điều này lại mang lại một sức ép khá lớn cho toàn bộ các cháu thế hệ 1,5. Bởi vì ai cũng biết là người Việt quá chăm lo đến sự nghiệp của con cái, đó là một bản năng tốt, nhưng không phải ai cũng hiểu ra được là đối với thế hệ này, các tiêu chuẩn thước đo về giá trị xã hội của Việt Nam có thể không hợp với các cháu, có thể các cháu cho là mình sẽ sinh sống ở Ba Lan và chỉ về Việt Nam tham quan. Do vậy trong những ngày nghỉ, trẻ em Việt Nam cũng như Ba Lan, cần phải được nghỉ ngơi, hay là được tạo điều kiện phát triển những niềm say mê của tùng cháu, chứ không nhất thiết phải dồn hết sức lực vào con đường khoa học. Trong phần thảo luận về sự nghiệp giáo dục của con em người Việt, ông Lê Xuân Lâm, Hiệu trưởng trường tiếng Việt cũng đã có những chia sẻ quý báu.

Phần tiếp theo khá thú vị của buổi hội thảo là những chia sẽ vể ẩm thực Việt Nam, về sự phát triển của các quán ăn Việt ở Ba Lan. Những người tham gia phát biểu về cảm nhận của mình, cho là những món ăn hiện nay có trong các quán có phải là món ăn thuần Việt hay không và tại sao người Ba Lan vẫn có định kiến là tất cả các món ăn Châu Á như vậy được gọi chung là „đồ ăn Tàu”. Chị Vũ Khánh Tuyết, một chủ nhà hàng kinh nghiệm ở Vác-sa-va cũng đã có những chia sẻ rất thú vị về ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra hai vợ chồng anh Đỗ Long và Đỗ Lidia cũng đã đưa ra những kế hoạch và những nhận xét của mình về ẩm thực Việt Nam ở Ba Lan, đặc biệt là khi anh chị vừa có một thời gian sinh sống ở Việt Nam, do vậy đã có thêm khá nhiều kinh nghiệm.

Lúc đầu ban tổ chức còn có ý định mở rộng chương trình ra thêm những đề tài thú vị khác như là âm nhạc Việt Nam (cô Nguyễn Hồng Hoa có thể nói về Quan họ), về nghệ thuật (cô Lợi Hồng Diệp có thể giới thiệu và trưng bày tranh hội họa), về văn học và thơ ca (ông Lâm Quang Mỹ và Thái Linh có thể nói vể sự nghiệp dịch thuật) v.v..., nhưng do đây là buổi gặp mặt đầu tiên trong Viện bảo tàng, thời gian và sự chuẩn bị còn hạn hẹp, cho nên tạm gác lại những đề tài này. Qua đó (và nhờ có thêm kinh nghiệm của buổi hội thảo này) chúng ta thấy được là tiềm năng quảng bá về Việt Nam nói chung và về công đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng còn khá dồi dào. Ngoài ra chúng ta có thể chờ đợi những sáng kiến khác của tất cả bà con trong cộng đồng, để miễn sao cho người Ba Lan luôn có những nhìn nhận tốt về chúng ta, để tất cả cùng nhau chăm nom tốt hơn cho các thế hệ tương lai.

Cuộc gặp mặt cho thấy là luôn có những người Ba Lan thân thiện với người Việt Nam, vấn đề là chúng ta có thực sự muốn gần gũi và hòa nhập với các bạn Ba Lan hay không? Theo đúng như tên gọi của một Quỹ nêu trên ở Lesznowola: Thế giới trong tầm tay chúng ta!


Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2014-03-03 04:32:12
  • vu quang son vu quang son toi nghi rang day la mot co hoi rat tot cho nguoi viet chung ta o ba lan .la con duong ngan nhat ,hieu qua nhat,de nguoi ba lan hieu va quan tam den cong dong nguoi viet o day.ngon ngu ,tam giao do la hai dieu kien de khi o mot dat nuoc khac khong cung chung ngon ngu van hoa xa hoi .neu toi nho khong nham thi vao nam 2006 cung da co mot cuoc hoi thao van hoa viet nam duoc to chuc tai tp krakow. do vay cong dong nguoi viet chung ta cung cam thay yen tam ,am long va phan dau cho cuoc song tot dep tren que huong thu hai nay .chuc moi nguoi manh khoe ,vui ve va an lac ! 2014-03-03 09:22:24

Bình luận

Bình luận qua Facebook