2014-11-23 09:35:30

Tuyển dụng lao động đối với người nhập cư và các dân tộc thiểu số ở Ba Lan

Ngày 21.11.2014 tại khách sạn Radisson Blu Sobieski, Warszawa đã diễn ra hội nghị khoa học về đề tài „Tuyển dụng lao động đối với người nhập cư/dân tộc thiểu số tại Ba Lan trong các năm 2011-2013, những ảnh hưởng của tình trạng di trú và nhập cư đến thị trường lao động”.

Nhiều người đã tham dự Hội nghị.

Đây là đề tài được „IBC GROUP Central Europe Holding Spółka Akcyjna” thực hiện, trên sở dự án của „Trung tâm phát triển nguồn nhân lực” thuộc Bộ Lao động và Chính sách xã hội : „Phân tích tình trạng thị trường lao động ở Ba Lan và phạm vi hội nhập xã hội trong bối cảnh các chính sách kinh tế đang được thực thi”.

Các báo cáo đã đề cập đến sự phát triển của cộng đồng người di cư và nhập cư vào Ba Lan trong những năm gần đây bao gồm:

- Người nhập cư từ các nước xa, có văn hóa khác biệt thí dụ như Việt Nam, Trung Quốc.

- Người nhập cư từ các nước gần, có văn hóa gần tương đồng như Ukraina, Bạch Nga, Nga.

- Người thuộc các dân tộc thiểu số thí dụ những người đến từ Rumani, Bungari (còn gọi là Roman).

- Những người nhập cư từ những vùng khác trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những thống kê cùng những phân tích về tình trạng người nhập cư vào Ba Lan đã gặp nhiều khó khăn để có được việc làm. Nguyên nhân bao gồm sự khác biệt về văn hóa, rào cản của ngôn ngữ, khả năng làm việc lâu dài và trình độ tay nghề của người lao động mới nhập cư. Về phía nhà nước Ba Lan thì chưa có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi cho chủ công ty và người làm thuê.

Hiện tại, người nhập cư từ Việt Nam được đánh giá là có số lượng khá đông. Tuy nhiên, người Việt ở Ba lan tham gia vào thị trường lao động theo kiểu khép kín. Chủ yếu là tự kinh doanh hoặc làm thuê cho các chủ người Việt. Theo đó, lực lượng lao động người Việt không gây ảnh hưởng nhiều đến sự cạnh tranh tìm việc làm trên thị trường. Các thống kê cũng cho thấy tỷ lệ người Việt biết tiếng Ba lan rất thấp. Có phụ nữ đã ở Ba Lan 15 năm nhưng do chỉ lao động trong môi trường khép kín của họ nên không thể nói chuyện bình thường với người Ba Lan. Khi các nghiên cứu viên xin được phỏng vấn hoặc làm phiếu thăm dò họ đều phải nhờ phiên dịch. Nếu không tồn tại „thị trường khép kín” này chắc chắn nhiều người Việt sẽ không đủ khả năng cạnh tranh để kiếm được việc làm trong thị trường Ba Lan.

Người lao động Ukraina có số lượng đông thứ hai ở Ba Lan. Họ có thuận lợi hơn về ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên người Ukraina đến Ba Lan lao động chủ yếu là theo „thời vụ” hoặc được mời sang do có quan hệ với các chủ công ty ở Ba Lan. Lao động của người Ukraina cũng chủ yếu là lao động chân tay và không có tay nghề cao.

Nhận định chung cho thấy thị trường lao động Ba Lan chủ yếu là tuyển dụng các lao động rẻ, không có trình độ cao. Rất nhiều người lao động làm việc không đúng với ngành nghề được đào tạo của mình. Những chuyên gia có trình độ lại không được khuyến khích do mức lương cơ bản thấp và các chính sách của nhà nước chưa có những đột phá.

Các báo cáo cũng đề cập đến những chính sách đối với con cái của những người nhập cư. Nếu những đứa trẻ đã được phép định cư lâu dài cùng với gia đình ở đây thì chúng cần được giúp đỡ trong việc học hành và tham gia các hoạt động văn hóa để hội nhập tốt. Nhà nước cũng như các tổ chức phi chính phủ cần có những chính sách và hoạt động để hỗ trợ trẻ em đặc biệt là những trẻ em của các dân tộc thiểu số (Roman).

Một vấn đề nổi cộm cũng được nêu ra là tình trạng lao động chui đang phổ biến ở Ba Lan. Các nhà nghiên cứu đề nghị nhà nước cần có những biện pháp để giảm thiểu tình trạng này. Phần lớn những người lao động chui là những người cư trú bất hợp pháp và những người đến làm việc theo „thời vụ”. Theo đó, chính phủ cần xem lai những chính sách nhập cư, đào tạo tiếng Ba Lan miễn phí nhằm tạo điều kiện cho người di cư ổn định cuộc sống và làm việc hợp pháp.

Xuân Nguyên

Sửa lần cuối 2014-11-23 08:36:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook