2015-03-20 05:55:30

Nhân viên nhà nước và dân nhập cư


Ngày 18.03.2015 tại Trung tâm Đa văn hóa ở Thủ đô Vác-sa-va, một số tổ chức phi chính phủ ở Ba Lan đã phối hợp cùng Sở Ngoại kiều tổ chức một buổi hội thảo với sự tham gia của nhóm chuyên gia, để bàn về vấn đề quá trình tuyển chọn và nâng cao trình độ của các nhân viên nhà nước, những người mà sẽ làm việc tại những nơi có sự tiếp xúc với những người dân nhập cư

.

Ba Lan sau khi gia nhập Liên minh Châu Âu, nhờ có một nền dân chủ thực sự, trong đó có tự do ngôn luận và tự do báo chí, đã xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ hoạt động giám sát mọi công việc của các cơ quan nhà nước, để sao cho các cơ quan này phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Nếu thấy có những việc làm chưa thỏa đáng, họ luôn có những bản báo cáo và những bài phân tích thiết thực, giúp cho các cơ quan nhà nước và người dân ngày càng thân thiện với nhau hơn, tránh được những bức xúc không cần thiết, để xây dựng một xã hội dân sự văn minh và lành mạnh.

Người dân nhập cư ở Ba Lan ngày càng có nhiều tiếng nói. Ba Lan trước sau cũng sẽ có một chính sách nhập cư đúng đắn, sau khi tìm hiểu và rút kinh nghiệm từ một số quốc gia Phương Tây khác. Biết là số dân nhập cư ngày càng đông, Ba Lan đang cố gắng chuẩn bị một đội ngũ nhân viên thật chuyên nghiệp, để tránh gặp bỡ ngỡ khi làm việc với những người dân nhập cư.

Phần đầu của buổi hội thảo, một số chuyên gia đã phân tích tình hình thực tế ở Ba Lan hiện nay trong lĩnh vực quá trình tuyển chọn và nâng cao trình độ của các nhân viên nhà nước đang làm việc tại những nơi có sự tiếp xúc với người dân nhập cư.

Ở Ba Lan người ta đã hiểu được là trước khi nộp đơn xin việc vào các cơ quan như vậy, các ứng cử viên phải ý thức được là công việc mà họ sẽ đảm nhiệm sẽ không với những công việc hành chính bình thường khác, làm việc ở đó không chỉ vì đồng lương (còn khá khiêm tốn, khi tình hình chung về ngân sách nhà nước Ba Lan chưa được như tốt như các quốc gia phát triển khác) mà công việc như vậy được coi là một sứ mệnh, để phục vụ người dân ở Ba Lan, trong trường hợp này là người dân nhập cư, nhiều khi với những phong tục tập quán hay là một nền văn hóa hoàn toàn khác lạ. Do vậy nhân viên nhà nước phải thông cảm với người dân nhập cư, tìm cách có được cùng tiếng nói với họ, tức là phải luôn luôn học hỏi, nâng cao trình độ, để cho những buổi làm việc với người dân nhập cư trở nên ngày càng thân thiện hơn.

Tiếp đó, các chuyên gia đưa ra một vài thí dụ về các quốc gia khác, như là Anh, Mỹ, Canada và Tây Ban Nha, những nước này đang có các phương pháp tuyển chọn và nâng cao trình độ của các nhân viên nhà nước trong lĩnh vực này như thế nào.

Sau những cuộc thảo luận sôi nổi, đại diện của các cơ quan nhà nước như Sở Ngoại kiều và Bộ đội Biên phòng, đã được lắng nghe những ý kiến khá bổ ích trong chủ đề cần bàn. Trong tương lai, các cơ quan này sẽ tiếp tục hợp tác cùng các số tổ chức phi chính phủ thao luận tiếp về chủ đề thẩm quyền công việc của các nhân viên hành chính ở Ba Lan.

Sơ đồ công việc của một nhân viên thường như sau:

Tuyển việc - Làm quen với công việc – Phát triển – Nghỉ việc/Giữ việc.

Tuyển việc: Những thông báo về nhu cầu tuyển việc phải được viết rõ ràng. Ứng cử viên phải có ý thức được công việc mình sẽ làm là như thế nào (trong trường hợp này là sự tiếp xúc với dân nhập cư, luôn có thể xuất hiện những tình huống bất bình thường, nhiều khi văn hóa hoàn toàn xa lạ mà các công dân Ba Lan chưa từng được tiếp xúc nhiều). Ngoài những năng lực cần có, đạo đức của nhân viên cũng rất quan trọng, bởi vì là Ba Lan đang cương quyết chống tệ nạn tham nhũng, mà trong chế độ cũ thường vẫn xảy ra. Những người có nhiệm vụ phỏng vấn ứng cử viên cũng phải xem xét quan điểm của người đó đối với người dân nhập cư là như thế nào, người này có thực sự phù hợp với công việc sắp tới hay không. Ứng cử viên có các kỹ năng để làm mọi nhiệm vụ hay không, vởi vì công việc trong Ủy ban luôn tiến triển, nhiều khi không tuyển việc vào làm một công việc cụ thể, mà thường là tuyển thêm nhân viên cho Ủy ban, nhân viên với nhiều năng lực để có thể bố trí nhiều công việc khác nhau.

Làm quen với công việc: Khi vào làm việc, nhân viên mới phải có kỹ năng làm việc tập thể, nhanh tiếp thu với nhiệm vụ và sứ mệnh của mình.

Phát triển: Việc liên tục nâng cao trình độ nghiệp vụ là rất cần thiết, bởi vì không thể có ngay một nhân viên nhiều kinh nghiệm. tất nhiên để có những khóa đào tạo thêm hay là tham dự những hội thảo, cần phải có kinh phí. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể cùng tài trợ trong một số khóa học.

Nghỉ việc/Giữ việc: Việc quyết định làm việc lâu dài hay là xin thôi việc ở cơ quan tất nhiên là do nhân viên tự lựa chọn, nhưng khi tuyển việc, cần ý thức cho ứng cử viên biết là trong công việc mà có sự tiếp xúc với dân nhập cư, chắc chắn có nhiều điều mới lạ, không chỉ thú vị mà nhiều khi rất khó khăn, phải coi công việc này là sứ mệnh, chứ không phải là nơi làm việc miễn cưỡng.

Theo thông báo của Phòng Vụ việc Người nước ngoài của tỉnh Mazovia (Vác-sa-va), mà người Việt thường gọi tắt là Phòng visa, thì lương khởi đầu của các nhân viên ở đó thường không cao, chỉ ở mức 2300-2500 zloty/tháng brutto, mà hiện nay do tình hình địa chính trị ở phía đông Ba Lan có nhiều biến đổi, ngày càng nhiều dân nhập cư, vậy là số lượng công việc ngày càng nhiều, mà khả năng kinh phí của nhà nước thì luôn hạn hẹp, do vậy trong năm 2014 đã có 17% nhân viên xin nghỉ việc, buộc Phòng phải tuyển các nhân viên khác thay thế, nhưng vẫn chưa có được kế hoạch cần tăng thêm mức biên chế. Do vậy hiện tượng người nước ngoài phải xếp hàng từ sáng sớm trước cổng Phòng visa chắc sẽ còn kéo dài.
Ủy ban đã tìm mọi các tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài (thuê bảo vệ, thay đổi cách bấm số vé chờ, đặt hàng rào chắn để xếp hàng v.v...), nhưng do số dân nhập cư ngày càng tăng, vậy nên (số lượng) công việc của mỗi nhân viên trong Ủy ban ngày càng thêm nặng nhọc.

Các buổi hội thảo tiếp theo sẽ bàn về nhiều vấn đề khác, có điều vui mừng là các tổ chức phi chính phủ luôn đả nhiệm công việc giám sát việc làm của các cơ quan nhà nước. Với một hệ thống báo chí tự do, tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ ngày càng có trọng lượng, khi họ viết ra được những bản báo cáo rất sát thực với tình trạng hiện tại ở Ba Lan.

Về lâu dài, các tổ chức của người Việt cũng nên tích cực hơn, cùng các tổ chức phi chính phủ Ba Lan hay là quốc tế khác, trong quá trình xây dựng một xã hội dân sự ở Ba Lan, nơi chúng ta và con cháu của chúng ta đang sinh sống.


Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2015-03-20 06:41:19

Bình luận

Bình luận qua Facebook