2016-05-17 13:30:45

Hội thảo về Biển Đông của Trung tâm quan hệ quốc tế Ba Lan.

Sáng 17 tháng 5 năm 2016 tại phố Mińska 25, Warszawa Trung tâm Quan hệ Quốc tế của Ba Lan đã tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề “Biển Đông: tâm điểm tiềm ẩn khả năng gây xung đột ở châu Á” (Morze Południowochińskie: serce potencjalnego konfliktu w Azji).

Các chuyên gia nghiên cứu tình hình khu vực châu Á - ASEAN - Trung Quốc, các nhà ngoại giao Ba Lan đã từng công tác tại các nước khu vực ASEAN, các cán bộ đã và đang làm việc ở Bộ Ngoại giao Ba Lan, đại diện cơ quan ngoại giao các nước ASEAN, các nhà báo, đại diện các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Ba Lan gồm hơn 50 người đã có mặt tại buổi hội thảo.

Ảnh minh họa.

TS Małgorzata Bonikowska, chủ tịch Trung tâm Quan hệ Quốc tế dẫn chương trình thảo luận. Trước hết bà trình bày khái quát về nội dung hội thảo.

Khu vực Đông Nam Á đang tiềm ẩn khả năng xảy ra xung đột mà hậu quả khó lường. Biển Đông là vùng có ý nghĩa chiến lược và kinh tế vô cùng to lớn, đồng thời cũng là “điểm nóng” trong các mối quan hệ quốc tế. Trục chính của sự xung đột liên quan đến hai quần đảo tưởng như rất nhỏ bé là Hoàng Sa và Trường Sa (Wyspy Paraceskie i Wyspy Spratly). Từ vài chục năm nay đã xảy ra tranh chấp về lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, và mức độ tranh chấp tăng lên tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng vai trò và tham vọng của Trung Quốc.

Cuộc xung đột trên biển Đông được coi là một trong những nguy cơ đe dọa an ninh thế giới lớn nhất hiện nay, bên cạnh các vấn đề như việc chia cắt hai miền Triều Tiên hay tranh chấp đảo Kurylskie giữa Nga và Nhật Bản. Cuộc xung đột này ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN cũng như quan hệ song phương của Trung quốc với phần lớn các thành viên hiệp hội các quốc gia ASEAN. Nó là yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là phép thử của những thay đổi trong tương quan lực lượng toàn cầu giữa Phương Tây và châu Á.

Coi Biển Đông là khu vực ảnh hưởng riêng của mình, Trung Quốc đã đi theo đường lối gây xung đột với các nước có cùng vùng biển đó với mình. Các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng tích cực đưa vấn đề này ra diễn đàn quốc tế. Tòa án Quốc tế tại Haga cũng đang xem xét cuộc tranh chấp này, vì vấn đề phân chia lãnh thổ trên biển do Luật Biển điều chỉnh. Trong khi đó thì Trung Quốc cho rằng việc can thiệp vào vấn đề Biển Đông là can thiệp vào vùng ảnh hưởng của họ (outside interference). Cộng đồng quốc tế đứng trước tình trạng khó xử, ủng hộ ai, trong khi tất cả mọi người đều quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, đất nước đang ngày càng mạnh lên về tiềm lực kinh tế và vai trò trên thế giới.

Các sự kiện trên Biển Đông đang phát triển theo chiều hướng gia tăng bất ổn, điều đó ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Phương Tây. Mỹ đang vô cùng quan tâm đến tình hình ở khu vực này. Nhật Bản và Ấn Độ cũng như Australia đều quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải, không muốn thấy Trung Quốc một mình độc chiếm Biển Đông.

Trong hội thảo đã đề cập đến các vấn đề sau:

  1. Khu vực Biển Đông (ý nghĩa, yêu sách của các bên, tình hình hiện tại ở biển Đông, lịch sử và yêu sách lãnh thổ, các tranh chấp sau chiến tranh thế giới thứ II, các đảo nhân tạo và những dàn khoan lưu động).

  2. Các mối quan hệ trong vùng: Quan hệ Trung Quốc – ASEAN, Trung Quốc – Việt Nam, Trung Quốc – Philipin, Trung Quốc – Brunei, Trung Quốc – Indonezja.

  3. Lập trường của các nước khác và của Nhóm G7 (Lập trường của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia, Liên minh Châu Âu EU )

Ngoài báo cáo của người dẫn chương trình, các chuyên gia, nhà ngoại giao, đại diện cơ quan ngoại giao các nước ASEAN và đại diện các tổ chức phi chính phủ đã phát biểu rất sôi nổi. Bà Bonikowska, chủ tịch Trung tâm Quan hệ Quốc tế Ba Lan đánh giá đây là một buổi hội thảo bổ ích, mặc dù không thể đưa ra các giải pháp cụ thể, nhưng đã cung cấp những thông tin hữu ích, từ nhiều phía. 

Warszawa 17-5-2016

 NVT.    

Sửa lần cuối 2016-05-17 11:33:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook