2019-03-13 00:10:10

Kỷ niệm 20 năm ngày Ba Lan gia nhập NATO (12/03/1999 - 12/03/2019): Trải qua năm vòng, Ba Lan đã thuyết phục người Mỹ ra sao để được gia nhập NATO (phần 1)


Tác giả: Nhà báo Bartosz Węglarczyk (báo Onet)

Câu chuyện này hợp thành từ các giai thoại (anegdota). Nhưng nó cũng là một phần của giai đoạn lịch sử khó khăn, kết thúc bằng thành công rực rỡ của một chiến dịch ngoại giao của Ba Lan trong thế kỷ XX.

Bài báo dưới đây đã đăng cách đây 20 năm trên báo "Gazeta Wyborcza". Nó là kết quả làm việc của tôi với tư cách phóng viên của báo "Gazeta Wyborcza" ở Bruxelles và Washington. Trong gần một thập kỷ tôi đã quan sát từ bên trong các nỗ lực của các chính phủ nối tiếp nhau của Ba Lan đã làm để gia nhập một liên minh quân sự được kiểm định tốt nhất trong lịch sử. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ba Lan gia nhập NATO, tôi đăng lại bài báo này, bổ sung thêm vài chú ý ở những chỗ cần sau 20 năm trôi qua. Tôi vô cùng cám ơn tòa soạn báo "Gazeta Wyborcza" đồng ý cho đăng lại một trong các bài báo quan trọng nhất của mình.

Việc mở rộng NATO đã có thể xảy ra nhờ quyết định của một nước – đó là Hoa Kỳ. Không có sự hỗ trợ của nước này việc Ba Lan vào Liên minh Quân sự ta chỉ có thể mơ. Cho dù ai có thích hay không thích đi nữa – thì ở NATO người Mỹ vẫn nắm quyền lãnh đạo. Tôi sẽ kể trong bài báo này về việc các nhà ngoại giao Ba Lan, Ba Lan kiều ở Mỹ, các chính trị gia, các nhà quân sự và các lực lượng đặc biệt đã làm gì để được Washington chấp thuận ra sao.

Bài viết hình thành trên cơ sở hàng chục cuộc nói chuyện với các nhà ngoại giao Ba Lan và Mỹ, những người tham gia vào chiến dịch này ở các giai đoạn khác nhau. Nhiều người trong số họ yêu cầu không tiết lộ tên vì chính họ hay những người họ nói tới còn đang giữ các chức vụ cao.

Ông Baker không hứa điều gì

Vào giữa những năm 80 và 90 Liên bang Xô viết vẫn tồn tại và không có gì báo trước là sau đó vài năm một siêu cường đã biến mất và ba nước của khối cộng sản đã sụp đổ cùng sự hình thành của hàng chục quốc gia mới.

Khi vào mùa xuân năm 1991 tổng thống Tiệp Khắc, ông Vaclav Havel đến thăm Tổng Hành dinh của NATO ở Bruxelles, hội đồng các đại sứ của Liên minh đã không đồng ý ký tuyên bố chung với ông. Các vị đại sứ lo rằng người Ba Lan và những người khác sẽ coi văn bản đó như một lời hứa. Ông Havel bực bội đã cảnh báo là bây giờ có bức màn lụa, chứ không còn là bức màn sắt có thể chia đôi châu Âu.

Lúc đó có tin đồn là ngoại trưởng Mỹ James Baker đã hứa với người Nga vào năm 1989 là NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Cái đó với Moskva là bảo đảm rằng nước Đức thống nhất sẽ không đe dọa gì cho Nga. Những người phản đối mở rộng NATO đã sử dụng lời hứa hẹn được cho là của ông Baker này.

Trong thực tế thì người Nga đã được nghe vào năm 1989 điều họ muốn nghe. – Trong bộ phận hành chính của tôi tuyệt đối không có tiến hành bất cứ một việc nào về đề tài mở rộng NATO, vậy chúng tôi không thể hứa hẹn bất cứ điều gì - ông Brent Scowcroft nói với tôi, lúc đó ông ta là cố vấn cho tổng thống Bush về an ninh quốc gia, giờ ông ta làm vận động hành lang (lobby) ở Washington. Theo ông người Nga đã tách các từ của ông Baker ra khỏi ngữ cảnh. Ông ta đã không nói về Ba Lan, mà chỉ về việc không bố trí quân đội NATO trên lãnh thổ trước đây của Cộng hòa Dân chủ Đức sau khi nhập nó vào nước Đức thống nhất.

Flanagan giao bóng

Người đầu tiên trong bộ máy hành chính Mỹ vào năm 1992 khi Liên Xô không còn nữa trong các báo cáo nội bộ bắt đầu viết về việc mở rộng NATO là ông Steve Flanagan – lúc đó là một nhà phân tích cỡ trung ở Bộ Quốc vụ Hoa Kỳ, nay là chánh Văn phòng Châu Âu ở Hội đồng An ninh Quốc gia và là một trong các tác giả của chiến lược mở rộng Liên minh Quân sự (ông Flanagan đang là nhà phân tích của Rand Corporation).

- Flanagan là một trong số những người đã bẻ gẫy các lập luận của những người chống mở rộng bên trong nội bộ phía hành chính – giáo sư Zbigniew Brzeziński, một trong các anh hùng của cuộc vận động cho NATO (giáo sư Zbigniew Brzeziński mất năm 2017).

- Vào năm 1992 đã không có các ý định chính trị để tiếp tục các khảo sát lý thuyết về việc làm gì tiếp với Đông Âu – một quan chức cấp cao lúc ấy của Bộ Quốc vụ nói với chúng tôi. – Trong vận động tranh cử tổng thống George Bush không muốn tạo ra ấn tượng là muốn tranh số phiếu của nhóm sắc tộc thiểu số, còn vào năm 1993 nhóm chiến thắng của ông Bill Clinton đang phải làm quen với việc lãnh đạo và trong vòng vài tháng họ đã quên về việc mở rộng.

Túm chú gấu vào bờm

Nhiều chính trị gia Ba Lan, nhất là những người hoạt động trong kiều dân Ba Lan ở USA đã cho là với ông Clinton, người của đảng Dân chủ đến từ một tiểu bang nông nghiệp Arkansas sẽ chẳng làm được gì. Quả vậy, lúc đầu những người của ông Clinton đứng đầu là bạn thân ông ta, mà sau này làm thứ trưởng ngoại giao, ông Strobe Talbott đã khuyên ông ta không nên làm gì gây hại cho mối quan hệ với nước Nga lúc đó rất tích cực phản đối việc mở rộng khối NATO.

Lech Wałęsa lúc nào đó đã nói với ông Talbott là đối với Nga người Mỹ phải áp dụng "chiến lược gấu trong đường hầm": nếu con gấu bị lọt vào đường hầm thì không được túm vào bờm để kéo nó ra, mà phải nhẹ nhàng đào dưới chân, vì nếu tích cực để giúp nó quá thì nó sẽ đáp trả bằng cú tát bằng chân.

Nhưng lại chính ông Wałęsa đã vi phạm nguyên tắc trên

- Việc chúng ta vào NATO lại phần lớn phụ thuộc vào ông Borys Nikolajewicz – một nhà ngoại giao Ba Lan hàng đầu hiện nay nói đùa. Bữa tối của các tổng thống Wałęsa và Jelcyn ở trung tâm của chính phủ ở ngoại ô Vác-sa-va vào mùa thu năm 1993 đã hiển nhiên làm thay đổi dòng chảy của lịch sử ở châu Âu.

Các chuyên gia Ba Lan khi chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Borys Jelcyn đã không ngay cả thử đề nghị thảo luận về mối lo của Nga chống mở rộng khối quân sự. - Wałęsa tuy vậy đã liều và thử nó như một ván chơi poker – một nhà ngoại giao theo dõi ván bài này đã nói.

Bữa tối ông Wałęsa tổ chức chiêu đãi ông Jelcyn đã kéo dài thêm. Wałęsa đã ép để tổng thống Nga đồng ý cho vào tuyên bố chung một câu là các nước dân chủ có quyền chọn đồng minh. Như vậy có nghĩa là đồng ý cho Ba Lan vào NATO. Các cố vấn của ông Jelcyn phản đối. Sau vài giờ thảo luận không có kết quả và sau vài chai rượu cỏ (żubrówka) Wałęsa nói thẳng với ông ta: - Tôi không cần lấy ý kiến nhwungx người của mình để có thể ký một cái gì đó.

Nghe câu này Jelcyn có vẻ đã cắt lời: - Tôi muốn ký nó.

Sếp ngoại giao Nga, ông Andriej Kozyriew bực bội – tuyên bố như vậy xóa hết các lý lẽ mạnh nhất phản đối mở rộng. Ba ngày sau khi rời Vác-sa-a và sau khi thảo luận với các tướng lĩnh Jelcyn đã gửi một bức thư mật tới một vài nhà đứng đầu các nước NATO, trong đó ông rút lại tuyên bố ở Vác-sa-va.

Wałęsa đã hy vọng khởi xuất các thương lượng về việc mở rộng NATO. Nhưng bức thư của ông Jelcyn, cuộc đảo chính tháng 10 ở Moskva và việc những người hậu cộng sản thắng trong bầu cử ở Ba Lan đã đẩy việc đó lùi lại.

"Ngăn bọn Ba Lan thổ tả ấy"

Từ lúc này thì người Mỹ không thể đánh giá thấp việc gõ cửa của Ba Lan mỗi lúc một mạnh lại được. Rất nhanh đã hình thành một chương trình hợp tác và huấn luyện, có tên là "Hợp tác vì hòa bình - Partnerstwo dla pokoju". – Trong chính phủ USA nhiều người tính toán là việc đạt được mức hợp tác như vậy trong khuôn khổ chương trình "Hợp tác" sẽ lấy của các ông ít nhất vài năm – một nhân viên cấp cao của Nhà Trắng muốn dấu tên nói với chúng tôi.

- Khi chuẩn bị chương trình "Hợp tác", người Mỹ đã vô tình vượt qua Rubikon và việc mở rộng NATO đã không còn đường lùi nữa – một nhà ngoại giao hàng đầu Ba Lan hiện nay khẳng định như vậy. Nhưng vào mùa thu năm 1993, khi đại sứ Cộng hòa Ba Lan ở Washington biết về chi tiết của chương trình thì các bức điện bi quan tới tấp được gửi về Vác-sa-va. Và trên một trong các dự thảo của chương trình do Lầu Năm góc gửi đến Foreign Office của Anh có hiện lên dòng chữ viết thêm bằng tay: "Có thể bằng cách này chúng ta tạm ngăn được bọn Ba Lan thổ tả ấy lại".

Trước cuộc họp thượng đỉnh dự kiến vào tháng 1-1994 của NATO ở Bruxelles đã có hai chuyến thăm Washington của bộ trưởng Ngoại giao Andrzej Olechowski. Ông đã hỏi về ý nghĩa của chương trình "Hợp tác" và nhắc lại luận điểm của Ba Lan về khoảng trống cho an ninh của Trung Âu sau khi giải thể Khối Vác-sa-va. – Nếu NATO không làm việc này thì nước Nga sẽ quay lại làm nó một khi tham vọng đế quốc ở đó quay lại – ông giải thích.

Tuy nhiên người Mỹ đã tránh đưa ra mọi cam kết khi đó.

Cứ gõ họ, gõ liên tục

Ngay vào tháng 10-1993 Hội nghị Ba Lan kiều ở Mỹ (Kongres Polonii Amerykańskiej) đã gửi cho ông Clinton lời kêu gọi do ông Jan Nowak-Jeziorański nghĩ ra về việc mở rộng khối Liên minh. Trong tháng 12, kiều dân Ba Lan đã tổ chức hoạt động đầu tiên gửi điện và fax tới Nhà Trắng và các nghị viên.

Còn ông Wałęsa điên tiết. Ông cho rằng Phương Tây và vị tổng thống trẻ USA đã không biết lợi dụng cơ hội có được do mình đã thuyết phục được Jelcyn ra tuyên bố chung. Đại sứ USA ở Vác-sa-va báo cho Washington là người Ba Lan có thể không tham gia vào chương trình "Hợp tác". – Mà không có Ba Lan thì thay cho "Hợp tác vì hòa bình" ta sẽ có "Thất bại vì hòa bình" –một nhà ngoại giao Mỹ bây giờ thừa nhận.

Bất ngờ trước các phản ứng của Ba Lan, Nhà Trắng đã cử bà đại sứ của mình ở Liên hiệp quốc là bà Madeleine Albright (gốc Czech) và vị tướng chỉ huy Tổng hành dinh quân đội Mỹ, ông John Shalikashvile (một người sinh ra ở Ba Lan) đến Vác-sa-va (tướng John Shalikashvili đã mất năm 2011). Họ đi ra bối rối sau cuộc nói chuyện với ông Wałęsa. – Tổng thống chỉ trích gay gắt họ, nói là người Mỹ đã làm hỏng việc – một người biết quá trình cuộc gặp nói với chúng tôi.

Ngày hôm sau bà đại sứ và vị tướng đã bị ông Olechowski xoay. Các vị khách đã chăm chú nghe lập luận của ông về vấn đề mở rộng Khối quân sự. Họ quay về Mỹ bị thuyết phục rằng "Hợp tác" không thể là trường học của ngày chủ nhật mà phải là trường học thực sự cho các thành viên tương lai của NATO.

Wałęsa cuối cùng đồng ý để Ba Lan tham gia chương trình vì hiển nhiên là không phải chúng ta là người chia bài. – Chúng ta đã ký "Hợp tác" hơi tù mù một chút, với việc tin là người Mỹ giữ lời hứa – một người làm ở Bộ Ngoại giao nói chuyện với chúng tôi.

- Việc còn phải làm là gõ người Mỹ liên tục – một nhà ngoại giao Ba Lan bổ sung. - Gõ, không cho Nhà Trắng nghỉ ngơi.

QV (Hết phần 1)

Sửa lần cuối 2019-03-13 08:05:51

Bình luận

Bình luận qua Facebook