2019-05-17 22:02:40

Ma-phia VAT: doanh nghiệp nhà nước Tauron, người liên lạc quốc tịch Đan Mạch và cuộc điều tra của Cơ quan tình báo Hoa Kỳ FBI

Về vấn đề ma-phia VAT – tức một trò đèn kéo quân quốc tế khổng lồ trộm thuế (karuzela podatkowa) – chúng tôi đã tìm thấy dấu vết dẫn tới một doanh nghiệp của ngân khố quốc gia.

Hiện chúng tôi chưa biết Jan Max L. – công dân Đan Mạch không có tài khoản trên Facebook, đang bị tù ở Ba Lan từ hơn hai năm nay mặt mũi ra sao. L. là một nhân vật kín đáo – không có ảnh trên Internet, cho dù đã bị cảnh sát vài nước truy nã. Không ai được vào nhà tù thăm ông ta cho dù các tội mà ông ta đã làm cách đây vài năm nhưng những người điều tra vẫn không thể kết thúc vụ việc để ra lời buộc tội.

Về vụ của người đàn ông Đan Mạch 52 tuổi này thì cả Công tố Ba Lan cũng như Bộ Tư pháp cho đến nay vẫn không thể khoe thành tích gì. Vì sao vậy?

Theo tờ Newsweek xác định, Jan Max L. đã lấy được trên 50 triệu zł của một trong các doanh nghiệp lớn nhất Ba Lan – một doanh nghiệp của nhà nước và đóng vai trò chiến lược, đó là Tauron Polska Energia. Do L., Tauron đã là một phần của tội phạm mà chính phủ đang cực lực đấu tranh: đó là trò đèn kéo quân về thuế VAT.

Vụ lừa đảo thuế lớn nhất trong lịch sử

Có thể là Jan Max L. đã cảm nhận là tin đồn về mình sẽ biến mất ở Ba Lan. Ông ta đã chiến đấu như một con sư tử để tránh bị đưa sang Ba Lan xét xử. Luật sư của ông ta đã kêu gọi lương tâm của các chánh án Đan Mạch bằng cách đưa ra các thông tin tìm trên mạng về các nhà tù ở Ba Lan. „Trong một buồng giam có rất nhiều tù nhân,điều kiện vệ sinh không thể chấp nhận được, người bị giam không có nước sạch để uống, ba tuần mới được tắm nước nóng một lần” – ông ta viết như vậy trong lý do kháng cáo.

Tòa án ở Copenhage đã không chấp nhận tin đồn trên mạng. L. bị chở về Ba Lan hôm 8-3-2017, sau 142 ngày giam ở Đan Mạch. Ông ta bị giam ở nhà giam tại Białołęka ở Vác-sa-va. Ta không biết hiện một tuần ông ta được tắm mấy lần. Công tố rất kiệm lời khi nói về số phận của công dân Đan Mạch này.

Các nhà báo của tờ nhật báo Đan Mạch Dagbladet Information và của trang mạng điều tra Finanse là những người đầu tiên tìm ra dấu vết của L.. Qua đó ta biết là năm 2013 – tức vào thời gian L. kéo doanh nghiệp chiến lược của nhà nước Ba Lan vào vòng tội phạm – thì công dân Đan Mạch này đã sử dụng ba hộ chiếu. Cuộc điều tra của các phóng viên về vụ này có được là nhờ bản dự án Grand Theft Europe, do tờ báo Bec-lin CORRECTIV điều phối với sự tham gia ngoài của „Newsweek”, còn có 34 tòa soạn khác ở khắp châu Âu. Trong vòng 2 tháng cuối, 63 nhà báo đã xem xét các trò đèn kéo quân thuế VAT đang hoạt động ở các nước trong Liên Minh. Các hoạt động tội phạm chiếm đoạt VAT này làm ngân sách UE thiệt hại mỗi năm 50 tỷ euro. Đây là vụ lừa đảo thuế lớn nhất trong lịch sử, một phần số tiền đó dùng tài trợ, ví dụ như cho hoạt động chống khủng bố.

Tại sao trong trường hợp của L. chiếc ô mà các lực lượng đặc biệt giăng để quản lý các doanh nghiệp quốc gia về năng lượng đã không hoạt động? Hiện nay vẫn không rõ.

Gunther Skarin, một cựu cộng tác viên của L. đã khai cho công tố Ba Lan về việc L. cần đến ba nhân thân và một chương trình mã hóa đặc biệt trên máy tính của mình. Năm 2016 Skarin đã giải thích cho cơ quan truy nã của Ba Lan là L. đang trốn ở Dubaj nhưng thỉnh thoảng vẫn đến các nước châu Âu, trong đó có Đan Mạch (nơi ông ta cuối cùng đã bị tóm vào cuối năm 2016).

Vậy L., người có ba nhân thân, đã làm gì ở Ba Lan? Và trò đèn kéo quân về VAT là thế nào?

Ma-phia rất thận trọng

Để trả lời cho các câu hỏi trên, ta phải lùi lại vài năm. Để hiểu các nguyên nhân và ý nghĩa của các trò đèn kéo quân quốc tế về VAT ta sẽ dùng ví dụ một chiếc xe tải mà vài năm trước ai đó đã đỗ lại trong rừng trên biên giới Ba Lan- Czech.

„Trò đèn kéo quân VAT”, „ma-phia VAT” – đảng PiS coi là tiêu chuẩn trong cuộc chiến với các tội phạm kiểu này. Từ một năm nay Tiểu ban điều tra về VAT (do một nghị sỹ trẻ và hăng hái của đảng PiS, ông Marcin Horała phụ trách), đang săn các chính trị gia của đảng PO. Theo PiS thì chính Platforma đã cho phép các trò đèn kéo quân về thuế bùng phát ở Ba Lan. Tiểu ban của ông Horała đang tìm các chứng cớ là các chính trị gia PO đã tích cực ủng hộ các tội phạm chiếm đoạt thuế.

Ông Jan Tokarski, đối tác của PwC, chuyên gia về thuế và là một trong những người đầu tiên nghgieen cứu trò đèn kéo quân VAT ở Ba Lan không tin vào việc các chính trị gia dính đến việc này. Ông cười mỉm khi tôi nhắc đến tiểu ban của PiS. – Hiện tượng này tăng lên từ từ, lan tỏa dần – ông giải thích. – Không phải ngay lập tức có ngay một khoảng thất thoát khổng lồ về VAT đi vào và ai cũng phải thấy ngay. Trò đèn kéo quân nhanh lên dần, các cuộc lừa đảo lớn nhất thấp hơn tầm ngắm ra-đa của ngay cả của các doanh nghiệp thận trọng nhất, của các chuyên gia và nhân viên thuế giỏi nhất của Bộ Tài chính. Nó do hạn chế về kinh nghiệm. Của tất cả mọi người. Để so sánh: VAT đưa ra ở Pháp vào năm 1958. Bản hướng dẫn về VAT (dyrektywa VAT-owska) kết nối hệ thống thuế trong toàn UE đã được thông qua vào những năm 70. Hệ thống lập pháp và các cơ quan thuế ở đó có vài chục năm để học được cơ cấu hoạt động của bọn tội phạm. Còn ở Ba Lan, một nước khá „trẻ” trên bản đồ của kinh tế thị trường tự do, ma-phia đã tận dụng cơ hội này. Chúng bắt đầu lừa bằng các mẹo từ lâu không còn dùng được ở Tây Âu. Chúng bắt đầu vòng quay rất thận trọng để không tự đốt mình trên vùng đất mới.

Người đóng thuế biến mất

Cơ cấu của trò đèn kéo quân về VAT – mặc dù cái tên gọi có vẻ khó hiểu – lại không phức tạp gì. Trò đèn kéo quân có thể tồn tại vì việc bán các hàng hóa ra nước ngoài giữa các hãng cùng đăng ký trong Liên minh sẽ chịu mức thuế 0%. Với một doanh nghiệp Ba Lan làm ăn nghiêm túc khi bán hàng cho đối tác ở Czech, họ hoàn toàn cảm thấy không băn khoăn gì khi xuất hóa đơn chỉ với giá netto, tức không có VAT. Người Czech trả tiền, nhận hàng và mang bán nó ở nước mình cho khách hàng trực tiếp hay gián tiếp, nhưng lần này sẽ phải đóng thuế.

Thế giới của những người chân thật hoạt động như vậy. Trong trường hợp không chân thật, hãng Ba Lan bán hàng không VAT cho một hãng chân gỗ của Czech. Lái xe do bọn tội phạm xắp xếp đóng hàng lên xe tải và đi từ Ba lan về phía Czech. Hãng Ba Lan sau đó nhận được một giấy chứng nhận (sau đó mới biết là giấy tờ giả mạo) là hàng đã chở đi nước láng giềng. Trong khi đó thì lái xe không đến địa điểm trên. Trước khi đến biên giới anh ta đánh xe vào đỗ tạm trong rừng, rồi bán chính số hàng này cho một hãng Ba Lan khác – lần này có tính VAT (vì giao dịch là trong nước, khác với giao dịch lúc mua).

Bây giờ nói thêm lần nữa để mọi người đều hiểu: anh lái xe không trung thục của chúng ta mua hàng với giá 100 zł, nhưng thay vì chở đi Czech, anh ta bán lại nó cho các hãng Ba Lan với giá 101 zł + VAT. Vậy lãi lời gì ở đây nhỉ? Là vì anh lái xe Ba Lan này không nộp VAT cho phòng thuế. Thế thì anh ta cũng chả cần bán hàng với giá 101 zł ở ví dụ này. Vì anh ta không trả thuế VAT cho sở thuế, anh ta có thể thản nhiên bán nó cho người mua, thấp hơn giá thị trường, ví dụ giá 90 zł. Và anh ta đút túi 90 zł + 23% VAT của giá này. Khi sở thuế phát hiện có gì khác lạ ở đây và cử nhân viên kiểm tra đến tìm lái xe, thì từ lâu anh ta đã biến khỏi nơi đậu xe rồi.

Các hãng giống như hãng chủ của xe tải trên được các chuyên gia chống tội phạm thuế gọi là người đóng thuế biến mất.

Ví dụ với lái xe tải nói trên chỉ là ví dụ hình tượng mà thôi. Trong thực tế thì „khu rừng", nơi mà bọn lừa đảo VAT quần thảo là toàn bộ lãnh thổ Ba Lan (và các nước khác trong UE), nơi mà các hãng „chân gỗ” tiến hành kinh doanh giả mạo.

Một nước trồng củ cải đỏ lại là nước xuất iPhone đứng thứ tư trên thế giới

Dù rằng cơ cấu của trò đèn kéo quân VAT đơn giản và thu gọn về jest missing trader (kẻ lừa đảo trả hàng theo giá netto, sau đó bán nó với giá có VAT và không đóng thuế) – nhưng các cơ quan điều tra trong nhiều năm không nhận thấy điều đã xảy ra trên. Tại sao vậy?

Đó là vì những hãng đệm (bufory). „Bufory” trong trò đèn kéo quân về VAT là các hãng giả mạo hoạt động hợp pháp. Chính các hãng này „làm dịu đi” hoạt động của các trò đèn kéo quân và làm chúng khó bị phát hiện. Một trò đèn kéo quân tốt về VAT không chỉ gồm các hãng chân gỗ bình thường. Như thế nó sẽ gây nghi ngờ cho người mua, nhất là khi do „người lái xe tải” đến chào hàng với giá cực rẻ. Do vậy bọn tội phạm đưa vào chuỗi giao dịch các hãng trông như đang hoạt động bình thường. Một phần của các hãng này, để tạo màn sương mù, có đăng ký bán VAT. Một số hãng vẫn nộp báo cáo tài chính hay có các giấy phép quan trọng của nhà nước. Chính các hãng này mua hàng của „người đóng thuế biến mất” và đẩy hàng đi tiếp– tới các hãng trung thực.

Một doanh nhân kinh doanh đồ điện tử kể cho chúng tôi: – Trong trò đèn kéo quân về VAT chỉ có chân gỗ hay hãng bình phong là phạm pháp. Tất cả phần còn lại kinh doanh bình thường. Từ năm 2012 bọn tội phạm VAT tập trung vào kinh doanh iPhone. Các điện thoại lậu thuế VAT lọt đến mọi nhà cung cấp điện thoại. Tôi có thể mạo hiểm nói là tất cả mọi người mua iPhone hồi ấy ít nhiều đều tham gia vào việc làm phạm pháp. Có một câu hỏi là: năm 2015 Ba Lan đã xuất đi bao nhiêu chiếc iPhone? Một triệu chiếc đấy. Một nước trồng củ cải đỏ lại là nước xuất iPhone đứng thứ tư trên thế giới. Thời đảng PiS cầm quyền các nhân viên của doanh nghiệp nhà nước Gas Trading đã đến hãng của tôi. Họ đến chào bán iPhone cho tôi. Những người trong nhóm ma-phia VAT đã lập hãng để mua hàng từ các chân gỗ và bán đi tiếp. Hãng do một người Ucrain đã chết một tháng trước đó ở Donieck làm chủ. Hay có thể còn theo một cách khác: một người đến gặp chủ nhân một hãng bán buôn chè, cả năm vật lộn mới có doanh số một triệu złoty với đề nghị: hãy bán các iPhone của tôi đắt hơn 5% ra nước ngoài. Ông đang bán chè không trả thuế VAT, rồi doanh số của ông ta tăng lên đến năm triệu, mọi người đều phấn khởi.

Sở thuế gõ cửa hãng Tauron

Đại diện của các „hãng bình phong” tìm mọi cách để giải thích cho người mua tại sao giá của họ lại rẻ hơn các hàng đang bán trên thị trường. Một trong các giải thích có thể làm yên lòng các đối tác muốn mua là hạn trả tiền ngắn trên hóa đơn. Các hãng bình phong đề nghị giá bán 90 zł thay vì 100 zł, nhưng với điều kiện chuyển tiền qua ngân hàng trong vòng ba ngày.

Một doanh nhân kinh doanh đồ điện tử kể: – 90% người buôn bán hoàn toàn tin là đấy là việc bình thường trong kinh doanh. Hàng được mua và bán với thời hạn trả rất ngắn hai ba ngày, trong khi bình thường thời hạn là 28 ngày. Cái đó có vẻ có lý vì giá cả hấp dẫn. Giá tốt hơn tức hạn trả phải ngắn. Rất dễ giải thích.

– Nhưng có những trường hợp để „giải thích” chỉ cần đặt một va ly tiền lên bàn. Hay cho đậu trước nhà người kia một chiếc xe ô tô sang – ông Jan Tokarski, chuyên gia của PwC nói. – Trong trường hợp này người mua không còn là doanh nhân bị lừa tham gia trò kéo quân về thuế mà đã thành đồng phạm.

Ông Tokarski tuy vậy nói thêm là phần lớn các hãng Ba Lan dính dáng đến hoạt động của trò kéo quân về thuế VAT đã không biết mình đã trở thành một bộ phận của chuỗi xếp tội phạm đó.

Ta hãy quay lại ông L., doanh nhân Đan Mạch. Ông ta xuất hiện ở Ba Lan vào năm 2013 và lập tức vào cuộc. Về danh nghĩa ông ta là đại diện của hãng Castor Energy, công ty TNHH chuyên kinh doanh năng lượng. Có thể chính Castor Energy đã là „bình phong” – để tách các hãng Ba Lan kinh doanh điện khỏi người đóng thuế biến mất kia. Đó là một hãng có tên là Commodity Trading Poland đăng ký ở Ba Lan. Theo công tố ở Katowice thì hãng này sau khi mua điện từ đối tác nước ngoài với giá netto đã bán nó ở Ba Lan kèm VAT, nhưng không nộp thuế.

Chuỗi giao dịch mà công tố theo dõi trông như sau: Commodity Trading Poland mua điện ở nước ngoài, sau đó bán nó cho hãng Santoni (do bọn tội phạm lập ra), hãng này bán tiếp cho Castor – một hãng trên giấy trông rất hoành tráng hơn các hãng trước – rồi hãng này bán cho Tauron và một hãng tư nhân là Fiten.

Tauron và Fiten bán tiếp điện mua của Castor ra nước ngoài – áp dụng mức VAT là 0% trong các giao dịch ấy. Cả Tauron lẫn Fiten, khi mua trả VAT và bán đi tiếp không có VAT, có thể đề nghị hoàn thuế. Sở thuế đã trả lại tiền thuế ấy. Doanh nghiệp nhà nước Tauron đã nhận khoản chuyển 52 triệu zł, hãng tư nhân Fiten – số tiền 38 triệu zł.

Khi vụ việc của L. bị lộ tẩy, sở thuế thay vì chuyển tiền đã gửi người đòi nợ đến cả hai hãng. Họ đòi trả lại số tiền trên 90 triệu zł.

Một cuộc điều tra quốc tế

Câu chuyện về sự sập đổ của trò kéo quân thuế của L. gợi cho ta cảnh sụp đổ của các quân đô-mi-nô. Đầu tiên là hãng Na Uy Castor Energy AS (nó gắn với hãng Castor của Ba Lan thông qua cũng một công dân Đan Mạch khác là Gunther Skarin, bạn của L., thành viên hội đồng quản trị của cả hai hãng). Theeo chúng tôi biết từ các điều tra của các đồng nghiệp Đan Mạch làm ở Dagbladet Information, thì các điều tra viên Na Uy, Ý, Ba Lan và Đan Mạch đã lật tẩy hãng Na Uy hãng Castor vào năm 2014. Đến giờ đã rõ là Castor ở Na Uy chính là công ty „mẹ đẻ” của các hãng chân gỗ còn lại (ngoài hãng Castor của Ba Lan còn có các Castor ở Czech, Ý và Anh). Qua công ty me (với trụ sở ở Oslo) nhóm điều khiển trò kéo quân về thuế đã rửa một số tiền khổng lồ. Giám đốc hãng Castor ở Na Uy (Gunther Skarin), đã bị phạt số tiền một triệu cu-ron (khoảng 400 nghìn zł), ông ta đã trả nó – sau đó chuồn đi Nam Phi RPA. Ông ta không bị giam vì theo các tổ chức truy nã Na Uy ông ta chỉ là chân gỗ. Từ đầu kẻ chủ mưu của hoạt động trên là ai đó khác.

Có một điều thú vị là sau khi vụ Castor bị lộ, chính quyền Đan Mạch và Ý đã làm các bước về luật để chống trò kéo quân về thuế trong lĩnh vực năng lượng – họ đưa ra thuế VAT ngược cho điện (odwrócony VAT). Nó là cái gì vậy? Thuế VAT ngược có nghĩa là người mua, chứ không phải người bán, có trách nhiệm đóng thuế. Nói một cách khác: trách nhiệm trả VAT được „đẩy” về cuối chuỗi giao dịch, do vậy sẽ khó thực hiện lậu hơn. Thuế VAT ngược trong một khối bất kỳ trong thực tế sẽ loại bỏ ma-phia VAT, bọn chúng sẽ phải chuyển sang khối kinh tế khác hay sang nước láng giềng, nơi luật lệ thuận lợi hơn.

Bởi vì chính việc phát hiện trò kéo quân thuế VAT không nhất thiết có nghĩa alf tẩy sạch hay làm rõ vụ việc. Trong trường hợp của Castor các nhân viên điều tra và chính quyền quản lý thuế đã tách ra hai vấn đề, trong đó mỗi vấn đề – với kịch bản bi quan – có thể bị kết thúc trong đường hầm không có lối thoát. Vấn đề thứ nhất là hạch toán và phạt những ai mua điện của các hãng bình phong. Vấn đề thứ hai: xác định xem ai là chủ mưu của toàn bộ vụ việc – và kéo nó ra chịu trách nhiệm, điều này thường như không thể làm được.

Chúng tôi đã hỏi đại diện củaTauron và Fiten, tại sao các hãng này mua điện của một hãng vô danh Castor Energy. Liệu có là vì giá họ cho thấp hơn giá thị trường? Nếu đúng thì thấp hơn bao nhiêu? Việc lập luận về kinh doanh cho các giao dịch ấy và việc bán tiếp điện đi nước ngoài là ra sao? Các đại diện của Tauron và Fiten đã kiểm tra độ tin cậy của đối tác của mình bằng cách nào?

Ai mua hàng của chân gỗ thì người ấy sẽ chịu thiệt hại

Tauron đã không trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Họ biện lý là các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra (một ở sở thuế và một ở Công tố Liên vùng Katowice). Chúng tôi tìm thấy quan điểm chính thức của Hội đồng quản trị hãng Taurontrong báo cáo tổng kết của công ty năm 2018. Nó như sau: „Kể đến toàn cảnh vụ việc và về tư pháp (...) liên quan đến quyền được hoàn VAT trong trường hợp vô tình tham gia vào trò kéo quân tội phạm trong trường hợp đã rất cẩn thận xem xét khi kiểm tra đối tác, (...), Công ty đã hoạt động Spółka działała w dobrej wierze và có quyền được hoàn thuế theo các chứng từ háo đơn mua điện của các đối tác (...)”.

Nói cho gọn lại: không có gì xảy ra cả, vì chúng ta đã hoàn thuế VAT đúng luật.

Hội đồng quản trị hãng Fiten ít kiệm lời hơn. Đại diện của hãng gửi cho chúng tôi bản tuyên bố: theo đó các cuộc thương lượng của họ với hãng Castor đã kéo dài hai tháng và trong thời gian này Fiten đã tiến hành cuộc kiểm tra „chi tiết và toàn diện” với hãng liên quan tới ông L.

Hội đồng quản trị hãng Fiten khẳng định là trước khi hạch toán giao dịch với Castor trong bản khai thuế VAT-7 họ đã hỏi sở thuế xem đối tác mới của họ có đăng ký trả VAT hay không. Sở thuế đã không nêu việc các giao dịch với Castor Energy có kèm theo việc mạo hiểm gì hay không. Thêm nữa là sau khi Fiten hạch toán các giao dịch với Castor ông giám đốc sở thuế còn đã hai lần kiểm tra xem có thể trả cho hãng này gần 40 triệu zł VAT hay không. Lần nào thì sở thuế cũng thừa nhận là được.

Khi các việc làm của L. bị lộ tẩy thì sở thuế đã thay đổi ý kiến. Từ năm năm nay họ điều tra hãng Fiten. Không biết là đến khi nào mới ra một quyết định. Từ năm 2016 Fiten chỉ là một xác chết biết đi – việc này gọi một cách văn vẻ là „hãng trong giai đoạn cải tổ”.

Một nhà phân tích ngành điện lực (muốn dấu tên): – Sở thuế biết là mình không có cơ hội lấy lại số tiền đã bị mất do những người đóng thuế mất tích trong các năm từ 2011-2015. Vì vậy họ túm các hãng đã mua hàng từ chân gỗ. Đây là cách thực sự đơn giản và là khả năng duy nhất để lấy lại số tiền VAT. Vậy các hãng này phải chứng minh là đã tin kiểm tra kỹ lưỡng đối tác khi giao dịch. Khi Sở thuế phán quyết bất lợi cho họ, họ có thể kiện ra tòa. Nhưng các phán quyết của tòa án Ba Lan về các vụ việc này thường khó đoán trước được– và trong nhiều trường hợp có lợi cho phía sở thuế.

Giới ma-phia tinh hoa

Làm sao mà hai hãng năng lượng lớn trên thị trường mà lại bị tên tội phạm Đan Mạch cho vào bẫy được? Nhà phân tích ngảnh điện lực nói: – Cái đó đơn giản thôi. Có ai đó đến chào hàng hấp dẫn, còn họ thì muốn bán ra nhiều hơn. Dễ hấp dẫn các người kinh doanh nếu bán càng nhiều hàng ra thị trường thì sẽ được thưởng mà. Còn vào năm 2013 hiểu biết của các doanh nghiệp Ba Lan về các gian lận trong lĩnh vực năng lượng là con số không.

Vậy từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014 Tauron đã làm ăn với ai?

Người có thể biết câu trả lời cho câu hỏi này là Gunther Skarin. Ông ta kể cho các nhà báo Đan Mạch qua Skype là đằng sau lưng Castor có „các nhà đầu tư cực lớn”. Ông ta khẳng định là ngay từ đầu họ đã tạo ấn tượng là những người trung thực. – Nếu mà tôi biết tôi sẽ chui vào đâu thì chẳng đời nào tôi nhận làm giám đốc theo đề nghị của họ cả!

Skarin đã nói chuyện với cảnh sát Na Uy vài lần. Từ họ ông ta biết là dấu ết của một số các giao dịch dẫn tới Dubaj. – Các ông chủ của tôi hoạt động rất chuyên nghiệp. Có các khoản tiền khổng lồ trong cuộc chơi. Do vậy tôi sợ tiết lộ tên của họ – Skarin nói với các phóng viên của Dagbladet Information.

Pedro Felicio Seixas, sếp phân ban chống tội phạm kinh tế của Europol đã giải thích khi điều trần ở Quốc hộ Châu Âu hôm 28-6-2018 là trong các cuộc điều tra liên quan đến ma-phia VAT rất ít khi ta đến được với các kẻ chủ mưu chính: – Chúng ta biết các nhóm đó là ai. Một số nhóm hoạt động liên tục từ hàng thập kỷ nay. Những người điều khiển họ đều làm việc từ xa. Họ không có mặt trên địa bàn châu Âu do vậy khó mà bắt được – ông ta nói.

Seixas đánh giá có đến 80% số tiền lấy được của người đóng thuế ở châu Âu lọt vào túi của nhóm hai phần trăm trong bọn tội phạm chiếm đoạt VAT đang hoạt động trên địa bàn Liên minh châu Âu. Đó alf nhóm tinh hoa của ma-phia, nó dành cho mình phần lớn của lợi nhuận từ các hoạt động bất hợp pháp. Việc buôn bán năng lượng điện và các chứng chỉ xanh cho chúng hiện là một trong các lĩnh vực kinh tế ưa thích nhất của chúng. Với các lừa đảo như thế họ không cần xe tải, giá kê, các thùng chứa đầy hàng đi quanh các kho và không bao giờ đụng chạm vào người tiêu dùng. Để bán điện, chỉ cần vài cú nhấn chuột, giấy phép và vài người bán hàng rất muốn có kết quả bán hàng cao.

Tôi chỉ đi tìm khách hàng

Một doanh nhân kinh doanh đồ điện tử: – CBA đã hỏi cung tôi về vấn đề chiếm dụng VAT. Họ cứ hỏi: ai là người chỉ huy? Cho đến lúc tôi cười: „Nếu mà có ai chỉ huy việc này thì cả các ông cũng sa lưới”. Vụ phòng thuế phong tỏa của tôi 120 triệu zł tiền VAT đã kéo dài đến năm thứ năm. Sở thuế phong tỏa số tiền, coi thường và bỏ ngoài tai các quyết định của tòa án WSA. Bây giờ họ có thể ra quyết định thuế cho mỗi một hãng, mà mãi sau năm năm nữa mới có khẳng định là quyết định ấy có lý hay không.

Các dấu vết của hãng Castor đưa đến Dubaj. Chúng tôi biết việc này không chỉ từ Skarin, mà cả từ các nguồn có kiến thức về vụ điều tra mà Cơ quan tình báo Mỹ FBI về vấn đề trò đèn kéo quân về thuế do những người Đan Mạch khởi động. Các nhân viên điều tra Mỹ đã hỏi cung một công dân Đan Mạch đang sống ở Mỹ về vụ này. – Những người chịu trách nhiệm về rửa tiền ở Oslo và về trò đèn kéo quân về thuế ở Ba Lan có liên quan đến chính Dubaj – một nguồn tin mà các đồng nghiệp của chúng tôi ở Dagbladet Information tiếp xúc khẳng định như vậy.

FBI không khẳng định gì về tin này với lý do giữ bí mật của cuộc điều tra.

Công tố ở Katowice tỏ ra nói nhiều hơn các nhà điều tra Mỹ. Họ đã gửi cho chúng tôi tuyên bố: cuộc điều tra bắt đầu từ tháng tư năm 2015 hiện chống lại tám người. Số đang bị giữ – ngoài L. – còn có một người nữa mà chúng tôi chưa biết danh tính.

L. không nhận tội. Ông ta khẳng định trách nhiệm duy nhất của mình trong các hãng năng lượng là tìm khách hàng.

Mà về công việc này thì ông ta quả là đã làm thật tốt.

Bài viết này là bài chung do kết quả việc cộng tác điều tra của Newsweek và 34 tòa soạn châu Âu khác trong khuôn khổ một dự án do báo Đức CORRECTIV điều phối. Chi tiết xem thêm trên trang www.grand-theft-europe.com

QV (https://www.msn.com/pl-pl/wiadomosci/opinie/mafia-vat-państwowy-tauron-duński-łącznik-i-śledztwo-fbi/ar-AAB0ySh?MSCC=1557210800&ocid=spartandhp&page=4#page=5)

Sửa lần cuối 2019-05-17 20:01:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook