2016-07-04 12:29:26

Hội thảo hướng nghiệp ở Ba Lan


Với mong muốn trợ giúp các bạn trẻ Việt Nam đang học tập tại Ba Lan tìm kiếm được nhiều cơ hội để đi thực tập và có được những công việc phù hợp với ngành học của mình sau khi tốt nghiệp và khuyến khích các bạn trẻ nhập học các trường đại học ở Ba Lan, vào ngày 03.07.2016, tại Vác-sa-va, Quỹ hỗ trợ người Việt Nam hội nhập tại Ba Lan  kết hợp cùng với GS TSKH Nguyễn Ngọc Thành và TS Đào Duy Tiến đã tổ chức buổi  Hội thảo hướng nghiệp dành cho HS, SV và NCS đang học tập và làm việc tại Ba Lan. Hội thảo đã diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ,  chương trình gồm những báo cáo thiết thực và bổ ích không chỉ cho giới trẻ mà còn cho cả các bậc phụ huynh đang sinh sống ở Ba Lan.

Đây cũng là một diễn đàn để các học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Ba Lan có thêm được những cơ hội  trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình đi tìm việc làm, khi chuẩn bị các CV, hoặc khi trả lời phỏng vấn với nhà tuyển dụng, những chủ việc làm trong tương lai. Tham dự báo cáo hoặc đến nghe hội thảo cũng đều là những điều rất có ích cho các bạn trẻ, để có thêm được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực diễn thuyết và tạo ra cho mình có được nhiều sự tự tin hơn trong bước đường  phấn đấu cho  nghiệp nói riêng và trong cuộc sống  nói chung ở nơi xa xứ.

TS Đào Duy Tiến


GS TSKH Nguyễn Ngọc Thành

Mở đầu buổi hội thảo, GS TSKH Nguyễn Ngọc Thành đã giới thiệu tóm tắt về tình hình nghề nghiệp, việc làm, lương bổng và các ngành đào tạo tại Ba Lan hiện nay. Theo như các thông tin của GS, hiện nay ở Ba Lan tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống rất nhiều, vậy đó là cơ hội tốt để tìm việc làm cho người Việt nói riêng và cho người dân Ba Lan nói chung. Như vậy là người Việt sẽ không phải chú trọng vào hai lĩnh vực kinh doanh chính ở Ba Lan là thương mại và ẩm thực, mà có thể tìm việc trong những ngành nghề khác. Nhiều cơ hội tìm việc làm nhất vẫn là Thủ đô Vác-sa-va và một số TP lớn khác như Wrocław và Kraków. Tương ứng, tỷ lệ người thất nghiệp ở những TP này là nhỏ nhất, chỉ khoảng 3-4% và mức lương trung bình của lao động đã đạt đến con số 4500-5000 zloty mỗi tháng. Về các ngành nghề cụ thể, nói chung ngành IT vẫn là đang cần nhất, với mức lương có thể đến 10 ngàn zloty mỗi tháng. Ngoài ra những ngành khác cũng có rất nhiều cơ hội như là các nhân viên bán hàng, nhân viên tiếp tân, các đại diện thương mại, kế toán, hoặc thậm chí những nhân viên phục vụ khách hàng qua điện thoại hay là bằng ngoại ngữ. Với sự phát triển rất nhanh của xã hội Ba Lan, lĩnh vực nhà băng vẫn mang lại rất nhiều cơ hội cho những người tìm việc làm.

Hiện nay các trường đại học ở Ba Lan đã có những thay đổi theo hướng tích cực và đã có những tiến bộ rõ rệt. Một số trường đại học Ba Lan đã được lọt vào các danh sách những trường có tiếng tăm trên thế giới. Họ đào tạo sinh viên theo nhu cầu cần việc làm trên thị trường. Họ đã có những hợp đồng ký với các công ty, tham gia những hội chợ việc làm, do vậy sinh viên của nhiều trường có rất nhiều điều kiện thuận lợi để có việc làm, ngay cả từ khi chưa tốt nghiệp. Trong các trường đại học đều có các tổ chức, các ban chuyên giúp sinh viên tìm việc làm.

Nói tóm lại, sinh viên ở các trường đại học Ba Lan luôn có rất nhiều cơ hội, nhưng mặc dù vậy, TS Grażyna Szymańska-Matusiewicz đã tóm tắt được một số nét khá đặc trưng của các phụ huynh người Việt ở Ba Lan: Cha mẹ thường muốn con mình học giỏi và tốt nghiệp các trường ở Mỹ, ở Anh, xem 2 điều này là niềm tự hào của gia đình. Ngoài ra, họ không tin tưởng vào môi trường đào tạo và làm việc tại Ba Lan. Họ coi môi trường này kém hơn nhiều so với các nước phương Tây. Hơn nữa, tuy đã và đang ở Ba Lan một thời gian khá dài, nhưng trong thâm tâm không nghĩ sẽ xem Ba Lan là nơi mình sẽ định cư lâu dài. Trong khi đó, với các bằng đại học Ba Lan, các bạn trẻ luôn có nhiều cơ hội không chỉ trong Ba Lan, khắp Châu Âu, mà trên toàn thế giới, vì chưa thấy nơi nào coi thường các ngành đào tạo ở Ba Lan. Người Ba Lan di cư sang các nước khác đều có thể kiếm đươc việc làm thích hợp cho bản thân.


 Lê Mai Nguyễn-Zaniewska

Phần tiếp theo trong chương trình Hội thảo là các bài báo cáo của giới trẻ. Thạc sỹ Lê Mai Nguyễn-Zaniewska, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Vác-sa-va đã nói về tầm quan trọng của một công việc tốt, về cách tư duy phát triển, về những sự ham muốn, những niềm đam mê và sự kiên trì của mỗi cá nhân và tất nhiên là làm thế nào để có được thành công trong cuộc sống. Thành công của mỗi cá nhân không chỉ là một vài điểm số hay một vài tấm bằng cụ thể, mà là cả một quá trình dài trong bước đường đời. Hy vọng là cac bạn trẻ sẽ luôn coi thành công của người khác là một tấm gương cho bản thân để nỗ lực phấn đấu, chứ không phải là sự thất bại (hay là niềm ghen tỵ) của mình. Tất nhiên, để có được điều đó, cần phải luôn cố gắng, chứ không nhanh chóng nản chí bỏ cuộc, nhất là khi chúng ta không được sinh sống ở quê hương mình, nơi chỉ cần sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, mà đang sinh sống ở đất khách quê người, khi phải học thêm nhiều ngoại ngữ khác.


 Nguyễn Ngọc Trung

Thạc sỹ Kỹ sư Nguyễn Ngọc Trung, đến từ công ty Credit Suisse (Wrocław) đã chia sẽ về những điều cần lưu ý khi tìm việc và khi đi trả lời phỏng vấn. Đó là cần biết chuẩn bị kỹ về việc là nhà tuyển việc đang chờ đợi gì ở bạn, bạn cần tìm thông tin tuyển dụng ở đâu, viết CV như thế nào và ứng xử ra sao khi gặp những câu hỏi khó. Nói chung người ta thường tuyển những người đã có kinh nghiệm, mà sinh viên thường có được khi cố gắng tìm cách thường xuyên đi thực tập hay làm việc thêm ngay từ lúc còn đang học. Một điều rất quan trọng là các bạn trẻ nên tạo cho mình có được tính tự tin về bản thân, để ứng xử tốt khi đi trả lời phỏng vấn. Do vậy các bạn sinh viên nên tìm cách đi thực tập, thậm chí không được trả lương, để có thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, nên tham gia các tổ chức và các CLB sinh viên ở các trường của mình, để tích lũy thêm được nhiều kỹ năng ứng xử, mà rất cần thiết trong cuộc sống. Tất nhiên, kiến thức chuyên môn vẫn là điều quan trọng nhất, nhưng cũng nên chú trọng vào nhiều vấn đề khác nữa.

 Dương Hương Thảo

Tiêp theo, bạn Dương Hương Thảo, công ty Mercer (Vác-sa-va) cũng đã chia sẻ thêm về kinh nghiệm tìm việc làm của mình, khi muốn làm trong một công ty lớn của Ba Lan, với khá nhiều “đối thủ” tìm việc làm khác mà bạn ấy đã vượt qua. Người ta đã đánh giá tốt được nỗ lực của bạn này, khi đã phải cố gắng học tốt tiếng Ba Lan, ngoài tiếng Anh. Trong khi phỏng vấn, thường có những câu hỏi “lạ”, quan trọng là không nên trả lời ngay “tôi không biết”, mà phải có cách trả lời thật khôn khéo, khi câu hỏi có đáp án khó. Thường là qua đó, người ta muốn biết kỹ năng ứng xử của mỗi cá nhân.


Trần Trọng Kiên

Kỹ sư Trần Trọng Kiên, công ty HP (Wrocław) dù cón rất trẻ, nhưng cũng có rất nhiều kinh nghiệm, vì đã từng làm việc ở Credit Suisse Wrocław một thời gian với cương vị nhà phân tích trị trường, rồi đã chuyển sang làm ở công ty HP với cương vị quản lý vốn, tiền tệ và đầu tư. Kỹ sư chia sẻ cho các bạn trẻ là luôn phải có tầm nhìn, phải biết là mình muốn gì và mình luôn phải nỗ lực, khi có thiệt thòi là phải cố gắng học thật tốt ngôn ngữ của người bản xứ (mà họ có sẵn kỹ năng này). Khi viết CV, cần chỉ ra những ưu điểm và thành tích của bản thân, không chỉ về kiến thức chuyên môn, mà còn về những nỗ lực tham gia các tổ chức và sự kiện khác khi còn ngồi trên ghế nhà trường, như là tổ chức AIESEC, sự kiện TEDxWrocław, Istudentpress, v.v... Ngoài ra, cần phải tạo ra cho mình co một sự khác biệt, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức trong các trang mạng hay trong các tạp chí chuyên ngành, phải nỗ lực làm việc thêm giờ, để có thể thăng tiến nhanh.

Võ Việt Phương 

Thạc sỹ Việt Phương Võ, công ty  Samsung R&D Institute Poland  (Vác-sa-va) cũng đã chia sẻ thêm về kinh nghiệm tìm việc làm của mình, nói về sự kiên trì và sự tự tin khi xin việc trong một Viện lớn ở Ba Lan và cũng đã chứng minh được là người Việt có thể cạnh tranh được không chỉ với các bạn Ba Lan (người bản xứ), mà còn với người Hàn Quốc và các bạn quốc tế khác. Để có được như vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, cần phải tìm hiểu kỹ vể nơi muốn tuyển mình vào làm việc và phải cho họ biết là mình có thể mang lại gì cho họ.

Đỗ Thị Kiều Vân

Cuối cùng là bài báo cáo của Đỗ Thị Kiều Vân, người đã tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Wrocław, hiện đang làm  công ty Getsix, một công ty kế toán lớn ở Wrocław. Thạc sỹ Vân nói về quyền lợi và nghĩa vụ của người nước ngoài khi thực tập và làm việc ở Ba Lan, đặc biệt là làm thế nào để xin thẻ cư trú dễ dàng hơn khi kết thúc đại học. Về phần này, có lẽ các bạn sinh viên cũng đã biết là hiện nay Ba Lan đang tạo nhiều điều kiện cho những người có trình độ tay nghề cao, thí dụ như là sau khi ra trường, có thể được cấp thẻ cư trú 1 năm, trong thời gian tìm việc làm.

GS TSKH Nguyễn Hùng Sơn (bên phải)

Ngoài ra, một số phụ huynh cũng đã chia sẻ thêm một số kinh nghiệm với các bạn trẻ. GS Nguyễn Hùng Sơn (ĐHTH Vác-sa-va) đã có ý kiến là không chỉ cần tìm việc làm ở các công ty lớn, mà Ba Lan cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các chương trình start-up, do vậy các bạn trẻ cũng nên mạnh dạn tìm được hướng khởi nghiệp cho mình ở Ba Lan. Thạc sỹ Vũ Thị Bích Ngọc, với cương vị là phía cung cấp việc làm, đã chia sẻ cho các bạn trẻ biết là nên ăn mặc và ứng xử như thế nào khi đi trả lời phỏng vấn. Một số phụ huynh khác đại diện cho Hội người Việt, Hội Phụ nữ v.v... cũng đã có ý kiến, nói về tầm quan trọng của những buổi hội thảo hướng nghiệp cho sinh viên, vì là phụ huynh, ai cũng muốn con cháu mình có được thêm nhiều kinh nghiệm tốt nhất trong tương lai.

Hy vọng là mặc dù mới thành lập đươc 1 năm, khi nguồn tài chính còn rất ít ỏi, Quỹ hỗ trợ người Việt Nam hội nhập tại Ba Lan sẽ luôn nhận được những sự hỗ trợ trong cộng đồng, để không dừng lại ở một vài buổi hội thảo, mà còn tiếp tục kết hợp với các tổ chức hội đoàn khác của người Việt cũng như của Ba Lan, để làm thêm được nhiều công việc bổ ích hơn nữa cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan, trong quá trình hội nhập ở Ba Lan nói riêng và trong cuộc sống nói chung.

 Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2016-07-04 10:34:15

Bình luận

Bình luận qua Facebook