2016-09-09 20:10:20

Bài phỏng vấn ông Stanisław Broniarz, chủ tịch Hội Nhà giáo Ba Lan (S.B/ ZNP) của nhà báo Onet.pl, Piotr Halicki (P.H/Onet)


Ông Stanisław Broniarz, chủ tịch Hội Nhà giáo Ba Lan


P.H/Onet: Người này lập ra trường cấp 2 (gimnazjum), người khác lại bỏ. Bắt trẻ 6 tuổi đi học, sau đó người khác lại bỏ quyết định này. Đồng phục quay trở lại các trường để sau đó ít lâu lại thôi. Tôi có cảm giác là mỗi nhóm lên cầm quyền đều muốn để lại dấu ấn của mình trong nền giáo dục Ba Lan, nhưng chủ yếu là xóa bỏ đi các thay đổi của chính quyền trước mình mà thôi. Theo ông liệu chính trị có can thiệp quá sâu vào giáo dục?

S.B/ ZNP: Mỗi bộ trưởng bộ Giáo dục khi lên đều có đặc điểm là mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (bệnh ADHD) theo kiểu „lãnh đạo”. Bằng mọi giá họ muốn làm một cái gì đó. Đôi khi họ làm lấy được, có phải đi ngược chiều cũng mặc, và có lúc như bây giờ - họ sổ toẹt tất cả, đây đúng là một cuộc đảo chính về giáo dục. Chỉ có cái là làm thế để làm gì? Giáo dục là một lĩnh vực của cuộc sống xã hội trong đó cần có một cái gì đó chắc chắn ở phía trước (przewidywalność).

Vì vậy về mặt nguyên tắc cần loại bỏ tất cả các hoạt động thiếu suy nghĩ hoặc do lịch hoạt động chính trị, từ sự cố chấp về chính trị hay từ việc có ai đó cảm thấy mình là chúa trời và bỗng nhiên chả cần biết tại sao, cứ làm cách mạng cái đã. Trong khi một trong các điểm cơ bản trong giáo dục là cần có lòng tin vào người đứng trước mình, tức là lòng tin vào giáo viên. Nếu đứa bé vào học lớp 1 phổ thông cơ sở và cô giáo nói với nó là quả đất phẳng do bốn ông khổng lồ khiêng thì lúc nó về nhà và nếu mẹ nó có định thuyết phục nó là có cái ông Cô-pec-nic nào đó đã phát hiện ra là quả đất tròn, thì thế nào cháu cũng phản đối tới cùng vì „cô giáo con nói thế ".

P.H/Onet: Ông muốn ám chỉ là các chính trị gia đang phá hoại cái lòng tin đó đối với các giáo viên ư…

S.B/ ZNP: Nếu như bộ trưởng đến và làm một cuộc cách mạng thì người thực hiện các hoạt động ấy sẽ là người giáo viên, cho dù các hoạt động ấy có được chuẩn bị tốt hay tồi, dù nó có được suy nghĩ chín chắn hay không. Và chính giáo viên phải đứng trước bọn trẻ, trước phụ huynh và nói: hôm nay chúng ta bắt đầu năm học cuối cùng mà các trường gimnazjum hoạt động. Sau các cuộc bầu cử khác, lại người tiếp theo đến và bảo: "Các vị lãnh đạo trước đã sai lầm, chúng ta sẽ học theo hệ thống mới". Trong khi cái cần nhất trong giáo dục chính là cái thuộc tính dự báo trước được kia, một nhóm các động tác, các hành động mà có thể gọi là một loại các hoạt động truyền thống, hoạt động tốt, dĩ nhiên phải loại đi ở đây sự lười biếng và trì trệ, vì trong giáo dục cái ấy không nên có, nhưng nó làm đứa trẻ khi bước vào lớp một biết là sau 12 năm nữa nó sẽ tốt nghiệp trường này hay trường kia, và không bao giờ giữa nửa con đường học hành của mình, nó lại phải chịu một sự thay đổi hoàn toàn hệ thống giáo dục cả.

P.H/Onet: Vậy có nghĩa là chính đứa trẻ thiệt thòi nhất trong các đổi thay về giáo dục do chính trị như vậy?

S.B/ ZNP: Tôi thì nghĩ rằng tất cả chúng ta đều bị thiệt thòi, toàn xã hội mất mát vì sự phá bỏ lòng tin vào hệ thống giáo dục đó, nó là một phần của sự tồn tại xã hội. Tất nhiên là khi giải thích người ta đều nói là làm thế để tốt cho trẻ, vì trí tuệ của trẻ, cách giáo dục trẻ và nó trở thành công cụ chính trị trong tay những người cầm quyền muốn tác động theo cách của mình đến học sinh, đến cha mẹ thông qua giáo viên.

P.H/Onet: Nghĩa là trường học Ba Lan bị chính trị hóa?

S.B/ ZNP: Bà bộ trưởng giáo dục nói chúng ta phải loại trẻ 6 tuổi khỏi trường học vì người ta lấy được hơn một triệu chữ ký ủng hộ việc này, sau đó lại giả thích rằng chúng ta phải bỏ các trường gimnazjum vì một số hiệu trưởng các trường đại học nói là trình độ dạy học ở phổ thông trung học kém, như thế chỉ hành động theo cảm tính mà không trên cơ sở của các sự kiện cụ thể. Cho dù ai đó có thể nói cụ thể ở đây là có một triệu chữ ký. Nhưng nhà chính trị phải có phẩm chất là có thể nói chữ „không” ngay cả với đa số - khi có vấn đề gì thực sự phục vụ cho trẻ em và sự phát triển của nó. Và nói không ngay cả với năm triệu chữ ký.

P.H/Onet: Vào tháng 11 năm ngoái ông có bình luận các dự định của bà bộ trưởng Zalewska như thế này: "Các xáo động, mà chủ yếu là sự quá vội vàng quyết định trẻ 6 tuổi không cần phải đến trường chứng tỏ các tham vọng chính trị được xếp lên trên những vấn đề phương pháp luận và kinh tế ". Nghĩa là việc bỏ bắt trẻ 6 tuổi đi học thực sự là tham vọng chính trị?

S.B/ ZNP: Tôi giữ nguyên ý kiến này. Đây thực sự là mị dân và hành động dưới lăng kính của thăm dò dư luận và sức ép của một nhóm người, mà đứng đầu ở một thời điểm chính là cái quỹ của ông bà Elbanowscy sáng lập. Những người này cũng chính do sự coi thường của các đời bộ trưởng kế tiếp nhau kể từ bà Katarzyna Hall, đến bà Krystyna Szumilas, rồi bà Joanna Kluzik-Rostkowska „nuôi dưỡng”. Chính ở chỗ này phải cần dùng một lý lẽ về phương pháp luận mạnh mẽ là việc bắt trẻ 6 tuổi đến trường là tốt cho trẻ, phục vụ cho việc phát triển trí tuệ của chúng, vì rằng giữa tuổi lên 3 và lên 5 trẻ hấp thụ mọi thứ xảy ra quanh chúng. Và phải tận dụng điều này. Có thể đạt được điều đó bằng cách phổ cập giáo dục trước tuổi đến trường. Nó tạo cơ sở cho việc trẻ em 5 tuổi phải đi học lớp vỡ lòng (zerówka), và lúc lên 6 chúng phải đến trường. Công việc và trách nhiệm của các nhà chính trị là phải thuyết phục các bậc cha mẹ về điều này. Chỉ có điều là các cha mẹ đã cư xử hợp lý hơn các chính trị gia rất nhiều.

P.H/Onet: Ông muốn nói gì qua câu này?

S.B/ ZNP: Các cha mẹ có con ở nhà trẻ sẽ cảm thấy mình bớt trách nhiệm với trường học đòi hỏi trẻ phải làm bài tập về nhà. Họ biết việc gì sẽ xảy ra với trẻ lúc 13h, khi hết ca một. Đến tận 17h họ yên tâm về con vì biết có người trông nó ở nhà trẻ, cho ăn, ngủ... Những người có quyền từ bộ trưởng đến chính quyền phải trả lời cho các lo ngại này của cha mẹ trẻ em. Họ thiếu sự tưởng tượng này và đảm bảo cho phụ huynh là sẽ tổ chức phòng trông trẻ sau giờ học ở các nơi không có (thường trong thực tế chỉ cần thuê thêm hai giáo viên), đảm bảo là các trẻ 6 tuổi cũng được trông coi như trẻ lên 7-14 tuổi, rồi đảm bảo sẽ tổ chức nhà ăn nơi trẻ có thể ăn bữa trưa nóng chứ không phải chỉ đặt mua suất ăn sẵn mang tới (catering) trong hộp xốp, không phải chỉ có các cửa hàng nhỏ và bán bánh ngọt làm bằng men (bułki drożdżowe).

Bằng cách như vậy họ sẽ bác bỏ được các lập luận là trường học chưa được chuẩn bị đầy đủ. Vì về mặt hình thức, báo cáo của Viện Kiểm sát Tối cao (Najwyższa Izba Kontroli) trước Ủy ban Giáo dục và ý kiến về việc các trường đã sẵn sàng chưa do chính bà bộ trưởng Zalewska đã khẳng định là các trường đã sẵn sàng.

P.H/Onet: Thế có nghĩa đó là lỗi của chính quyền cũ khi đưa ra cải cách này? Tại sao phụ huynh lo ngại khi cho con đến trường?

S.B/ ZNP: Họ thiếu sự mong muốn, kém hình dung, thiếu một cách nhìn khách quan để làm thế nào giúp phụ huynh và trả lời cho các vấn đề phụ huynh đưa ra. Thiếu sự thảo luận với phụ huynh về việc trẻ sẽ phát triển tốt hơn, có một sự khởi đầu tốt hơn, có các điều kiện tốt hơn trong việc tạo công bằng về cơ hội cho học sinh. Đó là một cuộc tranh luận về phương pháp, trong khi phụ huynh thì chỉ theo cảm tính. Và phải trả lời cho các câu hỏi đó. Vì nếu thủ tướng Tusk đã tiếp ông bà Elbanowscy trong hai tiếng thì phải có một kết quả cụ thể nào đó, thế mà xong lại không có gì. Họ thiếu sự đồng cảm với các bậc cha mẹ.

Cũng cần mở rộng thêm lớp mẫu giáo (przedszkola) cho trẻ lên ba, tạo các điều kiện để giáo dục được đánh giá cao, là cần thiết và mọi người thấy đây là một nhân tố có tác dụng trong việc phát triển của trẻ em. Đồng thời, cần nhấn mạnh là việc bỏ bắt trẻ 6 tuổi đến trường là một quyết định sai lầm. Ê kíp nắm quyền bây giờ chọn lối đi ít bị phản đối nhất: thôi không bắt trẻ 6 tuổi đi học vì đó là nhu cầu của phụ huynh.

P.H/Onet: Còn trong lúc khi trẻ 6 tuổi phải đến trường, học sinh 6 tuổi có gặp vấn đề gì không?

S.B/ ZNP: Chúng không có vấn đề gì. Như hệt mỗi đứa trẻ đến trường và ở đó có các điều kiện về giáo dục và xã hội thích hợp. Tất nhiên cũng có các cháu đã lên 7 nhưng cũng gặp vấn đề ở trường. Ngược lại nói rằng trẻ lên 6 chưa phù hợp, chưa có chuẩn bị để đến trường là lý lẽ không chính xác và không đúng. Theo mức trung bình của dân cư, hoàn toàn cho chúng ta có quyền để trẻ 6 tuổi đi học. Còn một vấn đề nữa mà giáo sư Pilch đưa ra – với một số trẻ em ở các vùng như Warmia, Mazury, Podkarpacie, Lubuskie, Zachodniopomorskie, việc đi học ở tuổi lên 6 là cơ hội cho chúng được nghe các từ như "cám ơn" hay "chào", và được ăn một bữa nóng… họ đã tước đi cơ hội này của chúng.

P.H/Onet: Bây giờ chúng ta chuyển sang vấn đề tahy đổi tranh cãi khác dự kiến làm vào thời điểm sắp tới, đó là việc bỏ các trường gimnazjum. Khi trả lời cho vấn đề này, Hội nhà giáo Ba Lan (ZNP) đã viết quan điểm của mình là việc này "phá hoại thành quả của nhà trường Ba Lan, của các giáo viên và học sinh cũng như phá hoại hệ thống giáo dục "…

S.B/ ZNP: Đúng vậy. Không có bất cứ một lý do hay nghiên cứu xác đáng nào chứng tỏ các trường gimnazjum không thành công.

P.H/Onet: Vậy liệu có nghiên cứu nào hay chứng cớ nào nói rằng ít nhất các trường này hoạt động tốt không?

S.B/ ZNP: Tất nhiên là có rồi. Ví dụ như báo cáo của Viện Nghiên cứu giáo dục (Instytut Badań Edukacyjnych) đã chứng minh rõ là các trường gimnazjum thành công. Cũng có điểm số cao về việc hoạt động của hệ thống giáo dục Ba Lan theo ý kiến của tổ chức OECD (Tổ chức quốc tế về hợp tác và phát triển- Organization for Economic Cooperation and Development). Chỉ cần hỏi ý kiến ông cựu thứ trưởng bộ giáo dục Maciej Jakubowski, một con người trẻ tuổi, có một quá khứ trong sáng, ông ta đã nói rõ là các trường gimnazjum tự chứng tỏ tốt do kết quả của mình và nên được giữ lại.

P.H/Onet: Thế nhưng khi người ta đưa ra tổ chức gimnazjum cũng có các lý lẽ phản đối là đây là một giải pháp tồi và sẽ không thành công. Cũng đã có phản đối, có đơn, rồi chính Hội nhà giáo Ba Lan ZNP cũng không ủng hộ...

S.B/ ZNP: Đúng, khi đó chúng tôi cũng nghi ngại nhưng tôi xin nhắc lại là hội chúng tôi không phản đối việc tổ chức, chúng tôi chỉ nói thế này: đầu tiên phải chuẩn bị chương trình học, chúng ta hãy thay đổi việc đào tạo giáo viên, ta hãy xem điều gì đang xảy ra trên thị trường giáo dục và xem chúng ta đã sẵn sàng đưa gimnazjum ra chưa. Nếu chúng ta có đủ cán bộ, cơ sở, chương trình thì chúng ta tổ chức. Còn khi đó chúng ta chưa sẵn sàng.

Gimnazjum khi ấy đã hình thành trên cơ sở thử nghiệm và đã thành công chính nhờ các giáo viên. Và nó đã phát triển nhanh. Nay nhờ nó mà Ba Lan từ năm 2011 đã tham gia đều đặn vào các cuộc gặp mặt thượng đỉnh dành cho các giáo viên, do OECD mời đại diện giáo dục của mười mấy nước trên thế giới đạt kết quả cao. Ba Lan được nêu như tấm gương tuyệt vời về bước nhẩy trong giáo dục sau năm 2000. Thế hệ trẻ của chúng ta trong các lần tham gia đánh giá liên tiếp đạt mức cao hơn mức trung bình của toàn Liên minh Châu Âu về mặt khả năng.

Còn bà bộ trưởng giờ nói „không” vì chúng ta có những người tốt nghiệp trình độ kém theo lời các ông hiệu trưởng một số trường đại học. Chỉ có điều là 20 năm trước đây mới có 400 nghìn sinh viên, và để vào đại học phải thi kết quả cao. Giờ thì chúng ta có 1,5 triệu sinh viên, nhưng một phần trong số đó vào học các trường đại học vô danh ở các nơi khó tìm trên bản đồ, cũng học ba năm và nhiệm vụ duy nhất là đóng tiền học đều đặn chư không phải đánh giá kiến thức để có bằng cử nhân. Thế là theo mô hình đại học châu Âu (boloński) họ đã có trình độ đại học, nhưng trong thực tế thì họ không có đủ tầm kiến thức để có thể được gọi là người đã tốt nghiệp đại học.

P.H/Onet: Hội nhà giáo Ba Lan ZNP cũng khẳng định là việc bỏ các trường gimnazjum sẽ gây ra một sự rối loạn. Sao vậy?

S.B/ ZNP: Năm nay trẻ vào lớp 1 hôm 1/9 thì trong vòng 12 năm tuổi học trò của mình sẽ có cơ hội tham gia ít nhất vào hai mô hình giáo dục. Vì có thể các nhà sẽ lên cầm quyền tiếp theo lại thay đổi nó. Học sinh năm nay vào gimnazjum biết đây là năm học cuối cùng và sẽ phải suy nghĩ: điều gì sẽ xảy ra nếu mình không đỗ, lại về lớp 7 hay thế nào nhỉ? Người tốt nghiệp lớp ba gimnazjum sẽ vào PTTH (liceum) và năm học này cũng là năm thử nghiệm. Ta sẽ có một sự hỗn loạn ở ba mức.

Thứ nhất: rối loạn về mặt cấu trúc vì chúng ta bỏ đi một mắt xích cơ bản của giáo dục là trường gimnazjum, rồi lại tạo ta các loại trường mới – trường ngành cấp I và II, nơi thi tốt nghiệp PTTH trình độ kém hơn. Thứ hai: sẽ có rối loạn về chương trình, vì nói thật chúng tôi không biết sẽ phải dậy gì trong khi sách giáo khoa đã phải có rồi và học sinh phải được biết nó cần kiến thức gì khi thi tốt nghiệp PTTH. Vấn đề thứ ba là sự dao động trên thị trường việc làm. Và chúng ta bước vào năm học mới với một điều không biết rất lớn, điều này càng mạnh lên do sự không làm cái việc cần làm, sự thiếu quan tâm hay không có các hoạt động thích hợp về mặt hình thức từ phía bộ giáo dục.

P.H/Onet: Thế có nghĩa là khi học sinh đến trường, họ sẽ phải lo lắng về tương lai của mình?

S.B/ ZNP: May là nguồn mạnh nhất của hệ thống giáo dục Ba Lan là giáo viên và họ sẽ làm tất cả để các xáo động nói trên không ảnh hưởng đến trẻ, nhưng đứa trẻ có quyền lo về cái chờ nó. Nếu học sinh sẽ đi học trường ngành bậc II, cách dùng từ như vậy có thể có ý nghĩa với bà bộ trưởng vì với bà thì trường ngành hay hơn trường nghề, đấy là vấn đề sở thích của mỗi người thôi, sau đó ví dụ vào học ở ĐH nghề quốc gia (Państwowa Wyższa Szkoła Zawodowa ở Skierniewice), tốt nghiệp nó rồi muốn vào họ ở ĐH Bách khoa, để trở thành thạc sỹ. Và bỗng nhiên nghe tin là mình phải quay lại cấp 3 cho những người đang đi làm, để thi tốt nghiệp "thực sự" PTTH.

Như vậy học sinh đó có thể cảm thấy không yên tâm một chút. Cũng giống những học sinh đến trường vào lớp ba hay bốn cũng sẽ không biết mình có học hết lớp bảy và tám tại chính trường đang vào không, hay lại có một bộ trưởng mới lên lại dùng họ làm vật thí nghiệm. Tôi hơi lạ là phụ huynh giờ cũng vẫn dửng dưng vì họ chẳng biết mình đang gửi con cái quý báu của mình đến loại trường nào lúc này. Họ không biết sau 12 năm học thì con mình vào đâu, thi tốt nghiệp PTTH ra sao, thi gì và học bằng sách nào.

P.H/Onet: Nghe nói là các thay đổi sẽ không chỉ về cấu trúc và tổ chức học tập mà còn có cả ở chương trình dạy. Ông có lo ngại là sẽ có thay đổi, dù chỉ trong sách giáo khoa lịch sử hay không?

S.B/ ZNP: Đảng Platforma khi đưa ra sách giáo khoa của chính phủ cũng đã tạo môi trường cho mọi người tham gia. Còn nếu chúng ta giờ đi vào hướng trung ương hóa, mà có lẽ sẽ như vậy, thì chúng ta chỉ có một chương trình, có một cuốn sách giáo khoa, chỉ có một cách hiểu các sự kiện lịch sử và một mô hình giáo dục mà thôi. Theo như tôi nghe bà bộ trưởng nói và quan sát những gì đang xảy ra, thì cái văn hóa đơn phương như vậy trong lĩnh vực này đối với tôi là không thể chấp nhận. Vì bằng cách này ta sẽ giết chết tính độc lập, sự sáng tạo của giáo viên, lấy đi ở anh ta niềm say mê tạo ra các chương trình giảng dạy của mình, sự tìm tòi các cách khác để hình thành kiến thức cho học sinh, cả cái cuốn sách giáo khoa duy nhất mà học sinh có miễn phí và có trách nhiệm học nó trong vòng ba năm không làm được điều đó. Đây là một yếu tố mang tính phá hoại.

P.H/Onet: Ông đang nói về việc giết chết tính sáng tạo của giáo viên. Thế liệu cái đó cũng giết tính sáng tạo của học sinh, làm học sinh mất đi khả năng phân tích, giải thích không?

S.B/ ZNP: Nếu nói về các môn xã hội, như tiếng Ba Lan chẳng hạn, thì tôi đã nghe lời bà bộ trưởng nói, là đứa trẻ biết văn học Ba Lan sẽ cảm thấy an toàn trong thế giới hiện đại. Đồng ý, chỉ có câu hỏi sau chưa có câu trả lời, vậy cách chọn trong văn học đó ra sao và các giá trị văn học gì sẽ được ưu tiên. Nếu ta đi vào các nội dung dân tộc chủ nghĩa và cách chọn các sách đọc đi theo hướng đó thì tôi không cho đó là hướng đi đúng. Nếu như cái môn lịch sử, là „người thầy của cuộc sống”, sẽ được lợi dụng như một bộ phận của học thuyết chính trị và chúng ta có liên quan tới việc minh họa các sự kiện lịch sử có lợi cho nhà cầm quyền, thế thì chúng ta sẽ trở lại với Bareja, phim "Miś" của ông ta, tới các chân lý tạm thời và chân lý của màn ảnh thôi. Trẻ em sẽ học được một thứ gì khác ở nhà trường, và nghe thấy khác ở nhà. Và việc này – ở đây chúng ta lại quay trở lại điểm xuất phát – nó sẽ làm mất lòng tin của trẻ và gia đình đối với nhà trường.

P.H/Onet: Mới đây có tin là một trường ở Milanówek tổ chức một lớp chuyên về dân tộc -toán. Một trong các lý do tổ chức lớp này là để tăng mức an toàn cho trẻ em, trong đó có lý do là do ở gần trường có một trung tâm dành cho người nhập cư. Ông đánh giá sáng kiến này thế nào?

S.B/ ZNP: Trẻ em sẽ cảm thấy an toàn khi nó biết chắc là đi học thì nó sẽ có việc làm, nó được chuẩn bị thích hợp để vào đời, nó biết ngoại ngữ và trong tương lai nó sẽ được người thuê làm thích. Còn việc nó đang đọc các tác phẩm như „Những người nông dân” và „Trên bờ sông Niemno” (Nad Niemnem), chắc không hại gì cho nó, làm nó mở mang trí tuệ, nhưng chắc chắn sẽ không quyết định đến việc người ta có tìm thuê nó làm sau này hay không.

Cũng đang có phổ biến các trường và lớp chuyên về quân sự, tôi cũng không phản đối gì việc tổ chức nó, vì cũng có nhu cầu cần những người tốt nghiệp các trường ấy, ví dụ như cảnh sát và quân đội. Tôi không thấy ở đó có gì xấu cả. Chỉ có câu hỏi này, liệu chúng ta có biến các đứa trẻ ở đó thành những người dân tộc chủ nghĩa, hay có thái độ thù địch với người nước ngoài không, khi nói với chúng sẽ dùng gậy, theo gương những người khởi nghĩa bé nhỏ, đánh đuổi những người nhập cư, hay ở đó học sinh được đào tạo có phương pháp để làm nghĩa vụ quân sự. Nếu ở đó đi theo hướng thứ hai thì tôi ủng hộ.

P.H/Onet: Liệu các thay đổi nhiều trong hệ thống giáo dục Ba Lan sẽ bằng cách nào đó ảnh hưởng đến trình độ dạy và trình độ kiến thức và năng lực của học sinh hay không?

S.B/ ZNP: Cái này thì thực ra chúng ta sẽ biết chỉ sau 5, 6 năm từ khi đưa ra. Giáo dục đang luôn luôn thay đổi quá nhiều. Ông đã di học trường khác, cha mẹ ông đến trường khác và giờ con cái ông lại đến trường khác nữa. Tôi không nói là trường cần phải đứng trì trệ ở một chỗ. Vấn đề là ở chỗ tần số thay đổi quá lớn – tôi xin nhắc lại một lần nữa – sẽ phá hủy lòng tin vào giáo dục. Tôi chỉ mơ ước, là có thể hoạch định, thực hiện, sau đó đánh giá và tổng kết xem làm như thế có đúng không. Tôi xin lấy một ví dụ về thể thao – ông Alex Ferguson đã là huấn luyện viên đội bóng Manchester United trong thời gian gần 20 năm.

Vấn đề là sao ở nước ta có một vị bộ trưởng giáo dục như kiểu ông Ferguson, người phải chịu trách nhiệm về việc mình làm. Thế nhưng ở nước chúng ta đã từng trong một nhiệm kỳ có đến ba bộ trưởng giáo dục. Cái đó không tốt và là một sự phá hoại. Và nếu cái nền giáo dục vẫn còn hoạt động được thế này, thì công lao chính ở đó là do những người giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền tự quản địa phương mà thôi.

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-09-09 18:42:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook