2018-01-18 13:55:41

Thiếu niên người Việt ở Ba Lan

     Đón Năm mới, bạn bè tụ tập nhau, ế một mâm cỗ “Trẻ con”. Mấy anh chị đều “than” năm ngoái chúng theo bố mẹ, tập trung một mâm đông vui, năm nay còn 2 bé nhà Ngân Khải thôi. Chắc sang năm thì hết. Mấy cánh “già” đón Tết với nhau! 
Anh Bình bảo, con lớn năm nay đi với bạn bè, con bé 13 tuổi, hỏi bố: 
- Có bắt buộc phải đi không? Bố khuyên “nên đi”! 
- Nên nghĩa là không bắt buộc! Vậy ở nhà một mình chơi điện tử cho sướng! Đi với bố mẹ chán lắm, gặp người lớn cứ phải “chào! Chào! Chào”!... Ăn thì toàn thịt gà luộc với những món nấu dở hơi. Được mỗi Nem rán còn thích... Cứ cho bọn trẻ món Cánh gà rán, Khoai tây rán, bánh Piza, uống Cocacola... có phải thích không!...

Có anh chị bảo ngày xưa, bố mẹ nói gì mình cũng nghe, nói trái cũng phải nghe, không được cãi. Bây giờ cái gì nó cũng cãi! Nó còn phê cả mình sai!
Hôm nọ ăn ở nhà Xuân – Phương, một anh cũng than: Hai đứa trẻ nhà cháu một đứa 12, một đứa 16 tuổi, khó dạy lắm ông ạ. Cứ đi học về, nó vào phòng riêng; ăn xong lại về phòng riêng, không muốn nói chuyện với bố mẹ; nó làm gì, nghĩ gì là trao đổi online với bạn bè nó, chứ chả như hồi Tiểu học, về nhà, cái gì cũng kể với bố mẹ... Vào phòng nó thì phải gõ cửa, không nó mắng mình bất lịch sự. Phòng nó thì bừa bộn không chịu được; bảo nó, nó bảo đây là không gian riêng của nó, không ảnh hưởng gì đến bố mẹ...

Hôm trước ông Hùng (Thanh Hóa) còn kể chuyện, có anh Việt Nam mình đánh con; nó đến báo cáo cô giáo. Cô giáo báo cho CA. Người ta điều tra, quyết định cảnh cáo ông bố và đưa cậu bé đến nhà trẻ mồ côi. May là, ở được ít lâu, cậu bé nhớ bố mẹ, nhớ em, ăn không bằng ở nhà, nên cậu ta lại trốn về!...

Tóm lại, xem ra rất “tình hình”:

1. Nền giáo dục Ba Lan (và châu Âu nói chung) là nền giáo dục tôn trọng con người, tôn trọng sự phát triển nhân cách, cá tính trẻ em; xã hội đều hiểu và tôn trọng Luật về QUYỀN của trẻ em. Trẻ em được tư do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do làm những gì không ảnh hưởng xấu đến người khác, đến môi trường sống. Trẻ em được khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, việc làm độc đáo... Tối qua thấy 2 bé nhà anh chị Ngân - Khải đều vẽ, viết tay trái. Hỏi ở trường, có được viết tay trái không? Chúng bảo có chứ... Như vậy là bán cầu não phải của các cháu ưu trội; tay trái được tự do khuyến khích hoạt động sẽ càng phát huy giá trị của bán cầu não phải, phát triển năng lực nghệ thuật, khả năng sáng tạo, công tác xã hội... “Nhập gia tùy tục”, bố mẹ phải hội nhập vào nền văn hóa sở tại, thích ứng với việc giáo dục con cái ở đây, không thể đem kiểu giáo dục “made in Việt Nam” áp đặt cho các cháu được!

2. Muốn giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho con em ta thì phải hết sức quan tâm giáo dục từ bé cho đến hết tuổi Tiểu học. Nhưng phải hiểu cái gì là “GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP”? Trước hết phải dạy chúng tiếng Việt, thấy cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, thuộc ít câu ca dao, dân ca hay, ít câu Kiều tuyệt tác...; giáo dục trẻ tình cảm trách nhiệm gia đình, yêu kính Tổ thiên qua hành vi thờ cúng mang ý nghĩa tâm linh; giáo dục tình cảm cộng đồng qua các sinh hoạt cộng đồng, quan hệ bạn bè ...; dạy chúng biết làm và thưởng thức vài món ăn đặc sắc Việt, như: Nem rán, Canh chua, bún chả, bún cá, nem cuốn, nấu chè... Cho chúng tham gia vào các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật trong sinh hoạt của cộng đồng... Đến tuổi Thiếu niên thì chỉ khuyến khích chúng tự do khám phá văn hóa Việt, chắc là chúng thích ít, chê nhiều! Không sao, chỉ cần một chút “vốn tốt”, khi trưởng thành có thể sẽ nảy nở sum suê... (“Vốn xấu” thì có khi mất sạch!).

3. Cha mẹ cần lên mạng, tìm đọc về “Đặc điểm lứa tuổi Thiếu niên” (hay Vị thành niên) để hiểu những biến đổi sinh lý (như hiện tượng dậy thì, con gái có kinh nguyệt, con trai xuất tinh lần đầu...); đặc biệt là biến đổi, phát triển tâm lý và các quan hệ xã hội gây nên những :khủng hoảng” ở tuổi này. (Tôi đã trình bày trong buổi đầu nói chuyện với bà con ở nhà văn hóa Raszyn). Ta biết lựa theo sự phát triển của Thiếu niên, giúp các em tự trải nghiệm, tự đánh giá, phát triển tự ý thức, tự chủ hành vi bản thân...Qua giai đọa khủng hoảng, đến 18 – 20 các em sẽ trưởng thành, lại có thể trò chuyện bình đẳng, thân mật với cha mẹ, nếu đó là những câu chuyên bổ ích về nghề nghiệp tương lai, tình bạn, tình yêu và cuộc sống; về các xu hướng xã hội, chính trị và trách nhiệm của một công dân đối với xã hội, với toàn cầu; về so sánh các giá trị để biết gìn giữ cái gì đẹp và lĩnh hội cái gì mới, hiện đại để hoàn thiện bản thân ...

Đầu năm mới 2018 trót viết dài dòng, mong cảm thông. Chúc các cháu được tự do phát triển lành mạnh để trưởng thành là một công dân toàn cầu, vẫn mang những giá trị tinh túy của tâm hồn Việt! Chúc các gia đình người Việt Hạnh phúc, hội nhập thành công nơi xứ người!

Warszawa, 01/2018

Mạc Văn Trang

Sửa lần cuối 2018-01-18 12:31:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook